6 điều cần biết về HPV 16 và 18

HPV là tên viết tắt của virus gây u nhú ở người. Đây là chủng virus rất phổ biến gây lây nhiễm cho hầu hết tất cả mọi người.

Có nhiều chủng virus HPV khác nhau, mỗi chủng được gọi tên bằng một con số. HPV 16 và 18 là chủng virus có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ ở phụ nữ, cũng như ung thư dương vật ở nam giới. Các chủng virus này cũng có thể gây ra ung thư hậu môn và ung thư cổ họng ở nam giới và phụ nữ.

Khoảng 40 trong số 150 chủng HPV gây bệnh ở vùng sinh dục và các vùng niêm mạc (chẳng hạn như miệng và cổ họng), nhưng chỉ một số chủng trong số này có thể gây ung thư.

Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm virus HPV sẽ tự khỏi, vì các tế bào bị nhiễm virus sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ở một số ít người, HPV có thể tồn tại dai dẳng và nếu chủng HPV mà họ mang là type 16 hoặc 18, thì họ có nguy cơ cao phát triển ung thư sinh dục, hậu môn hoặc miệng (tùy thuộc vào vị trí nhiễm virus). 

Nhưng ngay cả ở những người virus không đào thải ra khỏi cơ thể, thời gian kể từ khi nhiễm phải chủng HPV có nguy cơ cao gây ung thư đến khi phát triển thành ung thư thường được tính bằng năm. 

Với phụ nữ, sự phát triển chậm như trên khiến các biến đổi tiền ung thư trong tế bào cổ tử cung, được gọi là chứng loạn sản, được tìm thấy khi làm các xét nghiệm sàng lọc như Pap hoặc gần đây là xét nghiệm HPV, đây là xét nghiệm tìm các chủng HPV có nguy cơ cao gây ung thư trong tế bào cổ tử cung. 

Nhiễm HPV khá phổ biến trong cộng đồng, nhưng nó vẫn thường bị hiểu nhầm

Theo ước tính, virus HPV đã lây nhiễm cho hơn 90% dân số nước Mỹ, với khoảng 12.000 người Mỹ từ 15 đến 24 tuổi bị nhiễm hàng ngày. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục  được chẩn đoán phổ biến nhất ở Hoa Kỳ và nước ngoài. 

Hầu hết những người quan hệ tình dục phức tạp đều bị nhiễm HPV. Nguồn ảnh: www.medicalnewstoday.com


HPV cũng là nguyên nhân gây ra mụn cóc thông thường (không được coi là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục). 

Tuy nhiên, bất chấp sự phổ biến của virus, HPV vẫn bị thường bị mọi người hiểu nhầm. 

Tiến sĩ, bác sĩ sản nhi Jane Oh ở hạt Arlington Height, bang Illinois cho biết: “Quan niệm sai lầm phổ biến nhất mà bệnh nhân của tôi khi xét nghiệm dương tính với virus HPV có nguy cơ cao gây ung thư nghĩ là: đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục tương tự như lậu hoặc mụn rộp sinh dục”.  

Tiến sĩ Oh nói rằng hầu hết tất cả những người đã từng quan hệ tình dục đều sẽ bị nhiễm HPV vào một lúc nào đó.

Bà cho biết thêm: “Những người duy nhất không bị nhiễm HPV là những người chưa bao giờ có quan hệ tình dục với bất kỳ ai hoặc những người có quan hệ tình dục với người cũng chưa bao giờ có quan hệ tình dục với bất kỳ ai khác. 

Làm thế nào để biết bạn có bị nhiễm HPV hay không?

Mặc dù mắc HPV khá phổ biến, nhưng có khá nhiều phụ nữ sẽ không bao giờ biết họ đã từng bị nhiễm vi rút này, vì các tế bào nhiễm HPV thường bị đào thải ra khỏi cổ tử cung mà không cần phải điều trị. 

Điều này đặc biệt đúng ở phụ nữ dưới 30 tuổi. 

Salena Zanotti, một bác sĩ phụ khoa tại Phòng khám Cleveland ở Avon, Ohio cho biết "Nhiều phụ nữ đã từng bị nhiễm HPV khi còn trẻ, tuy nhiện họ có tỷ lệ đào thải cao và có xu hướng tự thải bỏ các tế bào nhiễm bệnh mà không cần đến các thủ thuật khác (như soi cổ tử cung). Chúng tôi đã từng thực hiện rất nhiều các thủ thuật này vào đầu những năm 2000. Điều này được giải thích là do hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn khi phụ nữ còn trẻ."

Soi cổ tử cung là một thủ thuật đưa một ống nội soi có gắn đèn vào cổ tử cung để quan sát và kiểm tra cổ tử cung.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Trường đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng nếu phụ nữ có tiền sử xét nghiệm Pap bình thường và không có các yếu tố nguy cơ nhất định, chẳng hạn như hệ thống miễn dịch suy yếu thì họ nên làm xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV cùng nhau 5 năm một lần kể từ khi 30 tuổi cho đến 65 tuổi. 

Bác sĩ Zanotti cho biết lần duy nhất bà thực hiện xét nghiệm HPV trên bệnh nhân ở độ tuổi 20 là do bệnh nhân đó có kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung bất thường. 

Bác sĩ cũng cho biết thêm: “Để xác nhận kết quả của xét nghiệm Pap, chúng tôi thực hiện thêm xét nghiệm HPV’.

Bác sĩ Oh cũng đồng ý rằng phụ nữ ở độ tuổi 20 không cần xét nghiệm HPV, bà sàng lọc bệnh nhân của mình ít nhất ba năm một lần kể từ 30 tuổi.

Bác sĩ chia sẻ : "Trong thực tế của mình, tôi đã thấy nhiều phụ nữ nhiễm HPV âm tính trong năm nay và dương tính vào năm tiếp theo. Rất nhiều điều có thể xảy ra trong vòng 5 năm, vì vậy tôi không thể bỏ trống khoảng thời gian giữa các xét nghiệm lên đến 5 năm".

Kết quả xét nghiệm dương tính với HPV 16 hoặc 18

Kết quả xét nghiệm dương tính với HPV 16 hoặc 18 không đảm bảo chắc chắn bạn sẽ bị ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, nếu nó đi kèm với kết quả xét nghiệm Pap bất thường, điều đó có nghĩa là bạn có nguy cơ cao bị ung thư.

Xét nghiệm HPV. Nguồn ảnh: www.news-medical.net

Xét nghiệm HPV. Nguồn ảnh: www.news-medical.net


Dựa trên kết quả của hai xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị chứng loạn sản cổ tử cung cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm xét nghiệm để loại trừ hoặc đề nghị tái khám thường xuyên hơn để có thể phát hiện những thay đổi mới. 

Bác sĩ Salena Zanotti cho biết " Xét nghiệm Pap trên cổ tử cung đã được tiến hành trong một thời gian dài và từ đó những thay đổi mà virus HPV gây ra ở cổ tử cung đã được biết đến". 

Trong trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HPV và mọi xét nghiệm khác đều bình thường, thì rất có thể HPV sẽ tự biến mất trong vòng một đến hai năm, nếu hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bình thường.

Tầm soát bệnh HPV ở hậu môn

Bác sĩ Oh cho biết, bạn không cần phải quá lo lắng về bệnh HPV ở hậu môn. HPV không gây ra những biến đổi ở hậu môn giống như ở cổ tử cung, vì vậy xét nghiệm pap ở cổ tử cung sẽ không có ích trong trường hợp này. 

Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện xét nghiệm Pap ở hậu môn, soi hậu môn hoặc kỹ thuật soi có phóng đại và độ phân giải cao để tìm kiếm các tế bào bất thường. Các xét nghiệm này thường ít được thực hiện vì thế bác sĩ của bạn có thể giới thiệu bạn một kỹ thuật viên chuyên làm các xét nghiệm này.

Số ca mắc ung thư vòm họng liên quan đến HPV 16 đang ngày càng gia tăng

Trong nhiều năm trước đây, làm dụng thuốc lá và rượu bia là những yếu tố nguy cơ chính phát triển ung thư vùng hầu - họng, ung thư đáy lưỡi và amidan. 

Ngày nay, HPV là nguyên nhân chính gây ung thư hầu họng trên khắp thế giới.

Số ca mắc ung thư vòm họng do HPV ngày càng gia tăng. Nguồn ảnh: www.cbsnews.com

Số ca mắc ung thư vòm họng do HPV ngày càng gia tăng. Nguồn ảnh: www.cbsnews.com


Theo dữ liệu của trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, HPV được cho là nguyên nhân gây ra 70% các trường hợp ung thư hầu họng, trong đó HPV 16 chiếm đến 60% các trường hợp.

Nhiễm HPV miệng và ung thư hầu họng do HPV đều phổ biến hơn ở nam giới hơn so với nữ giới. 

Theo một báo cáo được công bố vào ngày 17 tháng 11 trên tạp chí Y học nội khoa Hoa Kỳ, nam giới có tỷ lệ nhiễm HPV 16 ở miệng nhiều hơn gấp 6 lần so với nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 69 .

Bài viết cũng cho thấy một số vấn đề sau:

  • Tỷ lệ nhiễm HPV ở miệng trung bình là 11,5% ở nam và 3,2% ở nữ.
  • Tỷ lệ nhiễm virus HPV có nguy cao gây ung thư qua đường miệng ở nam giới nhiều hơn nữ giới tương ứng với 7,3% so với 1,8%.
  • Trong số những người nam có từ hai bạn tình đồng giới trở lên, tỷ lệ nhiễm virus HPV có nguy cơ cao gây ung thư là 22,2%.
  • Tỷ lệ hiện nhiễm HPV miệng ở nam giới cũng bị nhiễm HPV sinh dục cao hơn gấp 4 lần (19,3%) so với những người không bị nhiễm HPV sinh dục (4,4%).

Tuy vậy, ung thư hầu họng do HPV có tỷ lệ sống sót 5 năm sau điều trị cao hơn nhiều so với ung thư đầu và cổ không do HPV.  

Vaccine phòng HPV có bảo vệ cơ thể khỏi các type HPV 16 và 18 không?

Vaccine chủng ngừa HPV- Gardasil 9, có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại cả hai type HPV 16 và 18, cũng như một số chủng virus HPV có nguy cơ cao gây ung thư và mụn cóc sinh dục. 

Tại Mỹ, vaccine phòng HPV được khuyến cáo tiêm cho cả nam và nữ. Nguồn ảnh: www.genkihealth.com

Tại Mỹ, vaccine phòng HPV được khuyến cáo tiêm cho cả nam và nữ. Nguồn ảnh: www.genkihealth.com


Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tất cả trẻ em trai và gái nên tiêm vaccine phòng HPV ở tuổi 11 hoặc 12. Tuy nhiên, vaccine có thể được tiêm đến 26 tuổi ở phụ nữ và đến 21 tuổi ở nam giới.

Họ cũng khuyến cáo loại vắc-xin này nên tiêm cho bất kỳ người đàn ông nào có quan hệ tình dục đồng giới và những người đàn ông có hệ miễn dịch suy yếu - bao gồm cả nhiễm HIV - cho đến tuổi 26. 

Bác sĩ Zanotti lưu ý rằng một số bậc cha mẹ do dự khi cho con họ đi tiêm phòng HPV vì HPV có liên quan đến quan hệ tình dục. 

Bác sĩ chia sẻ "Tôi nói với bệnh nhân của mình rằnng: Nếu các bậc phụ huynh cho con họ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella, trong khi đó ngày nay, con bạn còn có nhiều khả năng bị nhiễm HPV hơn là bị rubella. HPV là nguyên nhân gây ra ung thư. Nếu bạn có thể làm điều gì đó để ngăn ngừa ung thư, tại sao bạn lại không làm? ".

Bác sĩ Zanotti cho biết thêm rằng mặc dù ngày càng có nhiều bậc cha mẹ tiêm chủng cho các bé trai, nhưng nó vẫn không phổ biến bằng việc tiêm phòng ở trẻ em gái. Tuy nhiên nếu trong 10 năm tới, các bé trai được chủng ngừa thường xuyên, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ nhiễm HPV giảm xuống đáng kể.

Bác sĩ Oh cảnh báo rằng việc tiêm vaccine HPV không có nghĩa là bạn được bỏ các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.

Bà nói: “Mọi người cần biết rằng vaccine HPV không phải là phương pháp hoàn hảo để ngăn ngừa tất cả các bệnh ung thư cổ tử cung. Chúng ta vẫn cần tự bảo vệ mình: Hãy sử dụng bao cao su, quan hệ 1 vợ 1 chồng, nâng cao hệ miễn dịch, làm xét nghiệm Pap smear thường xuyên để sàng lọc và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. 

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!