Video điều trị mụn nhọt tại nhà
Mụn nhọt là một loại mụn trứng cá, chúng gặp nhiều ở tuổi dậy thì nhưng cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Trong giai đoạn dậy thì, quá trình sản xuất hormone thay đổi. Điều này có thể khiến các tuyến bã nhờn nằm ở gốc nang lông hoạt động quá mức. Do đó, mụn nhọt thường xuất hiện nhiều nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên và gần thời kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ
Mụn nhọt thường gặp mặt, lưng, ngực và vai. Đó là do có nhiều tuyến bã nhờn ở những vùng da này.
Mụn nhọt thông thường gặp ở hơn 80% thanh thiếu niên. Sau 25 tuổi, nó ảnh hưởng đến 3% nam giới và 12% phụ nữ.
Thông tin nhanh về mụn nhọt
Dưới đây là một số điểm chính về mụn nhọt. Những vấn đề chi tiết hơn sẽ được nói trong bài viết chính.
- Mụn có nhiều mức độ khác nhau, từ mụn đầu đen đến mụn nang.
- Chúng xảy ra khi các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, các tế bào da chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông và đôi khi nhiễm trùng phát triển.
- Mụn nhọt thường xảy ra ở tuổi vị thành niên, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.
- Không có đủ bằng chứng để khẳng định rằng bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào có thể gây ra mụn nhọt, nhưng việc tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ.
Các loại mụn nhọt
Có một số loại mụn khác nhau, chúng có các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau:
Mụn đầu trắng: Còn được gọi là mụn nhọt đóng, đây là những mụn nhỏ dưới da. Chúng xuất hiện dưới dạng một sẩn nhỏ, màu thịt.
Mụn đầu đen: Còn được gọi là mụn nhọt mở, chúng nổi rõ trên bề mặt da. Chúng có màu đen hoặc nâu sẫm, do quá trình oxy hóa melanin - sắc tố của da.
Một số người lầm tưởng chúng là do bụi bẩn và kỳ cọ mạnh lên mặt. Cọ rửa sẽ không giúp ích được gì. Điều đó có thể gây kích ứng da và gây ra các vấn đề khác.
Mụn sẩn: Đây là những mụn nhỏ, rắn, tròn trồi lên khỏi da. Chúng thường có màu hồng.
Mụn mủ: Là những mụn có đầy mủ. Chúng hiện rõ trên bề mặt da. Phần gốc màu đỏ, phía trên có mủ.
Mụn nốt: Có cấu trúc tương tự như sẩn nhưng lớn hơn. Chúng có thể gây đau đớn và ăn sâu vào da.
Mụn nang: Chúng có thể nhìn thấy rõ ràng trên bề mặt da. Chúng chứa đầy mủ và thường gây đau đớn. Mụn nang thường gây ra sẹo.
Nguyên nhân gây ra mụn nhọt
Nổi mụn xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc do bã nhờn và da chết. Đôi khi điều này dẫn đến nhiễm trùng và viêm. Nguyên nhân gây ra chúng vẫn chưa được biết rõ.
Các tuyến bã nhờn là những tuyến nhỏ phụ thuộc da tiết ra bã nhờn - một chất nhờn để bôi trơn da và tóc.
Các tuyến bã nhờn được tìm thấy bên trong lỗ chân lông trên da của chúng ta, trên khắp cơ thể, ngoại trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Có nhiều tuyến bã nhờn trên mặt và da đầu hơn những nơi khác.
Các tuyến sản xuất bã nhờn vào bên trong lỗ chân lông, các tế bào da mới không ngừng phát triển và các lớp da bên ngoài dần bị bong ra.
Đôi khi, tế bào da chết không bị bong. Chúng đọng lại trong lỗ chân lông và bị chất nhờn dính lại với nhau, gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.
Tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông dễ xảy ra ở tuổi dậy thì, do lúc này tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.
Nhiễm khuẩn
Bã nhờn và tế bào da chết tích tụ, bít lỗ chân lông sẽ khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn không mong muốn, bao gồm cả vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes, một loại vi khuẩn phát triển chậm có liên quan đến mụn nhọt.
Vi khuẩn Propionibacterium acnes tồn tại vô hại trên da của chúng ta, nhưng khi gặp điều kiện thích hợp, nó có thể sinh sản nhanh hơn và và gây ra các vấn đề. Vi khuẩn phát triển và tương tác với các chất bã nhờn, tạo ra một chất gây ra phản ứng miễn dịch. Điều này dẫn đến viêm da.
Mặc dù mụn nhọt có liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng chúng không lây nhiễm. Một người không thể nhiễm mụn từ người khác.
Các yếu tố nguy cơ mụn nhọt
Không rõ chính xác lý do tại sao một số người dễ bị nổi mụn hơn những người khác. Sự dao động hormone và yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò nào đó, vì mụn nhọt thường xuất hiện trong các gia đình, nhưng một số yếu tố khác cũng có thể xảy ra.
Vi khuẩn tốt và xấu
Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Y khoa Washington đã xác định được hai chủng P. acnes trên da của 20% những người bị mụn nhọt, trong khi những người có làn da khỏe mạnh có xu hướng không chứa các chủng này.
Một dòng P. acnes khác ảnh hưởng đối lập. Những người bị mụn nhọt có xu hướng không có loại vi khuẩn này trong khi những người có làn da khỏe mạnh thì có.
Điều này có thể cho thấy rằng các loại vi khuẩn cụ thể quyết định mức độ nghiêm trọng và tần suất của mụn nhọt. Các nhà nghiên cứu cho rằng những vi khuẩn này cũng có thể tương tác với các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như mức độ hormone và bã nhờn. Nhiều nghiên cứu cần được tiến hành thêm để xác minh vấn đề này.
Nhiễm trùng nấm men
Mụn bùng phát cũng có liên quan đến nhiễm trùng nấm men.
Pityrosporum, còn được gọi là malassezia là nguyên nhân gây viêm nang lông do nấm men. Chúng xảy ra khi một loại nấm men Pityrosporum xâm nhập vào các nang lông và nhân lên, gây ra tình trạng ngứa, nổi mụn nhỏ, tròn giống như mụn nhọt. Nó chủ yếu xảy ra ở ngực trên, vai và lưng trên, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến mặt.
Hầu hết mọi người đều có nấm men này trên da, nhưng nếu phát triển quá nhiều, nó có thể gây ra vấn đề. Nó có thể xảy ra với cả nam và nữ ở độ tuổi trẻ đến trung niên.
Môi trường ẩm ướt, nhiều mồ hôi, quần áo làm từ sợi tổng hợp và sử dụng các sản phẩm dành cho da dầu đều có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
Tình trạng này thường gặp ở thanh thiếu niên, nguyên nhân có thể do tuyến bã nhờn tăng hoạt động. Nó không giống với mụn nhọt, nhưng nó thường bị nhầm lẫn với nó.
Thuốc kháng sinh thường được sử dụng cho mụn nhọt cũng có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn, vì chúng ngăn chặn vi khuẩn có thể kiểm soát nấm men. Điều trị kháng nấm là cần thiết trong trường hợp nhiễm pityrosporum.
Độ nhạy với testosterone
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa mụn nhọt và mức độ cao hơn của testosterone và các nội tiết tố androgen khác, các hormone “nam giới” cũng tồn tại ở mức độ thấp hơn ở nữ giới.
Mức testosterone cao hơn sẽ kích hoạt các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, dẫn đến lỗ chân lông bị tắc nhiều hơn và khả năng nổi mụn cao hơn.
Chế độ ăn uống
Vai trò của chế độ ăn uống đối với mụn nhọt là chưa rõ ràng, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng được biết là có tác dụng thúc đẩy sức khỏe tốt, một số yếu tố chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến khả năng bị mụn nhọt hoặc mụn nhọt.
Vitamin A, D và E đều được biết đến là đóng vai trò duy trì làn da khỏe mạnh, do đó, việc cung cấp đầy đủ các loại vitamin này có thể giúp ngăn ngừa mụn nhọt.
Uống sữa có liên quan đến mụn nhọt, có thể là do các hormone trong sữa. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cho điều này.
Người ta thường nói rằng đường và sô cô la gây ra mụn nhọt, nhưng kết quả nghiên cứu đã không khẳng định điều này.
Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn uống có chỉ số đường huyết (GI - Glycemic-index) thấp, lượng insulin trong máu thấp và lượng androgen thấp hơn với tình trạng giảm mụn nhọt.
Tuy nhiên, kết quả trên không mang tính kết luận. Hơn nữa, ủng hộ chế độ ăn uống có GI thấp có thể không khuyến khích mọi người tiêu thụ đủ ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm lành mạnh khác có thể cung cấp các chất dinh dưỡng hữu ích.
Mặc dù mụn nhọt có liên quan đến sản xuất bã nhờn, nhưng việc tránh tất cả chất béo trong chế độ ăn uống là không nên. Chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn lành mạnh cần thiết cho các chức năng chính của cơ thể. Chế độ ăn không có chất béo hoặc rất ít chất béo có thể khiến da bị khô và thúc đẩy cơ thể tăng sản xuất bã nhờn.
Một lượng chất béo tốt từ các loại hạt và dầu ô liu có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, hỗ trợ cơ thể duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh và duy trì độ ẩm tốt cho da để tạo ra một hàng rào và phản ứng miễn dịch hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, “Không có đủ dữ liệu để khuyến nghị thay đổi chế độ ăn uống cho người bị mụn nhọt”.
Nếu thay đổi chế độ ăn uống đóng một vai trò nào đó trong việc điều trị mụn nhọt thì nó cũng chỉ nên là “bổ sung cho các phương pháp điều trị mụn nhọt đã được chứng minh”, chứ không phải là một phương pháp điều trị duy nhất. Họ gợi ý rằng mọi người nên tự theo dõi để xem nguyên nhân gì có thể dẫn tới bùng phát mụn.
Các lời khuyên bao gồm:
- Ghi nhật ký thực phẩm và chia sẻ nó với bác sĩ da liễu
- Chờ đợi trong 12 tuần sau khi cắt một loại thực phẩm cụ thể, vì có thể mất thời gian để xem tác động của chúng tới mụn.
- Tiếp tục điều trị mụn nhọt thường xuyên trong khi thực hiện bất kỳ thay đổi chế độ ăn uống nào
Một số tình trạng bệnh lý cũng làm tăng khả năng nổi mụn, ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang.
Vì mụn nhọt xuất hiện bắt nguồn từ sự tương tác phức tạp giữa các chất dinh dưỡng, nội tiết tố và các yếu tố khác nên rất khó xác định chính xác nguyên nhân khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
Nếu mụn nhọt bắt đầu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự tự tin của một người bệnh, họ nên đi khám bác sĩ.
Xem thêm: