6 thực phẩm tốt nhất cho người bị loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là một bệnh khá phổ biến. Phần lớn những người bị loét dạ dày không gặp bất kỳ triệu chứng nào, nhưng một số có thể bị đau, buồn nôn, tiêu chảy hoặc đầy hơi.

Video: Những thực phẩm tốt cho người đau dạ dày

Những nghiên cứu hiện tại về chế độ ăn dành cho người loét dạ dày dựa trên bằng chứng cho thấy nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori đóng một vai trò trong việc hình thành vết loét dạ dày. 

Điều trị loét dạ dày thường cần kết hợp nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ăn một số loại thực phẩm cũng có thể giúp thoát khỏi loét dạ dày hoặc ít nhất là giảm các triệu chứng do chúng gây ra. 

Bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về chế độ ăn tốt nhất cho người bị viêm loét dạ dày, bao gồm những loại thực phẩm nên ăn và nên tránh. 

Người bị loét dạ dày nên ăn gì?

Cũng như dùng bất kỳ loại thuốc theo đơn nào, người bị loét dạ dày có thể thêm các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống 

Probiotics (vi khuẩn có lợi)

Nhiễm H. pylori có thể làm xáo trộn sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột. Bổ sung lợi khuẩn như Lactobacillus, vi khuẩn có tự nhiên trong ruột, có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng. 

Một đánh giá lâm sàng năm 2014 cho thấy việc sử dụng probiotics bổ sung làm tăng hiệu quả điều trị, các tác dụng phụ của việc dùng thuốc cũng giảm đi. 

Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc dùng một số loại men vi sinh có thể giúp giảm các tác dụng phụ liên quan đến điều trị bằng kháng sinh, cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột và giúp việc điều trị có hiệu quả hơn. 

Mọi người có thể dùng probiotics dưới dạng chất bổ sung hoặc tiêu thụ chúng các thực phẩm lên men. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào chế phẩm sinh học bổ sung, không tập trung vào chế độ ăn giàu men vi sinh. 

Thực phẩm lên men

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột. Đó có thể là chế độ ăn uống không lành mạnh, một số bệnh hoặc thuốc. 

Thực phẩm lên men là nguồn cung cấp nhiều vi sinh vật, chẳng hạn như vi khuẩn, nấm men và nấm. Ăn thực phẩm có chứa những vi sinh vật này có thể  giúp khôi phục sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột. 

Thực phẩm lên men có thể giúp khôi phục sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột. Nguồn ảnh: pinterest.com Thực phẩm lên men có thể giúp khôi phục sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột. Nguồn ảnh: pinterest.com Một số thực phẩm lên men bao gồm:

  • Súp miso
  • Dưa cải bắp
  • Kim chi
  • Nấm kefir
  • Tempeh (tương nén, xuất xứ từ Indonesia) 

Bông cải xanh

Bông cải xanh và mầm bông cải xanh có chứa sulforaphane, là một hợp chất thực vật có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn H. pylori. 

Trong một nghiên cứu năm 2017 về những người bị nhiễm H. pylori, ăn 70 gam mầm bông cải xanh mỗi ngày giúp giảm viêm dạ dày và giảm đáng kể các dấu hiệu nhiễm trùng so với mức bình thường. 

Sulforaphane cũng có trong các loại rau họ cải khác, chẳng hạn như súp lơ, bắp cải và cải xoăn. Để tối ưu hóa việc hấp thụ dưỡng chất này, tốt nhất nên ăn rau sống hoặc hấp chín trong tối đa 3 phút. 

Quả mọng

Trái cây mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó mọng đặc biệt hữu ích trong việc giảm nhiễm trùng H. pylori. 

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đây đã cho thấy chiết xuất từ một số loại quả mọng khác nhau đã ức chế sự phát triển của H. pylori trong thạch nuôi cấy. 

Cũng có một số bằng chứng chỉ ra rằng nước ép nam việt quất có thể hữu ích trong việc điều trị nhiễm H. pylori. 

Mặc dù đây là những kết quả đầy hứa hẹn, nhưng tác dụng của việc ăn quả mọng đối với bệnh viêm loét dạ dày vẫn cần được nghiên cứu thêm. 

Các loại quả mọng sau đây có thể hữu ích để đưa vào chế độ ăn giúp cải thiện bệnh loét dạ dày:

  • Quả mâm xôi
  • Dâu tây
  • Nam việt quất
  • Quả cơm cháy
  • Quả việt quất
  • Quả việt quất đen 

Mật ong

Từ xa xưa, con người đã sử dụng mật ong như một nguyên liệu chế biến món ăn và thuốc chữa bệnh. Nó có khả năng kháng khuẩn tự nhiên, và một số loại như mật ong manuka và mật ong cây sồi đặc biệt có hiệu quả. 

Trong một nghiên cứu vào năm 2015, 150 người mắc chứng khó tiêu đã thêm mật ong vào chế độ ăn ít nhất một lần mỗi tuần. Kết quả là việc tiêu thụ mật ong có liên quan đến việc giảm thiểu sự nhiễm vi khuẩn H. pylori. 

Dầu ô liu

Dầu ô liu được chứng minh là làm ức chế sự phát triển của H. pylori ở các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhưng nó không có hiệu quả ở những nghiên cứu trên người. 

Trong một nghiên cứu từ năm 2012, những người bị nhiễm H. pylori đã dùng nhiều liều lượng dầu ô liu khác nhau mỗi ngày trong vòng 14 ngày. Các kết quả thu được là khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu kết luận rằng dầu ô liu có thể có hiệu quả tương đối trong việc điều trị nhiễm H. pylori. 

Dùng dầu ô liu để nấu ăn hoặc làm nước xốt và nước chấm salad có thể đem đến một số lợi ích cho những người bị loét dạ dày. 

Những thực phẩm cần tránh

Loét dạ dày có liên quan đến sự tích tụ axit trong ruột. Một số loại thực phẩm và đồ uống làm tăng sản xuất axit có thể khiến cho bệnh viêm loét dạ dày dễ xảy ra hơn. 

Do đó, tốt nhất bạn nên tránh những thứ sau: 

Rượu

Uống đồ uống có cồn như bia, rượu vang và rượu có thể gây kích ứng và viêm niêm mạc dạ dày. Sử dụng rượu quá mức có liên quan đến việc gặp phải các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày.

Đồ chiên rán

Thực phẩm được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét dạ dày và làm đảo lộn lớp bảo vệ tự nhiên của đường tiêu hóa. 

Chúng cũng có thể chứa nhiều mỡ và muối. Và nếu được nấu ở các quán ăn, chúng có thể được chiên trong dầu đã dùng nhiều lần. 

Thực phẩm chiên bao gồm khoai tây chiên, hành tây chiên, gà rán và bánh rán. 

Thực phẩm có tính axit

Một số thực phẩm có tính axit tự nhiên, mặc dù chúng cũng mang đến lợi ích cho sức khỏe nhưng tốt nhất người bị loét dạ dày nên tránh chúng. Ngoài ra, một số loại thực phẩm lại chứa nhiều chất tạo axit, có nghĩa là chúng góp phần tạo ra môi trường axit trong cơ thể. 

Người bị loét dạ dày cần tránh những thực phẩm được làm từ carbohydrate tinh chế. Nguồn ảnh: draxe.comNgười bị loét dạ dày cần tránh những thực phẩm được làm từ carbohydrate tinh chế. Nguồn ảnh: draxe.comNgười bị loét dạ dày cần tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm sau:

  • Cà chua
  • Trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như chanh, cam và bưởi
  • Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo trắng và ngũ cốc đã qua chế biến
  • Nước ngọt 

Thực phẩm chế biến cầu kỳ

Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo, muối và đường có thể giúp làm giảm các triệu chứng ở những người bị loét dạ dày. 

Những người bị viêm loét dạ dày thường có chế độ ăn ít chất xơ và chất chống oxy hóa. Sử dụng thực phẩm giàu chất xơ, chưa qua chế biến giúp tiêu hóa một cách từ từ và giảm nồng độ axit mật, có thể làm giảm các triệu chứng như đầy hơi và đau bụng. 

Kết luận

Có bằng chứng cho thấy rằng một số chế độ ăn uống nhất định có thể giúp ngăn ngừa và điều trị loét dạ dày. 

Tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng là điều cần thiết đối với những người bị viêm loét dạ dày. Thực hiện một số thay đổi trong ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng, khiến cơ thể khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ phát triển vết loét. 

Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm loét dạ dày là duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!