Video :Vì sao cơ thể mất nước khi trời nắng? Cách bù nước lại? | BS Trịnh Ngọc Duy, BV Vinmec Times City
Cơ thể con người có khoảng 75% là nước. Nếu không có nước cơ thể không thể tồn tại. Nước có ở trong tế bào, trong mạch máu và khoảng kẽ.
Một hệ thống quản lý nước tinh vi giúp giữ lượng nước trong cơ thể luôn cân bằng và cơ chế khát cho chúng ta biết khi nào chúng ta cần tăng lượng nước vào.
Mặc dù nước liên tục bị mất qua hơi thở, đổ mồ hôi, đi tiểu và đại tiện, nhưng chúng ta có thể bổ sung nước trong cơ thể bằng đường uống. Cơ thể cũng có thể vận chuyển nước đến những nơi cần thiết nhất nếu tình trạng mất nước bắt đầu xảy ra.
Hầu hết các trường hợp mất nước có thể dễ dàng hồi phục bằng cách tăng lượng nước uống vào, nhưng những trường hợp mất nước nghiêm trọng cần được cấp cứu.
Một số thông tin nhanh về tình trạng mất nước
- Khoảng 3/4 cơ thể con người là nước.
- Các nguyên nhân gây mất nước bao gồm tiêu chảy, nôn mửa và đổ mồ hôi.
- Những người có nguy cơ mất nước cao hơn như vận động viên, người sống ở nơi độ cao lớn hơn và người lớn tuổi.
- Các triệu chứng ban đầu của tình trạng mất nước: khô miệng, thờ ơ và chóng mặt.
Triệu chứng mất nước
Tình trạng mất nước rất dễ khắc phục nhưng có thể nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.
Các triệu chứng đầu tiên của tình trạng mất nước bao gồm khát nước, nước tiểu sẫm màu hơn và giảm bài tiết nước tiểu. Trên thực tế, màu sắc của nước tiểu là một trong những chỉ số tốt nhất về mức độ hydrat hóa - nước tiểu trong có nghĩa đủ nước và nước tiểu sẫm màu hơn có nghĩa là đang bị mất nước.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là, đặc biệt ở người lớn tuổi, tình trạng mất nước có thể xảy ra mà không có triệu chứng khát. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải uống nhiều nước hơn khi bị ốm, hoặc khi thời tiết nóng hơn.
Các triệu chứng có thể gặp khi tình trạng mất nước vừa phải:
Mất nước nghiêm trọng (mất 10-15% nước trong cơ thể) có thể có các triệu chứng như ở trên ở mức độ nặng cũng như:
- Giảm bài tiết mồ hôi
- Mắt trũng sâu
- Da nhăn nheo và khô
- Huyết áp thấp
- Tăng nhịp tim
- Sốt
- Mê sảng
- Sự bất tỉnh
Các triệu chứng ở trẻ em
- Ở trẻ sơ sinh - thóp trũng (vùng mềm trên đỉnh đầu)
- Khô lưỡi và miệng
- Dễ quấy khóc
- Không có nước mắt khi khóc
- Má hóp và / hoặc mắt trũng
- Tã không bị ướt trong 3 giờ trở lên
Nguyên nhân mất nước
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng mất nước là do không bổ sung đủ nước, mất quá nhiều nước hoặc kết hợp cả hai.
Đôi khi, không thể uống đủ nước do quá bận rộn, thiếu dụng cụ hoặc sức lực để uống, hoặc ở khu vực không có nước uống (ví dụ như khi đi bộ đường dài hoặc cắm trại). Các nguyên nhân khác gây mất nước bao gồm:
- Tiêu chảy: là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất nước và các trường hợp tử vong liên quan. Ruột già hấp thụ nước từ thức ăn. Khi bị tiêu chảy, nước không được ruột hấp thụ. Cơ thể đào thải quá nhiều nước dẫn đến mất nước.
- Nôn: dẫn đến mất dịch và khó bổ sung nước bằng cách uống.
- Đổ mồ hôi: cơ chế làm mát của cơ thể giải phóng một lượng nước đáng kể. Thời tiết nóng và ẩm ướt và hoạt động thể chất mạnh có thể làm tăng thêm lượng dịch mất đi do đổ mồ hôi. Tương tự, sốt có thể làm tăng tiết mồ hôi và có thể làm bệnh nhân mất nước, đặc biệt nếu kèm theo tiêu chảy và nôn mửa.
- Bệnh đái tháo đường: nồng độ đường trong máu cao gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều hơn và mất nước.
- Đi tiểu thường xuyên: thường nguyên nhân là do bệnh đái tháo đường không kiểm soát được, nhưng cũng có thể do rượu và các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamine, thuốc hạ áp và thuốc chống loạn thần.
- Bỏng: các mạch máu có thể bị tổn thương, gây rò rỉ chất lỏng vào các mô xung quanh.
Các yếu tố nguy cơ
Mặc dù tình trạng mất nước có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người có nhiều nguy cơ như:
- Những người lớn tuổi.
- Các vận động viên, đặc biệt là những vận động viên sức bền, như marathon, ba môn phối hợp và các giải đua xe đạp. Mất nước có thể làm giảm hiệu suất trong thể thao.
- Những người bị bệnh mãn tính, như đái tháo đường, bệnh thận, xơ nang, nghiện rượu và bệnh lý tuyến thượng thận.
- Trẻ sơ sinh và trẻ em: thường gặp nhất là do tiêu chảy và nôn mửa.
Tình trạng mất nước ở người lớn tuổi cũng phổ biến. Đôi khi tình trạng này xảy ra do uống ít nước hơn để không cần phải đứng dậy đi vệ sinh thường xuyên. Ngoài ra còn do những thay đổi trong não, có nghĩa là không phải lúc nào cơn khát cũng xảy ra.
Các biến chứng mất nước
Nếu tình trạng mất nước không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng như:
Thể tích máu giảm: ít máu làm giảm huyết áp và giảm lượng oxy đến các mô, điều này có thể đe dọa tính mạng.
Động kinh: do mất cân bằng điện giải.
Các vấn đề về thận: sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và cuối cùng là suy thận.
Chấn thương do nhiệt: từ chuột rút nhẹ đến kiệt sức vì nóng hoặc thậm chí là say nóng.
Chẩn đoán mất nước
Bác sĩ sẽ khám sức khỏe và tinh thần để chẩn đoán tình trạng mất nước. Một bệnh nhân có các triệu chứng như mất phương hướng, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, sốt, giảm mồ hôi và giảm đàn hồi da thường là do mất nước.
Xét nghiệm máu thường được sử dụng để kiểm tra chức năng thận và kiểm tra nồng độ natri, kali và các chất điện giải khác. Chất điện giải là các chất hóa học kiểm soát quá trình hydrat hóa trong cơ thể và rất quan trọng đối với chức năng thần kinh và cơ. Phân tích nước tiểu sẽ cung cấp thông tin rất hữu ích để giúp chẩn đoán tình trạng mất nước. Ở người bệnh mất nước, nước tiểu sẽ có màu sẫm hơn và cô đặc hơn bởi trong nước tiểu chứa một lượng hợp chất nhất định gọi là xeton.
Để chẩn đoán tình trạng mất nước ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ thường kiểm tra thóp. Ngoài ra đánh giá sự mất mồ hôi và các đặc điểm trương lực cơ nhất định.
Điều trị mất nước
Mất nước phải được điều trị bằng bổ sung dịch cho cơ thể. Có thể bằng việc bổ sung nước trong suốt như nước lọc, nước tinh khiết, nước lạnh hoặc đá, hoặc đồ uống thể thao (Revive, Pocari). Tuy nhiên, một số bệnh nhân mất nước sẽ cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch để bù nước. Những người bị mất nước nên tránh đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà và nước sô-đa.
Các tình trạng bệnh lý gây mất nước cũng cần được điều trị bằng thuốc thích hợp. Phương pháp điều trị có thể là các loại thuốc không cần kê đơn như thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống nôn và thuốc hạ sốt.
Phòng ngừa mất nước
Phòng ngừa là phương pháp điều trị mất nước quan trọng nhất. Hầu hết mọi người nên uống nhiều nước và thực phẩm có hàm lượng nước cao (như trái cây và rau quả) để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Mọi người nên thận trọng khi thực hiện các hoạt động trong thời gian nhiệt độ quá cao hoặc thời điểm nóng nhất trong ngày và đang tập thể dục nên ưu tiên bổ sung nước.
Vì người già và rất trẻ có nguy cơ bị mất nước cao nhất, nên cần đặc biệt chú ý để đảm bảo rằng cung cấp đủ nước.