Video: Công dụng thần kì của hoa cúc khô là gì?
Lịch sử
Hoa cúc là một loại dược liệu lâu đời được biết đến nhiều ở Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và La Mã. Loài hoa này được sử dụng cực kỳ phổ biến trong suốt thời Trung Cổ khi người ta coi nó như một phương thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh như hen suyễn, đau bụng, sốt, viêm nhiễm, buồn nôn, căng thẳng lo âu, bệnh ở trẻ em, các bệnh ngoài da và ung thư. Nó thậm chí còn được coi là đại diện của phương Tây, sánh ngang hàng với Nhân sâm của Trung Quốc.
Môi trường sống
Hoa cúc có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên khắp Châu Âu. Chúng được trồng nhiều ở Đức, Ai Cập, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ma-rốc và một số vùng của Đông Âu. Mỗi loài cúc có một đặc điểm riêng biệt và đòi hỏi những điều kiện sống khác nhau. Ví dụ, hoa cúc La Mã là loài cây lâu năm với vòng đời trung bình hơn hai năm. Nó mọc sát mặt đất và trổ những bông hoa nhỏ màu đỏ nhạt. Trà làm từ cúc La Mã có vị đắng. Trong khi đó, hoa cúc Đức cho ta vị ngọt hơn. Hoa cúc Đức là loài cây hàng năm, những bông hoa của nó có kích thước lớn với chiều cao lên đến gần một mét.
Thành phần hoạt tính
Tác dụng chữa bệnh của những loài cây này đến từ những bông hoa của nó. Chúng chứa nhiều loại dầu dễ bay hơi (bao gồm bisabolol, bisabolol oxit A và B, và matricin) cũng như các flavonoid (đặc biệt là hợp chất apigenin) và các chất có tác dụng điều trị khác.
Lợi ích đối với sức khỏe
Hoa cúc đã được sử dụng trong trà hàng thế kỷ như một phương thuốc giúp thư giãn, hỗ trợ giấc ngủ, điều trị sốt, cảm lạnh, bệnh dạ dày, chống viêm. Loài thảo dược này có thể được sử dụng trong hoặc ngoài cơ thể. Các nghiên cứu khoa học quy mô lớn trong hơn 20 năm qua đã công nhận nhiều công dụng gia truyền của hoa cúc và đưa ra các cơ chế dược lý giải thích cho tác dụng chống dị ứng, giảm co thắt, hạ sốt, kháng khuẩn, kháng nấm của loài cây này. Các đặc tính này tiếp tục được tìm ra trong nhiều nghiên cứu gần đây cũng như các nghiên cứu đang được tiến hành, khẳng định và củng cố danh tiếng lâu đời của cây hoa cúc. Sự chú ý lớn từ giới khoa học có vẻ đã góp phần làm tăng lên mức độ phổ biến của loại thảo mộc này và ngày nay hoa cúc đã được đưa vào dược thư của 26 quốc gia trên thế giới.
Một vài công dụng cụ thể
- Trà hoa cúc được sử dụng để cải thiện chứng đau thắt lưng, thấp khớp và phát ban.
- Hoa cúc được chế biến thành thuốc, sử dụng cho bệnh trĩ và các vết thương.
- Ở dạng hơi, chúng được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh hoặc hen suyễn.
- Làm giảm tình trạng bồn chồn, khó mọc răng và đau bụng ở trẻ em.
- Giảm dị ứng, giống như thuốc kháng histamine.
- Hỗ trợ tiêu hóa khi uống sau bữa ăn như một loại trà.
- Giảm ốm nghén khi mang thai.
- Tăng tốc độ chữa lành vết loét, vết thương hoặc vết bỏng trên da.
- Trị viêm dạ dày và viêm loét đại tràng.
- Giảm viêm và tăng nhu động ruột mà không cần tác dụng trực tiếp như thuốc tẩy.
- Được sử dụng để rửa hoặc băng ép cho các bệnh về da và viêm nhiễm, bao gồm cả viêm niêm mạc.
- Giảm căng thẳng, giúp thư giãn toàn thân.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy hoa cúc có chứa các chất tác động lên các bộ phận của não và hệ thần kinh giống như các loại thuốc giảm lo âu. Tuy nhiên, bạn không được tự ý dùng nó để thay thế các loại thuốc kê đơn nếu không có sự cho phép của bác sĩ điều trị.
Hoa cúc còn có các tác dụng sau
- Kiểm soát chứng mất ngủ. Hoa cúc có tác dụng an thần nhẹ và thư giãn cơ bắp, do đó có thể giúp những người bị mất ngủ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
- Điều trị túi thừa đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm đường ruột (ví dụ bệnh Crohn) và các vấn đề khác trên đường tiêu hóa, nhờ vào tác dụng chống viêm và chống co thắt giúp thư giãn cơ trơn dạ dày và ruột. Cũng nhờ đó, loại thảo mộc này có thể giảm buồn nôn, ợ chua và đầy hơi liên quan đến căng thẳng tâm lý.
- Làm dịu các vết phát ban trên da (bao gồm cả bệnh chàm), vết bỏng nhẹ và cháy nắng. Được sử dụng như một loại kem dưỡng da hoặc bổ sung vào sữa tắm, hoa cúc có thể làm dịu cơn ngứa và giảm viêm da. Nó cũng có thể tăng tốc độ liền vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Điều trị viêm và nhiễm trùng mắt. Dùng trà hoa cúc để nguội để chườm mắt có thể làm dịu đi đôi mắt mệt mỏi, khó chịu và thậm chí nó có thể giúp điều trị viêm kết mạc.
- Làm lành các vết loét miệng và ngăn ngừa các bệnh về nướu. Nước súc miệng từ hoa cúc có thể giảm viêm nhiễm trong miệng và giữ cho nướu răng khỏe mạnh.
- Giảm đau bụng kinh. Hoa cúc được cho là có khả năng giảm co thắt cơ trơn tử cung, qua đó làm dịu đi sự khó chịu của cơn đau bụng kinh.
Tinh dầu hoa cúc
Tinh dầu hoa cúc là một loại tinh dầu được chiết xuất từ bông hoa của cây hoa cúc.
Để có được loại tinh dầu này, hầu hết các nhà sản xuất sử dụng phương pháp chưng cất hơi nước. Những bông hoa được đặt ở một nơi có hơi nước nóng bốc lên. Hơi nước - phải đủ nóng để xâm nhập được vào bông hoa mà không làm cháy nó – giúp đẩy tinh dầu ra khỏi bông hoa để nó có thể được chiết xuất riêng. Lượng tinh dầu chiết ra được phụ thuộc vào từng giống cây – ví dụ hoa cúc La Mã tươi có thể sản xuất được 1,7% tinh dầu, trong khi hoa cúc Đức chỉ cho 0,2–0,4% tinh dầu.
Tinh dầu hoa cúc phục vụ nhiều mục đích y học, nhưng một trong những cách sử dụng được ghi nhận hiệu quả nhất là để thư giãn cơ thể. Tinh dầu giúp ngủ ngon, xoa dịu căng thẳng, trấn an tinh thần và tăng cảm giác hạnh phúc. Vì vậy nó rất hữu ích cho những người mắc chứng lo âu căng thẳng.
Bên cạnh đó, tinh dầu hoa cúc cũng giúp hỗ trợ thư giãn đối với tình trạng đau mỏi cơ và cứng khớp. Nó có thể làm dịu cơn đau bụng kinh và đau lưng, cũng như cải thiện hệ tiêu hóa để giảm các triệu chứng bất thường ở dạ dày hoặc chứng khó tiêu.
Khi bôi lên da, tinh dầu làm dịu mẩn đỏ và giảm ngứa, giảm dị ứng và phát ban nhờ đặc tính chống viêm. Bởi thế hoa cúc là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da.
Tinh dầu hoa cúc còn có đặc tính kháng khuẩn, giúp làm sạch và bảo vệ vết thương khỏi nhiễm trùng. Do đó nó thường được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị áp xe răng, viêm kết mạc và các bệnh nhiễm trùng khác.
Sử dụng
Có nhiều cách khác nhau để sử dụng tinh dầu, tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Ví dụ, tinh dầu có thể được thoa tại chỗ để chữa trị các vấn đề về da, hoặc dùng đường uống để chữa đau bụng hoặc các rối loạn tiêu hóa khác. Trước khi sử dụng, bạn cần pha loãng tinh dầu vào nước vì chỉ một lượng nhỏ của nó cũng có dược tính rất mạnh. Một đến hai giọt trong một cốc nước là đủ để sử dụng như một loại nước súc miệng hoặc nước uống để trị bệnh đường tiêu hóa. Để sử dụng trong bồn tắm như một loại hương liệu và thư giãn cơ thể, bạn chỉ cần đến ít hơn 10 giọt tinh dầu là đủ.
Hương thơm của tinh dầu có thể được sử dụng như một phương pháp trị liệu. Tinh dầu sẽ được làm bay hơi để sử dụng làm dầu thơm, có tác dụng làm dịu thần kinh và giảm đau đầu rất tốt. Ngoài ra, có thể trộn tinh dầu hoa cúc với một loại dầu khác, chẳng hạn như vừng, khoáng chất hoặc ô liu, để dùng xoa bóp các cơ và khớp đang đau nhức. Tinh dầu cũng có thể trộn cùng với các loại kem dưỡng da khác để giúp giảm phát ban và kích ứng.
Các cách sử dụng khác
Ngoài việc được bào chế thành thuốc, hoa cúc được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là ở Châu Âu và Mỹ, như một loại nước giải khát và một thành phần trong nhiều loại mỹ phẩm. Rob McCaleb, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Thảo mộc ở Boulder (Colorado, Mỹ) ước tính rằng hơn một triệu tách trà hoa cúc được tiêu thụ trên toàn thế giới mỗi ngày, khiến nó trở thành loại trà thảo mộc được tiêu thụ rộng rãi nhất hiện nay.
Thận trọng
Mặc dù tinh dầu hoa cúc thường được sử dụng khá an toàn cho mọi lứa tuổi, nhưng nó không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, những người bị dị ứng mạnh với các loại thực vật như cỏ phấn hương nên thử dùng tại chỗ trên một mảng da nhỏ trước khi thoa lên toàn thân, do hoa cúc đôi khi có thể gây ra các phản ứng dị ứng.
Nếu bạn bị dị ứng với thực vật thuộc họ Compositae (một nhóm lớn bao gồm các loại hoa như cúc, cỏ phấn hương, cúc tây và hoa cúc), bạn nên thận trọng trong lần đầu sử dụng hoa cúc. Dù đã có những báo cáo riêng biệt về các phản ứng dị ứng, phát ban trên da và co thắt phế quản, hầu hết mọi người đều có thể sử dụng loại thảo mộc này mà không có vấn đề gì.
- Tên Latin
Matricaria recutita, Chamomilla recutita
- Tên thường gọi
Bodegold, Hoa cúc thường, Hoa cúc Đức, Hoa cúc La Mã, Hoa cúc Hungary, Hoa cúc giả ngọt, Hoa cúc dại.
- Thuộc tính được đề xuất
Tẩy giun sán, chống dị ứng, chống vi khuẩn, chống nấm, chống viêm, chống nhiệt miệng, chống nhiễm trùng, chống co thắt, an thần, chữa bệnh dạ dày.
Chỉ định
Hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ giấc ngủ, giảm dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng do vi khuẩn, bỏng và cháy nắng, bệnh Crohn, đau bụng, cảm lạnh, viêm kết mạc, túi thừa đại tràng, chàm, viêm mắt và nhiễm trùng, cải thiện nhu động ruột, viêm dạ dày, các vấn đề về đường tiêu hóa, bệnh trĩ, ợ chua, viêm ruột, viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích, đầy hơi liên quan đến căng thẳng, đau thắt lưng, đau bụng kinh, buồn nôn, lo âu, loét dạ dày tá tràng, phát ban, giảm ốm nghén, bồn chồn, các vấn đề về thấp khớp, loét da, giảm đau, vấn đề mọc răng, vết thương.
Xem thêm :