Video: 7 lý do khiến bạn luôn mệt mỏi.
Nhiều yếu tố có thể góp phần khiến bạn buồn ngủ. Có thể bạn ngủ không đủ giấc do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) hoặc chứng ngủ rũ (narcolepsy). Bác sĩ có thể giúp tìm ra nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi và đưa ra phương án điều trị.
Dưới đây là 12 lý do có thể khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi.
Chế độ ăn uống
Nếu bạn có xu hướng hay bỏ bữa, bạn có thể không nhận được lượng calo cần thiết để duy trì năng lượng. Khoảng cách giữa các bữa ăn kéo dài có thể khiến lượng đường máu của bạn giảm xuống, làm giảm năng lượng cần thiết của bạn.
Điều quan trọng là không được bỏ bữa. Hơn nữa, bạn nên ăn những món ăn nhẹ lành mạnh bổ sung năng lượng giữa các bữa chính, nhất là khi bạn bắt đầu cảm thấy uể oải. Các món ăn nhẹ tốt bao gồm chuối, bơ đậu phộng, bánh quy giòn làm từ ngũ cốc nguyên hạt, thanh protein, trái cây khô và các loại hạt.
Thiếu vitamin
Luôn mệt mỏi cũng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin. Nó có thể bao gồm hàm lượng vitamin D, vitamin B-12, sắt, magiê hoặc kali thấp. Xét nghiệm máu định kỳ có thể giúp xác định nguyên nhân.
Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng thực phẩm chức năng. Bạn cũng có thể tăng cường ăn một số loại thực phẩm để bù đắp sự thiếu hụt một cách tự nhiên. Ví dụ, ăn ngao, thịt bò và gan có thể cải thiện tình trạng suy giảm vitamin B-12.
Thiếu ngủ
Luyện tập để có thói quen ngủ tốt hơn giúp tăng cường năng lượng của bạn. Đi ngủ sớm hơn và đảm bảo các điều kiện sau để cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn: ngủ trong phòng tối, yên tĩnh và thoải mái, tránh các hoạt động kích thích trước khi ngủ như tập thể dục và xem TV.
Sau khi làm những việc trên mà giấc ngủ của bạn không được cải thiện thì hãy xin tư vấn của bác sĩ. Bạn có thể cần một đơn thuốc hỗ trợ giấc ngủ hoặc tập phương pháp ngủ khác.
Thừa cân
Thừa cân cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi. Cân nặng càng lớn, cơ thể bạn càng phải làm việc vất vả hơn để thực hiện các công việc hàng ngày như leo cầu thang hay dọn dẹp.
Hãy lên kế hoạch để giảm cân và nâng cao sinh lực của bạn. Bắt đầu với hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ hoặc bơi lội, và tăng dần cường độ khi khả năng của bạn cho phép. Ngoài ra, hãy ăn nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế ăn nhiều đường, đồ ăn vặt và đồ ăn nhiều chất béo.
Lối sống ít vận động
Hoạt động thể chất cũng có thể tăng mức năng lượng của bạn. Mặt khác, lối sống ít vận động có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức và buồn ngủ.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã điều tra xem lối sống ít vận động ảnh hưởng như thế nào đến cảm giác mệt mỏi ở phụ nữ. Bảy mươi ba phụ nữ đã tham gia vào nghiên cứu. Khi được đề nghị thực hiện một lối sống nâng cao hoạt động thể chất, một số người có thể thực hiện theo trong khi những người khác không đạt được.
Theo kết quả nghiên cứu, những phụ nữ vận động càng nhiều, mức độ mệt mỏi thấp hơn một cách đáng kể. Điều này ủng hộ quan điểm cho rằng tăng cường hoạt động thể chất giúp cơ thể có sức sống hơn và tạo ra nhiều năng lượng.
Căng thẳng
Khi bị căng thẳng, cơ thể bạn chuyển sang chế độ “chống trả hay bỏ chạy” ( fight-or-flight). nó làm tăng nồng độ cortisol và adrenaline, giúp cơ thể bạn sẵn sàng đối phó với những tình huống khẩn cấp. Với liều lượng nhỏ, phản ứng này là an toàn. Trong trường hợp căng thẳng kéo dài hoặc liên tục, nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn năng lượng của cơ thể, khiến bạn cảm thấy kiệt sức.
Học cách kiểm soát căng thẳng có thể cải thiện năng lượng của bạn. Bắt đầu bằng cách đặt ra các giới hạn, tạo ra các mục tiêu thực tế và thay đổi cách suy nghĩ. Hít thở sâu và thiền cũng có thể giúp bạn bình tĩnh hơn trong trường hợp căng thẳng.
Trầm cảm
Khi bạn cảm thấy trầm cảm, thiếu năng lượng và mệt mỏi có thể theo sau. Khi đó, hãy nói chuyện với bác sĩ và thảo luận về các phương án điều trị.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm. Bạn cũng có thể thấy ổn hơn khi được tư vấn sức khỏe tâm thần. Liệu pháp nhận thức hành vi cũng là một cách điều trị giúp thay đổi các suy nghĩ tiêu cực dẫn đến tâm trạng không tốt và trầm cảm.
Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ đôi khi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự mệt mỏi. Nếu mức năng lượng của bạn không cải thiện sau một vài tuần hoặc sau khi bạn đã thay đổi sang một lối sống phù hợp, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn. Bạn có thể cần đến khám một bác sĩ chuyên về giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ có thể khiến bạn mệt mỏi. Ngưng thở khi ngủ là khi hơi thở của bạn có những quãng ngừng khi bạn ngủ. Kết quả là não và cơ thể bạn không nhận đủ oxy vào ban đêm. Điều này có thể dẫn đến mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng nghiêm trọng. Nó có thể gây ra huyết áp cao, kém tập trung và dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Điều trị có thể bằng cách sử dụng máy áp lực dương liên tục (CPAP machine-Continuous Positive Airway Pressure machine) hoặc thiết bị trong miệng để giữ cho đường hô hấp trên mở khi bạn ngủ.
Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi mọi lúc mọi nơi nếu bạn mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính. Tình trạng này gây ra sự kiệt sức và không cải thiện được với việc thay đổi thời gian hay chất lượng giấc ngủ. Nguyên nhân của nó hiện tại vẫn chưa rõ ràng.
Không có bài kiểm tra nào có thể chẩn đoán chính xác hội chứng mệt mỏi mãn tính. Bác sĩ của bạn phải loại trừ các vấn đề sức khỏe khác trước khi đưa ra chẩn đoán. Phương pháp điều trị liên quan đến việc học cách sống với những giới hạn về thể chất hoặc nhịp độ của bản thân. Tập thể dục vừa phải cũng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và tăng cường năng lượng.
Đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia)
Bệnh đau cơ xơ hóa gây ra đau và làm mềm cơ. Bệnh lý này ảnh hưởng đến hệ thống cơ và mô mềm, nhưng nó cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi. Vì cơn đau, một số người mắc chứng này không thể ngủ vào ban đêm. Do đó có thể dẫn đến buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày.
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp cải thiện tình trạng đau và dễ ngủ. Ngoài ra, một số người cũng có đáp ứng tích cực với thuốc chống trầm cảm, cũng như vật lý trị liệu và tập thể dục.
Thuốc
Đôi khi, thuốc có thể khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi. Hãy nhớ lại khi bạn bắt đầu thấy buồn ngủ vào ban ngày. Đó có phải là khoảng thời gian mà bạn mới bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới?
Kiểm tra lại tác dụng phụ trên nhãn thuốc để xem liệu mệt mỏi có phải là một trong số đó hay không. Nếu có, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn. Họ có thể kê một loại thuốc khác hoặc giảm liều lượng thuốc bạn đang dùng.
Tiểu đường
Luôn cảm thấy mệt mỏi cũng có thể là một triệu chứng của bệnh tiểu đường. Khi bạn bị tiểu đường, cơ thể bạn không tạo ra đủ insulin. Điều này có thể làm cho lượng đường trong máu cao, ảnh hưởng đến sự tập trung và đôi khi khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh.
Hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng mệt mỏi không rõ nguyên nhân của bạn không cải thiện. Hãy nhớ rằng mệt mỏi cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác như bệnh tim và ung thư.
Tổng kết
Bình thường bạn sẽ thấy có một số ngày mệt mỏi hơn những ngày khác. Điều quan trọng là bạn phải biết lúc nào buồn ngủ là bình thường và lúc nào buồn ngủ là do quá mệt mỏi.
Trong hầu hết các trường hợp, buồn ngủ quá mức có thể được khắc phục bằng một số thay đổi trong lối sống. Nếu bạn vẫn cảm thấy kiệt sức sau khi cố gắng tự kiểm soát nó, hãy nhờ bác sĩ tư vấn cho bạn. Bạn có thể đã bị chứng rối loạn giấc ngủ hoặc một tình trạng bệnh lý khác cần chú ý.
Xem thêm :