Nếu chỉ ngứa một lúc rồi hết thì không có lý do gì để lo lắng. Nhưng ngứa liên tục có thể cản trở giấc ngủ và dẫn đến một loạt các vấn đề khác. Khi điều đó xảy ra, ngứa sẽ gây nhiều tác động xấu nghiêm trọng lên sức khỏe.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây ngứa ở bệnh gan, tại sao bạn nên đến gặp bác sĩ và các biện pháp để giảm ngứa.
Nguyên nhân gây ngứa trong bệnh gan
- Xơ gan ứ mật nguyên phát
- Viêm xơ đường mật nguyên phát
- Ứ mật trong gan thai kỳ
Một số nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng đã được thực hiện, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chất gây ngứa trong bệnh gan. Có thể nguyên nhân là do sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Dưới đây là một số khả năng mà các nhà nghiên cứu đang xem xét:
- Muối mật. Nếu bị bệnh gan, bạn có thể có lượng muối mật tích tụ dưới da cao hơn, có thể gây ngứa. Không phải ai có nồng độ muối mật cao đều cảm thấy ngứa, và một số người cảm thấy ngứa mặc dù nồng độ muối mật bình thường.
- Histamine. Một số người bị ngứa đã tăng mức histamine. Tuy nhiên, thuốc kháng histamine thường không hiệu quả trong việc điều trị.
- Serotonin. Serotonin có thể thay đổi nhận thức ngứa. Đó có thể là lý do tại sao các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (selective serotonin reuptake inhibitors - SSRI) có thể giúp kiểm soát ngứa ở một số người.
- Nội tiết tố sinh dục nữ. Tình trạng ngứa đôi khi trở nên tồi tệ hơn khi mang thai hoặc nếu đang điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone.
- Phosphatase kiềm (ALP). Những người bị ngứa liên quan đến bệnh gan có thể có ALP tăng cao.
- Axit lysophosphatidic (LPA)và autotaxin (một loại enzyme hình thành LPA). LPA ảnh hưởng đến nhiều chức năng của tế bào. Những người bị ngứa và bệnh gan có thể có mức LPA cao hơn.
Cách điều trị ngứa do bệnh gan
Ngứa do bệnh gan có thể không tự cải thiện nhưng có thể điều trị được. Bởi vì nguyên nhân không được hiểu hoàn toàn, nên thật khó để nói phương pháp điều trị nào có thể phù hợp với bạn. Để lựa chọn phương án điều trị có thể cần sự kết hợp của các liệu pháp cùng với một số lần thử và sai nhất định.
Tránh gãi
Điều quan trọng là tránh gãi ngứa vì có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều. Giữ móng tay ngắn để nếu gãi, bạn sẽ giảm khả năng nhiễm trùng do bị xước da. Nếu thấy mình gãi quá nhiều, hãy cố gắng tránh cám dỗ bằng cách che phủ da. Nếu có xu hướng gãi nhiều vào ban đêm, hãy đeo găng tay khi đi ngủ.
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để ngăn ngừa kích ứng da và giảm ngứa:
- Sử dụng nước ấm hoặc nước mát thay vì nước nóng để tắm.
- Cố gắng không ở lâu trong môi trường nóng bức hoặc dưới ánh nắng mặt trời.
- Chọn xà phòng nhẹ không chứa hương liệu.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu để chống lại tình trạng khô da.
- Đắp một miếng vải ướt và lạnh lên vùng ngứa cho đến khi cảm giác muốn gãi giảm bớt.
- Tránh các chất hoặc vật liệu gây kích ứng da.
- Mang găng tay khi sử dụng các sản phẩm hoạt tính cao như hóa chất chùi rửa...
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong những tháng khô hạn.
Bôi thuốc bôi chống ngứa
Nếu bị ngứa cục bộ, nhẹ, bạn có thể thử dùng kem dạng nước với 1% tinh dầu bạc hà. Các loại thuốc bôi không kê đơn khác, chẳng hạn như corticosteroid và chất ức chế calcineurin, cũng có thể cải thiện tình trạng ngứa. Làm theo hướng dẫn trên nhãn và nhớ nói với bác sĩ rằng bạn đang sử dụng thuốc.
Dùng thuốc uống theo đơn
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống, chẳng hạn như:
- Cholestyramine (Prevalite). Thuốc này giúp loại bỏ muối mật.
- Rifampicin (Rifadin). Thuốc này ức chế axit mật, được uống hàng ngày, cần được theo dõi thường xuyên do có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm gan hoặc suy thận.
- Naltrexone (Vivitrol). Uống hàng ngày, thuốc này ngăn chặn tác dụng của opioid, yêu cầu phải giám sát thường xuyên.
- Sertraline (Zoloft). Thuộc SSRI, được uống hàng ngày, thường được kê đơn như một loại thuốc chống trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm khác, chẳng hạn như fluoxetine (Prozac), cũng có thể được sử dụng để điều trị ngứa mãn tính.
Thử thuốc kháng histamine (cho giấc ngủ)
Thuốc kháng histamine chưa được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị ngứa do bệnh gan gây ra, mặc dù có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ bất chấp cơn ngứa.
Cân nhắc liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) giúp da tiếp xúc với các loại ánh sáng cụ thể để thúc đẩy quá trình lành bệnh, có thể mất vài buổi điều trị để bắt đầu có tác dụng.
Thảo luận về việc cấy ghép gan
Khi việc điều trị không có kết quả và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bác sĩ có thể muốn thảo luận về khả năng ghép gan. Đây có thể là một lựa chọn ngay cả khi gan của bạn vẫn đang hoạt động.
Ngứa có liên quan đến tiến triển hoặc tiên lượng bệnh gan không?
Các bệnh gan đôi khi kèm theo ngứa. Nhưng bạn có thể nhận thấy ngứa sớm hơn trước khi biết mình bị bệnh gan. Trên thực tế, triệu chứng ngứa có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào của bệnh gan. Chỉ riêng triệu chứng này không nói lên được mức độ nghiêm trọng, tiến triển hoặc tiên lượng của bệnh.
Điều đó không có nghĩa là ngứa không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Khi ngứa kéo dài có thể góp phần vào:
- Mất ngủ
- Mệt mỏi
- Lo lắng
- Trầm cảm
- Chất lượng cuộc sống bị suy giảm
Các triệu chứng ngứa khi mắc bệnh gan
Ngứa liên quan đến bệnh gan có xu hướng nặng hơn vào buổi tối và ban đêm. Một số người có thể bị ngứa ở một vùng nhất định, chẳng hạn như tay chân, lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay, trong khi những người khác bị ngứa toàn thân.
Ngứa do bệnh gan thường không liên quan đến phát ban hoặc tổn thương da. Tuy nhiên, bạn có thể bị kích ứng rõ rệt, mẩn đỏ và nhiễm trùng do gãi quá nhiều.
Vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn khi:
- Tiếp xúc với nhiệt
- Căng thẳng
- Hành kinh
- Mang thai
- Sử dụng liệu pháp thay thế hormone
Những nguyên nhân khác có thể gây ngứa da?
Vì có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa da, có thể ngứa không liên quan đến bệnh gan.
Da khô nghiêm trọng chắc chắn có thể dẫn đến ngứa ngáy khó chịu. Ngứa mà không phát ban cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm opioid, statin và thuốc huyết áp. Các bệnh lý da như bệnh chàm và bệnh vẩy nến gây ngứa kèm theo da bị viêm, đỏ hoặc có vảy.
Ngứa da có thể do phản ứng dị ứng với:
- Cây thường xuân độc
- Mỹ phẩm
- Xà phòng
- Sản phẩm tẩy rửa gia dụng
- Hóa chất
- Các loại vải như len hoặc mohair
- Ngoài ngứa, phản ứng dị ứng có thể bao gồm đỏ da, phát ban hoặc nổi mề đay.
Các bệnh và rối loạn khác có thể dẫn đến ngứa da bao gồm:
- Lo lắng
- Trầm cảm
- Tiểu đường
- Thiếu máu do thiếu sắt
- Suy thận
- Bệnh bạch cầu
- Ung thư hạch
- Bệnh đa u tủy
- Bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosi - MS)
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder - OCD)
- Dây thần kinh bị chèn ép
- Bệnh zona (herpes zoster)
- Các bệnh về tuyến giáp
Ngứa cũng liên quan đến:
- Nhiễm trùng da do vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng
- Côn trùng cắn hoặc đốt
- Mang thai
Không phải lúc nào bạn cũng có thể xác định được nguyên nhân gây ngứa.
Khi nào cần đi khám
Nếu bị bệnh gan, hãy đến gặp bác sĩ bất cứ khi nào bạn có các triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn, bao gồm cả ngứa.
Mặc dù triệu chứng ngứa có thể không có ý nghĩa gì liên quan đến sự tiến triển hoặc tiên lượng của bệnh, nhưng bạn sẽ không thể biết được điều đó nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng. Điều đặc biệt quan trọng là phải nói với bác sĩ nếu bạn khó ngủ và nếu cơn ngứa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Kết luận
Ngứa là một trong những triệu chứng phổ biến có liên quan đến bệnh gan. Ngứa dữ dội có thể dẫn đến một loạt các vấn đề khác, vì vậy, điều quan trọng là bạn phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm: