Đau khớp có thể do hơn 100 loại viêm khớp khác nhau hoặc do các bệnh lý liên quan khác.
Tại Hoa Kỳ, bệnh gút ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các triệu chứng của bệnh gút ở khớp gối, nguyên nhân gây ra bệnh gút, chẩn đoán, điều trị, cách phòng ngừa và khi nào cần liên hệ với bác sĩ.
Các triệu chứng của bệnh gút ở khớp gối
Bệnh gút ở khớp gối gây ra tình trạng viêm trong và xung quanh khớp gối.
Nó cũng có thể dẫn đến viêm bao hoạt dịch trước xương bánh chè. Bao hoạt dịch là những túi mỏng, trơn, chứa đầy dịch, có vai trò như lớp đệm giữa mô mềm và xương.
Các triệu chứng của bệnh gút ở khớp gối bao gồm:
- Sưng khớp gối
- Đau khớp gối đột ngột, dữ dội, gây hạn chế vận động
- Thay đổi màu sắc da hoặc sưng nề quanh khớp gối
- Cảm giác nóng ở trong hoặc quanh khớp gối
- Đau khớp khi va chạm hoặc chịu lực
- Ngứa, bong tróc da khi tình trạng viêm giảm
Các triệu chứng của bệnh gút có các đợt bùng phát và các đợt thuyên giảm xen kẽ. Chúng trở nên tồi tệ hơn trong các đợt gút cấp, thường kéo dài từ 3 – 10 ngày.
Đợt gút cấp tái phát có thể xuất hiện sau vài tháng hoặc vài năm xuất hiện cơn gút cấp đầu tiên. Tuy nhiên, nếu không được điều trị dự phòng, cơn gút cấp có thể bùng phát trong vòng 2 năm.
Theo thời gian, các cơn gút cấp có thể tổn thương các khớp, tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và tần suất bùng phát cơn gút cấp cũng tăng dần.
Bệnh gút xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu quá cao.
Nếu nồng độ axit uric cao trong thời gian dài, các hạt tophi có thể hình thành tại khớp hoặc các mô mềm xung quanh. Hạt tophi hình thành từ các tinh thể urat màu trắng lắng đọng tại khớp, có thể nhìn thấy và sờ thấy.
Hầu hết các trường hợp nếu được điều trị thích hợp thì có thể ngăn ngừa bệnh gút tiến triển thành mạn tính.
Thông thường phải mất vài năm để bệnh gút mạn tính phát triển. Bệnh gút mạn tính có thể gây đau khớp liên tục, biến dạng khớp và tổn thương khớp hoặc mô mềm vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây ra bệnh gút ở khớp gối
Nồng độ axit uric trong máu cao có thể gây ra bệnh gút.
Cơ thể sản xuất khoảng 66% axit uric một cách tự nhiên. Axit uric cũng hình thành khi cơ thể chuyển hóa purin, là hợp chất hữu cơ có trong một số thực phẩm giàu protein.
Thận thường kiểm soát nồng độ axit uric bằng cách đào thải nó qua nước tiểu.
Bình thường, axit uric là một chất chống oxy hóa mạnh có lợi cho cơ thể. Tăng axit uric máu có thể xảy ra nếu thận giảm đào thải axit uric hoặc do cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric.
Axit uric dư thừa có thể hình thành các tinh thể urat cực nhỏ lắng đọng tại mô mềm hoặc khớp. Những tinh thể này có thể hình thành xung quanh hoặc trong các khớp vì nhiệt độ ở những khu vực này thấp hơn nhiệt độ trung tâm.
Hệ thống miễn dịch nhận biết các tinh thể axit uric là các thành phần lạ nên sẽ gây ra tình trạng viêm như khi bị nhiễm trùng.
Tuy nhiên, không phải ai có nồng độ axit uric cao cũng phát triển thành bệnh gút ở khớp gối. Khoảng 66% những người bị tăng axit uric máu không gặp phải tình trạng này.
Yếu tố nguy cơ tăng khản năng phát triển bệnh gút
Một số yếu tố làm tăng khả năng phát triển bệnh gút, bao gồm:
- Tuổi và giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh gút cao gấp 3 lần nữ giới. Nam giới cũng thường phát triển bệnh gút trong độ tuổi từ 30 đến 45, trong khi nữ giới thường phát triển bệnh sau khi mãn kinh, khoảng 55 – 70 tuổi.
- Bệnh lý: Một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút như:
- Đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa
- Bệnh thận
- Tăng huyết áp và tăng cholesterol máu
- Béo phì
- Một số bệnh gây thiếu máu
- Lối sống: Uống rượu bia quá mức, chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu purin và đường có thể góp phần phát triển bệnh gút.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút như:
- Aspirin
- Cyclosporin (thuốc ức chế miễn dịch)
- Thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta
- Niacin (điều trị tăng cholesterol máu)
- Một số loại thuốc điều trị ung thư hoặc các bệnh tự miễn
- Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người thân bị bệnh gút làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Chẩn đoán bệnh gút
Bác sĩ sẽ chẩn đoán và chỉ định các phương pháp điều trị cho người bị bệnh gút.
Để chẩn đoán bệnh gút ở khớp gối, bác sĩ sẽ thăm khám khớp gối và các vùng lân cận. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt cũng như tiền sử bệnh tật của cá nhân và gia đình.
Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán bệnh gút như:
- Xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ axit uric trong và giữa các đợt gút cấp
- Xét nghiệm dịch khớp gối để tìm các tế bào bạch cầu bất thường, dấu hiệu nhiễm trùng và tinh thể urat
- Chụp X-quang để loại trừ các bệnh lý khớp khác và kiểm tra, đánh giá tổn thương khớp
- Siêu âm để tìm các tinh thể urat
Điều trị và phòng ngừa bệnh gút
Trong đợt gút cấp, điều trị tập trung vào việc giảm đau bằng cách:
- Dùng thuốc chống viêm hoặc giảm đau không kê đơn như naproxen và ibuprofen
- Dùng thuốc kê đơn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cực mạnh indomethacin, corticosteroid hoặc colchicine ngay khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện
- Chườm đá tại khớp gối vài lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút
- Thường xuyên kê khớp gối cao hơn tim
- Hạn chế vận động khớp gối
- Uống đủ nước
- Tránh căng thẳng
- Nhờ người hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày
Bác sĩ cũng có thể chỉ định các thuốc kê đơn như allopurinol, febuxostat, probenecid hoặc pegloticase, để giảm nồng độ axit uric và giảm nguy cơ xuất hiện cơn gút cấp.
Thực phẩm nên hạn chế hoặc tránh
Hạn chế hoặc tránh ăn thực phẩm giàu purin có thể giúp giảm axit uric máu, giảm nguy cơ phát triển bệnh gút ở khớp gối và nguy cơ xuất hiện cơn gút cấp.
Một số thực phẩm giàu purin như:
- Rượu bia
- Một số loại thịt như thịt gà tây, thịt xông khói, thịt bê, thịt nai và nội tạng
- Một số loại cá và hải sản, như cá tuyết, cá hồi, sò điệp, trai, cá cơm, cá mòi và cá trích
Thực phẩm có lượng purin vừa phải bao gồm:
- Thịt bò
- Thịt gà
- Thịt heo
- Giăm bông
- Vịt
- Tôm
- Cua
- Hàu
Thói quen sinh hoạt
Áp dụng các thói quen sinh hoạt khác cũng có thể giúp giảm nguy cơ xuất hiện cơn gút cấp, bao gồm:
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
- Tập thể dục thường xuyên, tập trung vào các bài tập có cường độ thấp
- Uống đủ nước
- Tránh đồ ngọt và các hoa quả có lượng đường cao
- Bổ sung vitamin C
- Tránh các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, đặc biệt là chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều protein
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh như ăn nhiều trái cây, rau củ, các loại hạt và protein có nguồn gốc thực vật giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp và béo phì.
Những người bị tổn thương khớp hoặc có hạt tophi có thể phải phẫu thuật.
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ
Nếu xuất hiện các triệu chứng có thể do bệnh gút thì bạn nên đi khám bác sĩ.
Bệnh gút có xu hướng tiến triển và nặng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, điều trị sớm có thể giúp kiểm soát bệnh gút và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng nặng như tổn thương khớp.
Người bị bệnh gút cũng có thể bị nhiễm trùng, vì vậy cần điều trị càng sớm càng tốt. Người bị bệnh gút kèm đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng hơn.
Cần đi khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng cùng lúc với các triệu chứng của bệnh gút.
Kết luận
Bệnh gút ở khớp gối là một bệnh viêm khớp phổ biến có thể ảnh hưởng đến khớp gối.
Liên hệ với bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh gút sẽ giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, có thể kiểm soát bệnh gút bằng cách sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà và thuốc phòng ngừa lâu dài, đồng thời áp dụng một số thay đổi trong lối sống.
Xem thêm:
- 10 biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh gút tại nhà
- Những điều cần biết về bệnh gút: Triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, điều trị và dự phòng
- Một số thông tin về bệnh gút ở gót chân: Chẩn đoán và điều trị
- 10 thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh gút
- Mắc bệnh gút có thể ăn trứng không?