Bệnh vảy nến có lây không? Nguyên nhân, đợt bùng phát và chẩn đoán

Bệnh vảy nến liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch, đặc trưng bởi các vùng da bị viêm. Trong đó, vảy nến thể mảng là típ phổ biến nhất với các mảng đỏ da, dày da, bong vảy trắng. Những tổn thương này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng chúng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và da đầu.

Tại Hoa Kỳ, khoảng 7,5 triệu người bị vảy nến. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc vảy nến chiếm 5-7% tổng số bệnh nhân đến khám tại các phòng khám da liễu.

Video Bệnh vảy nến 

Bạn tự hỏi liệu bệnh vảy nến có lây không. Có thể lây cho người khác khi họ chạm vào tổn thương da của người bệnh không? Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của bạn, bao gồm cả nguyên nhân và cách giảm nguy cơ bùng phát bệnh. 

Bệnh vảy nến có lây không?

Câu trả lời là không. Khác với các bệnh lý da khác như ghẻ, chốc lở và tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA), bệnh vảy nến không phải là bệnh lý nhiễm trùng. 

Bệnh vảy nến là bệnh liên quan đến rối loạn tự miễn. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), điều kiện để mắc bệnh là bạn phải có các gen đặc hiệu. Nhưng có gen đặc hiệu không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh. Tuy nhiên, khi bạn có gen này, các tác nhân từ môi trường thường dễ dàng kích hoạt gây bùng phát bệnh.

Bệnh vảy nến chia làm 5 típ khác nhau Mỗi típ có tổn thương đặc trưng riêng và có thể giống các bệnh lây truyền khác:

  • Vảy nến thể mảng biểu hiện là các mảng đỏ da, gồ cao và được phủ bởi các lớp vảy da màu trắng bạc hoặc những tế bào chết.
  • Vảy nến thể giọt đặc trưng bởi các chấm nhỏ, màu đỏ trên khắp bề mặt da. Bệnh thường khởi phát sau khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng khác như viêm họng do liên cầu khuẩn.
  • Vảy nến thể mủ với tổn thương là những mụn mủ nổi cao, đau ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, có thể ngứa. Bệnh vảy nến thể mủ đôi khi gây ra các triệu chứng giống như cảm cúm, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh và chán ăn.
  • Vảy nến thể đảo ngược gây ra các mảng da đỏ, đau và thường xuất hiện ở các vị trí nếp gấp của da.
  • Vảy nến thể đỏ da khiến cho da biến đổi thành màu đỏ tươi. Tổn thương giống như một vết cháy nắng nghiêm trọng toàn thân. Cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và có thể gây ra nhịp tim nhanh, đau, ngứa dữ dội. Vảy nến thể đỏ da là một tình trạng cấp cứu.
Hình ảnh vảy nến thể mủ ở long bàn tay. Theo nguồn: papaa.orgHình ảnh vảy nến thể mủ ở long bàn tay. Theo nguồn: papaa.org

Cơ chế xuất hiện bệnh vảy nến?

Nguyên nhân chính xác của bệnh vảy nến vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Người ta cho rằng bệnh có liên quan đến tình trạng hoạt động quá mức của tế bào T (những tế bào có vai trò chống lại vi rút và vi khuẩn trong cơ thể). Ở những người bị bệnh vảy nến, tế bào T tấn công các tế bào da khỏe mạnh và kích hoạt các phản ứng miễn dịch khác. Điều này làm tăng quá trình sản xuất các tế bào da khỏe mạnh, tế bào T và các tế bào bạch cầu khác.

Kết quả là, quá nhiều tế bào da tích tụ ở bề mặt da. Đây là lý do tại sao một số típ vảy nến khiến bề mặt da xuất hiện nhiều vảy. Thông thường, phải mất vài tuần để hình thành các tế bào da mới, nhưng ở những người mắc bệnh vảy nến, quá trình này chỉ diễn ra trong vòng vài ngày. Vì vậy, cơ thể không loại bỏ kịp các tế bào dư thừa, kéo theo sự xuất hiện các tổn thương của bệnh vảy nến. 

Những người có hệ thống miễn dịch suy giảm, bao gồm những người nhiễm HIV hoặc những người bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại, có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao hơn.

Nguyên nhân gây bùng phát bệnh vảy nến?

Nhiều yếu tố môi trường và lối sống có thể gây bùng phát bệnh vảy nến. Đối với mỗi người, những yếu tố này có thể khác nhau. Các yếu tố kích hoạt phổ biến bao gồm:

  • Phơi nắng
  • Hút thuốc lá
  • Nhiễm trùng
  • Chấn thương da, chẳng hạn như vết cắt, côn trùng  cắn, vết bỏng
  • Căng thẳng
  • Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như lithium, thuốc huyết áp và iodua
  • Uống rượu

Hút thuốc không chỉ là nguyên nhân mà còn là yếu tố góp phần vào quá trình phát triển, làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. 

Nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá có thể gây ra 1/5 số trường hợp mắc bệnh vảy nến và tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh. Điều này có thể là do tác động của nicotine đối với tế bào da, viêm da và hệ thống miễn dịch cơ thể.

Hút thuốc lá có nguy cơ gây bùng phát bệnh vảy nến. Theo nguồn: onhealth.comHút thuốc lá có nguy cơ gây bùng phát bệnh vảy nến. Theo nguồn: onhealth.com

Mặc dù một số người cho rẳng, dị ứng và một số loại thực phẩm có nguy cơ gây bùng phát bệnh vảy nến, nhưng vẫn chưa có bằng chững rõ ràng về điều này. 

Chẩn đoán bệnh vảy nến

Theo Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia, bệnh vảy nến thường xuất hiện ở độ tuổi từ 10 đến 35. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Lên đến 15% những người bị bệnh vảy nến được chẩn đoán trước 10 tuổi. Trong một số hiếm các trường hợp, trẻ sơ sinh cũng mắc căn bệnh này.

Bác sĩ da liễu thường là người khám và chẩn đoán bệnh vảy nến, mặc dù nhiều bác sĩ chăm sóc sức khỏe khác cũng có thể phát hiện ra căn bệnh này. Hầu hết các bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên việc khám trực tiếp da và hỏi tiền sử gia đình. Bạn được coi là có nguy cơ mắc bệnh vảy nến nếu bạn có cha hoặc mẹ mắc bệnh. Nếu bạn có cả cha và mẹ bị bệnh vảy nến, nguy cơ này sẽ cao hơn. 

Trong một số trường hợp, bác sĩ cần thực hiện sinh thiết da để phân thể và chẩn đoán xác định. 

Hiện chưa chưa có phương pháp nào giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Tuy nhiên, bệnh có khả năng thuyên giảm. Mục tiêu của điều trị là ngăn chặn hoặc làm chậm sự xuất hiện của tổn thương, phát hiện ra những yếu tố nguy cơ để giảm thiểu đợt bùng phát bệnh. Liệp pháp điều trị có tác động làm chậm sự phát triển của các tế bào da, giảm viêm và hình thành vảy, đồng thời làm mềm mịn da. Các phương pháp hiện nay bao gồm: thuốc tại chỗ, thuốc toàn than và liệu pháp ánh sáng. 

Tổng kết

Bệnh vảy nến không lây nhiễm dưới bất kỳ hình thức nào. Bệnh liên quan đến yếu tố tự miễn - không phải là một bệnh truyền nhiễm. Nếu ai đó hỏi bạn về điều này, hãy dành một chút thời gian để chia sẻ với họ. Điều này có thể giúp bệnh nhân vảy nến dễ dàng hóa nhập với cộng đồng xung quanh. 

Kết quả của một cuộc khảo sát năm 2003 được thực hiện bởi một chương trình có tên “Vượt lên trên bệnh vảy nến: Người đứng sau bệnh nhân” đã giải thích lý do tại sao việc giáo dục bệnh vảy nến lại quan trọng như vậy. Sự tự tin thấp được báo cáo ở 73% người mắc vảy nến mức độ nặng và 48% những người bị bệnh vảy nến mức độ trung bình.

Không chỉ vậy, 64% số người được hỏi cho biết, cộng đồng xung quanh sợ bệnh vảy nến dễ lây truyền và 45% cho biết những người bị bệnh vảy nến hay bị chế giễu. Thực tế này cho thấy, việc quan trọng hơn là phải giáo dục bản thân người bệnh và những người khác về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lý này.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!