Video Nguyên nhân đau ngực, khi nào cơn đau ngực cần cấp cứu
Tuy nhiên, đôi khi đau ngực và đau lưng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn như cơn đau tim (hay nhồi máu cơ tim). Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị đau tim hoặc bị đau ngực lần đầu hoặc không rõ nguyên nhân, bạn nên đi khám cấp cứu luôn.
Tiếp tục đọc bài viết này để khám phá thêm về các nguyên nhân tiềm ẩn của đau ngực và đau lưng, cách điều trị chúng và khi nào bạn nên đi khám.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân tiềm ẩn của đau ngực và đau lưng kết hợp rất đa dạng và có thể do tim, phổi hoặc các vùng khác trên cơ thể.
Cơn đau tim
Đau tim (hay nhồi máu cơ tim) xảy ra khi dòng máu cung cấp dinh dưỡng cho tim bị tắc nghẽn. Nó có thể là do cục máu đông hoặc do mảng xơ vữa trên thành động mạch.
Vì tim không nhận được máu nên bạn có thể cảm thấy đau ở ngực. Đôi khi cơn đau này có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể như lưng, vai và cổ.
Đau tim là một trường hợp cấp cứu. Tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức nếu bạn nghĩ rằng mình đang gặp phải sự cố này.
Cơn đau thắt ngực
Đau thắt ngực là cơn đau xảy ra khi mô cơ tim không nhận đủ máu nuôi dưỡng. Nguyên nhân làm lưu lượng máu giảm là do các mảng xơ vữa bám trên thành động mạch vành.
Đau thắt ngực thường xuất hiện khi bạn gắng sức. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi.
Giống như cơn đau do nhồi máu cơ tim, cơn đau do đau thắt ngực có thể lan ra sau lưng, cổ và hàm. Đau thắt ngực có thể là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim (đau tim)
Viêm màng ngoài tim
Các màng ngoài tim tạo thành một túi chứa dịch bao quanh trái tim và giúp bảo vệ nó.
Viêm màng ngoài tim có thể do một số nguyên nhân bao gồm nhiễm trùng và các tình trạng tự miễn dịch. Nó cũng có thể xảy ra sau một cơn đau tim hoặc sau khi phẫu thuật tim. Cơn đau do viêm màng ngoài tim là do tim của bạn cọ xát với màng ngoài tim bị viêm. Nó có thể lan ra lưng, vai trái hoặc cổ.
Phình động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể bạn. Phình động mạch chủ xảy ra khi thành của động mạch chủ bị yếu do bị tổn thương. Một khối phồng có thể xảy ra ở khu vực bị suy yếu này.
Nếu một khối phình động mạch chủ bị vỡ có thể gây chảy máu nguy hiểm đến tính mạng.
Cơn đau do phình động mạch chủ có thể phụ thuộc vào vị trí của nó. Đau có thể xảy ra ở ngực, lưng, vai cũng như ở các vị trí khác như bụng.
Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi hay nghẽn mạch phổi xảy ra khi một động mạch ở một trong phổi bị tắc nghẽn. Nó thường xuất hiện khi có một cục máu đông nằm ở nơi khác trong cơ thể bạn bị vỡ ra, di chuyển qua mạch máu và dừng lại trong động mạch phổi.
Đau ngực là một triệu chứng phổ biến của thuyên tắc phổi, cơn đau có thể lan đến vai, cổ và lưng.
Viêm màng phổi
Màng phổi là một màng có hai lớp. Một lớp bao bọc xung quanh phổi, trong khi lớp kia bao bọc khoang ngực.
Viêm màng phổi có nhiều nguyên nhân, đó là:
- Nhiễm trùng
- Tình trạng tự miễn dịch
- Bệnh ung thư
Cơn đau do viêm màng phổi xảy ra khi hai màng bị viêm cọ xát vào nhau. Nó thường xảy ra ở ngực nhưng cũng có thể lan ra lưng và vai.
Ợ chua
Ợ chua là cảm giác nóng rát xảy ra ở ngực, ngay sau xương ức. Nó xuất hiện khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
Thông thường, có một cơ vòng ở giữa dạ dày và thực quản để ngăn điều này xảy ra, nhưng đôi khi nó bị suy yếu hoặc không hoạt động bình thường.
Ợ chua xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bạn thì được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD).
Cơn đau do ợ chua thường ở ngực nhưng đôi khi bạn có thể cảm thấy đau ở lưng.
Loét đường tiêu hóa
Loét đường tiêu hóa xảy ra khi lớp niêm mạc đường tiêu hóa bị phá vỡ. Những vết loét này có thể xảy ra ở dạ dày, ruột non và thực quản, trong đó loét dạ dày tá tràng là hay gặp nhất.
Hầu hết các trường hợp loét dạ dày tá tràng là do nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter pylori (HP). Chúng cũng có thể xảy ra ở những người dùng aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid khác (nonsteroidal anti-inflammatory drugs - NSAID).
Những người bị loét dạ dày có thể cảm thấy ợ chua ở vùng ngực và đau bụng. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể lan ra sau lưng.
Sỏi mật
Túi mật là một cơ quan nhỏ chứa dịch mật - một loại dịch tiêu hóa. Đôi khi dịch tiêu hóa này cô đọng lại tạo thành sỏi, có thể gây đau.
Cơn đau do sỏi mật có thể nằm ở phía bên phải vùng bụng trên nhưng cũng có thể lan ra sau lưng và lên vai.
Viêm tụy
Tụy là một cơ quan sản xuất các enzym được sử dụng trong quá trình tiêu hóa và sản xuất hormon điều tiết lượng đường máu của cơ thể.
Viêm tụy xảy ra khi các enzym tiêu hóa bị kích hoạt bên trong tuyến tụy, gây kích ứng và viêm. Nó có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau gồm nhiễm trùng, chấn thương và ung thư.
Cơn đau do viêm tụy xảy ra ở bụng nhưng cũng có thể lan lên ngực và ra sau lưng.
Chấn thương cơ hoặc hoạt động cơ quá mức
Đôi khi đau ngực và lưng có thể do chấn thương hoặc hoạt động cơ quá mức. Thương tích có thể xảy ra do tai nạn hoặc ngã.
Dùng cơ quá mức cũng có thể gây đau cơ. Các chuyển động lặp đi lặp lại được sử dụng trong các hoạt động hàng ngày, trong công việc hoặc thể thao cũng có thể góp phần vào điều này. Một ví dụ về một hoạt động lặp đi lặp lại có thể gây đau cơ ở ngực và lưng là chèo thuyền.
Nói chung, cơn đau do chấn thương cơ hoặc hoạt động quá mức có thể nghiêm trọng hơn khi vận động vùng cơ bị ảnh hưởng.
Thoát vị đĩa đệm
Các đĩa đệm của cột sống có chức năng như một tấm đệm giữa mỗi đốt sống. Mỗi đĩa đệm đều có lớp vỏ cứng bên ngoài và phần nhân bên trong giống như gel. Khi lớp vỏ bên ngoài yếu đi, phần nhân bên trong có thể bắt đầu phình ra. Đây được gọi là thoát vị đĩa đệm.
Đôi khi, thoát vị đĩa đệm có thể chèn ép các dây thần kinh lân cận, gây ra các cơn đau.
Một dây thần kinh ở cổ hoặc lưng trên bị chèn ép có thể gây ra cơn đau ở lưng lan đến ngực và có thể giống với cơn đau do bệnh tim.
Bệnh zona thần kinh
Bệnh zona là do sự tái hoạt của vi rút gây bệnh thủy đậu (varicella-zoster). Nó khiến người bệnh phát ban, xuất hiện các mụn nước chứa đầy dịch bên trong và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.
Thông thường, bệnh zona chỉ ảnh hưởng tới một vùng da do sợi thần kinh chi phối. Đôi khi nó có thể ảnh hưởng tới cả một phần cơ thể, ví dụ như từ lưng đến ngực của bạn. Cơn đau do bệnh zona có thể thay đổi theo từng trường hợp, từ nhẹ đến nặng.
Ung thư
Một số bệnh ung thư có thể gây đau ngực và đau lưng. Hai ví dụ thường gặp là ung thư phổi và ung thư vú.
Mặc dù đau ở vùng ngực là triệu chứng phổ biến của các bệnh ung thư này nhưng đau lưng cũng có thể xảy ra.
Khoảng 25% những người bị ung thư phổi cho biết họ bị đau lưng vào một thời điểm nào đó. Nó có thể là do một khối u đè đẩy cột sống hoặc các dây thần kinh xung quanh.
Khi ung thư vú đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, nó có thể dẫn đến đau lưng.
Câu hỏi thường gặp
Như chúng ta đã thấy ở trên, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra đau ngực và đau lưng. Vậy làm thế nào bạn có thể phân biệt chúng với nhau?
Đôi khi vị trí hoặc thời gian của cơn đau có thể gợi ý cho bạn về nguyên nhân.
Tại sao đau bên trái?
Trái tim của bạn hướng nhiều hơn về phía bên trái của lồng ngực. Do đó, đau bên trái ngực của bạn có thể do:
- Đau tim
- Đau thắt ngực
- Viêm màng ngoài tim
- Phình động mạch chủ
Tại sao lại đau bên phải?
Túi mật của bạn nằm ở phía bên phải của cơ thể. Đau ở khu vực này, có thể lan lên vai phải hoặc giữa hai bả vai, có thể là dấu hiệu của bệnh sỏi mật.
Tại sao tôi cảm thấy đau sau khi ăn?
Đôi khi bạn có thể nhận thấy rằng cơn đau ngực hoặc lưng xuất hiện ngay sau khi ăn. Các tình trạng như ợ chua và viêm tụy có thể gây ra điều này.
Cũng cần lưu ý rằng cơn đau do loét dạ dày tá tràng có thể xảy ra khi bạn đói. Trong một số trường hợp, ăn uống có thể giúp giảm đau.
Tại sao tôi cảm thấy đau khi ho?
Một số nguyên nhân khiến cơn đau ngực và lưng trở nên tồi tệ hơn khi ho. Nó có thể xảy ra với:
- Viêm màng ngoài tim
- Thuyên tắc phổi
- Viêm màng phổi
- Ung thư phổi
Tại sao tôi lại bị đau khi nuốt?
Trong một số trường hợp, bạn có thể cảm thấy đau khi nuốt.
Nguyên nhân gây đau ngực và lưng có thể gây đau khi nuốt bao gồm viêm màng ngoài tim và phình động mạch chủ, nếu khối phình đè lên thực quản.
Tại sao tôi cảm thấy đau khi nằm?
Bạn có thể cảm thấy cơn đau của bạn trở nên tồi tệ hơn khi bạn nằm xuống? Các tình trạng như viêm màng ngoài tim và chứng ợ chua có thể làm cho cơn đau ngực và lưng trở nên tồi tệ hơn khi bạn nằm xuống.
Tại sao tôi đau khi tôi thở?
Thông thường, các bệnh lý ảnh hưởng đến khu vực xung quanh tim và phổi có thể gây đau khi bạn hít vào, đặc biệt nếu bạn đang hít thở sâu. Một số ví dụ bao gồm:
- Viêm màng ngoài tim
- Thuyên tắc phổi
- Viêm màng phổi
- Ung thư phổi
Điều trị
Chỉ định điều trị cho chứng đau ngực và đau lưng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau. Dưới đây, chúng tôi sẽ liệt kê một số phương pháp điều trị mà bạn có thể được chỉ định.
Thuốc
Trong một số trường hợp, thuốc có thể được kê đơn để giúp điều trị bệnh của bạn. Ví dụ:
- Thuốc không kê đơn để giúp giảm đau và viêm, như thuốc chống viêm không steroid.
- Các phương pháp điều trị tức thời cho cơn đau tim, như aspirin, nitroglycerin và thuốc làm tan cục máu đông
- Các phương pháp điều trị để giúp giảm huyết áp hoặc ngăn ngừa đau ngực và cục máu đông như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta và thuốc chống đông
- Thuốc chống đông và thuốc làm tan cục máu đông để làm tan cục máu đông ở những người bị thuyên tắc phổi
- Thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm để điều trị các tình trạng do nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm màng ngoài tim và viêm màng phổi
- Thuốc để giảm chứng ợ chua gồm thuốc kháng axit, thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton
- Thuốc kháng axit thường kết hợp với thuốc kháng sinh để điều trị loét dạ dày tá tràng
- Thuốc làm tan sỏi mật
- Thuốc kháng vi-rút để điều trị đợt bùng phát bệnh zona
- Hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư
Các thủ thuật can thiệp
Các thủ thuật can thiệp cũng có thể giúp điều trị các tình trạng gây đau ngực và lưng. Một số ví dụ:
- Can thiệp mạch vành qua da (percutaneous coronary intervention - PCI ) để điều trị đau tim hoặc đau thắt ngực không kiểm soát được
- Các thủ thuật để dẫn lưu dịch tích tụ trong vùng bị viêm, chẳng hạn như trong viêm màng ngoài tim hoặc viêm màng phổi
Chỉ định phẫu thuật
Đôi khi, phẫu thuật có thể chỉ định để điều trị tình trạng gây đau ngực hoặc lưng.
Chúng có thể bao gồm:
- Phẫu thuật bắc cầu tim (heart bypass surgery) để điều trị đau tim hoặc đau thắt ngực không kiểm soát được
- Phẫu thuật sửa chữa phình động mạch chủ, có thể được thực hiện bằng phẫu thuật mở ngực hoặc bằng phẫu thuật nội mạch
- Cắt bỏ túi mật nếu bạn bị sỏi mật tái phát
- Phẫu thuật để điều trị thoát vị đĩa đệm, có thể bao gồm cắt bỏ đĩa đệm
- Phẫu thuật cắt bỏ mô ung thư
Các liệu pháp khác
Trong một số trường hợp, vật lý trị liệu có thể được chỉ định để điều trị nguyên nhân gây đau ngực hoặc đau lưng. Ví dụ về thời điểm cần thiết là khi bạn đang hồi phục sau thoát vị đĩa đệm hoặc chấn thương cơ.
Ngoài ra, phẫu thuật và hóa trị không phải là phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh ung thư. Liệu pháp tia xạ, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch có thể được khuyến nghị.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống có thể có lợi trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa một số nguyên nhân gây đau ngực và lưng. Ví dụ về thay đổi lối sống có thể là một phần trong kế hoạch điều trị của bạn bao gồm:
- Ăn một chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch
- Đảm bảo rằng bạn tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Kiểm soát căng thẳng
- Tránh hút thuốc lá hoặc các sản phẩm tương tự
- Hạn chế lượng rượu uống vào
- Cố gắng tránh các loại thực phẩm có thể gây tăng mức độ tình trạng như ợ chua, chẳng hạn như thức ăn cay, chua và béo
Khi nào cần đi khám
Bạn nên đi khám cấp cứu ngay lập tức nếu đang có các dấu hiệu của cơn đau tim.
Các dấu hiệu cần chú ý bao gồm:
- Đau ngực hoặc cảm giác bị đè ép
- Đau lan đến cánh tay, vai, cổ hoặc hàm
- Khó thở
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng
- Đổ mồ hôi lạnh
Điều quan trọng cần nhớ là đôi khi cơn đau tim có thể có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Khi nghi ngờ, hãy đi khám ngay.
Bạn nên đi khám bác sĩ được khám nếu bạn bị đau ngực và đau lưng:
- Không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn mặc dù sử dụng thuốc không kê đơn
- Dai dẳng hoặc tái diễn
- Làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày của bạn
Tổng kết
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau ngực và đau lưng xảy ra cùng nhau. Chúng có thể liên quan đến tim, phổi hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Một số nguyên nhân của loại đau này không nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn luôn chú ý đến tình trạng đau ngực. Trong một số trường hợp, đau ngực có thể là dấu hiệu của một tình trạng đe dọa tính mạng như đau tim.
Nếu bạn cảm thấy đau ngực đột ngột hoặc nghĩ rằng bạn đang bị đau tim, hãy đi khám cấp cứu ngay.
Xem thêm: