Video: Mức độ cholesterol có tăng theo tuổi tác
Người ta xác định nồng độ cholesterol thông qua ba chỉ số máu:
- Cholesterol toàn phần
- LDL hoặc “cholesterol xấu”
- HDL hoặc “cholesterol tốt”
Chúng ta cần đảm bảo cân bằng nồng độ các loại cholesterol, tức là giữ cho lượng HDL ở mức cao, và lượng LDL ở mức thấp. Lý do là vì HDL có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề về tim mạch như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ .
Mối liên hệ giữa cholesterol và tuổi
Nồng độ cholesterol thay đổi theo độ tuổi và có xu hướng tăng dần theo tuổi. Do đó bạn nên rèn luyện thói quen sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ để giảm nguy cơ bị tăng cholesterol máu khi về già. Không quản lý tốt cholesterol trong thời gian dài khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Tăng cholesterol máu ít gặp ở trẻ em, nên trước tuổi 18 chỉ cần kiểm tra nồng độ cholesterol khoảng một đến hai lần.
Tuy nhiên, đối với những trẻ có nguy cơ cao, cholesterol nên được theo dõi thường xuyên hơn.
Cholesterol có xu hướng tăng dần theo tuổi và nam giới có nguy cơ cao hơn so với nữ giới. Nguy cơ của nữ giới thường tăng lên khi sau tuổi mãn kinh.
Phân độ rối loạn lipid máu
Nồng độ cholesterol khuyến cáo ở người trưởng thành
Cholesterol toàn phần:
- < 200 (mg/dL): bình thường.
- Từ 200 đến 239 (mg/dL): giới hạn cao.
- >=240 (mg / dL): cao.
LDL
- < 100 (mg/dL): bình thường
- 100–129 (mg/dL) có thể chấp nhận được đối với những người không có vấn đề về sức khỏe nhưng là mối lo ngại đối với bất kỳ ai bị bệnh tim hoặc có yếu tố nguy cơ tim mạch.
- 130—159 (mg/dL): giới hạn cao.
- 160–189 (mg/dL): cao
- >=190 (mg/dL): rất cao.
HDL
- >=60 (mg/dL): bình thường
- Từ 41- 59 (mg/dL): giới hạn dưới
- < 40 (mg/dL): nguy cơ cao đối với bệnh tim
Nồng độ cholesterol khuyến nghị ở trẻ em
Phân độ cholesterol ở trẻ em khác so với người lớn
- Cholesterol toàn phần
- <170 mg / dL: bình thường
- Từ 170 đến 199 mg / dL: cao
- >200 mg/dL: rất cao.
- LDL của trẻ cũng phải thấp hơn của người lớn.
- LDL tối ưu: <110 mg / dL.
- Giới hạn cao: từ 110 đến 129 mg / dL
- Cao: >130 mg / dL.
Lời khuyên
Cách tốt nhất để kiểm soát mức cholesterol cho trẻ em và thanh thiếu niên là sống một lối sống lành mạnh, năng động. Tức là ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Trẻ em ít vận động, thừa cân, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nguy cơ bị tăng cholesterol máu cao hơn. Trẻ em có tiền sử gia đình bị cholesterol cao cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh.
Nói chung, bắt đầu lối sống lành mạnh càng sớm thì càng có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là có lợi cho việc kiểm soát cholesterol máu bởi nồng độ cholesterol tăng dần theo thời gian. Thay đổi thói quen sống thực sự sẽ giúp ích cho bạn, tuy nhiên tuổi càng cao thì tác dụng của biện pháp này càng giảm.
Tất cả người lớn nên vận động và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên. Phụ nữ đã mãn kinh và người lớn có nồng độ cholesterol cao ngoài việc thay đổi chế độ ăn có thể sử dụng thêm thuốc để giảm cholesterol nhanh hơn.
Cholesterol cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Càng lớn tuổi, nguy cơ càng tăng cao, đặc biệt là đối với những người có lối sống kém khoa học, không lành mạnh.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Trẻ em nên kiểm tra nồng độ cholesterol một đến hai lần trước 18 tuổi, nhưng thời điểm kiểm tra là ngoài độ tuổi dậy thì. Nếu trẻ thừa cân, béo phì, mắc bệnh mạn tính nào khác hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim có thể cần kiểm tra nhiều hơn.
Người lớn khỏe mạnh trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol định kỳ 4 đến 6 năm một lần. Và cần đến khám bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp khi có các bất thường sau:
- Kết quả xét nghiệm có cholesterol toàn phần và LDL cao hoặc vượt quá giới hạn
- Bị thừa cân
- Có tiền sử gia đình bị bệnh tim
Các phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp làm giảm cholesterol. Phương pháp tiềm năng, được gợi ý trước tiên là thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và quản lý cân nặng. Một cách khác là sử dụng thuốc để giảm cholesterol máu hoặc giảm sự hấp thu cholesterol.
Với mọi độ tuổi, một chế độ ăn ít chất béo (chất béo no và chất béo chuyển hóa), nhiều chất xơ và protein có tác dụng làm giảm sự tích tụ cholesterol. Chế độ ăn ít chất béo no, ít cholesterol tức là năng lượng cung cấp từ chất béo nhỏ hơn 7% và lượng cholesterol ít hơn 200mg một ngày. Các loại thực phẩm khuyến khích sử dụng trong chế độ ăn kiêng bao gồm:
- Trái cây
- Rau
- Các loại ngũ cốc
- Các sản phẩm sữa ít chất béo hoặc không chứa chất béo
- Cá
- Thịt gia cầm không có da
- Thịt nạc
Thêm vào đó, chế độ ăn chỉ nên cung cấp vừa đủ năng lượng để duy trì cân nặng mong muốn và tránh tăng cân. Tăng cường ăn chất xơ và thực phẩm có chứa các chất được tổng hợp tự nhiên, chẳng hạn như một số loại bơ thực vật.
Bạn có thể tham khảo một số sách viết về chế độ ăn kiêng giảm cholesterol.
Quản lý cân nặng giúp ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol. Quá trình giảm cân có thể giảm LDL. Giảm cân đặc biệt quan trọng đối với những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao:
- Nồng độ triglycerid cao
- Nồng độ HDL thấp
- Đàn ông thừa cân, béo phì có số đo vòng eo >100 cm
- Phụ nữ thừa cân, béo phì có số đo vòng eo > 90 cm
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vừa giúp kiểm soát cân nặng, vừa làm giảm cholesterol.
Nếu đã thực hiện thay đổi lối sống nhưng không thành công, bác sĩ có thể cân nhắc cho bạn sử dụng một số thuốc điều chỉnh rối loạn cholesterol:
- Statin: ngăn cản sản xuất cholesterol.
- Chất tạo phức với acid mật: giúp giảm hấp thu chất béo từ thức ăn.
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: giảm triglycerid và cholesterol hấp thu từ thức ăn.
- Vitamin B3, niacin: giảm thoái hóa HDL và giảm triglycerid.
- Omega - 3: tăng nồng độ HDL và làm giảm triglycerid.
Kết hợp nhiều phương pháp bao gồm cả thay đổi chế độ ăn và chế độ tập luyện là cách tốt nhất để giảm cholesterol máu. Cuối cùng, hãy kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đến khám bác sĩ để tìm được phương pháp điều trị hiệu quả và phù hợp nhất.
Xem thêm:
- Nguyên nhân tăng cholesterol máu, biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Cholesterol “tốt” là gì và làm thế nào để tăng nồng độ cholesterol “tốt”?
- Những điều cần biết về Cholesterol: vai trò và cách kiểm soát
- Những điều cần biết về LDL- cholesterol “xấu”
- Các loại thực phẩm làm tăng cholesterol máu mà bạn cần hạn chế