Nhiều loại trà truyền thống và trà thảo dược có tác dụng tăng cường sức khỏe và mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
Các loại trà truyền thống từ trà xanh, trà đen, trà trắng tới trà Ô Long đều có nguồn gốc từ một loài thực vật có tên khoa học là Camellia sinensis. Tuy nhiên, thuật ngữ “trà” còn được mở rộng ra, bao gồm cả các loại nước sắc từ thảo dược và hoa quả, ví dụ như trà hoa cúc, trà bạc hà, trà dâm bụt.
Trà có lợi như thế nào đối với bệnh tiểu đường típ 2?
Trong các loại đồ uống ít calo, trà không chứa chất tạo ngọt là một sự lựa chọn hợp lý cho bệnh nhân đái tháo đường, vì nó không làm tăng đường huyết và giúp cơ thể tránh bị mất nước. Thêm vào đó, một số hoạt chất trong trà có tác dụng kiểm soát đường huyết và chống viêm hiệu quả.
Bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường có 3 thể: típ 1, típ 2 và đái tháo đường thai kỳ.
Đái tháo đường típ 2 gây giảm khả năng sử dụng insulin trên người bệnh và đây là típ đái tháo đường phổ biến nhất. Ở người bị bệnh, lượng đường trong máu có thể tăng rất cao. Bệnh nhân cần được kiểm tra định kỳ và kiểm soát chặt chẽ chỉ số đường huyết.
Điểm khác biệt giữa trà truyền thống và trà thảo dược?
Trà truyền thống
Trà là thức uống được tiêu thụ nhiều thứ 2 trên toàn cầu. Có đến 2/3 dân số thế giới ưa chuộng loại đồ uống này.
Tất cả các loại trà truyền thống đều được thu hoạch từ một loài cây nhưng trải qua các quy trình chế biến khác nhau.
Một báo cáo khoa học năm 2013 kết luận rằng chất polyphenols trong trà xanh và trà đen có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại sự tiến triển của các bệnh đái tháo đường, viêm khớp, ung thư, và có thể tăng cường sức khỏe hệ tim mạch.
Trà thảo mộc
Trà thảo dược có thể được làm từ lá, thân, rễ, quả, chồi, và hoa của rất nhiều loại thảo mộc hoặc cây ăn quả. Tác dụng của chúng đối với sức khỏe còn phụ thuộc vào thành phần cấu tạo và đặc tính sinh học của mỗi loài thực vật.
Các hợp chất trong trà
Nhiều hợp chất trong các loại trà có thể giúp kiểm soát đường huyết và chống oxy hóa.
Trà truyền thống
Trong một nghiên cứu về tác dụng của trà trên bệnh tiểu đường, các tác giả tìm thấy trong loại đồ uống này một lượng lớn polyphenols và caffeine, hai chất có ảnh hưởng lên chỉ số đường huyết. Trà truyền thống cũng chứa các chất chống oxy hóa bao gồm theaflavin and thearubigins.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra trà có thể làm giảm sự đề kháng với insulin, ngăn ngừa tăng đường huyết, và giảm thiểu biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các tác giả cũng tìm thấy mối liên quan không nhất quán giữa việc uống trà và khả năng giảm thiểu nguy cơ tiến triển bệnh tiểu đường. Họ cũng nhấn mạnh rằng các nghiên cứu có thể cho ra kết quả không thống nhất do có nhiều hợp chất khác trong trà. Do vậy việc chiết tách được các hợp chất có tác dụng sinh học trong trà để kiểm nghiệm hiệu quả riêng biệt của chúng trên bệnh đái tháo đường là vô cùng quan trọng.
Trà thảo mộc
Các lợi ích về sức khỏe của một số loại trà thảo mộc phổ biến:
- Gừng: chống viêm và hạ đường huyết
- Bạc hà: chống oxy hóa và tác dụng chống lại các khối u
- Cây tầm xuân: chống viêm
- Cây xô thơm: tăng cường chống oxy hóa ở gan
- Yerba mate (một loại trà rất được ưa chuộng bởi người dân Nam Mỹ): Bảo vệ hệ tim mạch và gan.
Các loại trà tốt nhất cho bệnh tiểu đường
Cả trà truyền thống và trà thảo dược đều mang lại những lợi ích tiềm ẩn cho người bệnh đái tháo đường típ 2
Trà truyền thống
- Trà xanh
Các nhà khoa học khẳng định rằng trà xanh có tác dụng chống viêm và kiểm soát chỉ số đường huyết.
Một nghiên cứu năm 2017 tiến hành trên đàn ông và phụ nữ lớn tuổi Nhật Bản cho thấy uống nhiều hơn 7 tách trà xanh mỗi ngày làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh tiểu đường ở phụ nữ có thói quen ăn nhiều cơm.
- Trà đen
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, dùng trà đen với một thức uống có đường làm giảm đáng kể lượng đường huyết sau ăn khi so sánh với nhóm chứng ở cả những người khỏe mạnh và những bệnh nhân tiền đái tháo đường.
Cùng với trà xanh, trà đen đóng một vai trò tích cực bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn giải thích được cơ chế của hiện tượng này.
Trà thảo dược
Trà thảo dược không chứa caffeine, và có thể giúp kiểm soát lượng đường tiêu thụ, cũng như tăng cường khả năng chống oxy hóa. Chúng bao gồm
- Hoa cúc
Trà hoa cúc có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết hiệu quả và bảo vệ cơ thể khỏi quá trình oxy hóa dẫn đến các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Một nghiên cứu trên 64 bệnh nhân đái tháo đường cho thấy những người uống trà hoa cúc 3 lần mỗi ngày trong suốt 8 tuần có sự cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát đường huyết và mức độ chống oxy hóa. Những thí nghiệm sâu hơn trên những quần thể lớn hơn có thể giúp củng cố nhận định này.
- Quế
Trong một nghiên cứu nhỏ trên 30 người có chỉ số đường huyết bình thường, những tình nguyện viên uống khoảng 100 ml trà quế trước khi dùng một dung dịch đường cho kết quả có mức đường huyết thấp hơn so với nhóm chứng.
Cần có những nghiên cứu lớn hơn để minh chứng hiệu quả này.
- Dâm bụt
Theo một số nghiên cứu tiến hành trên chuột, trà dâm bụt có thể làm giảm tình trạng đề kháng insulin.
Xấp xỉ 2/3 người bệnh tiểu đường có tăng huyết áp. Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy uống trà dâm bụt hai lần một ngày trong vòng một tháng làm giảm huyết áp tâm thu trên bệnh nhân đái tháo đường khi so sánh với trà đen.
- Tía tô đất
Trong một nghiên cứu trên chuột, tinh dầu tía tô đất có thể làm giảm lượng đường máu bằng cách tăng đào thải và giảm tổng hợp glucose.
Một nghiên cứu khác tiến hành trên bệnh nhân đái tháo đường cho thấy sử dụng viên uống chiết xuất từ tía tô đất trong vòng 12 tuần tăng khả năng kiểm soát đường huyết và các nguy cơ tim mạch.
Điều đó cho thấy lợi ích của trà tía tô đất có thể tương đương trên chuột và người, nhưng để khẳng định được chúng ta vẫn cần có thêm những bằng chứng chắc chắn hơn.
- Nghệ
Nghệ chứa một hoạt chất có tên gọi là curcumin. Một nghiên cứu trên người và động vật nhấn mạnh rằng curcumin có thể làm giảm đường máu bằng cách cải thiện độ nhạy với insulin của mô và tăng đào thải glucose ra khỏi cơ thể.
Tác dụng không mong muốn
Mặc dù uống trà có thể là một thói quen tốt cho sức khỏe, mọi người cần lưu ý rằng việc làm ngọt trà bằng đường hoặc mật ong có thể ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát đường huyết, từ đó tăng nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường típ 2.
Vì vậy, với trà truyền thống, thay vì cho thêm đường, người bệnh có thể bổ sung một số nguyên liệu tự nhiên như chanh, quế, các loại hoa quả và thảo dược khác để làm tách trà trở nên ngon miệng hơn.
Những túi trà đóng gói sẵn có thể đã được cho thêm đường, vì vậy hãy cẩn thận kiểm tra thành phần của chúng trước khi sử dụng.
Bên cạnh đó, một số loại trà thảo dược có thể tương tác với thuốc điều trị đái tháo đường. Ví dụ, quả lê gai có thể tương tác với glipizide và metformin, và cỏ cà ri có thể tương tác với glibenclamide. Vì vậy, hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại trà nào.
Tổng kết
Trà truyền thống và trà thảo dược là những loại đồ uống phổ biến với nhiều lợi ích khá rõ rệt trên bệnh nhân tiểu đường típ 2. Rất nhiều loại trà đã được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi để hỗ trợ điều trị căn bệnh này.
Người mắc đái tháo đường típ 2 nên tránh pha trà với đường và mật ong để hạn chế nạp thêm đường vào cơ thể. Tương tác giữa trà và các một số loại thuốc điều trị đái tháo đường là có thể xảy ra, vì vậy người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Xem thêm :