Nếu đã từng gặp phải, có thể bạn đã bị viêm da tiếp xúc – một tình trạng xảy ra khi da bạn tiếp xúc với các hóa chất và xuất hiện phản ứng. Hầu hết các phản ứng viêm da tiếp xúc không nghiêm trọng nhưng chúng có thể gây khó chịu cho đến khi hết ngứa.
Triệu chứng của bệnh viêm da tiếp xúc
Các triệu chứng viêm da tiếp xúc phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nhạy cảm của da mỗi người với chất này.
Viêm da tiếp xúc dị ứng
- Da khô, có vảy, bong tróc
- Nổi mề đay
- Các vết phồng rộp rỉ nước
- Đỏ da
- Da sạm đen hoặc da sần sùi
- Da bị bỏng
- Cực kỳ ngứa
- Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
- Sưng tấy, đặc biệt là ở vùng mắt, mặt hoặc bẹn.
Viêm da tiếp xúc kích ứng
Viêm da tiếp xúc kích ứng có thể gây ra các triệu chứng hơi khác so với viêm da tiếp xúc dị ứng như:
- Phồng rộp
- Nứt da do quá khô
- Sưng tấy
- Da có cảm giác cứng hoặc căng
- Vết loét
- Vết loét hở tạo thành vảy.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiếp xúc
Có ba loại viêm da tiếp xúc:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng
- Viêm da tiếp xúc kích thích
- Viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng.
Viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng: ít phổ biến hơn. Đó là một phản ứng có thể xảy ra khi các thành phần hoạt tính trong sản phẩm chăm sóc da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và gây ra kích ứng.
Viêm da tiếp xúc dị ứng: Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi da xuất hiện phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với chất lạ. Phản ứng dị ứng khiến cơ thể tiết ra các hóa chất trung gian gây viêm có thể khiến da bị ngứa và kích ứng.
Nguyên nhân phổ biến gây viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm:
- Đồ trang sức làm từ niken hoặc vàng
- Găng tay cao su
- Nước hoa hoặc hóa chất trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da
- Cây sồi độc hoặc cây thường xuân độc.
Viêm da tiếp xúc kích ứng: Viêm da tiếp xúc kích ứng hay viêm da tiếp xúc kích thích là loại viêm da tiếp xúc phổ biến nhất. Tình trạng này xảy ra khi da tiếp xúc với một vật liệu độc hại, chẳng hạn như:
- Pin axit
- Chất tẩy trắng
- Chất tẩy rửa cống rãnh
- Dầu hỏa
- Chất tẩy rửa
- Bình xịt hơi cay.
Viêm da tiếp xúc kích ứng cũng có thể xảy ra khi da tiếp xúc quá thường xuyên với các vật liệu ít gây kích ứng hơn như xà phòng hoặc thậm chí nước. Ví dụ, những người thường xuyên tiếp xúc với nước, chẳng hạn như thợ làm tóc, nhân viên pha chế và nhân viên y tế, thường bị viêm da tiếp xúc kích ứng ở bàn tay.
Điều trị viêm da tiếp xúc
Video chữa viêm da tiếp xúc như thế nào?
Hầu hết các trường hợp viêm da tiếp xúc sẽ tự khỏi sau khi da bạn ngừng tiếp xúc với các chất này. Dưới đây là một số mẹo bạn có thể thử tại nhà:
- Tránh gãi vùng da bị kích ứng. Gãi có thể khiến kích ứng nặng hơn hoặc thậm chí gây nhiễm trùng da đòi hỏi phải dùng kháng sinh để điều trị.
- Làm sạch da bằng xà phòng dịu nhẹ và nước ấm để loại bỏ các chất gây kích ứng.
- Ngừng sử dụng bất kỳ sản phẩm nào bạn cho rằng có thể gây kích ứng.
- Thoa loại sáp dầu khoáng nhẹ như vaseline để làm dịu khu vực này.
- Thử sử dụng các phương pháp điều trị ngứa như kem dưỡng da calamine hoặc kem hydrocortisone.
- Nếu cần, hãy dùng thuốc kháng histamine như diphenhydramine để giảm ngứa và giảm phản ứng dị ứng.
Bạn có thể mua các sản phẩm này tại hầu hết các hiệu thuốc hoặc đặt hàng trực tuyến.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm da tiếp xúc không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ nếu phát ban ở gần mắt hoặc miệng hay tình trạng này bao phủ một vùng rộng trên cơ thể hoặc không cải thiện khi điều trị tại nhà.
Bác sĩ có thể kê một loại kem steroid mạnh hơn nếu các phương pháp điều trị tại nhà không giúp cải thiện được tình trạng da.
Chẩn đoán viêm da tiếp xúc
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc không cải thiện theo thời gian. Bác sĩ sẽ xem xét kỹ tiền sử bệnh và tiến hành kiểm tra da. Các bác sĩ có thể hỏi những thông tin sau:
- Lần đầu tiên bạn nhận thấy các triệu chứng của mình?
- Điều gì làm cho các triệu chứng cải thiện hơn hoặc tồi tệ hơn?
- Bạn có đi bộ đường dài ngay trước khi bắt đầu phát ban không?
- Bạn sử dụng sản phẩm nào trên da hàng ngày?
- Bạn tiếp xúc với những hóa chất nào hàng ngày?
- Bạn làm nghề gì?
Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia dị ứng hoặc bác sĩ da liễu để xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiếp xúc. Chuyên gia dị ứng có thể chỉ định xét nghiệm kiểm tra dị ứng với các dị nguyên khác nhau bằng phương pháp sử dụng miếng dán kiểm tra dị ứng (patch test) - để một diện tích da nhỏ tiếp xúc với chất gây dị ứng. Nếu da của bạn có phản ứng, chuyên gia dị ứng có thể xác định nguyên nhân có thể gây ra viêm da tiếp xúc.
Có thể ngăn ngừa viêm da tiếp xúc?
Tránh tiếp xúc ban đầu với các chất gây kích ứng có thể giúp ngăn ngừa viêm da tiếp xúc. Hãy thử các mẹo sau:
- Mua các sản phẩm được dán nhãn “không gây dị ứng” hoặc “không mùi”.
- Không đeo găng tay cao su nếu bạn bị dị ứng với cao su. Thay vào đó, hãy chọn găng tay vinyl.
- Mặc áo sơ mi dài tay và quần dài khi đi bộ đường dài trong vùng hoang dã.
- Nếu bạn nhận thấy kích ứng do một sản phẩm mới, hãy ngừng sử dụng sản phẩm đó ngay lập tức.
Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy kiểm tra tại chỗ với bất kỳ sản phẩm mới nào. Bạn có thể bôi sản phẩm mới vào một chỗ trên cẳng tay. Sau đó che vùng da này lại và không để tiếp xúc với nước hoặc xà phòng. Kiểm tra xem có bất kỳ phản ứng nào sau 48 và 96 giờ sử dụng. Nếu có bất kỳ mẩn đỏ hoặc kích ứng nào thì ngưng sử dụng sản phẩm mới đó ngay lập tức.
Xem thêm: