Bệnh ghẻ có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và mất ngủ vì cảm giác ngứa thường tăng lên vào ban đêm. Tuy nhiên, bệnh ghẻ thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh ghẻ sẽ không kéo dài quá lâu.
Bệnh ghẻ xảy ra trên toàn thế giới và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, xuất thân và các yếu tố cá nhân khác. Chế độ vệ sinh cá nhân của một cá nhân không ảnh hưởng đến việc họ có bị ghẻ hay không.
Mặc dù các triệu chứng có thể xuất hiện trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng các triệu chứng thường gặp nhất là ở các phần da có nếp gấp như cổ tay, khuỷu tay, nách, mông, thắt lưng, núm vú, dương vật, và kẽ ngón tay.
Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, các vị trí phát ban do ghẻ phổ biến bao gồm lòng bàn chân, lòng bàn tay, đầu, mặt và cổ.
Việc gãi hay chà xát vào phần da phát ban đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng. Những người có hệ thống miễn dịch kém có thể nhiễm một số bệnh ghẻ nghiêm trọng hơn như ghẻ vảy hoặc ghẻ Na Uy. Các thể bệnh này thường gây nên các triệu chứng nghiêm trọng hơn và dễ lây lan sang người khác hơn rất nhiều.
Nguyên nhân gây nên bệnh ghẻ
Cái ghẻ - một loại ký sinh trùng cực nhỏ là nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ. Được biết đến với cái tên Sarcoptes scabiei var. hominis, loại ký sinh trùng này xâm nhập vào da, đào hang trong đó và đẻ trứng. Khoảng 10 ngày sau khi trứng nở, cái ghẻ con sẽ trở thành cái ghẻ trưởng thành.
Khi cái ghẻ di chuyển qua da, chúng tạo ra các đường hầm hoặc hang mà đôi khi chúng ta có thể nhìn thấy trên bề mặt da. Những đường hang này thường là những đường gồ lên trên da, có thể có màu giống màu da hoặc màu trắng xám.
Cảm giác ngứa dữ dội là đặc điểm chính của bệnh ghẻ xảy ra do phản ứng của cơ thể đối với sự xâm nhập của cái ghẻ.
Bệnh ghẻ lây lan như thế nào
Bệnh ghẻ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp da kề da kéo dài với người bị ghẻ. Ở người lớn, việc lây truyền bệnh ghẻ thường xảy ra qua đường tình dục.
Khi một người bị ghẻ, thường chỉ có khoảng 10-15 cái ghẻ sống trên cơ thể của họ, điều này làm cho khả năng lây lan qua tiếp xúc thông thường ít hơn. Vì vậy, một cái bắt tay hoặc cái ôm thường sẽ không dễ dàng khiến cái ghẻ phát tán.
Ghẻ có thể dễ dàng phát tán hơn ở những nơi đông đúc, gần gũi, chẳng hạn như trung tâm chăm sóc trẻ em, viện dưỡng lão và nhà tù.
Một người cũng có thể bị ghẻ gián tiếp khi dùng chung khăn tắm, ga trải giường, chăn, gối hoặc quần áo với người mắc bệnh.
Vật nuôi và động vật hoang dã không thể lây bệnh ghẻ cho người. Chúng có thể bị bệnh ghẻ, do một loại ghẻ khác và có thể khiến người tiếp xúc với nó bị ngứa trong vài ngày, nhưng nó không giống như bệnh ghẻ của người.
Biện pháp phòng ngừa bệnh ghẻ
Vì cái ghẻ lây lan chủ yếu qua việc da của chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây kéo dài, cách duy nhất để một người đảm bảo chúng ta không mắc bệnh ghẻ là tránh xa các nguồn lây.
Một khi cái ghẻ đã xâm nhập vào một hộ gia đình, cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan là điều trị cho tất cả những người sống trong gia đình đó và khử trùng thật kỹ. Chúng ta cần giặt và sấy khô tất cả các vật dụng cá nhân ở nhiệt độ cao nhất có thể, hút bụi thật kỹ các tấm thảm và đồ đạc trong những phòng mà người bị ghẻ đã ở.
Nếu không thể rửa, giặt khô hoặc khử trùng một vật dụng chúng ta nên buộc chặt nó vào trong túi ni lông là thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng các vật dụng đó không làm phát tán nguồn lây.
Việc hun khói hay khử trùng toàn bộ không gian người bị ghẻ từng sống là điều không thực sự cần thiết. Điều quan trọng là các cá nhân cùng chung sống đều phải được điều trị, làm sạch và hạn chế tối đa việc dùng chung các dụng cụ có thể làm phát tán nguồn lây.
Cái ghẻ có thể tồn tại được bao lâu
Mọi người có thể nhiễm kí sinh trùng ghẻ trong khoảng 4-8 tuần trước khi xuất hiện các triệu chứng. Cái ghẻ có thể sống trên cơ thể người trong khoảng 1-2 tháng.
Tuy nhiên, cái ghẻ không thể tồn tại lâu hơn 3 ngày mà không có vật chủ là con người, và đây cũng là thời gian trứng của chúng chết đi.
Nhiệt độ 122 ° F (50 ° C) có thể tiêu diệt cái ghẻ sau 10 phút.
Phương pháp điều trị bệnh ghẻ
Điều trị ghẻ cần các thuốc được kê theo đơn. Thuốc không kê đơn (Over-the-counter - OTC) không có hiệu quả đối với bệnh ghẻ.
Điều quan trọng nhất là làm theo các hướng dẫn đi kèm với thuốc trị ghẻ. Nói chung, người lớn cần bôi thuốc, sử dụng kem bôi da hoặc dung dịch dưỡng ẩm khắp cơ thể từ cổ trở xuống, đặc biệt chú ý đến bàn chân, ngón chân, bàn tay và ngón tay. Cần lưu ý là phải bôi thuốc vào đầu và cổ khi điều trị ghẻ cho trẻ sơ sinh và trẻ em.
Người bệnh cần cần để thuốc trên da trong thời gian như đúng như hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Đôi khi, bạn có thể bôi nó qua đêm rồi rửa sạch vào sáng hôm sau, sau đó mặc quần áo sạch.
Nếu một người trong gia đình bị ghẻ, tất cả mọi người trong gia đình nên đi khám và điều trị. Bạn tình của họ cũng cần được thông báo về tình trạng này để được điều trị.
Tất cả quần áo, đệm ngồi, khăn tắm, chăn và ga trải giường trong gia đình đều phải giặt sạch bằng nước nóng. Vì cái ghẻ không thể sống sót khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, vì vậy mọi người nên rửa các vật dụng bằng nước nóng và có thể làm khô chúng theo chu kỳ nóng hoặc giặt khô.
Đối với hầu hết mọi người, phát ban và ngứa sẽ hết sau 2-4 tuần điều trị, tuy nhiên một vài trường hợp có thể cần thêm 1 đợt điều trị nữa.
Một số người có thể cần điều trị bổ sung để kiểm soát các triệu chứng như ngứa, sưng, đổi màu và nhiễm trùng da do bệnh ghẻ gây nên. Trong những trường hợp đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamine, thuốc gây tê tại chỗ, steroid hoặc thuốc kháng sinh.
Bạn luôn có nguy cơ tái nhiễm ghẻ, vì vậy người nhiễm ghẻ nên theo dõi các triệu chứng như ngứa, phát ban, hang ghẻ trong vòng 2-4 tuần điều trị tiếp theo. Bạn cần tái điều trị ngay nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của ghẻ.
Kết luận
Bệnh ghẻ là một bệnh ngoài da rất dễ lây lan, xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây trong thời gian dài.
Bệnh ghẻ cần được điều trị thuốc theo toa của bác sĩ. Làm sạch cẩn thận và kỹ lưỡng tất cả quần áo, giường chiếu và các đồ vật tiếp xúc nhiều cũng là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan.
Xem thêm: