Video: Chế độ ăn cho người viêm loét dạ dày
Các triệu chứng như dạ dày đau âm ỉ, buồn nôn, tiêu chảy, sụt cân, ợ hơi, trào ngược axit, dễ no và luôn cảm thấy đói nhưng không có cảm giác thèm ăn, có thể là dấu hiệu của bệnh loét dạ dày (hay còn gọi là loét dạ dày tá tràng).
Loét dạ dày không trực tiếp gây nên bởi thức ăn cay (hay bất kỳ loại thức ăn nào), nó là do vi khuẩn gây ra, hoặc do lạm dụng thuốc giảm đau NSAID, hay sử dụng thường xuyên các loại thuốc khác như steroid hoặc các thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin. Thức ăn cay chỉ có thể làm biểu hiện các triệu chứng.
Nếu không được điều trị, loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến đau mạn tính, viêm và thậm chí là ung thư dạ dày.
Có một số cách mà bạn có thể làm để cải thiện loét dạ dày.
Vậy thức ăn có ý nghĩa như thế nào với bệnh loét dạ dày?
Cùng tìm hiểu về Helicobacter pylori (H. pylori), loại vi khuẩn được biết đến là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra loét dạ dày.
Loét dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày suy yếu, tạo điều kiện cho axit dạ dày thấm vào và gây nên cảm giác nóng rát. Vị trí đau thường ở phần giữa của dạ dày và ngực.
Ngoài ra, thức ăn mặn và nhiều chất béo cũng có thể làm ảnh hưởng đến các tế bào trong dạ dày của bạn, làm tăng khả năng nhiễm vi khuẩn H. pylori.
Mặc dù chế độ ăn uống không gây ra loét dạ dày, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại thực phẩm có thể giúp cơ thể bạn chống lại vi khuẩn H. pylori.
Những thực phẩm kháng khuẩn để điều trị và ngăn ngừa loét dạ dày
Cách phòng ngừa H. pylori tốt nhất là sử dụng trái cây, rau củ và probiotics. Chúng giúp bảo vệ đường ruột của bạn, chống lại vi khuẩn, tăng cường hệ thống miễn dịch và nhiều lợi ích khác.
Thêm những thực phẩm này vào danh mục mua sắm của bạn:
- Trái cây (đặc biệt là quả mọng)
- Các loại ngũ cốc
- Súp lơ trắng
- Bắp cải
- Rau cần tây
- Ớt chuông
- Cà rốt
- Bông cải xanh
- Mật ong
- Tỏi
- Trà xanh khử caffein
- Rau sống
- Thực phẩm chứa probiotics, chẳng hạn như sữa chua hoặc kim chi
Vậy những thực phẩm này hoạt động như thế nào?
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như anh đào, quả việt quất, cải xoăn và rau bina giúp tăng cường hệ miễn dịch để chống lại nhiễm trùng và thậm chí giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày.
Ngoài ra, bông cải xanh mang đến nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sulforaphane, một hợp chất được tìm thấy trong bông cải xanh có tác dụng ngăn ngừa tác hại của H. pylori.
Thực phẩm chứa probiotic (lợi khuẩn) có thể phức tạp hơn một chút để đưa vào chế độ ăn uống của bạn, nhưng chúng rất đáng để thử. Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng việc sử dụng nhiều thực phẩm như súp miso, dưa cải bắp và kim chi giúp ức chế sự phát triển vi khuẩn H. pylori.
Còn thực phẩm bổ sung thì sao?
Nếu bạn hiện đang dùng thuốc kháng sinh để điều trị loét dạ dày, bạn có thể bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể. Probiotics sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc kháng sinh đồng thời làm tăng hiệu quả của chúng. Bác sĩ có thể giúp bạn quyết định loại probiotics phù hợp nhất với kế hoạch điều trị của bạn.
Các chất bổ sung giúp chống vi khuẩn H. pylori khác mà bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ bao gồm:
- Deglycyrrhizinated licorice (DGL – chiết xuất từ cam thảo)
- Tinh chất curcumin
Có loại thực phẩm nào mà tôi nên tránh không?
Câu trả lời là có. Một số người bị loét dạ dày cũng bị trào ngược axit. Một số loại thực phẩm khiến phần dưới của thực quản, được gọi là cơ vòng thực quản dưới bị giãn. Khi điều này xảy ra, axit có thể trào lên thực quản và gây ra chứng khó tiêu và ợ chua.
Một số loại thực phẩm được biết đến là có thể gây ra điều này bao gồm:
- Thực phẩm cay
- Rượu
- Sô cô la
- Cafein
- Thực phẩm có tính axit như cam quýt và cà chua
Ngoài ra, ăn quá nhiều hoặc ăn trong vòng 2-3 giờ trước khi đi ngủ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược axit. Nếu đang gặp tình trạng này, bạn nên tránh việc ăn quá khuya.
6 bước để có một đường ruột khỏe mạnh hơn
Rất may, bạn có thể làm rất nhiều cách để giảm loét dạ dày và viêm dạ dày.
Dưới đây là một số cách để bắt đầu:
- Bổ sung những thực phẩm lành mạnh ở trên. Bông cải xanh và quả mọng sẽ là những món ăn yêu thích mới của bạn.
- Uống vitamin và chất bổ sung, chẳng hạn như omega-3 và men vi sinh.
- Hạn chế căng thẳng. Cảm xúc căng thẳng có liên quan đến việc gia tăng các đợt bùng phát viêm. Ngoài ra, ngủ nhiều hơn cũng giúp kiểm soát căng thẳng.
- Bỏ hút thuốc. Đừng bao giờ hút thuốc. Nó có thể dẫn đến viêm dạ dày và nhiều ảnh hưởng xấu khác.
- Ăn năm hoặc sáu bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn một ngày. Các bữa ăn nhỏ hơn sẽ đẩy nhanh quá trình chữa bệnh bằng cách giảm lượng axit trong dạ dày.
- Uống nước và hạn chế hoặc tránh rượu. Rượu làm tăng tình trạng viêm nhiễm ở dạ dày.
Các cách khác để điều trị loét
Thuốc kháng sinh được kê đơn trong khoảng 2 tuần để điều trị H. pylori. Ngoài ra, bác sĩ rất có thể sẽ kê đơn thuốc ức chế bơm proton (PPI) như Prilosec, Nexium hoặc Prevacid để hạn chế tiết axit dạ dày.
Thuốc chẹn histamine (H2) như Pepcid, Zantac và Tagamet cũng có thể làm giảm sản xuất và hấp thụ axit dạ dày.
Nếu bạn đang hồi phục sau khi bị loét và đang cố gắng chữa lành dạ dày của mình, kết thúc một ngày với trà rễ marshmallow thực sự có thể giúp làm dịu lớp niêm mạc tiêu hóa (cả thực quản và dạ dày). Chỉ cần đảm bảo ngâm nó trong nước ở nhiệt độ phòng trong vài giờ, thay vì nước nóng trong vài phút như bình thường. Từ kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi biết cách này hiệu quả hơn nhiều!
Và, nếu can đảm, bạn có thể thử nước ép bắp cải - chỉ cần nhớ dùng bắp cải xanh. Nó đã được chứng minh là rất hiệu quả và một số người nhìn thấy kết quả chỉ trong vòng vài ngày. Bạn có thể thử phương pháp này, mặc dù có thể nó khá khó uống.
Xem thêm:
- 10 cách đơn giản làm giảm viêm loét dạ dày tại nhà
- Những lưu ý về chế độ ăn cho người bị viêm dạ dày
- Viêm loét dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Chế độ ăn dành cho người bị viêm loét dạ dày
- Những điều cần biết về loét dạ dày và loét tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa