Hạt tophi là triệu chứng đặc trưng của bệnh gút, kết quả của sự lắng đọng axit uric dư thừa xung quanh vị trí các khớp ở bàn chân và bàn tay.
Bệnh nhân gút thường xuất hiện những cơn gút cấp, biểu hiện bằng những cơn đau dữ dội. Nếu không điều trị kịp thời, gút sẽ tiến triển thành tình trạng viêm mạn tính, làm tăng nguy cơ hình thành các hạt tophi và tổn thương khớp nghiêm trọng.
Thời điểm và cơ chế hình thành hạt tophi
Bệnh gút bao gồm 4 giai đoạn:
Tăng acid uric máu không triệu chứng | Nồng độ cao axit uric trong cơ thể (tăng axit uric máu), nhưng không biểu hiện một triệu chứng rõ ràng nào. |
Bệnh gút cấp tính | Axit uric tích tụ và hình thành những tinh thể lắng đọng trong khớp, gây ra triệu chứng viêm và đau nghiêm trọng. Những cơn gút cấp tính làm khớp nóng lên khi chạm vào. |
Khoảng thời gian không triệu chứng giữa các cơn gút cấp | Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, thậm chí vài năm. |
Bệnh gút mạn tính | Hạt tophi chính thức phát triển trong khớp và mô quanh khớp trong giai đoạn này. Gút mạn tính là hậu quả của việc không điều trị gút cấp tính trong một thời gian dài (khoảng 10 năm trở lên). Hạt tophi có thể xuất hiện ở tai. |
Vị trí phổ biến xuất hiện hạt tophi
Bệnh gút được hình thành do sự tích tụ axit uric dư thừa trong máu. Axit uric được đào thải khỏi cơ thể cùng với nước tiểu thông qua hệ thống tiết niệu. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng hoặc các yếu tố khác gây ảnh hưởng tới quá trình bài tiết axit uric, dẫn tới lắng đọng tinh thể urat xung quanh khớp.
Tophi có thê hình thành ở những vị trí sau:
- Bàn chân
- Đầu gối
- Cổ tay
- Ngón tay
- Gót chân
- Tai
Axit uric thường tích tụ trong các mô sau:
- Gân liên kết khớp với cơ
- Sụn bao quanh khớp
- Màng hoạt dịch bao quanh sụn khớp
- Mô mềm trong khớp như mỡ hoặc dây chằng
- Bao hoạt dịch là các túi nhỏ đệm giữa xương và mô mềm.
Hạt tophi cũng có thể hình thành trong mô liên kết ngoài khớp như:
- Củng mạc hay còn gọi là "lòng trắng" mắt
- Tháp thận: cấu trúc hình tam giác trong thận được tạo thành từ ống dẫn và nephron giúp tái hấp thu chất dinh dưỡng trước khi bài tiết nước tiểu.
- Van tim, như van động mạch chủ (rất hiếm)
Các triệu chứng của hạt tophi
Sự hình thành các hạt tophi thường không gây đau. Tuy nhiên, sưng tấy xung quanh vị trí tổn thương có thể gây ra triệu chứng này, đặc biệt trong tình trạng viêm cấp.
Nếu không được điều trị, hạt tophi phát triển không ngừng gây tổn thương mô khớp, dẫn tới khó khăn trong các cử động khớp và biến dạng khớp.
Hạt tophi kéo căng da và khiến vị trí tổn thương căng tức khó chịu và đau nhức. Tới một thời điểm nào đó, hạt tophi vỡ ra, giải phóng một chất mềm, màu trắng được tạo thành từ axit uric.
Sự hình thành hạt tophi có thể kèm theo một số triệu chứng đặc trưng của bệnh gút như:
- Sưng nóng đỏ đau tại vị trí tổn thương
- Không thoải mái khi cử động khớp tổn thương hoặc gặp khó khăn cả khi triệu chứng thuyên giảm.
- Đau dữ dội tại vị trí khớp bị ảnh hưởng, đặc biệt trong vài giờ sau khi khởi phát các đợt gút cấp.
- Hạn chế cử động khớp. Triệu chứng này sẽ càng nghiêm trọng khi bệnh gút không được điều trị
Phương pháp điều trị
Các hạt tophi có kích thước nhỏ, không gây đau hoặc hạn chế cử động không nhất thiết phải bị loại bỏ mà chỉ cần uống thuốc điều trị hoặc thay đổi chế độ dinh dưỡng để làm giảm kích thước.
Các hạt tophi lớn hơn nên được loại bỏ nhằm hạn chế những tổn thương cũng như khắc phục tình trạng hạn chế cử động khớp. Bác sĩ có thể chỉ định một trong những phẫu thuật sau:
- Cắt bỏ hạt tophi: Rạch một đường nhỏ trên hạt tophi rồi loại bỏ chúng.
- Phẫu thuật thay khớp nếu tổn thương khớp nghiêm trọng hoặc khó khăn khi cử động.
Một số biện pháp điều trị gút giúp giảm nguy cơ hình thành hạt tophi gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid – NSAID (Nonsteroidal anti-inflammatory drugs) như naproxen (Aleve) hoặc ibuprofen (Advil). Những thuốc này có tác dụng giảm triệu chứng đau và viêm của cơn gút cấp cũng như tổn thương khớp do hạt tophi.
- Corticosteroid: tiêm trực tiếp vào khớp hoặc dùng dưới dạng thuốc uống. Prednisone là một trong những loại corticosteroid phổ biến nhất.
- Chất ức chế Xanthine oxidase – XOIs (Xanthine oxidase inhibitors) giúp giảm lượng axit uric sinh ra từ quá trình chuyển hóa của cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ hình thành bệnh gút và hạt tophi. Những đại diện phổ biến nhất bao gồm febuxostat (Uloric) và allopurinol (Zyloprim).
- Uricosurics hỗ trợ quá trình đào thải axit uric khỏi cơ thể, bao gồm lesinurad (Zurampic) và probenecid (Probalan).
Biện pháp tự nhiên điều trị hạt tophi
Bệnh gút có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục thường xuyên và uống nhiều nước (ít nhất 2 lít mỗi ngày).
Một số thực phẩm chứa nhiều hợp chất có tác dụng điều trị bệnh gút, bao gồm:
- Quả anh đào: Ăn anh đào trong một thời gian ngắn cũng có thể làm giảm số lượng các cơn gút cấp. Một nghiên cứu trong năm 2012 tiến hành trên 633 bệnh nhân gút, phát hiện ra rằng ăn quả anh đào trong 2 ngày giúp giảm 35% nguy cơ khởi phát cơn gút cấp.
- Vitamin C có tác dụng giảm nồng độ axit uric trong máu. Loại vitamin này khá phổ biến trong các loại trái cây họ cam quýt hoặc có trong các sản phẩm bổ sung dạng viên hoặc bột hòa tan.
- Cà phê. Uống một ít cà phê mỗi ngày có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh gút.
- Các sản phẩm từ sữa. Dựa trên kết quả của một nghiên cứu năm 1991, protein trong sữa có tác dụng giảm nồng độ axit uric trong máu.
Biện pháp điều trị từ các loài thực vật thuộc chi colchicine (Mitigare) cũng giúp giảm đau do bệnh gút gây ra.
Tổng kết
Điều trị bệnh gút càng sớm càng tốt để ngăn ngừa triệu chứng gây ra bởi các cơn gút cấp và sự hình thành hạt tophi. Khoảng thời gian không triệu chứng sau cơn gút cấp đầu tiên kéo dài không có nghĩa là tình trạng của bạn đã ổn định vì axit uric vẫn đang tích tụ trong cơ thể.
Nếu được chẩn đoán tăng axit uric máu, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm nồng độ axit uric, hạn chế nguy cơ hình thành hạt tophi và bảo vệ khớp khỏi những tổn thương cũng như tình trạng hạn chế cử động khớp.
Chủ đề liên quan: Cơn gút cấp, gút mạn tính, axit uric, hạt tophi, thống phong, bệnh gút, cơ xương khớp.
Xem thêm:
- 10 biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh gút tại nhà
- Bệnh gút ở khớp gối: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Những điều cần biết về bệnh gút: Triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, điều trị và dự phòng
- Một số thông tin về bệnh gút ở gót chân: Chẩn đoán và điều trị
- 10 thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh gút