10 điều cần biết về bệnh ghẻ vảy: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và dự phòng

Ghẻ vảy là một loại ghẻ nặng. Những người bị ghẻ vảy có một lượng lớn cái ghẻ và trứng trong lớp sừng của da. Ghẻ vảy còn được gọi với cái tên khác là ghẻ Na Uy.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu bệnh ghẻ vảy là gì, nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị cũng như thời điểm nên đi khám bác sĩ.

Bệnh ghẻ vảy là gì?

Bệnh ghẻ vảy là một bệnh truyền nhiễm nặng của cá ghẻ và trứng ghẻ trên da. Cái ghẻ Sarcoptes scabiei var hominis, là một loại cái ghẻ cực nhỏ còn được gọi là mạt ngứa ở người.

Cái ghẻ chỉ có khả năng sinh sản trên da người. Cái ghẻ sinh sống bằng cách đào sâu vào lớp da trên cùng và đẻ trứng.

So sánh với bệnh ghẻ thông thường

Hầu hết những người bị bệnh ghẻ thông thường thường bị nhiễm khoảng 10-20 cái ghẻ. Những người bị ghẻ vảy có thể có tới 4.000 cái ghẻ trên một gam da hoặc nhiễm hơn 1 triệu cái ghẻ.

Những người bị ghẻ vảy cũng có thể gặp các triệu chứng khác so với những người bị ghẻ thông thường. Những người bị ghẻ vảy có thể không bị ngứa hoặc phát ban như những người bị ghẻ thông thường.

Bệnh ghẻ rất dễ lây lan, và bệnh ghẻ vảy đặc biệt dễ lây lan vì nó có thể lây nhiễm với số lượng cái ghẻ rất lớn. Lớp da bị đóng vảy có thể bị bong ra cùng với cái ghẻ. Việc này cho phép cái ghẻ sống đến hàng tuần với thức ăn và sự bảo vệ của lớp vảy da mà không cần sống trực tiếp trên da người.

Nguyên nhân gây nên bệnh ghẻ vảy

*Nguồn: nnorozoff/Getty ImagesCon ghẻ dưới kính hiển vi

Tất cả mọi người đều có thể nhiễm ghẻ khi tiếp xúc với người bị ghẻ. Bệnh ghẻ vảy có thể lây truyền qua tiếp xúc da với da, cũng như qua quần áo, giường ngủ hoặc đồ đạc.

Hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến một người phát triển bệnh ghẻ vảy hơn là các dạng ghẻ thông thường khác. Có thể có mối liên hệ giữa bệnh ghẻ vảy và nồng độ tế bào bạch cầu, cùng với các kháng thể IgE và IgG trong máu cao.

Hai loại tế bào bạch cầu, được gọi là tế bào lympho và bạch cầu ái toan, xâm nhập vào lớp trung bì của da. Một người cũng có thể có số lượng tế bào lympho cao hơn bình thường.

Ai dễ có khả năng bị bệnh ghẻ vảy nhất?

Một số người có nguy cơ mắc bệnh ghẻ vảy cao hơn . Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:

  • Người già
  • Người sa sút trí tuệ
  • Hội chứng Down
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu
  • HIV
  • Người bị bệnh hủi (bệnh phong)
  • U tế bào lympho
  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
  • Sử dụng corticosteroid kéo dài hoặc thuốc ức chế miễn dịch

Những người sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội nhìn chung có thể có nguy cơ mắc bệnh ghẻ cao hơn.

Bệnh ghẻ rất hay gặp ở các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc như nhà trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội.... Điều này là do việc tiếp xúc da kề da thường xuyên giữa nhân viên chăm sóc và những người dân, đây có thể là yếu tố nguy cơ khiến bệnh ghẻ lây lan nhanh chóng.

Các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của bệnh ghẻ vảy

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh ghẻ vảy gồm có các mảng đỏ trên da không có mép rõ ràng. Các mảng da này về sau phát triển thành những mảng vảy dày.

Các khu vực phổ biến mà bệnh ghẻ vảy có thể xuất hiện trên cơ thể là:

  • Giữa các ngón tay
  • Bên dưới móng tay, hoặc xung quanh viền móng tay, có thể làm móng tay bị tách ra
  • Lan ra lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Khuỷu tay
  • Đầu gối

Người bệnh có thể không bị ngứa hoặc phát ban như bệnh ghẻ thông thường. Họ có thể bị ngứa nhẹ, nhưng điều này không phải lúc nào cũng xuất hiện ở bệnh ghẻ vảy.

Điều trị bệnh ghẻ vảy

Người bệnh cần được điều trị ghẻ vảy nhanh chóng để ngăn ngừa sự lây lan sang người khác. Có thể điều trị ghẻ vảy bằng thuốc uống hoặc thuốc bôi hoặc kết hợp cả hai. Những loại thuốc đó bao gồm thuốc Ivermectin đường uống, thuốc điều trị nhiễm ký sinh trùng và thuốc sát trùng hoặc thuốc diệt ghẻ tại chỗ như Permethrin, benzyl benzoate hoặc Crotamiton.

Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại kem tiêu sừng, có tác dụng phá vỡ cấu trúc protein của chất sừng. Những chất này giúp làm mềm các mảng da dày và đóng vảy. Người bệnh có thể sử dụng 5-10% axit salicylic trong kem sorbolene hoặc 5% axit lactic và 10% urê trong kem sorbolene.

Người bệnh cần phải loại bỏ các mảng da có vảy trước khi bôi thuốc sát trùng để thuốc có thể ngấm sâu vào da hơn.  

Thời gian điều trị có thể kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn cho đến khi tiêu diệt hết nguồn lây. Người bệnh cũng có thể cần điều trị thêm nếu họ vẫn có dấu hiệu nhiễm trùng ghẻ sau một tháng điều trị.

Các thành viên trong gia đình, hoặc những người tiếp xúc gần với những người bị bệnh ghẻ vảy, cũng sẽ cần được điều trị bằng thuốc diệt ghẻ tại chỗ.

Các biến chứng của bệnh ghẻ vảy

Trong một số trường hợp, bệnh ghẻ vảy có thể gây ra các biến chứng. Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm:

  • Sự lây nhiễm của cái ghẻ giữa những người tiếp xúc gần gũi
  • Nhiễm trùng thứ cấp
  • Sự tái phát của bệnh ghẻ
  • Nguy cơ nhiễm trùng huyết ở người già

Chẩn đoán bệnh ghẻ vảy

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh ghẻ vảy. Bác sĩ sẽ kiểm tra da bằng kính hiển vi để kiểm tra hang, cái ghẻ và trứng của chúng.

Các bác sĩ cũng có thể sử dụng một kỹ thuật gọi là kính hiển vi đồng tiêu (reflectance confocal microscopy - RCM). RCM là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn để kiểm tra lớp thượng bì và hạ bì của da.

Trẻ sơ sinh và những người đang mang thai có thể cần sinh thiết để chẩn đoán xác định và cần được điều trị.

Quan điểm

Bệnh ghẻ vảy là một tình trạng bệnh lý về da có thể điều trị được. Điều quan trọng là phải điều trị liên tục cho đến khi không còn dấu hiệu nhiễm trùng để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Những người sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, có thể có nguy cơ tái phát cao hơn . Giáo dục về bệnh ghẻ vảy và tái khám thường xuyên là rất quan trọng để giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

Nguy cơ nhiễm trùng huyết, có thể đe dọa đến tính mạng của người già mắc bệnh ghẻ vảy cao hơn so với những người mắc bệnh ghẻ thông thường.

Liên hệ với bác sĩ

Người bệnh cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu họ bị ghẻ vảy. Các bác sĩ chuyên điều trị các bệnh lý về da, chẳng hạn như bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ truyền nhiễm sẽ điều trị và theo dõi những người bị bệnh ghẻ vảy cũng như bất kỳ người nào tiếp xúc gần với họ.

Người mắc ghẻ vảy có thể phải điều trị tại bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sóc khác. Họ cần được ở trong phòng riêng để tránh lây bệnh ghẻ cho người khác.

Kết luận

Ghẻ vảy là một loại ghẻ nặng. Những người bị ghẻ vảy có số lượng cái ghẻ và trứng ghẻ trên da lớn hơn nhiều so với những người bị ghẻ thông thường.

Bệnh ghẻ vảy rất dễ lây lan. Nó có thể lây lan khi tiếp xúc da kề da, cũng như qua quần áo, giường ngủ hoặc đồ đạc của người nhiễm ghẻ vảy.

Bệnh ghẻ vảy thường không gây phát ban hoặc ngứa, nhưng có thể gây ra các mảng đỏ và vảy cứng trên da. Các mảng vảy cứng thường xuất hiện xung quanh bàn tay, ngón tay, đầu gối, khuỷu tay và lòng bàn chân.

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để điều trị dứt điểm bệnh ghẻ vảy. Họ có thể được điều trị bằng thuốc uống và thuốc bôi. Cả hai phương pháp đều là những phương pháp điều trị hữu hiệu cho bệnh ghẻ vảy. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!