Video Bệnh hen suyễn (Asthma) và cách chữa trị
Khi tình trạng căng thẳng bắt đầu tăng lên - vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do quá nhiều hóa đơn bạn cần thanh toán cuối tháng, áp lực công việc hay lịch làm việc dày đặc với con cái- thì đều có thể dẫn đến các triệu chứng hen phế quản bùng phát quá mức. Khi mà tình trạng khò khè và ho trở nặng, bạn lại có thêm một vấn đề phải lo lắng nữa, đó là sức khỏe của chính mình. Bệnh hen suyễn, căng thẳng và lo lắng tạo nên một vòng xoắn luẩn quẩn, và vòng xoắn ấy khiến sức khỏe của bạn đi xuống nhanh chóng.
Khi hen phế quản gây lo lắng cho bạn
Nếu mắc bệnh hen suyễn dai dẳng thì bạn sẽ có các triệu chứng hen nhiều hơn hai lần một tuần. Khi ấy để điều trị hen dai dẳng, bạn cần liệu pháp duy trì dài hạn, chẳng hạn như steroid dạng hít, cộng với liệu pháp điều trị cấp dùng khi có triệu chứng. Và khi các triệu chứng của bạn không được kiểm soát (vùng đỏ, một cơn hen phế quản nặng), bạn có thể cần dùng prednisolone (một loại steroid dạng uống) trong một vài ngày. Vấn đề là prednisone thường gây ra tác dụng phụ là làm thay đổi tâm trạng, cộng thêm vào sự lo lắng vốn có của bạn .
Vì vậy hãy nhớ rằng, prednisone là một phương pháp điều trị ngắn hạn cho hầu hết những người mắc bệnh hen. Sau khi kết thúc đợt uống steroid, tâm trạng của bạn sẽ trở lại bình thường. Và steroid dạng hít - là loại thuốc xịt của bạn-không gây ra thay đổi tâm trạng vĩnh viễn.
Nếu thuốc điều trị hen thường ngày của bạn đáp ứng không tốt, dẫn đến tình trạng thở khò khè và tức ngực xảy ra thường xuyên khiến bạn lo lắng vì bệnh tật, còn lo lắng làm trầm trọng thêm bệnh hen, và bệnh hen lại làm bạn lo lắng nhiều hơn. Khi ấy một vòng xoắn luẩn quẩn bắt đầu. Đó là lúc bạn cần nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng, yếu tố khởi phát và căng thẳng của mình. Đồng thời thảo luận về các lựa chọn điều trị hen khác để có thể kiểm soát bệnh, giúp bạn phòng ngừa các triệu chứng của bệnh hiệu quả hơn.
Làm thế nào để kiểm soát căng thẳng cùng với bệnh hen suyễn
Căng thẳng là một phần của cuộc sống hàng ngày - dù có hoặc không kèm theo bệnh hen. Đó là lý do tại sao việc tìm ra cách hiệu quả để kiểm soát căng thẳng là vô cùng quan trọng. Học cách thư giãn trước khi cảm thấy căng thẳng có thể giúp bạn ngăn ngừa khó thở và tránh lên cơn hen.
Thay đổi suy nghĩ của bạn: Hãy tập thay đổi những suy nghĩ gây ra căng thẳng. Những gì bạn nghĩ, cách bạn nghĩ, những gì bạn mong đợi và những gì bạn tự nói với bản thân thường quyết định bạn cảm thấy ra sao và bạn quản lý mức độ căng thẳng tốt như thế nào.
Giảm các tác nhân gây căng thẳng của bạn: Xác định những yếu tố gây căng thẳng chính trong cuộc sống của bạn, như vấn đề tiền bạc, các mối quan hệ, nỗi đau buồn, hay quá nhiều công việc phải hoàn thành và thiếu thốn sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh. Nếu bạn không thể giải quyết những yếu tố gây căng thẳng này một mình, hãy tìm sự trợ giúp của chuyên gia sức khỏe.
Tránh các tình huống căng thẳng: Cố gắng tránh những tình huống gây căng thẳng cho bạn. Thực hành các kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, chẳng hạn như ủy quyền cho người khác giải quyết công việc khi thích hợp, thiết lập các vấn đề ưu tiên trong cuộc sống, và dành thời gian cho bản thân.
Tập thể dục hàng ngày: Hãy tập luyện đều đặn. Tập thể dục là một cách tuyệt vời để loại bỏ những tác động tiêu cực của căng thẳng đối với bạn và cũng giúp cho cơ thể bạn khỏe mạnh.
Ngủ nhiều hơn: Với bệnh hen suyễn hoặc bất kỳ bệnh mạn tính nào, bạn cần ngủ nhiều hơn. Nếu bạn ngủ không ngon hoặc phải chịu đựng các cơn hen vào ban đêm, bạn sẽ có ít năng lượng hơn để đối phó với căng thẳng. Xây dựng thói quen để có giấc ngủ tốt là rất quan trọng. Dưới đây là bảy gợi ý để có giấc ngủ tốt:
- Đừng đi ngủ cho đến khi bạn cảm thấy mệt mỏi.
- Xây dựng trình tự các việc cần làm trước khi đi ngủ và tuân theo trình tự ấy mỗi ngày.
- Nếu bạn khó ngủ, đừng xem TV, đọc sách hoặc ăn trên giường.
- Không tập thể dục hoặc hoạt động gắng sức vào những giờ trước khi ngủ.
- Tránh caffeine.
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Đồ ăn vặt và đường tinh chế có ít giá trị dinh dưỡng và nhiều calo có thể khiến bạn cảm thấy thiếu năng lượng và uể oải. Hạn chế đường, caffeine và rượu có thể giúp tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng.
Ủy quyền trách nhiệm trong công việc khi thích hợp: Căng thẳng thường là kết quả của việc bạn phải mang quá nhiều trách nhiệm. Bạn có thể giải phóng thời gian và giảm bớt căng thẳng bằng cách giao phó trách nhiệm cho những người khác. Thực hiện phương pháp tiếp cận vấn đề theo nhóm và thu hút mọi người tham gia chia sẻ công việc. Hãy thử áp dụng tám nguyên tắc này ở nhà hoặc sửa đổi chúng để phù hợp với hoàn cảnh của bạn tại nơi làm việc:
- Lập danh sách các nhiệm vụ liên quan đến công việc.
- Dành thời gian để đào tạo người khác thực hiện công việc hoặc các nhiệm vụ cụ thể.
- Giao trách nhiệm cho một người cụ thể.
- Luân phiên thực hiện các nhiệm vụ khó.
- Hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, có thời hạn.
- Hãy khen ngợi và cho mọi người biết bạn hài lòng khi một công việc được hoàn thành tốt.
- Cho phép người khác hoàn thành công việc theo cách riêng của họ.
- Hãy từ bỏ việc trở thành một người cầu toàn.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh: Cuộc sống đôi khi quá khó khăn và sự hỗ trợ từ bạn bè hay các thành viên trong gia đình là rất quan trọng. Trên thực tế, hỗ trợ xã hội là tấm đệm, là lá chắn quan trọng nhất chống lại căng thẳng. Dưới đây là một số cách mà gia đình hoặc bạn bè có thể giúp đỡ bạn:
- Giúp bạn duy trì các hoạt động tích cực và độc lập nhất có thể.
- Hỗ trợ về mặt tinh thần.
- Phụ giúp các công việc trong gia đình như mua sắm và các công việc lặt vặt khác nếu cần.
- Tìm hiểu tối đa về tình trạng sức khỏe của bạn và phương pháp điều trị bác sĩ dành cho bạn.
- Khuyến khích và giúp bạn tuân thủ theo kế hoạch điều trị hen đã được hướng dẫn.
Thực hành các bài tập thư giãn: Các bài tập thư giãn kết hợp hít thở sâu, giải phóng căng cơ và xóa bỏ suy nghĩ tiêu cực. Nếu thực hành các bài tập này thường xuyên, bạn có thể giảm bớt tác động tiêu cực của căng thẳng. Các bài tập thư giãn bao gồm thở bằng cơ hoành và thở chúm môi, lặp lại các hình ảnh, cụm từ kích thích sự thư giãn về thể chất, chẳng hạn như "thư giãn và thả lỏng", và tập thư giãn cơ bắp. Trên thị trường hiện đã có nhiều loại sách hướng dẫn các bài tập này.
Các bài tập thư giãn để kiểm soát căng thẳng và bệnh hen suyễn
Bài tập Thư giãn trong 2 phút: Tập trung suy nghĩ vào bản thân và hơi thở của bạn. Hít thở sâu vài lần, thở ra từ từ. Thiền quét cơ thể của bạn. Chú ý những vùng cơ thể bạn cảm thấy căng thẳng hoặc co rút. Nhanh chóng thả lỏng các khu vực này và hãy thả lỏng hết mức có thể. Xoay đầu của bạn theo chuyển động tròn một hoặc hai lần (dừng lại nếu bất kỳ chuyển động nào gây đau). Đưa vai về phía trước và phía sau nhiều lần. Hãy để tất cả các cơ của bạn hoàn toàn thư giãn. Nhớ lại một suy nghĩ thú vị trong vài giây. Hít một hơi sâu nữa và thở ra từ từ. Bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn.
Bài tập Thư giãn Tâm trí: Nhắm mắt lại. Hít thở bình thường bằng mũi. Khi bạn thở ra, hãy thầm nói với bản thân một từ ngắn như "yên bình" hoặc một cụm từ ngắn như "Tôi cảm thấy yên tĩnh" hoặc "Tôi an toàn". Tiếp tục trong 10 phút. Nếu tâm trí bạn nghĩ lan man, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở bản thân nghĩ về nhịp thở và từ hoặc cụm từ bạn đã chọn. Để nhịp thở của bạn trở nên chậm và ổn định.
Thư giãn Hít thở sâu: Hãy tưởng tượng một điểm ngay dưới rốn của bạn. Hít vào chỗ đó và lấp đầy không khí vào bụng. Để không khí tràn đầy từ bụng lên, sau đó đẩy hơi ra ngoài, tương tự như làm xì hơi một quả bóng bay. Với mỗi lần thở ra dài và chậm rãi, bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn.
Xem thêm :