Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bệnh ghẻ là gì, cách bác sĩ điều trị bệnh ghẻ và tìm hiểu một số sản phẩm không kê đơn (over-the-counter) – OTC có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Bệnh ghẻ là gì?
Kí sinh trùng gây bệnh ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei var. hominis. Khi da tiếp xúc với cái ghẻ, cái ghẻ sẽ chui vào lớp da trên cùng (thượng bì) và đẻ trứng ở đó. Mọi người có thể bị ghẻ khi tiếp xúc da kề da với người bị bệnh ghẻ.
Các triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm cái ghẻ như: ngứa dữ dội và phát ban với những nốt mụn nhọt rải rác theo đường cái ghẻ đào hang. Tình trạng ngứa có thể trở nên dữ dội hơn vào ban đêm do ban đêm là thời gian cái ghẻ hoạt động và một số người có thể bị lở loét do gãi nhiều.
Các triệu chứng thường xuất hiện 4–8 tuần sau khi tiếp xúc với người có mầm bệnh. Ở những người đã từng bị ghẻ, các triệu chứng có thể phát triển trong vòng 1–4 ngày.
Có những phương pháp điều trị OTC nào?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centres for Disease Control and Prevention - CDC) Hoa Kì cho biết: không có thuốc tiêu diệt cái ghẻ và trứng ghẻ không kê đơn.
Một số loại thuốc không kê đơn tuyên bố có thể điều trị bệnh ghẻ, nhưng không được các cơ quan quản lý kiểm tra và những loại thuốc này cũng không được chấp thuận cho sử dụng trên người.
Cách duy nhất để điều trị bệnh ghẻ là nhờ bác sĩ kê đơn thuốc.
CDC đã cảnh báo mọi người tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm điều trị ghẻ mà các nhà sản xuất quy định dùng cho vật nuôi trong nhà hoặc trang trại.
Điều trị bệnh ghẻ như thế nào?
Các bác sĩ kê toa một loại thuốc gọi là scabicides (thuốc diệt ghẻ) để tiêu diệt cái ghẻ và trứng của chúng. Loại thuốc diệt ghẻ được sử dụng phổ biến nhất là dạng kem có chứa 5% permethrin.
Mọi người có thể mua các sản phẩm không kê đơn có chứa permethrin, nhưng những sản phẩm này không đủ mạnh để điều trị bệnh ghẻ. Chúng chỉ chứa 1% permethrin, và mọi người sử dụng chúng để điều trị chấy .
Những người sử dụng permethrin nên:
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng
- Rửa và lau khô da kỹ lưỡng
- Massage cho kem thẩm thấu vào da, bắt đầu từ cổ và di chuyển xuống lòng bàn chân
- Để kem trong 8–14 giờ
- Tắm sạch để loại bỏ lớp kem
- Mặc quần áo sạch
Nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị ghẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cũng nên thoa kem lên đầu trẻ.
Thông thường, chỉ cần sử dụng phương pháp điều trị này một lần, tình trạng ngứa sẽ giảm đi trong vòng 24 giờ, nhưng mọi người vẫn có thể bị ngứa trong tối đa 4 tuần sau khi sử dụng kem. Nếu phát hiện cái ghẻ trên da sau 14 ngày sử dụng kem, bạn nên đến gặp bác sĩ để nghe họ tư vấn hướng điều trị tiếp theo.
Bệnh ghẻ có tính lây lan. Nếu một người mắc bệnh này, họ nên thông báo cho những người cùng chung sống hoặc bạn tình để điều trị đồng thời và dứt điểm nguồn lây lan.
Các cách khác để ngăn ghẻ tái phát bao gồm:
- Giặt tất cả quần áo, chăn, ga, gối, đệm và khăn tắm mà người bị ghẻ đã sử dụng bằng nước nóng, sau đó làm khô chúng theo chu trình nóng
- Mang vật dụng không thể làm sạch theo phương pháp trên đến tiệm giặt khô
- Tránh chạm vào các vật liệu khó giặt như thảm hoặc ghế dài, kể từ 72 giờ sau khi điều trị.
Giải pháp thay thế
Thuốc bôi theo toa là cách duy nhất để điều trị bệnh ghẻ. Những sản phẩm này sẽ tiêu diệt cái ghẻ và trứng của chúng.
Mặc dù phương pháp điều trị thường có tác dụng trong vòng 24 giờ, nhưng đa số mọi người vẫn bị ngứa trong vài tuần sau đó. Các cách để giảm ngứa tại nhà bao gồm:
- Đặt một miếng vải lạnh, ướt hoặc túi đá lên vùng da bị ngứa trong khoảng 5–10 phút
- Thêm bột yến mạch chưa nấu chín vào bồn tắm mát và ngâm mình trong đó.
- Giữ ẩm cho da bằng cách sử dụng sản phẩm không chứa chất phụ gia, hương liệu và nước hoa.
- Sử dụng kem gây tê có chứa pramoxine
- Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa calamine
Khi nào đến gặp bác sĩ
Bất cứ ai nghi ngờ mình bị ghẻ nên đi khám. Bệnh ghẻ rất dễ lây lan từ người này snag người khác. Nếu không điều trị, bệnh ghẻ sẽ càng lan rộng và nghiêm trọng hơn.
Một đợt điều trị thường là đủ để điều trị triệt để bệnh ghẻ. Nếu phát hiện cái ghẻ hoặc đám phát ban mới trên da sau 14 ngày kể từ khi điều trị kem trị ghẻ, bạn nên đi khám lại trước khi tự điều trị lại. Có thể bạn cần điều trị bằng thuốc có tác dụng mạnh hơn.
Bệnh ghẻ đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng da do bội nhiễm vi khuẩn. Nhiễm trùng da có thể gây đỏ và đau, hoặc chúng có thể giống như vết loét đóng vảy. Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng da, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, vì có thể bạn sẽ cần điều trị kháng sinh.
Kết luận
Hầu hết mọi người sẽ phục hồi hoàn toàn tình trạng da nếu sử dụng kem đúng cách. Cách tốt nhất để đảm bảo điều này là thực hiện chính xác các hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Thông thường, cảm giác ngứa sẽ dịu đi trong vòng 24 giờ sau khi điều trị nhưng một số người vẫn bị ngứa trong vài tuần sau đó.
Những người đã điều trị bệnh ghẻ hoàn toàn có thể bị nhiễm lại nếu họ tiếp xúc với cái ghẻ. Để tránh xảy ra tình trạng này, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo rằng mọi người trong gia đình đều được điều trị đồng thời và có các biện pháp hạn chế sự lây lan.
Xem thêm:
- 5 biện pháp điều trị bệnh ghẻ tại nhà
- Phân biệt bệnh ghẻ và bệnh chàm: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- Bệnh ghẻ có lây không? Các biện pháp phòng ngừa
- Bệnh ghẻ trên dương vật: Triệu chứng, lây nhiễm, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Những điều cần biết về bệnh ghẻ vảy: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và dự phòng