Ăn dặm tự chỉ huy (BLW): phương pháp ăn dặm từ phương Tây

Ăn dặm tự chỉ huy là phương pháp được các bà mẹ phương Tây rất yêu thích và mới du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Khi lựa chọn phương pháp này, mẹ hãy quên những món bột, cháo nghiền và hành động đút cho con từng muỗng thức ăn. Bé sẽ được tự ngồi ghế ăn và bốc từng món thức ăn để đưa vào miệng. Liệu bé và mẹ đã sẵn sàng cho một cách ăn dặm như thế?

Ăn dặm tự chỉ huy là gì?

Video: Ăn dặm tự chỉ huy  - Lợi ích tuyệt vời cho bé

Ăn dặm tự chỉ huy (Baby led weaning) hay còn gọi là ăn dặm kiểu BLW, là phương pháp ăn dặm cho phép bé tự quyết định món ăn và cách ăn. Ở phương pháp này, trẻ được tự ý quyết định những món mà trẻ sẽ ăn trước hay ăn sau, thích ăn hoặc không thích ăn, trẻ ăn bốc, hay tự tay cầm thức ăn đưa vào miệng theo cách mà trẻ muốn...Điều này đòi hỏi các bố mẹ phải tôn trọng quyết định và sở thích ăn uống của trẻ để trẻ có thể tự do thể hiện và khám phá cũng như làm quen với việc ăn uống một cách tự nhiên nhất. Trong phương pháp này, thức ăn được cắt thái thành miếng nhỏ vừa phải, độ mềm cứng được điều chỉnh tùy vào từng giai đoạn của trẻ. Trong thời gian này, nguồn dinh dưỡng chính cho bé vẫn là sữa nên việc tập ăn dặm chỉ là mẹ cho bé làm quen với các loại thức ăn, cho bé tập nhai, nuốt chứ không chú trọng quá tới việc bé ăn được bao nhiêu.

Lợi ích của ăn dặm tự chỉ huy

Việc để bé tự quyết định món ăn và cách ăn theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy sẽ giúp bé phát triển kỹ năng một cách tự nhiên, trẻ có thể khám phá thế giới đồ ăn theo chính nhịp độ riêng của mình. Đồng thời cũng tạo thuận lợi, dễ dàng hơn cho các mẹ trong quá trình cho bé ăn và chọn món cho bé.

Thức ăn chọn cho trẻ nên đảm bảo đủ dinh dưỡngThức ăn chọn cho trẻ nên đảm bảo đủ dinh dưỡng

Với việc tự do trong cách ăn, bé có thể được học và tận hưởng thức ăn theo nhiều cách khác nhau, tạo cảm hứng cho trẻ khi ăn, giúp trẻ khám phá được các đặc tính mùi vị màu sắc khác nhau của thức ăn, tăng khả năng nhận biết thức ăn. Ngoài ra, ăn dặm tự chỉ huy còn có nhiều ưu điểm khác như:

  • Giúp trẻ rèn luyện được sự khéo léo trong cách tiếp cận và xử lý thức ăn, tăng khả năng nhận biết, phân biệt thức ăn qua vị giác, khứu giác và thị giác.
  • Giúp trẻ có thể hình dung, hiểu thế giới chỉ thông qua việc chơi với thức ăn.
  • Tham gia các bữa ăn cùng với gia đình sẽ giúp tạo sự gần gũi và thân thiết giữa bé với các thành viên trong gia đình. Mặt khác, trẻ hay có đặc tính bắt chước hành vi và thói quen của người lớn. Do vậy, trong các bữa ăn, các hành vi ứng xử, cách xử lý hay giao tiếp của mọi người trong gia đình đều có thể ảnh hưởng đến bé. Một bữa ăn lành mạnh và đúng nghĩa sẽ giúp trẻ học hỏi được nhiều điều.
  • Cho trẻ tự ăn cũng là một cách để trẻ có thể tự rèn luyện sự khéo léo trong việc phối hợp các hành động của tay, miệng mắt trong việc thực hiện thao tác lấy vào đưa thức ăn vào miệng.

Nhược điểm của ăn dặm tự chỉ huy

Bên cạnh những lợi ích kể trên thì phương pháp này cũng có những nhược điểm của nó, đó là:

  • Không quá chú trọng đến chất và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé.
  • Thời gian đầu, trẻ sẽ không ăn và cầm ném thức ăn, bóp nát hay cho lên miệng mút rồi vứt đi…Mẹ sẽ khá vất vả trong việc dọn dẹp thời gian này
  • Đảm bảo ghế ăn dặm luôn được vệ sinh sạch sẽ để đặt thức ăn lên cho bé
  • Trong quá trình ăn dặm mẹ phải cực kì kiên trì để có thể áp dụng theo phương pháp này vì: bé dễ bị hóc nên những lúc ấy phải thật bình tĩnh. Nhiều khi bé vào giai đoạn biếng ăn sinh lý mẹ cũng ko được sốt ruột.
  • Giai đoạn 5-6 tháng mà theo phương pháp này thì ở Việt Nam chắc tỉ lệ các mẹ thành công là rất rất thấp vì chúng ta chịu áp lực tâm lý rất nhiều từ gia đình và chính các mẹ nữa.

Điều kiện để bé bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy

Điều kiện để bắt đầu tập con ăn là con đủ 6 tháng, đấy là thời gian hệ tiêu hoá của con có thể tiếp nhận thức ăn mới ngoài sữa mẹ.

Điều kiện thứ 2 là con đã ngồi vững, cứng cổ hoặc có thể ngồi kiểu ếch mà không cần hỗ trợ. Bởi vì là con tự đưa thức ăn vào miệng và cắn nhai nên nếu bé không ngồi hay ngật ngưỡng thì rất nguy hiểm.

Nguyên tắc ăn dặm tự chỉ huy

Áp dụng BLW cực kỳ đơn giản. Nguyên tắc chính là nhà ăn gì thì cho bé ăn đấy. Không cần cầu kỳ nấu riêng, không cần máy xay máy nghiền gì cả. Tuy nhiên có một vài điều quan trọng mẹ cần lưu ý:

Về thức ăn:

  • Các món ăn được chọn phù hợp với sở thích của trẻ nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng.
  • Chọn những thức ăn theo độ tuổi của trẻ để đảm bảo cơ thể bé có thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng.
  • Đồ ăn cần được cắt thành miếng vừa tay cho bé cầm, đặc biệt khi khả năng cầm nắm và nhặt đồ của bé chưa được phát triển đầy đủ. Từ rau củ tới thịt thà, mẹ nên cắt thành một miếng dài dài thon thon chừng ngón trỏ của người lớn khi bé mới bắt đầu ăn dặm. Với các món mì, nui mẹ cũng cắt sợi ngắn vừa để bé dễ ăn. 

Thức ăn của bé nên cắt thành miếng dài thon thon để bé dễ ănThức ăn của bé nên cắt thành miếng dài thon thon để bé dễ ăn

  • Khi để đồ ăn lên khay của bé, mẹ chỉ nên để ba bốn món để cho bé có sự lựa chọn nhưng không bị hoa mắt vì quá nhiều lựa chọn thức ăn.
  • Không cho muối và đường vào đồ ăn của bé. Muối có thể gây tổn thương cho thận của bé trong khi đường làm hỏng răng của bé. Sau 1 tuổi, có thể cho bé ăn tối đa là 2g muối mỗi ngày. Thông thường, mẹ nên nấu đồ ăn cho cả nhà mà không có muối, đường. Sau khi đồ ăn chín, mẹ lấy một phần ra cho bé rồi mới nêm muối đường vào. Trên lý thuyết ăn ít muối đường đi cũng rất tốt cho sức khỏe của người lớn.
  • Đồ ăn cho bé phải được nấu chín hẳn, không tái, sống, trứng lòng đào hay các loại hạt ngũ cốc, thức ăn nhanh, đồ ăn sẵn cũng chưa nên cho bé ăn trong giai đoạn mới tập ăn dặm do hệ tiêu hóa của bé lúc này còn yếu, chưa hoàn thiện hết các chứng năng sẽ gặp khó khăn trong việc hấp thu và đào thải các chất này.

Về cách ăn:

  • Tư thế: Mẹ có thể cho trẻ ngồi ăn trên đùi bố mẹ nhưng tốt nhất nên cho trẻ ngồi trên ghế tập ăn. Mẹ nên luyện cho bé quen tư thế ngồi thẳng lưng ngay từ những buổi đầu, mặt quay về phía bàn ăn.
  • Bé phải ngồi khi ăn, không nằm, không nghiêng ngả để tránh bị hóc, bị sặc. Mẹ không bế bé đi ăn rong, không cho bé xem tivi ipad, không làm trò múa hát hay mọi thứ để dụ dỗ con ăn.
  • Mẹ hãy đảm bảo chắc chắn rằng mẹ chỉ là người cung cấp thức ăn cho bé chứ không phải là người cho trẻ ăn. Hãy để trẻ làm quen và tự lập với việc ăn uống của mình.

Bé cần được ngồi thẳng lưng khi ăn, không nằm, không nghiêng ngả, không xem tivi ipad, không làm tròBé cần được ngồi thẳng lưng khi ăn, không nằm, không nghiêng ngả, không xem tivi ipad, không làm trò

  • Chọn thời điểm cho trẻ ăn phù hợp, lúc trẻ tỉnh táo, không mệt mỏi, không buồn ngủ, không quấy khóc.
  • Không hối thúc trẻ khi ăn, không nói hay có những cử chỉ khiến bé bị rối trí khi đang ăn.
  • Không cố đút, ép trẻ ăn những món mà trẻ không thích, ăn nhiều hơn so với lượng thức ăn mình mong muốn.
  • Tuyệt đối không bao giờ để bé ngồi ăn một mình không có sự quan sát của người lớn. Mặc dù khả năng bị hóc là cực nhỏ nhưng mẹ vẫn cần phải lưu ý. Trong trường hợp bị hóc, bé có thể sẽ không phát ra âm thanh gì, nên mẹ phải quan sát bé khi bé ăn.

Mẹ nên chuẩn bị dụng cụ gì khi cho con ăn dặm?

Dưới đây là danh sách các đồ mẹ cần mua để chuẩn bị cho quá trình này:

Ghế ăn

Ghế ăn có rất nhiều loại, mẹ có thể dễ dàng lựa chọn một cái ghế phù hợp với con và không gian trong nhà. Bạn nên chọn loại nhỏ gọn, dễ vệ sinh, di chuyển thuận tiện, để được trên ghế khác và có các nấc điều chỉnh độ cao khác nhau nếu đặt dưới đất.

Yếm máng

Tại sao lại là yếm máng mà ko phải yếm thẳng thông thường? Bởi vì các bé ăn dặm theo phương pháp BLW ăn rất tự do, bốc ném rơi vãi nhiều nên yếm máng rất tiện lợi để “gom” đồ ăn rơi vào yếm mà không làm bẩn hay rơi ra ghế và dính vào quần áo.

Cũng như ghế, yếm máng cũng rất đa dạng về màu sắc chất liệu. Theo kinh nghiệm, bạn nên chọn yếm máng loại bằng nhựa hay nilon mềm bởi nó sẽ không thấm vào bên trong quần áo.

Loại có khuy bấm ở cổ thì tốt hơn loại dính vì giặt nhiều, phần dính sẽ mau “nhờn” và không còn dính nữa.

Bát đĩa và các dụng cụ khác

Phần quan trọng tiếp theo không thể thiếu là bát đĩa, khay, cốc uống nước và thìa dĩa. Sau khoảng 2-3 tháng tập ăn bốc, các con sẽ được làm quen với thìa dĩa, bát đũa.

Mẹ nên chọn loại bát có đế dính được vào mặt phẳng vì giai đoạn mới tập ăn, các con chỉ thích cầm vứt đi thôi. Bát dính sẽ giải quyết tạm thời việc vứt ném vì nó dính chặt vào bàn.

Tuy nhiên sau này các con tay khỏe hơn sẽ nhấc lên được, nhưng đến lúc đó thì con không vứt bát đĩa nữa rồi.

Bát dính dùng giai đoạn đầu, khay ăn dùng khi các con đã quen với bát đĩa. Thức ăn được để vào từng ô trên khay ăn chứ không phải “trộn tất cả vào một” như kiểu ăn thông thường.

Mẹ nên chuẩn bị đầy đủ ghế ăn, yếm máng và khay ăn cho béMẹ nên chuẩn bị đầy đủ ghế ăn, yếm máng và khay ăn cho bé

Thìa dĩa cũng khá phong phú nhưng không phải loại nào cũng phù hợp. Các mẹ cần chọn loại thìa có độ nông vừa phải, có cán cầm hơi dầy, không quá bé bởi sẽ không xúc được đồ ăn.

Các mẹ cũng không nên tốn tiền mua thìa vẹo vì các con sẽ hoàn toàn tự biết cách cầm thìa đúng và đưa được vào miệng. Dùng thìa vẹo sẽ mất thêm thời gian để học lại cách dùng thìa thẳng.

Cốc uống nước chỉ cần một cốc nhỏ bằng nhựa kích thước to như bình sữa 300ml và cao khoảng mức vạch 150ml đến 200ml, có thể có hoặc không có quai.

Giúp con ăn dặm tự chỉ huy hiệu quả hơn

Làm thế nào để khuyến khích con trong những bước khởi đầu ăn dặm tự chỉ huy? Mẹ thử tham khảo những gợi ý dưới đây nhé:

  • Hãy bắt đầu với những loại thực phẩm có kích cỡ vừa tay bé. Sau đó, giảm kích thước một chút để kích thích bé luyện tập tốt kỹ năng cầm, nắm.
  • Mẹ có thể cùng bé bắt đầu với những món ăn cho người lớn trong gia đình như rau luộc, cơm hay cà chua.
  • Mẹ cần nhớ, tất cả trải nghiệm của bé lúc này chỉ là học hỏi, không quá chú ý vào chuyện bé có làm vấy bẩn mọi thứ, hoặc ném thức ăn lung tung hay không.
  • Hãy chọn một chiếc ghế ăn dễ rửa vì bố mẹ sẽ phải dọn dẹp thường xuyên mỗi ngày.
  • Mẹ đừng quên loại yếm ăn dễ giặt và miếng khăn trải với tính năng tương tự để lót đùi bé.
  • Đừng vội vã đặt ra mục tiêu 3 bữa ăn mỗi ngày, chỉ cần tập trung cho việc giúp con tận hưởng niềm vui ăn uống.
  • Không đút cho bé mà để bé tự đưa thức ăn vào miệng. Cách này giúp bé biết tự kiểm soát thức ăn trong miệng mình. Nếu bé có chút lơ đễnh, mẹ có thể bật ra một lời khen ngợi hay động viên để giúp con lấy lại sự tập trung.
  • Đừng bao giờ để bé ăn một mình. Dù nguy cơ hóc hay nghẹn rất nhỏ, bố mẹ vẫn nên có mặt để đưa ra sự trợ giúp bất cứ khi nào bé cần.

Liệu ăn dặm tự chỉ huy có gây rủi ro cho bé không?

Ngay cả những mẹ “trung thành” nhất với phương pháp BLW cũng phải công nhận rằng quá trình cho bé ăn rất lộn xộn và lãng phí nhiều đồ ăn. Hầu hết thức ăn sẽ rơi xuống sàn và bé sẽ chỉ hấp thụ được một lượng ít chất dinh dưỡng mà thôi.

Các bé vẫn chưa thể nhai thành thạo các món cầm tay như thịt nấu chín - một món ăn giàu sắt. Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé bắt đầu cần hấp thụ nhiều sắt hơn từ thức ăn vì sữa mẹ và sữa công thức không thể cung cấp đủ.

Các Món ăn dặm tự chỉ huy rơi vãi khiến con không nhận đủ chất dinh dưỡngCác Món ăn dặm tự chỉ huy rơi vãi khiến con không nhận đủ chất dinh dưỡngMẹ nên cho bé ăn món nghiền kỹ hoặc xay nhuyễn song song với thức ăn cầm tay ở giai đoạn đầu ăn dặm. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị mẹ cho bé tiếp xúc và làm quen với nhiều kết cấu khác nhau của đồ ăn.

Lo lắng con bị hóc nghẹn hoặc ọe khi ăn dặm là điều không thể tránh khỏi đối với nhiều ba mẹ. Những người ủng hộ phương pháp BLW cho rằng tình trạng này sẽ không xảy ra nếu bé có thể ngồi thẳng. 

Khi bé có thể điều khiển lượng thức ăn trong miệng và đưa vào cuống họng thì nguy cơ hóc nghẹn hay ọe là rất thấp. Tuy nhiên, mẹ cần ngồi cạnh và giám sát trong giờ ăn của con. Ngoài ra, tuyệt đối không cho bé ăn món cứng như táo tươi cho đến khi bé lớn hơn.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!