Da chân bị khô: Nguyên nhân, biện pháp khắc phục và phòng ngừa

Tình trạng da chân khô có thể gây khó chịu, đặc biệt là khi bị ngứa. Bất kỳ ai cũng có thể bị da chân khô và tình trạng này có thể lặp lại nhiều lần. Có rất nhiều nguyên nhân khiến da chân bị khô như thay đổi thời tiết, phản ứng khi tiếp xúc với một tác nhân nào đó hoặc có bệnh lý khác.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều biện pháp để làm giảm tình trạng da chân khô như thay đổi lối sống, dùng kem dưỡng ẩm và điều trị chuyên sâu.

Da chân khô có biểu hiện như thế nào?

Các triệu chứng của da chân khô có thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nói chung, da chân khô có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Ngứa ngáy
  • Đỏ da
  • Đóng vảy
  • Bong da
  • Nứt nẻ
  • Cảm giác da bị căng sau khi tiếp xúc với nước nóng
  • Xuất hiện nếp nhăn
  • Sạm da
  • Chảy máu tại vết nứt
  • Vết chốc loét rỉ dịch (nhiễm trùng nông ở da)

Nguyên nhân của tình trạng da chân khô

Da sẽ bị khô khi không có đủ nước ở bề mặt do mất lớp dầu tự nhiên. Da chân khô có nhiều nguyên nhân, từ các yếu tố môi trường đến tình trạng bệnh lý.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây da chân khô phổ biến nhất:

Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng (Allergic dermatitis) xảy ra khi da tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, kích thích hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức. Các tác nhân có thể là sữa tắm, thú nuôi hoặc bất cứ thứ gì có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng khô da, nứt nẻ hoặc đóng vảy.

Bệnh chàm

Bệnh chàm (Eczema) là một bệnh lý da có liên quan đến di truyền do rối loạn hệ thống miễn dịch. Nó có thể gây đỏ da, khô da, ngứa ngáy hoặc ban đỏ.

Bệnh chàm có thể xuất hiện ở khoeo chân với các ban đỏ gây ngứa. Nguồn ảnh: Vitella.chNó có thể xuất hiện ở mọi vị trí của cơ thể nhưng thường xuất hiện ở chân. Các mảng da bị tổn thương có thể hình thành ở khoeo chân.

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến (Psoriasis) là một bệnh lý tự miễn khiến da sản sinh quá nhiều tế bào một lúc. Sự tích tụ các tế bào hình thành các mảng vảy ngứa. Các mảng vảy này có thể bị nứt ra và chảy máu.

Người ta thường thấy các mảng vảy nến ở đầu gối.

Thay đổi thời tiết 

Nhiều trường hợp xuất hiện tình trạng da khô vào những thời điểm nhất định trong năm như khi trời bắt đầu trở lạnh. Độ ẩm không khí thấp hơn (thường xảy ra vào mùa đông) cũng có thể làm tăng nguy cơ khô da.

Nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy phản ứng của da khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp có thể liên quan đến tình trạng da khô.

Nghiên cứu này đã đánh giá khoảng thời gian cần thiết để da trở lại nhiệt độ bình thường sau khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp và đã tìm thấy mối liên quan giữa thời gian phục hồi với các triệu chứng của da khô.

Sản phẩm tẩy rửa mạnh

Một số loại xà phòng và sữa rửa mặt có thể gây da khô vì chúng được sản xuất để loại bỏ lớp dầu của da.

Tuổi tác

Theo thời gian, da sẽ giảm tiết dầu hơn, dễ khiến da trở nên khô ráp. Tình trạng này cũng xảy ra ở da chân.

Bệnh lý khác

Da khô có thể là triệu chứng của một bệnh lý khác.

Các bệnh lý phổ biến có liên quan đến tình trạng da chân khô như:

  • Đái tháo đường
  • Bệnh thận
  • Bệnh gan
  • Nhiễm HIV
  • U lympho ác tính (Lymphoma)
  • Hội chứng Sjögren
  • Bệnh lý của tuyến giáp

Điều trị da chân khô

Da khô thường được cải thiện khi thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu xác định được tác nhân gây dị ứng hoặc kích ứng, biện pháp điều trị đơn giản là tránh tiếp xúc với tác nhân đó.

Nhưng nếu tình trạng da chân khô có liên quan đến bệnh lý tiềm ẩn như bệnh chàm, vảy nến hoặc hội chứng Sjögren thì biện pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc đặc hiệu.

Một số biện pháp thường được sử dụng như:

  • Thuốc chống viêm corticosteroid dạng uống
  • Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)
  • Kem bôi corticosteroid tại chỗ
  • Retinoids
  • Thuốc ức chế miễn dịch
  • Thuốc kháng histamin dạng uống để giảm ngứa

Các biện pháp chăm sóc tại nhà

Có nhiều biện pháp có thể thực hiện tại nhà để giảm tình trạng da chân khô.

Tránh các tác nhân gây kích ứng có thể làm cho tình trạng da khô trở nên tồi tệ hơn như:

  • Hương liệu trong xà phòng, sữa tắm hoặc chất tẩy rửa
  • Tắm nước quá nóng
  • Tắm hơn 1 lần/ngày
  • Các sản phẩm đã gây ra phản ứng có hại trên da trước đó
  • Các loại xà phòng mạnh có thể làm mất độ ẩm của da

Các loại kem dưỡng ẩm dạng thuốc mỡ (ointment), kem (cream) và sữa dưỡng thể (lotion) có tác dụng giữ ẩm cho da. Bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày, đặc biệt là ngay sau khi tắm có thể giúp giảm tình trạng da khô.

Nên sử dụng các sản phẩm có chứa một hoặc nhiều thành phần sau:

  • Dầu khoáng (Petroleum)
  • Axit hyaluronic
  • Axit glycolic
  • Ceramides
  • Glycerin
  • Chất chống oxy hóa
  • Aquaporins
  • Các loại bơ và dầu thực vật
  • Axit salicylic

Tác dụng của các thành phần trên sẽ phụ thuộc vào từng cá thể và từng loại da, vì vậy nên thử dùng nhiều loại để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất. Ví dụ như yến mạch dạng keo (colloidal oatmeal) là yến mạch được xay nhuyễn trong chất lỏng. Đây là một thành phần có trong các loại kem dưỡng ẩm, có thể hữu ích trong việc làm dịu da khô do bệnh chàm.

Yến mạch dạng keo giúp làm dịu và dưỡng ẩm cho làn da khô. Nguồn ảnh: 100percentpure.com

Nói chung, tốt hơn nên sử dụng một loại dưỡng ẩm thường xuyên thay vì dùng nhiều loại cùng lúc.

Nghiên cứu năm 2016 cho thấy rằng, thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm quan trọng hơn thành phần cụ thể của kem.

Cách phòng ngừa tình trạng da chân khô

Ngoài việc dưỡng ẩm, thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống và sinh hoạt có thể giúp ngăn ngừa tình trạng da chân khô.

Hãy thử áp dụng một số mẹo sau:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm n ếu không khí trong nhà bị khô. Chế độ sưởi của điều hòa có thể làm giảm độ ẩm không khí.
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
  • Uống nhiều nước.
  • Sử dụng kem chống nắng.

Kết luận

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng da chân khô, từ phản ứng dị ứng, thay đổi thời tiết đến các bệnh mạn tính khác. Nhưng dù là nguyên nhân nào cũng có thể thực hiện một số biện pháp để giảm các triệu chứng khó chịu như ngứa ngáy, bong tróc và nứt nẻ da.

Trong hầu hết trường hợp, sử dụng kem dưỡng ẩm và thay đổi lối sống là đủ để ngăn ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân do bệnh lý có sẵn thì cần phải điều trị bệnh lý đó.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!