Mệt mỏi sau khi ăn: đâu là nguyên nhân?

Tất cả chúng ta đều đã cảm nhận được điều đó – đó là cảm giác buồn ngủ len lỏi sau bữa ăn. Bạn đang no nê, thoải mái và đang đấu tranh tư tưởng để giữ cho mắt mình mở. Tại sao ăn xong lại kéo theo cảm giác buồn ngủ đột ngột đến vậy và bạn có cần phải lo lắng về điều đó không?

Video: Đây là lý do vì sao bạn thấy mệt sau khi ăn.

Nói chung, mệt mỏi một chút sau khi ăn là hoàn toàn bình thường và không có gì đáng lo ngại. Có một số yếu tố góp phần vào hiện tượng này và có vài điều bạn có thể làm để giảm tác động gây buồn ngủ đó.

Chu trình tiêu hóa thức ăn

Cơ thể bạn cần năng lượng để hoạt động, không chỉ là các hoạt động thể chất như chạy nhảy mà còn để thở và đơn giản là tồn tại. Chúng ta nhận được năng lượng này từ thức ăn.

Thức ăn được hệ thống tiêu hóa phân hủy thành nguyên liệu cho chuyển hóa (như glucose). Các chất dinh dưỡng phân tử lớn như protein sẽ cung cấp calo (năng lượng) cho cơ thể chúng ta. Không chỉ đơn thuần là biến đổi thức ăn thành năng lượng, chu trình tiêu hóa của chúng ta còn kích hoạt tất cả các loại phản ứng trong cơ thể.

Các hormone như cholecystokinin (CCK), glucagon và amylin được giải phóng để tăng cảm giác no, lượng đường trong máu tăng lên và insulin được sản xuất để cho phép đường này đi từ máu vào các tế bào - nơi nó được sử dụng để tạo năng lượng.

Điều thú vị là cũng có những hormone có thể dẫn đến buồn ngủ khi nồng độ của chúng tăng lên ở trong não. Một trong những hormone đó là serotonin. Hormone khác gây ra giấc ngủ -   melatonin – lại không được tiết ra khi ăn. Tuy nhiên, thực phẩm có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất melatonin.

Chế độ ăn uống

(Nguồn food.com.vn)Chế độ ăn của bạn đã hợp lý chưa?

Mặc dù tất cả các loại thực phẩm đều được tiêu hóa theo cách giống nhau, nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm đều ảnh hưởng đến cơ thể của bạn theo cùng một cách. Một số loại thực phẩm có thể khiến bạn buồn ngủ hơn những loại khác.

Thực phẩm có tryptophan

Axit amin tryptophan được tìm thấy trong gà tây và các loại thực phẩm giàu protein khác như:

  • Rau chân vịt
  • Đậu nành
  • Trứng
  • Phô mai
  • Đậu hũ

Tryptophan được cơ thể sử dụng để tạo ra serotonin. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh giấc ngủ. Có thể việc tăng sản xuất serotonin là nguyên nhân gây ra tình trạng buồn ngủ sau bữa ăn.

Ở Hoa Kỳ, gà tây là thực phẩm được tiêu thụ phổ biến. Việc buồn ngủ đôi khi liên quan đến một bữa ăn lấy gà tây làm trung tâm, như truyền thống của nhiều người vào Lễ Tạ Ơn.

Tuy nhiên, gà tây không chứa hàm lượng tryptophan cao khi so sánh với nhiều loại thực phẩm thông thường khác. Bữa tối sau Lễ Tạ Ơn, cơn buồn ngủ có nhiều khả năng liên quan đến các yếu tố khác, chẳng hạn như khối lượng thức ăn hay lượng rượu được sử dụng.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), chúng ta hãy xem lượng tryptophan trong gà tây khi so sánh với một số loại thực phẩm khác. Sách dinh dưỡng của USDA cũng chỉ ra rằng lượng tryptophan đối với một số loại thực phẩm có thể thay đổi tùy thuộc vào cách chúng được chế biến hoặc nấu chín.

Món ăn

Lượng tryptophan trong 100 gam (g) thực phẩm

Tảo xoắn khô

0,93 g

Phô mai cheddar

0,55 g

Phô mai Parmesan cứng

0,48 g

Thăn lợn nướng

0,38–0,39 g

Gà tây nướng nguyên con, bỏ da

0,29 g

Thịt ức gà tây, ít muối

0,19 g

Trứng luộc kỹ

0,15 g

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, lượng tryptophan được khuyến nghị trong chế độ ăn uống mỗi ngày cho một người trưởng thành là 5 miligam (mg) trên 1 kilogam (kg) trọng lượng cơ thể. Đối với một người lớn nặng 68 kg, tức là khoảng 340 mg (hoặc 0,34 g) mỗi ngày.

Những thức ăn khác

Anh đào ảnh hưởng đến nồng độ melatonin; carbohydrate gây ra sự gia tăng đột biến và tiếp theo là giảm lượng đường trong máu nhanh chóng; các khoáng chất trong chuối giúp thư giãn cơ bắp. Bất kỳ yếu tố nào trong số các yếu tố kể trên đều có thể khiến bạn buồn ngủ và nhiều loại thực phẩm có thể tác động đến mức năng lượng theo những cách khác nhau.

Thói quen ngủ 

Không có gì ngạc nhiên khi ngủ không đủ sâu cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác của bạn sau bữa ăn. Nếu bạn cảm thấy thoải mái và no nê, cơ thể bạn có thể cảm thấy muốn nghỉ ngơi hơn, đặc biệt là nếu bạn không ngủ đủ vào đêm hôm trước.

Điều cần làm là bạn nên có một lịch ngủ đều đặn, hạn chế căng thẳng và tập thể dục như một phần của thói quen hàng ngày để giúp bạn có được một giấc ngủ đêm tốt hơn.

Có nhiều lời khuyên bạn nên tránh ngủ vào buổi trưa nếu bạn khó có một giấc ngủ ngon vào buổi tối nhưng ít nhất đã có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ trưa sau bữa trưa giúp cải thiện sự tỉnh táo về cả tinh thần và thể chất.

Hoạt động thể chất

(Nguồn kindpng.com)Hoạt động thể thao rất có ích cho sức khoẻ.

Ngoài việc giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm, tập thể dục có thể giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày, giảm thiểu sự trì trệ sau bữa ăn. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường năng lượng và giảm mệt mỏi.

Nói cách khác, ít vận động không giúp dự trữ năng lượng. Thay vào đó, tích cực tập thể dục giúp đảm bảo rằng bạn có năng lượng để vượt qua cả ngày dài.

Các tình trạng sức khỏe khác

Trong một số trường hợp hiếm, mệt mỏi sau bữa ăn hoặc đơn giản là buồn ngủ liên tục có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác. Các bệnh lý có thể làm cho tình trạng buồn ngủ sau ăn trở nên tồi tệ hơn bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường
  • Không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng thực phẩm
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Thiếu máu
  • Suy giáp
  • Bệnh celiac

Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi và mắc một trong những tình trạng này, hãy trao đổi với bác sĩ về các giải pháp khả thi. Nếu bạn không biết về tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nhưng có các triệu chứng khác ngoài buồn ngủ sau bữa ăn, bác sĩ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây ra tình trạng đó.

Bệnh tiểu đường

Khi bị mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường typ 1 hoặc tiểu đường typ 2, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn, đó có thể là triệu chứng của tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết.

Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) có thể xảy ra khi tiêu thụ quá nhiều đường. Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu insulin không hiệu quả hoặc không đủ để vận chuyển đường đến các tế bào để tạo năng lượng.

Đường là nguồn năng lượng chính của tế bào, điều này giải thích tại sao insulin hoạt động kém hiệu quả hoặc không đủ có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng khác liên quan đến tăng đường huyết có thể bao gồm tăng đi tiểu nhiều và khát.

Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) có thể xảy ra do tiêu thụ carbohydrate đơn dễ tiêu hóa. Những carbohydrate này có thể làm cho lượng đường trong máu tăng đột biến và sau đó giảm xuống trong một khoảng thời gian ngắn.

Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường đã dùng quá liều insulin hoặc dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác hơn mức cần thiết. Buồn ngủ có thể là một trong những triệu chứng chính của hạ đường huyết, cùng với các triệu chứng sau:

  • Chóng mặt hoặc yếu
  • Đói
  • Cáu gắt
  • Hoang mang, hoảng hốt

Cả tăng đường huyết và hạ đường huyết đều là những tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Chúng nên được điều trị ngay lập tức theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng thực phẩm

Không dung nạp hoặc dị ứng với một số loại thực phẩm có thể là nguyên nhân khác của sự mệt mỏi sau bữa ăn. Không dung nạp thực phẩm và dị ứng có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa hoặc các chức năng khác của cơ thể.

Các triệu chứng cấp tính hoặc mạn tính khác cũng có thể xuất hiện, bao gồm rối loạn tiêu hóa, biến đổi ở da, đau đầu hoặc đau nửa đầu.

Bắt tay vào chẩn đoán

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn, hãy bắt đầu ghi lại nhật ký ăn uống. Đó có thể là một cách đơn giản và hữu ích để xác định xem liệu có những loại thực phẩm và thành phần cụ thể nào có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng của bạn.

Một cuốn nhật ký thực phẩm nên ghi lại mọi thứ bạn ăn và uống. Bạn nên ghi chi tiết thời gian cũng như số lượng thực phẩm tiêu thụ. Đồng thời ghi chú lại cảm giác của bạn. Chú ý đến:

  • Mức năng lượng
  • Cảm xúc
  • Chất lượng giấc ngủ
  • Hoạt động tiêu hóa

Viết ra tất cả các triệu chứng khác. Bạn có thể tự rút ra một số mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và cảm giác của mình, nhờ sự trợ giúp của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Bạn nên thảo luận về chế độ ăn uống của mình với bác sỹ, đặc biệt nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn. Có thể phải tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán khác nhau để tìm ra nguyên nhân gốc rễ khiến bạn mệt mỏi, bao gồm:

  • Kiểm tra dung nạp glucose
  • Xét nghiệm HbA1C
  • Xét nghiệm đường huyết, lúc đói hoặc ngẫu nhiên
  • Xét nghiệm máu hoặc da để xác định dị ứng thực phẩm

Họ cũng có thể đề xuất một chế độ ăn kiêng đặc biệt dành cho bạn.

Bác sĩ có thể xác định xem xét nghiệm có cần thiết để chẩn đoán hay không và nếu có, xét nghiệm nào là thích hợp nhất.

Cải thiện tình trạng buồn ngủ sau bữa ăn

Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn là điều cần trao đổi với bác sĩ. Tuy nhiên, nếu các bệnh lý nghiêm trọng hơn đã được loại trừ hoặc tình trạng mệt mỏi chỉ thỉnh thoảng xuất hiện, bạn có thể thực hiện các bước đơn giản để giúp duy trì mức năng lượng tối ưu.

Các thói quen ăn uống và lối sống có thể giúp tăng cường hoặc duy trì mức năng lượng và chống lại cơn buồn ngủ bao gồm:

  • Uống nước để luôn đủ nước
  • Bù điện giải đầy đủ 
  • Giảm lượng thức ăn trong một bữa ăn
  • Ngủ đủ giấc
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Hạn chế uống rượu
  • Điều chỉnh mức tiêu thụ caffeine
  • Ăn thực phẩm tốt cho đường ruột, đường máu, mức insulin và não - bao gồm cả carbohydrate phức tạp, nhiều chất xơ và chất béo lành mạnh

Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm các loại thực phẩm như rau, ngũ cốc nguyên hạt và cá sẽ thúc duy trì đẩy năng lượng. Cố gắng kết hợp thêm các loại hạt và dầu ô liu vào bữa ăn của bạn.

Tránh sử dụng quá nhiều đường và ăn các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn cũng có thể hữu ích

Cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn là hoàn toàn bình thường

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn, rất có thể cơ thể bạn đang phản ứng với tất cả những thay đổi sinh hóa do tiêu hóa gây ra. Nói cách khác, nó hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên nếu triệu chứng này làm gián đoạn hoặc thay đổi thói quen sống, bạn có thể trao đổi với bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm giải pháp khắc phục. 

Xem thêm : 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!