Bệnh ghẻ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Ghẻ là một trong những bệnh ngoài da gây ngứa và phát ban. Đây là bệnh da liễu do ký sinh trùng ghẻ tên là sarcoptes scabiei gây ra, một loài ký sinh trùng siêu nhỏ 8 chân.

Bệnh ghẻ có thể lây lan rất dễ dàng từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi với cơ thể người bệnh. Điều này dẫn tới khả năng bùng phát ghẻ ở các địa điểm như gia đình, nhà trẻ, lớp học, viện dưỡng lão hoặc nhà tù.

Ghẻ gây ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, bất kể hoàn cảnh sống và tình trạng kinh tế xã hội. Nếu một cá nhân bị ghẻ, tất cả những người tiếp xúc gần đều phải được điều trị cùng một lúc.

Bệnh ghẻ

Ghẻ cần da để sống và tồn tại, tuy nhiên nó có thể sống mà không có vật chủ (con người) trong 48 đến 72 giờ.

Phát ban và ngứa là phản ứng dị ứng của cơ thể với ghẻ, trứng và chất thải của chúng.

Trung bình một người bị ghẻ sẽ có từ 15 đến 20 con.

Những người suy giảm miễn dịch, người già và những người bệnh đang điều trị nội trú có nguy cơ cao phát triển bệnh ghẻ vảy.

Mỗi năm, bệnh ghẻ ảnh hưởng đến hàng triệu người ở mọi chủng tộc, lứa tuổi và tình trạng kinh tế xã hội.

Nó dễ dàng lây lan qua tiếp xúc cơ thể gần gũi và khi dùng chung giường, quần áo và đồ đạc bị nhiễm ghẻ.

Bệnh ghẻ ước tính lây nhiễm cho hơn 300 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó có 1 triệu người ở Hoa Kỳ.

Bệnh ghẻ thường xảy ra nhất ở trẻ em và thanh niên, thường bùng phát ở các nhà trẻ và trường học.

Nguyên nhân bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ gây ra bởi ký sinh trùng sarcoptes scabiei, còn được gọi là cái ghẻ.

Sau khi đào hang dưới da, cái ghẻ đẻ trứng. Sau khi trứng nở, ấu trùng di chuyển lên bề mặt da và lây lan khắp cơ thể hoặc sang vật chủ khác thông qua tiếp xúc da.

Con người không phải là loài duy nhất bị ảnh hưởng bởi ghẻ. Chó và mèo cũng có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, mỗi loài có một loại ghẻ khác nhau và con người có thể bị phản ứng da nhẹ, thoáng qua khi tiếp xúc với ghẻ của động vật, rất hiếm khi người bị lây nhiễm với ghẻ động vật.

Bệnh ghẻ rất dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp da với da hoặc sử dụng chung khăn tắm, ga trải giường hoặc đồ đạc bị nhiễm ghẻ. Do đó, một số trường hợp nguy cơ cao bị nhiễm ghẻ bao gồm:

  • Trẻ em đi học tại nhà trẻ 
  • Cha mẹ của trẻ nhỏ 
  • Lây qua hoạt động tình dục và những người có nhiều bạn tình
  • Cư trú tại các cơ sở chăm sóc như viện dưỡng lão
  • Người lớn tuổi
  • Người suy giảm miễn dịch, bao gồm cả những người bị nhiễm HIV/AIDS, cấy ghép tạng và những người khác đang dùng thuốc ức chế miễn dịch

Các triệu chứng bệnh ghẻ 


Hình ảnh cái ghẻ đào hang và đẻ trứng dưới da. Nguồn www.everydayhealth.comHình ảnh cái ghẻ đào hang và đẻ trứng dưới da. Nguồn www.everydayhealth.comCác triệu chứng khởi phát khác nhau tùy thuộc vào việc trước đó có tiếp xúc với ghẻ hay chưa. Lần đầu tiên nhiễm bệnh, có thể mất tới 2 đến 6 tuần để phát triển các triệu chứng.

Trong các lần nhiễm bệnh tiếp theo, vì hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng nhanh hơn, triệu chứng thường xuất hiện là trong vòng 1 đến 4 ngày.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ghẻ bao gồm:

  • Ngứa: là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ghẻ, thường tăng lên vào ban đêm
  • Phát ban: Khi ghẻ đào sâu vào da, nó tạo thành các vết hoặc đường hầm, vị trí thường thấy nhất là các nếp gấp trên da và giống như phát ban, vết cắn, nốt sần, mụn nhọt hoặc các mảng da có vảy. Các vết phồng rộp cũng có thể có
  • Vết loét: xảy ra ở những khu vực bị nhiễm trùng da do gãi. Vết loét hở có thể dẫn đến bệnh chốc lở, thường do nhiễm trùng thứ phát tụ cầu vàng.
  • Lớp vảy dày: Ghẻ vảy còn được gọi là ghẻ Na Uy, là bệnh ghẻ nặng, có hàng trăm đến hàng nghìn cái ghẻ và trứng bám trong da, gây ra các triệu chứng nặng trên da.

Thông thường, những người bị bệnh ghẻ vảy có các lớp vảy sần sùi lan rộng, màu xám, dày.

Ghẻ sống trong lớp vỏ có thể sống tới một tuần mà không cần vật chủ (con người), thức ăn do chính lớp vỏ này cung cấp.

Vị trí nhiễm trùng phổ biến nhất ở người trưởng thành và trẻ lớn bao gồm:

  • Kẽ giữa các ngón tay
  • Xung quanh móng tay
  • Nách
  • Thắt lưng
  • Cổ tay
  • Bên trongkhuỷu tay
  • Lòng bàn chân
  • Ngực, đặc biệt là khu vực xung quanh núm vú
  • Cơ quan sinh dục nam
  • Mông
  • Đầu gối
  • Bả vai

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm trùng ở các vùng khác của cơ thể, bao gồm:

  • Da đầu
  • Mặt
  • Cổ
  • Lòng bàn tay 
  • Lòng bàn chân

Đôi khi, trẻ em có thể bị nhiễm trùng lan tỏa, bao phủ phần lớn cơ thể. Trẻ sơ sinh bị ghẻ có xu hướng biểu hiện các triệu chứng khó chịu, khó ngủ và chán ăn.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ghẻ 

Bệnh ghẻ đôi khi có thể bị nhầm với viêm da hoặc chàm vì những bệnh này cũng gây ngứa và nổi mụn nước tương tự trên da. Khi không chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Các thuốc không kê đơn thường chỉ dùng để điều trị triệu chứng, không tiêu diệt hoàn toàn ghẻ.

Chẩn đoán bệnh ghẻ bằng cách xét nghiệm hoặc bằng cách soi da, xem vết xước da dưới kính hiển vi.

Điều trị bệnh ghẻ 

Bệnh ghẻ rất dễ lây lan, vì vậy tất cả những người sống chung với bệnh nhân được chẩn đoán ghẻ hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân, nên được điều trị ghẻ ngay cả khi không có triệu chứng. 

Bệnh ghẻ thường được điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da như kem permethrin 5%, kem crotamiton hoặc kem dạng sữa lindane. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng kem 25% benzyl benzoat hoặc 10% thuốc mỡ lưu huỳnh. Hầu hết các chế phẩm bôi ngoài da được áp dụng vào ban đêm và rửa sạch vào buổi sáng.

Ivermectin, một loại thuốc uống, có thể được chỉ định cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người bị ghẻ vảy hoặc những người không đáp ứng với liệu pháp bôi tại chỗ.

Ivermectin chống chỉ định với phụ nữcó thai hoặc đang cho con bú cũng như trẻ em có cân nặng dưới 15kg.

Các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc kháng histamine, kem chống ngứa như kem Pramoxine, thuốc kháng sinh và kem steroid có thể được chỉ định để giảm các triệu chứng.

Các loại thuốc được kê đơn thường sẽ tiêu diệt ghẻ một cách nhanh chóng. Triệu chứng ngứa và phát ban có thể kéo dài.

Tuy nhiên, da sẽ lành lại sau 4 tuần điều trị. Một số người cần điều trị hai đợt để loại bỏ hoàn toàn ghẻ.

Điều trị tại nhà

Giải pháp điều trị ghẻ tại nhà thường không được khuyến khích.

Các phương pháp điều trị bằng thảo dược, chẳng hạn như tinh dầu trà và dầu sầu đâu (neem oil), không được chứng minh là có tác dụng điều trị ghẻ. Do đó, bạn nên đi khám để được điều trị tốt nhất.

Có thể thực hiện các bước phòng ngừa dưới đây mà không cần đến bác sĩ. 

Phương pháp phòng ngừa ghẻ

Để tránh tái nhiễm và lây lan, hãy thực hiện các bước sau:

  • Giặt hoặc sấy khô tất cả quần áo, khăn tắm, ga trải giường, vv.. Khi giặt, sử dụng nước xà phòng nóng và sấy ở nhiệt độ cao. Đặt các vật dụng không giặt được vào túi nhựa kín trong một đến vài tuần để ghẻ chết 
  • Hút bụi toàn bộ ngôi nhà vào ngày bắt đầu điều trị, bao gồm thảm, vải bọc, v.v. Loại bỏ túi hút bụi hoặc làm sạch hoàn toàn hộp đựng của máy hút bụi

Nếu bạn lo lắng rằng bạn có thể bị hoặc có nguy cơ mắc bệnh ghẻ, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!