Tuy cơn đau của bệnh gút thường xảy ra ở ngón chân cái nhưng nó cũng có thể nằm ở các khu vực khác, ví dụ như gót chân.
Khái niệm về bệnh gút
Bệnh gút (Gout) đặc trưng bởi tình trạng viêm khớp do tăng axit uric máu. Lượng axit uric dư thừa này có thể hình thành nên tinh thể urat.
Khi những tinh thể này lắng đọng tại khớp, chẳng hạn như gót chân, nó có thể dẫn đến các triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng, bao gồm:
- Đau, đặc biệt là khi chạm vào
- Sưng
- Đỏ
Chẩn đoán bệnh gút ở gót chân
Nếu xuất hiện cơn đau đột ngột và dữ dội ở gót chân, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Nếu nghi ngờ nguyên nhân do bệnh gút, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm để chẩn đoán xác định hoặc chẩn đoán phân biệt bệnh gút, chẳng hạn như:
Xét nghiệm máu
Bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ axit uric và creatinin trong máu.
Xét nghiệm máu không đặc hiệu với bệnh gút vì một số người bị bệnh gút có nồng độ axit uric bình thường. Ngoài ra, những người có nồng độ axit uric cao cũng chưa chắc đã có các triệu chứng của bệnh gút.
Chụp X-quang
Chụp X-quang không giúp ích nhiều trong việc chẩn đoán xác định bệnh gút nhưng nó có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây viêm khác.
Siêu âm
Siêu âm cơ xương khớp có thể phát hiện tinh thể urat và hạt tophi (là các nốt hình thành do tinh thể urat lắng đọng). Theo Mayo Clinic, xét nghiệm này được sử dụng rộng rãi ở Châu Âu hơn là ở Hoa Kỳ.
Chụp cắt lớp vi tính hai mức năng lượng (Dual-energy CT scan)
Kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh này có thể phát hiện các tinh thể urat ngay cả khi không có viêm. Tuy nhiên, nó khá đắt tiền và không phổ biến rộng rãi nên không được sử dụng làm phương pháp chẩn đoán bệnh gút thường quy.
Điều trị bệnh gút ở gót chân
Không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh gút nhưng điều trị có thể hạn chế các cơn gút cấp và kiểm soát tình trạng đau.
Nếu bạn được chẩn đoán là bị bệnh gút, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc và hướng dẫn thay đổi lối sống dựa trên kết quả thăm khám và các xét nghiệm.
Một số loại thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng hoặc phòng ngừa cơn gút cấp. Một số loại thuốc khác làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng của bệnh gút.
Thuốc điều trị cơn gút cấp
Để điều trị cơn gút cấp và phòng ngừa sự xuất hiện của chúng, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc sau:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Ban đầu, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng NSAID không kê đơn như naproxen (Aleve) hoặc ibuprofen (Advil).
Nếu các loại thuốc trên không đủ mạnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc có các NSAID mạnh hơn như celecoxib (Celebrex) hoặc indomethacin (Indocin).
Colchicine
Colchicine (Mitigare, Colcrys) là một loại thuốc có hiệu quả đã được chứng minh đối với việc giảm đau do bệnh gút ở gót chân.
Các tác dụng phụ khi dùng colchicine, đặc biệt với liều lượng lớn gồm tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
Corticosteroid
Nếu NSAID hoặc colchicine không thích hợp với bạn, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc corticosteroid như prednisone ở dạng viên nén hoặc qua đường tiêm để kiểm soát tình trạng viêm đau khớp.
Thuốc phòng ngừa biến chứng của bệnh gút
Một số thuốc có tác dụng hạn chế các biến chứng của bệnh gút, được chỉ định trong các trường hợp như:
- Đau do cơn gút cấp
- Có nhiều cơn gút cấp trong một năm
- Tổn thương khớp do bệnh gút
- Hạt tophi
- Bệnh thận mạn tính
- Sỏi thận
Những loại thuốc này hoạt động theo một trong những cách sau:
- Một số loại thuốc giúp ngăn chặn sản xuất axit uric như thuốc ức chế xanthine oxidase (Xanthine oxidase inhibitors – XOIs): febuxostat (Uloric) và allopurinol (Lopurin).
- Một số loại thuốc giúp cải thiện khả năng đào thải axit uric như Uricosurics: lesinurad (Zurampic) và probenecid (Probalan).
Thay đổi lối sống
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bị bệnh gút cần thay đổi lối sống để giúp phòng ngừa cơn gút cấp, bao gồm:
- Tránh một số loại thực phẩm có thể làm xuất hiện cơn gút cấp
- Hạn chế uống rượu bia
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Luôn uống đủ nước
Tổng kết
Mặc dù bệnh gút ở gót chân không phổ biến nhất nhưng nó sẽ gây đau mỗi khi đi lại.
Không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh gút nhưng sử dụng thuốc có thể làm giảm tình trạng đau và phòng ngừa các cơn gút cấp.
Nếu bạn bị đau dữ dội ở gót chân, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- 10 biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh gút tại nhà
- Bệnh gút ở khớp gối: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Những điều cần biết về bệnh gút: Triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, điều trị và dự phòng
- 10 thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh gút
- Mắc bệnh gút có thể ăn trứng không?