Bài viết này chỉ ra mối liên hệ giữa đau đầu và trầm cảm, đồng thời đưa ra nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách phòng tránh hai bệnh lý trên.
Nguyên nhân gây đau đầu và trầm cảm
Trầm cảm là một tình trạng phức tạp. Nguyên nhân rất có thể là sự kết hợp của các yếu tố khác nhau, bao gồm di truyền và môi trường xung quanh.
Các bác sĩ phân loại đau đầu thành 2 loại là nguyên phát và thứ phát. Đau đầu nguyên phát thường gặp hơn.
Đau đầu nguyên phát bao gồm chứng đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng và đau đầu từng cơn.
Đau đầu thứ phát có thể do chấn thương ở đầu, huyết áp cao hoặc nhiễm trùng.
Rối loạn đau đầu và sức khỏe tâm thần
Đau đầu rất hay gặp nhưng đặc biệt phổ biến ở những người bị trầm cảm, lo âu, hoặc cả hai.
Những người hay đau nửa đầu cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm hoặc lo lắng thái quá. Đau nửa đầu kéo dài, kèm theo căng thẳng, lo lắng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Sự mất cân bằng giữa các chất hóa học, cụ thể là serotonin và dopamine có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm và đau nửa đầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn cần làm rõ mối liên hệ cụ thể giữa sự mất cân bằng các chất hóa học và trầm cảm.
Đau đầu và giấc ngủ
Trầm cảm có thể khiến bạn ngủ không ngon giấc. Thiếu ngủ có thể gây ra đau đầu, làm cho các cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn và làm giảm ngưỡng chịu đau.
Cả chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy rằng có đến 50% những người bị chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng cũng bị mất ngủ.
Mệt mỏi có thể dẫn đến tâm trạng không tốt và làm chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn.
Mất nước
Trầm cảm có thể làm giảm năng lượng tích cực, mất động lực và gây chán ăn. Việc ăn uống đầy đủ hoặc uống đủ nước có thể không được đảm bảo. Khi đó, rất dễ bị mất nước.
Mất nước có thể là nguyên nhân gây đau đầu. Vì vậy, uống đủ nước hàng ngày cũng là một cách để ngăn ngừa đau đầu.
Căng thẳng
Trầm cảm và căng thẳng có thể làm gián đoạn cuộc sống của người bệnh.
Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể bao gồm cảm giác tội lỗi, mất hứng thú với các sở thích và khó tập trung vào công việc hoặc giao tiếp xã hội.
Những triệu chứng này có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng, và từ đó gây ra những cơn đau đầu thường xuyên hơn.Nguyên nhân phổ biến của chứng đau nửa đầu mãn tính là đau đầu do lạm dụng thuốc.
Dùng thuốc giảm đau thường xuyên khi bị đau đầu có thể dẫn đến đau đầu kéo dài nhiều ngày.
Nên sử dụng thuốc giảm đau khi cần thiết và nhiều nhất trong 2 ngày/tuần. Nếu đang phải sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm các phương pháp giảm đau khác hoặc cách phòng ngừa chứng đau đầu.
Đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu cũng có thể dẫn đến trầm cảm. Đây là một bệnh mãn tính có thể gây đau liên tục và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày.
Chứng đau nửa đầu có thể khiến việc lập kế hoạch trở nên khó khăn và bạn luôn lo lắng về việc sẽ bỏ lỡ một sự kiện quan trọng hoặc không thể tập trung làm việc làm việc.
Ngoài ra, chứng đau nửa đầu cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi và chán ăn. Tất cả những yếu tố này đều có thể là những yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm.Triệu chứng của đau đầu và trầm cảm
Các triệu chứng của bệnh trầm cảm khác nhau ở mỗi người. Cảm giác u ám hầu như ai cũng đều trải qua, nhưng chẩn đoán trầm cảm phải dựa trên các tiêu chí cụ thể.
Các triệu chứng trầm cảm kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng và gây cản trở các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như công việc hoặc sở thích.
Trầm cảm có thể biểu hiện qua các triệu chứng về tinh thần, thể chất và xã hội. Đối với một số người, cơn đau đầu có thể báo hiệu sự bắt đầu của giai đoạn trầm cảm.
Có nhiều loại đau đầu khác nhau. Ví dụ:
- Đau đầu do căng thẳng gây ra cơn đau âm ỉ, cổ hoặc da đầu căng cứng. Căng thẳng là một nguyên nhân rất phổ biến gây đau đầu.
- Đau nửa đầu là một tình trạng bệnh lý gây ra các cơn đau nhói. Các triệu chứng khác có thể gặp như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng.
- Đau đầu từng cơn gây đau dữ dội ở một bên đầu, có thể kéo dài đến 3 giờ. Các cơn đau xảy ra liên tục trong nhiều tuần và theo chu kỳ vào các thời điểm cụ thể trong năm. Đau đầu từng cơn còn được gọi là "đau đầu tự tử" do những suy nghĩ về việc tự tử thường xuất hiện khi bênh nhân bị đau đầu.
Vị trí, thời gian kéo dài của cơn đau và bất kỳ triệu chứng nào khác có thể giúp bác sĩ chẩn đoán. Các loại đau đầu khác nhau sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau.
Điều trị đau đầu và trầm cảm
Nếu một người bị trầm cảm và đau đầu, điều quan trọng là phải điều trị cả hai. Các phương pháp điều trị sẽ khác nhau ở mỗi người.
Hầu hết mọi người đều đáp ứng tốt với liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc kết hợp cả hai. Thay đổi lối sống cũng giúp hỗ trợ phục hồi.
Điều trị đau đầu nhẹ đến trung bình bao gồm nghỉ ngơi, bổ sung nước và sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn.
Đau nửa đầu là một chứng rối loạn đau đầu nghiêm trọng hiện chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu.
Các phương pháp điều trị và phòng ngừa cộng với sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học có thể giúp điều trị cả chứng trầm cảm và đau đầu.
Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioral therapy – CBT), phản hồi sinh học và thư giãn là một số phương pháp điều trị giúp cải thiện tình trạng trầm cảm và đau đầu.
Liệu pháp phản hồi sinh học sẽ yêu cầu bệnh nhân kết nối với cảm biến điện và từ đó, thu thập các thông tin (sự phản hồi) liên quan đến cơ thể (sinh học), chẳng hạn như nhịp tim hoặc nhịp thở. Kỹ thuật này có thể hỗ trợ kiểm soát căng thẳng, lo lắng hoặc căng cơ.
Liệu pháp phản hồi sinh học có thể giúp bệnh nhân tìm ra nguyên nhân cơn đau đầu và cách cơ thể của họ phản ứng. Sau đó, bệnh nhân có thể học các kỹ thuật để giúp kiểm soát những phản ứng này, chẳng hạn như thư giãn cơ bắp. Các bác sĩ thường sử dụng hình thức trị liệu này kết hợp với thuốc.
Một số loại thuốc có thể điều trị cả trầm cảm và đau nửa đầu.
Phòng ngừa đau đầu và trầm cảm
Tìm hiểu về tác nhân gây đau đầu, từ đó chúng ta có những biện pháp phòng ngừa. Khi cơn đau đầu xuất hiện, bạn nên ghi chú lại những điều sau:
- Ghi chú lại mọi cơn đau
- Thời điểm xảy ra
- Mô tả cơn đau
- Cơn đau kéo dài bao lâu?
- Đã từng gặp những cơn đau tương tự bao giờ chưa?
Có thể cơn đau đầu xảy ra trong giai đoạn trầm cảm khi một người ngủ không ngon giấc. Tương tự, có thể có một mối liên hệ chặt chẽ giữa đau đầu với căng thẳng trong công việc.
Xác định được các tác nhân cụ thể gây đau đầu có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc điều trị.
Đi ngủ và thức dậy đúng giờ mang lại nhiều lợi ích, góp phần hạn chế các cơn đau đầu. Uống đủ nước cũng giúp giữ tinh thần sảng khoái.
Không phải lúc nào bạn cũng có thể giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, nhưng một số biện pháp sau đây giúp kiểm soát căng thẳng:
- Tập thể dục
- Ra ngoài hít thở không khí trong lành
- Sử dụng các phương pháp giúp thư giãn, chẳng hạn như các bài tập thở hoặc yoga
- Trò chuyện với bạn bè hoặc gia đình
- Học cách chấp nhận
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Nên đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng trầm cảm trong 2 tuần hoặc nảy sinh ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác.
Có mối liên quan nhất định giữa rối loạn trầm cảm, lo âu và đau đầu. Kết hợp điều trị những tình trạng này có thể hiệu quả hơn là cố gắng điều trị từng chứng bệnh riêng biệt.
Nắm rõ tiền sử của bệnh nhân có thể giúp bác sĩ đưa ra phương pháp hỗ trợ phù hợp.
Tổng kết
Đau đầu có thể là một triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc là một tình trạng bệnh riêng biệt. Chứng đau nửa đầu có thể gây ra căng thẳng, ảnh hưởng cuộc sống và làm cho bệnh trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn. Kết hợp điều trị đau đầu và trầm cảm có thể mang lại hiệu quả vượt trội.
Tìm ra nguyên nhân gây đau đầu có thể giúp ngăn ngừa chứng bệnh này. Có thể kết hợp thay đổi lối sống với các phương pháp điều trị y tế, chẳng hạn như sử dụng thuốc phòng ngừa và áp dụng liệu pháp phản hồi sinh học.
Xem thêm :