Đa hồng cầu: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Đa hồng cầu đề cập đến sự gia tăng số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể. Các tế bào thừa khiến máu đặc hơn và điều này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như cục máu đông.

Video: Cách chữa bệnh đa hồng cầu

Bệnh đa hồng cầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, mỗi nguyên nhân đều có những lựa chọn điều trị riêng. Việc điều trị bệnh đa hồng cầu bao gồm điều trị những nguyên nhân cơ bản nếu có thể và tìm cách làm giảm nồng độ tế bào máu.

Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về nguyên nhân của bệnh đa hồng cầu, cũng như các triệu chứng và các lựa chọn điều trị.

Nguyên nhân gây ra bệnh đa hồng cầu?

Người bị bệnh đa hồng cầu có thể bị đau đầu, chóng mặt và đổ mồ hôi nhiều. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)Người bị bệnh đa hồng cầu có thể bị đau đầu, chóng mặt và đổ mồ hôi nhiều. (Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)

Có 2 loại bệnh đa hồng cầu, chúng có những nguyên nhân khác nhau.

Đa hồng cầu nguyên phát

Đa hồng cầu nguyên phát là một bệnh ung thư máu hiếm gặp, phát triển chậm, là một loại bệnh lý tăng sinh tủy. Đa hồng cầu nguyên phát làm cho tủy xương tạo ra nhiều tế bào máu tiền thân dư thừa và hoạt động không bình thường, dẫn đến việc sản xuất quá nhiều hồng cầu.

Một người bị đa hồng cầu nguyên phát cũng có thể bị tăng số lượng các tế bào máu khác, chẳng hạn như bạch cầu hoặc tiểu cầu.

Bệnh đa hồng cầu thứ phát

Bệnh đa hồng cầu thứ phát có thể xảy ra nếu sự tăng hồng cầu không phải do bệnh tăng sinh tủy như trong đa hồng cầu nguyên phát.

Sự sản xuất quá mức của các tế bào máu trong bệnh đa hồng cầu thứ phát chỉ xảy ra với các tế bào hồng cầu.

Nguyên nhân của bệnh đa hồng cầu thứ phát bao gồm:

  • Sống ở nơi có độ cao lớn
  • Khó thở khi ngủ
  • Một số loại khối u
  • Bệnh tim hoặc phổi gây ra nồng độ oxy thấp trong cơ thể

Các yếu tố nguy cơ

Một số người có thể có nguy cơ mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát cao hơn những người khác. Hầu hết các trường hợp đa hồng cầu nguyên phát xuất hiện ở khoảng tuổi 60 và nó phổ biến hơn ở nam giới hơn ở nữ giới.

Bệnh đa hồng cầu nguyên phát không nhất thiết phải di truyền và hầu hết những người mắc bệnh không có tiền sử gia đình mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Tuy nhiên, dường như có mối liên hệ với một số đột biến gen nhất định.

Tổ chức U lympho và bệnh bạch cầu (Hoa Kỳ) lưu ý rằng hầu hết người bệnh mắc đa hồng cầu nguyên phát có một đột biến trong gen Janus kinase 2 ( JAK2 gen). Tuy nhiên, vai trò chính xác của nó trong bệnh sinh bệnh đa hồng cầu vẫn chưa rõ ràng.

Các đột biến gen khác, chẳng hạn như gen TET2, cũng có thể có mối liên quan với tình trạng này. Thông thường, những gen này không phải là di truyền, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng có thể truyền từ cha mẹ sang con.

Bất kỳ ai có tiền sử gia đình của đa hồng cầu nguyên phát vẫn có thể gặp bác sĩ để được đánh giá sâu hơn.

Triệu chứng đa hồng cầu

Không có gì lạ khi một người mắc bệnh đa hồng cầu mà không hề hay biết về nó. Các triệu chứng có xu hướng hình thành rất chậm theo thời gian.

Có quá nhiều tế bào hồng cầu sẽ làm đặc máu, khiến máu lưu thông khó khăn hơn. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ đông máu của người bệnh. Nguy cơ này đặc biệt cao nếu một người bị đa hồng cầu nguyên phát bị dư thừa cả hồng cầu và tiểu cầu.

Bác sĩ có thể phát hiện ra tình trạng này khi xét nghiệm máu định kỳ hoặc khi theo dõi một bệnh lý khác.

Các triệu chứng của đa hồng cầu nguyên phát có thể trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Các triệu chứng phổ biến hơn gồm:

  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Đổ quá nhiều mồ hôi
  • Ngứa da
  • Tiếng chuông trong tai
  • Mờ mắt
  • Mệt mỏi
  • Da hơi đỏ hoặc tía ở lòng bàn tay, dái tai và mũi
  • Chảy máu hoặc bầm tím
  • Cảm giác nóng bỏng ở bàn chân
  • Đầy bụng
  • Chảy máu cam thường xuyên
  • Chảy máu nướu răng

Nếu không được điều trị, những người mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát cũng có thể dễ bị các biến chứng, chẳng hạn như:

  • Lá lách to
  • Các cục máu đông
  • Đau thắt ngực
  • Đột quỵ
  • Loét dạ dày
  • Bệnh tim
  • Bệnh Gout
  • Rối loạn máu khác, chẳng hạn như bệnh xơ tủy hoặc bệnh bạch cầu

Chẩn đoán đa hồng cầu

Nếu các bác sĩ nghi ngờ một người mắc bệnh đa hồng cầu, họ sẽ yêu cầu một số xét nghiệm để giúp xác định bệnh.

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu, chẳng hạn như công thức máu toàn bộ, sẽ cho biết bất kỳ sự gia tăng nào của các tế bào hồng cầu trong máu, cũng như bất kỳ mức độ bất thường nào của tiểu cầu và bạch cầu. Nếu nghi ngờ mắc đa hồng cầu nguyên phát, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm máu cụ thể hơn.

Sinh thiết tủy xương

Nếu cần, bác sĩ cũng có thể muốn lấy mẫu tủy xương để thực hiện các xét nghiệm.

Sinh thiết tủy xương nghĩa là lấy một mẫu tủy xương nhỏ bằng kim để kiểm tra dưới kính hiển vi.

Xét nghiệm di truyền

Mặc dù nguyên nhân di truyền của đa hồng cầu nguyên phát hiếm gặp, các bác sĩ cũng có thể muốn phân tích tủy xương của người đó để tìm các đột biến gen có quan với đa hồng cầu nguyên phát.

Họ cũng có thể khuyên bạn nên kiểm tra các tế bào trong máu để tìm đột biến JAK2.

Điều trị đa hồng cầu

Điều trị đa hồng cầu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của tình trạng này.

Ở những người bị đa hồng cầu thứ phát do các nguyên nhân như khó thở khi ngủ, điều trị nguyên nhân cơ bản sẽ giúp giải quyết số lượng hồng cầu cao.

Tuy nhiên đa hồng cầu nguyên phát là một bệnh lý mạn tính không có cách chữa trị. Việc điều trị cho đa hồng cầu nguyên phát nhằm mục đích kiểm soát tình trạng bằng cách giảm cả số lượng hồng cầu và nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như cục máu đông. Nếu số lượng tiểu cầu quá cao, cũng có nhiều cách để điều trị.

Các lựa chọn điều trị cho đa hồng cầu nguyên phát có thể bao gồm:

Trích bỏ máu tĩnh mạch

Để giúp kiểm soát tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ tìm cách giảm số lượng hồng cầu thông qua một thủ thuật gọi là trích bỏ máu tĩnh mạch, bác sĩ sẽ loại bỏ máu qua một trong các tĩnh mạch theo cách thủ công.

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên loại bỏ một lượng máu nhất định trong những khoảng thời gian đã định để số lượng hồng cầu gần với mức bình thường.

Thuốc làm giảm tế bào máu

Đôi khi, trích bỏ máu tĩnh mạch không đủ để kiểm soát sự phát triển của tế bào máu. Khi đó, các bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc ức chế sinh tủy để giúp kiểm soát số lượng tế bào máu.

Những loại thuốc này bao gồm hydroxyurea (Hydrea), giúp ức chế tủy xương để ngăn tủy xương sản xuất nhiều tế bào máu.

Chất ức chế JAK2

Trong trường hợp một người không đáp ứng tốt với các loại thuốc khác, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc ức chế enzym JAK2, gen JAK2 chịu trách nhiệm sản xuất. Chúng bao gồm ruxolitinib (Jakafi).

Các loại thuốc khác

Các bác sĩ cũng sẽ thường đề nghị các loại thuốc khác để giúp kiểm soát các triệu chứng. Các thuốc đó gồm aspirin và thuốc kháng histamine. Dùng aspirin liều thấp giúp giảm nguy cơ đông máu ở nhiều người mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát và nó cũng có thể làm giảm các triệu chứng đáng lo ngại như đau đầu. Các bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc kháng histamine để giúp giảm ngứa.

Tiên lượng

Việc xác định loại bệnh đa hồng cầu giúp bác sĩ biết cách tốt nhất để điều trị hoặc kiểm soát vấn đề. Khi được điều trị, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn.

Trong trường hợp đa hồng cầu nguyên phát, việc điều trị sẽ tập trung vào việc kiểm soát tình trạng bệnh và các triệu chứng, vì hiện nay không có cách nào chữa khỏi nó hoàn toàn.

Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ có chất lượng cuộc sống bình thường hoặc gần như bình thường và các bác sĩ có thể quản lý hiệu quả tình trạng bệnh trong một thời gian rất dài.

Ngoài việc kiểm soát các triệu chứng, các phương pháp điều trị mới sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Tóm tắt

Bệnh đa hồng cầu là sự gia tăng số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể. Các bác sĩ có thể phát hiện ra nó khi xét nghiệm máu định kỳ hoặc họ có thể chẩn đoán nó khi người bệnh bắt đầu có các triệu chứng.

Đa hồng cầu nguyên phát là một bệnh lý mạn tính không có cách chữa trị. Tuy nhiên, điều trị hiệu quả có thể giúp kiểm soát đầy đủ bệnh và các triệu chứng của nó.

Bất kỳ ai có các triệu chứng hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh đa hồng cầu nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!