Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không bị ung thư. Nhưng một số chủng HPV sinh dục có thể gây ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, nhiều loại ung thư khác như ung thư hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ và hầu họng đều có liên quan đến nhiễm HPV.
HPV thường lây truyền qua đường tình dục qua các tiếp xúc đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn. Các bệnh do một số chủng HPV gây ra như mụn cóc sinh dục hoặc ung thư cổ tử cung có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm vacxin.
Triệu chứng khi nhiễm HPV
Trong hầu hết các trường hợp, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ đánh bại HPV trước khi nó gây ra mụn cóc. Mụn cóc có nhiều hình dạng khác nhau phụ thuộc vào chủng virus HPV gây nên:
Mụn cóc sinh dục (Sùi mào gà). Mụn xuất hiện dưới dạng các tổn thương da bằng phẳng, các vết sưng nhỏ giống súp lơ hoặc các vết lồi lõm giống như mào gà. Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục chủ yếu xuất hiện trên âm hộ nhưng cũng có thể xuất hiện gần hậu môn, trên cổ tử cung hoặc trong âm đạo.
Ở nam giới, mụn cóc sinh dục xuất hiện trên dương vật và bìu hoặc xung quanh hậu môn. Mụn cóc sinh dục hiếm khi gây khó chịu hoặc đau đớn, mặc dù chúng có thể ngứa hoặc cảm thấy u mềm.
Mụn cóc thông thường (mụn cơm). Mụn cóc thông thường xuất hiện dưới dạng những nốt sần sùi, nhấp nhô và thường xuất hiện trên bàn tay và ngón tay. Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc thông thường chỉ đơn giản là mất thẩm mĩ, nhưng chúng cũng có thể gây đau đớn, dễ bị thương hoặc chảy máu.
Mụn cóc phẳng. Mụn phẳng mịn chứ không sần sùi, không có đầu, hơi nhô cao trên da. Mụn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, trẻ em thường mắc ở mặt, nam giới có xu hướng mắc ở vùng râu. Phụ nữ có xu hướng mắc ở chân.
Ung thư cổ tử cung
Gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung đều có nguyên nhân là do nhiễm HPV. Ung thư cổ tử cung có thể có thời gian ủ bệnh lên đến 20 năm hoặc lâu hơn. Nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Tiêm vắc xin HPV là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể khỏi ung thư cổ tử cung.
Bởi vì ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu không gây ra các triệu chứng, vì thể phụ nữ cần phải đi tầm soát thường xuyên để phát hiện bất kỳ thay đổi tiềm tàng nào ở cổ tử cung có thể dẫn đến ung thư. Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên tiếp tục làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần hoặc 5 năm một lần trong trường hợp thực hiện cùng lúc với xét nghiệm DNA HPV. Phụ nữ trên 65 tuổi có thể ngừng làm xét nghiệm nếu họ có 3 xét nghiệm Pap bình thường liên tiếp hoặc 2 xét nghiệm HPV DNA + 2 xét nghiệm Pap bình thường.
Khi nào nên đi khám bác sĩ
Nếu mụn cóc gây ra sự xấu hổ, khó chịu hoặc đau đớn cho bạn hoặc người thân của bạn thì đã đến lúc nên đi khám bác sĩ rồi đó.
Nguyên nhân bị nhiễm HPV
Virus HPV thường xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt, vết xước hoặc vết rách nhỏ trên da. Virus lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc da với da.
Nhiễm HPV sinh dục là bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng đường âm đạo, hậu môn hoặc các tiếp xúc da-da khác ở bộ phận sinh dục. Một số trường hợp nhiễm HPV dẫn đến tổn thương đường miệng hoặc đường hô hấp trên do lây nhiễn qua quan hệ tình dục bằng miệng.
Trong trường hợp người bệnh bị mụn cóc sinh dục do nhiễm HPV đang mang thai thì có thể con của họ cũng bị nhiễm virus này. HPV có thể gây ra sự tăng sinh lành tính trong thanh quản của em bé, tuy nhiên điều này là rất hiếm.
Mụn cóc là bệnh lây truyền. Chúng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp khi bạn chạm vào một vật gì đó đã bị mụn cóc chạm vào trước.
Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm HPV
Lây nhiễm HPV là căn bệnh phổ biến. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Số bạn tình. Bạn càng có nhiều bạn giường, bạn càng có nhiều khả năng bị nhiễm HPV sinh dục. Quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tuổi. Mụn cóc thông thường, chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Mụn cóc sinh dục thường xảy ra ở thanh thiếu niên và thanh niên.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu. Những người suy giảm hệ thống miễn dịch có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn. Suy giảm hệ miễn dịch có thể do HIV / AIDS hoặc do các loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng sau cấy ghép tạng.
- Da bị tổn thương. Những vùng da bị xước hoặc bị hở sẽ dễ bị mụn cóc thông thường hơn so với vùng da lành lặn.
- Tiếp xúc cá nhân. Chạm vào mụn cóc của ai đó hoặc không mặc đồ bảo vệ trước khi tiếp xúc với các bề mặt đã qua tiếp xúc với HPV trước đó - chẳng hạn như vòi hoa sen công cộng hoặc hồ bơi - có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
Các biến chứng của nhiễm HPV
- Tổn thương miệng và đường hô hấp trên. Một số nhiễm trùng HPV gây ra các tổn thương trên lưỡi, amidan, vòm họng hoặc trong thanh quản và mũi.
- Ung thư. Một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung. Những chủng này cũng góp phần gây ra ung thư bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng và đường hô hấp trên.
Phòng ngừa HPV
Mụn cóc thông thường
Rất khó để tránh không bị mắc các chủng HPV gây ra mụn cóc thông thường. Nếu chỉ bị mụn cơm bình thường, bạn có thể ngăn sự lây lan và sự hình thành mụn cơm mới bằng cách không nhổ mụn và không cắn móng tay.
Mụn cóc Plantar
Để giảm nguy cơ lây nhiễm HPV gây ra mụn cóc plantar, hãy đi giày hoặc dép trong các hồ bơi công cộng và phòng thay đồ.
Mụn cóc sinh dục
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc mụn cóc sinh dục và các bệnh sinh dục khác liên quan đến HPV bằng cách:
- Quan hệ tình dục chung một vợ một chồng
- Giảm bớt số bạn tình
- Sử dụng bao cao su, có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HPV
Vắc xin HPV
Có 2 loại vắc-xin HPV đã được Bộ Y tế phê duyệt, gần đây nhất là Gardasil, được chấp thuận sử dụng cho nữ từ 9 đến 26 tuổi để bảo vệ cơ thể chống lại ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nên tiêm vắc xin HPV định kỳ cho trẻ em gái và trẻ trai ở độ tuổi 11 và 12, thậm chí trẻ có thể tiêm khi lên 9 tuổi. Thời điểm lý tưởng nhất để tiêm vắc xin là trước khi nữ và nam giới có quan hệ tình dục và phơi nhiễm với HPV. Nghiên cứu đã chứng minh rằng tiêm vắc-xin từ bé không liên quan đến quan hệ tình dục sớm.
Một khi bạn đã bị nhiễm HPV từ trước, thì việc tiêm vắc-xin có thể sẽ không hiệu quả hoặc hoàn toàn không có tác dụng phòng ngừa. Hơn nữa, phản ứng vắc-xin hiệu quả hơn ở độ tuổi nhỏ so với độ tuổi lớn. Tuy nhiên, nếu được tiêm vắc xin trước khi bị nhiễm HPV thì vacxin có thể ngăn ngừa gần như tuyệt đối bệnh ung thư cổ tử cung.
CDC Hoa Kỳ hiện đang khuyến cáo rằng tất cả trẻ 11 và 12 tuổi nên tiêm hai liều vắc-xin HPV cách nhau ít nhất sáu tháng, thay vì ba liều được trước đây. Thanh thiếu niên từ 9 đến 10 tuổi và thanh thiếu niên từ 13 đến 14 tuổi cũng có thể tiêm chủng theo lịch hai liều mới nhất này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lịch tiêm hai liều có hiệu quả đối với trẻ em dưới 15 tuổi.
Những thanh thiếu niên và người lớn trong độ tuổi muộn hơn tử 15 đến 26 bắt đầu tiêm vắc-xin thì nên tiêm ba liều vắc-xin.
CDC Mỹ hiện đang khuyến nghị tiêm phòng HPV cho tất cả những người chưa được tiêm phòng đầy đủ từ 26 tuổi trở lên.
Chẩn đoán nhiễm HPV
Bác sĩ chẩn đoán nhiễm HPV bằng cách quan sát mụn cóc của bệnh nhân.
Nếu không mụn cóc sinh dục không được quan sát thấy, bạn sẽ cần làm một hoặc nhiều xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm sử dụng dung dịch giấm (axit axetic). Dung dịch giấm sẽ được bôi lên vùng da bị nhiễm HPV, giấm làm các đầu mụn cóc có màu trắng. Điều này sẽ giúp nhận diện các tổn thương trên da khó nhìn thấy do mụn cóc.
- Xét nghiệm Pap. Xét nghiệp thu thập một mẫu tế bào từ cổ tử cung hoặc âm đạo rồi sau đó gửi đi phân tích trong phòng xét nghiệm. Xét nghiệm Pap có thể cho biết những bất thường có nguy cơ dẫn tới ung thư.
- Xét nghiệm DNA. Xét nghiệm DNA trên các tế bào từ cổ tử cung. Xét nghiệm giúp nhận biết chuỗi DNA của các chủng virus HPV có nguy cơ cao tiến triển ung thư. Xét nghiệm DNA được khuyến nghị cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên cùng với xét nghiệm Pap.
Điều trị HPV
Mụn cóc thường tự hết mà không cần điều trị, đặc biệt là ở trẻ em. Không có cách chữa trị cho các bệnh do virus, vì vậy mụn có thể xuất hiện trở lại ở cùng một nơi hoặc những nơi khác.
Thuốc
Thuốc xóa mụn cóc thường được bôi trực tiếp lên vùng da bị mụn và luôn phải dùng nhiều lần trước khi có thể loại bỏ được mụn. Ví dụ cho các loại thuốc trên bao gồm:
- Axit salicylic. Các loại thuốc điều trị không kê đơn có chứa axit salicylic loại bỏ các lớp mụn cóc dần dần mỗi lần một ít. Sử dụng axit salicylic trên mụn cóc thông thường có thể gây kích ứng da. Nó cũng không sử dụng được trên da mặt.
- Imiquimod. Loại thuốc bôi kê đơn này tăng cường khả năng kháng virus HPV của hệ thống miễn dịch. Các tác dụng phụ thường gặp gồm mẩn đỏ và sưng tấy tại vị trí bôi thuốc.
- Podofilox. Một loại thuốc bôi kê khác, podofilox hoạt động dựa trên cơ chế phá hủy các mô của mụn có trên bộ phận sinh dục. Podofilox có thể gây bỏng và ngứa ở nơi bôi thuốc.
- Axit tricloaxetic. Chất hóa học này điều trị mụn cóc bằng cách đốt chúng trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và bộ phận sinh dục. Nó có thể gây kích ứng cục bộ.
Phẫu thuật và các thủ thuật khác
Nếu thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ mụn cóc bằng một trong các phương pháp sau:
- Làm đông lạnh bằng nitơ lỏng (phương pháp áp đông)
- Đốt điện
- Tiểu phẫu cắt bỏ
- Phẫu thuật bằng tia lazer
Điều trị HPV trên cổ tử cung
Trong trường hợp xét nghiệm HPV hoặc Pap bất thường, bác sĩ phụ khoa sẽ thực hiện một thủ thuật soi cổ tử cung. Thủ thuật trên sử dụng máy soi cổ tử cung để cho ra hình ảnh ở cổ tử cung, bác sĩ sẽ quan sát kỹ cổ tử cung và lấy mẫu (sinh thiết) của các khu vực có bất thường.
Các bất thường tiền ung thư cần phải được loại bỏ. Bạn có thể lựa chọn một trong các kỹ thuật sau, áp đông, laser, tiểu phẫu cắt bỏ, phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện nhiệt (LEEP) hoặc dao lạnh. Kỹ thuật LEEP sử dụng vòng điện để lấy một chóp nhỏ ra khỏi cổ tử cung. Kỹ thuật khoét chóp bằng dao lạnh là một phẫu thuật lấy đi toàn bộ phần hình nón chứa vùng bị bệnh của cổ tử cung.
Những việc cần làm trước khi đi khám
Có thể việc làm đầu tiên mà bạn nghĩ đến khi bị mụn cóc là gặp dược sĩ để mua thuốc hoặc bác sĩ gia đình. Tùy thuộc vào vị trí của mụn cóc, bạn có thể được được gợi ý nên đến khám bác sĩ da liễu nếu mụn cóc xuất hiện trên làn da thông thường hoặc bác sĩ nhi khoa nếu mụn cóc xuất hiện ở bàn chân, bác sĩ phụ khoa hoặc bác sĩ tiết niệu nếu mụn xuất hiện ở bộ phận sinh sản.
Điều nên làm
Trước cuộc hẹn khám bác sĩ, bạn hãy lập danh sách:
- Tất cả các triệu chứng, bao gồm cả các triệu chứng bạn nghĩ là không liên quan đến cuộc hẹn khám.
- Vấn đề riêng tư liên quan bao gồm căng thẳng đặc biệt, những thay đổi gần đây trong cuộc sống và lịch sử tình dục của bạn.
- Tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc các sản phẩm chức năng khác mà bạn dùng, gồm cả liều lượng
- Các câu hỏi mà bạn muốn đặt cho bác sĩ
Bạn có thể đặt các câu hỏi sau cho bác sĩ:
- Nguyên nhân gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
- Những nguyên nhân nào khác có thể xảy ra ?
- Tôi có cần phải làm xét nghiệm nào khác không?
- Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa nhiễm HPV trong tương lai?
- Tôi có thể có tài liệu truyền thông hoặc cẩm nang nào khác không?
- Bác sĩ có thể giới thiệu trang web cho tôi tìm hiểu được không?
Bạn đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác.
Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn những câu hỏi, chẳng hạn như:
- Các triệu chứng của bạn bắt đầu khi nào?
- Bạn có đang trong một mối quan hệ tình dục một vợ một chồng không?
- Bạn đã nhận thấy các vấn đề da ở đâu?
- Các mụn cóc có đau hoặc ngứa không?
- Có những việc làm nào cải thiện triệu chứng của bạn không?
- Có những việc làm nào làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn không?
Xem thêm: