Trong một số trường hợp, giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện (spider veins) – một biến thể nhẹ thường gặp của giãn tĩnh mạch – chỉ đơn thuần là mối lo ngại về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, giãn tĩnh mạch có thể gây ra những cơn đau nhức, khó chịu. Đôi khi, giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Điều trị giãn tĩnh mạch bao gồm các biện pháp tự chăm sóc và các thủ thuật can thiệp của bác sĩ để đóng hoặc cắt bỏ các tĩnh mạch bị giãn.
Triệu chứng của giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch có thể không gây đau. Các dấu hiệu của giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Tĩnh mạch có màu tím sẫm hoặc xanh
- Các tĩnh mạch bị xoắn và phồng lên, nhìn giống sợi dây
Khi các dấu hiệu và triệu chứng đau xảy ra, chúng có thể biểu hiện:
- Cảm giác nhức mỏi hoặc nặng nề ở chân
- Sưng nóng, đau nhói và co cứng cơ ở cẳng chân
- Đau tăng lên khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài
- Ngứa xung quanh tĩnh mạch bị giãn
- Đổi màu da xung quanh tĩnh mạch bị giãn
Tĩnh mạch mạng nhện cũng có biểu hiện tương tự như tĩnh mạch bị giãn nhưng nhỏ hơn. Tĩnh mạch mạng nhện được tìm thấy ở nông hơn và thường có màu đỏ hoặc xanh lam.
Tĩnh mạch mạng nhện có thể xuất hiện ở chân nhưng cũng có thể xuất hiện trên mặt. Chúng có kích thước khác nhau và thường trông giống như mạng nhện.
Khi nào cần đi khám
Các biện pháp tự chăm sóc như tập thể dục, kê cao chân hoặc mang tất áp lực (vớ y khoa) có thể giúp giảm bớt cơn đau do giãn tĩnh mạch gây ra và có thể ngăn tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu bạn lo lắng về tính thẩm mỹ và cảm thấy khó chịu, đồng thời các biện pháp tự chăm sóc không giúp cải thiện tình trạng này, hãy đến gặp bác sĩ.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch
Van tĩnh mạch bị suy yếu hoặc bị tổn thương có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch. Động mạch đưa máu từ tim đến khắp các cơ quan và tĩnh mạch đưa máu từ cơ quan trở về tim, vì vậy máu được tuần hoàn liên tục trong cơ thể. Các tĩnh mạch ở chân phải hoạt động chống lại trọng lực để có thể đưa máu trở về tim.
Cơ trơn thành mạch co bóp như một chiếc máy bơm, tạo tính đàn hồi cho thành tĩnh mạch, giúp máu trở về tim. Các van nhỏ của tĩnh mạch chỉ mở ra khi máu chảy về tim, sau đó đóng lại để ngăn máu chảy ngược. Nếu các van này bị suy yếu hoặc bị tổn thương, máu có thể chảy ngược lại và ứ trệ tại tĩnh mạch, khiến các tĩnh mạch bị căng giãn hoặc bị xoắn.
Yếu tố nguy cơ của giãn tĩnh mạch
Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch:
- Tuổi tác. Nguy cơ bị giãn tĩnh mạch tăng lên theo tuổi. Theo thời gian, các van tĩnh mạch bị suy yếu, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu của cơ thể. Cuối cùng, tổn thương van tĩnh mạch khiến máu chảy ngược lại, làm máu ứ trệ tại vị trí bị tổn thương thay vì chảy về tim.
- Giới tính. Nữ giới có nhiều nguy cơ bị giãn tĩnh mạch hơn. Sự thay đổi nội tiết (hormone) trước kỳ kinh, khi mang thai hoặc trong thời kỳ mãn kinh là một yếu tố nguy cơ vì hormone nữ có thể làm giãn tĩnh mạch. Các phương pháp điều trị bằng hormone như thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch.
- Phụ nữ có thai. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng lên. Sự thay đổi này hỗ trợ thai nhi phát triển nhưng cũng có thể tạo ra một tác dụng phụ không mong muốn, đó là các tĩnh mạch ở chân sẽ bị giãn rộng. Sự thay đổi hormone khi mang thai cũng có một ảnh hưởng nhất định.
- Tiền sử gia đình. Nguy cơ bị giãn tĩnh mạch sẽ tăng nếu các thành viên khác trong gia đình cũng mắc bệnh.
- Béo phì. Thừa cân và béo phì làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch.
- Duy trì tư thế đứng hoặc ngồi lâu. Máu sẽ không được lưu thông tốt nếu duy trì một tư thế trong thời gian dài.
Các biến chứng của giãn tĩnh mạch
Các biến chứng hiếm gặp của giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Loét. Các vết loét gây đau có thể hình thành trên da gần vùng giãn tĩnh mạch, đặc biệt là gần mắt cá chân. Vùng da bị tổn thương thường sẽ đổi màu trước khi hình thành vết loét. Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu nghi ngờ mình bị loét.
- Hình thành cục máu đông. Đôi khi, các tĩnh mạch sâu ở chân sẽ bị giãn rộng khiến chân bị đau và sưng lên. Nếu bị đau hoặc sưng chân dai dẳng thì bạn cần được điều trị vì tình trạng này có thể do cục máu đông, hay còn gọi là viêm tĩnh mạch huyết khối.
- Chảy máu. Đôi khi, các tĩnh mạch rất nông của da có thể bị vỡ. Tuy nó thường chỉ gây ra chảy máu nhẹ nhưng cũng cần được điều trị.
Phòng ngừa giãn tĩnh mạch
Không có biện pháp ngăn ngừa triệt để tình trạng giãn tĩnh mạch nhưng việc cải thiện chức năng tim mạch và trương lực cơ trơn thành mạch có thể làm giảm nguy cơ bị giãn tĩnh mạch hoặc các bệnh khác. Một số biện pháp chăm sóc vừa có thể giảm triệu chứng, vừa có thể ngăn ngừa giãn tĩnh mạch như:
- Tập thể dục
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Ăn nhiều chất xơ (có trong rau củ), hạn chế muối
- Tránh đi giày cao gót và tất bó
- Kê cao chân
- Thay đổi tư thế khi ngồi hoặc đứng thường xuyên
Chẩn đoán giãn tĩnh mạch
Để chẩn đoán giãn tĩnh mạch, bác sĩ sẽ thăm khám tổng thể, trong đó có việc quan sát chân trong tư thế đứng để kiểm tra tình trạng sưng. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tình trạng đau nhức ở chân.
Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm siêu âm để kiểm tra chức năng của các van tĩnh mạch và tình trạng tắc nghẽn do cục máu đông. Trong thủ thuật không xâm lấn này, bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò siêu âm đặt lên vùng cơ thể cần được kiểm tra. Đầu dò sẽ truyền hình ảnh của các tĩnh mạch ở chân đến màn hình để bác sĩ có thể đánh giá.
Điều trị giãn tĩnh mạch
May mắn thay, giãn tĩnh mạch thường không phải điều trị nội trú, quá trình phục hồi cũng không quá lâu và gây khó chịu. Nhờ các thủ thuật ít xâm lấn, giãn tĩnh mạch nói chung có thể được điều trị ngoại trú.
Hãy hỏi bác sĩ xem bảo hiểm có chi trả cho chi phí điều trị hay không. Nếu mục đích chỉ để cải thiện tính thẩm mỹ, có thể bạn sẽ phải tự trả tiền cho quá trình điều trị giãn tĩnh mạch.
Các biện pháp tự chăm sóc
Các biện pháp tự chăm sóc như tập thể dục, giảm cân, không mặc quần áo bó, kê cao chân và tránh đứng hoặc ngồi lâu có thể làm dịu cơn đau và ngăn ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên tồi tệ hơn.
Tất áp lực
Mang tất áp lực cả ngày thường là biện pháp được thực hiện đầu tiên trước khi chuyển sang các biện pháp khác. Tất áp lực sẽ bóp chặt chân một cách đều đặn, giúp các tĩnh mạch và cơ chân co bóp vận chuyển máu hiệu quả hơn. Khả năng ép sẽ khác nhau tùy theo từng loại và từng nhà sản xuất.
Bạn có thể mua tất áp lực ở hầu hết các hiệu thuốc và cửa hàng cung cấp thiết bị y tế. Tất áp lực cũng có thể được bác sĩ chỉ định và được bảo hiểm chi trả nếu bệnh giãn tĩnh mạch gây ra các triệu chứng.
Các phương pháp điều trị hỗ trợ bệnh giãn tĩnh mạch mức độ nặng
Nếu tình trạng bệnh không đáp ứng với việc tự chăm sóc, mang tất áp lực hoặc nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định một trong những biện pháp điều trị giãn tĩnh mạch sau:
- Tiêm xơ tĩnh mạch. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ tiêm chất gây xơ (ở dạng dịch hay dạng bọt) vào tĩnh mạch vừa và nhỏ để làm sẹo hóa và đóng các tĩnh mạch đó lại. Trong một vài tuần, tình trạng giãn tĩnh mạch sẽ được cải thiện dần.
Tuy một tĩnh mạch có thể phải tiêm nhiều lần nhưng gây xơ tĩnh mạch sẽ có hiệu quả nếu được thực hiện đúng cách. Tiêm xơ tĩnh mạch không cần gây mê và có thể được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ.
- Can thiệp nội tĩnh mạch bằng tia laser. Đây là công nghệ mới sử dụng tia laser để đóng các tĩnh mạch nhỏ và tĩnh mạch mạng nhện. Nguyên lý của phương pháp điều trị nội tĩnh mạch bằng tia laser là phóng thích các chùm ánh sáng mạnh vào tĩnh mạch, phá hủy tĩnh mạch từ từ và đóng tĩnh mạch lại. Biện pháp này không cần phẫu thuật hoặc sử dụng kim.
- Can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần. Trong biện pháp này, bác sĩ sẽ luồn một ống thông (catheter) vào tĩnh mạch bị giãn rộng và phóng thích năng lượng dưới dạng nhiệt từ sóng cao tần vào trong lòng tĩnh mạch. Khi catheter được rút ra, nhiệt sẽ phá hủy tĩnh mạch bằng cách làm cho nó xẹp xuống và gây tắc lòng tĩnh mạch. Biện pháp điều trị này được chỉ định cho những trường hợp giãn tĩnh mạch lớn.
- Thắt và rút bỏ tĩnh mạch (Phẫu thuật Stripping). Thủ thuật này bao gồm việc thắt tĩnh mạch ở trước vị trí đổ vào tĩnh mạch sâu và rút bỏ tĩnh mạch bị giãn qua đường rạch. Đây là một phẫu thuật ngoại trú có thể áp dụng cho hầu hết đối tượng. Rút bỏ tĩnh mạch sẽ không ảnh hưởng đến việc máu lưu thông ở chân vì các tĩnh mạch sâu sẽ tăng vận chuyển máu đến chân.
- Phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch ngoại trú. Bác sĩ sẽ cắt bỏ các tĩnh mạch nhỏ thông qua các vết rạch nhỏ trên da. Chỉ những vị trí bị rạch mới được gây tê trong phẫu thuật ngoại trú này. Các vết sẹo nói chung là hạn chế.
- Phẫu thuật nội soi tĩnh mạch. Phẫu thuật này chỉ được thực hiện trong trường hợp có biến chứng loét chân và các biện pháp khác không thành công. Bác sĩ sẽ sử dụng máy quay nhỏ đưa vào lòng mạch để quan sát và đóng các tĩnh mạch, sau đó cắt bỏ các tĩnh mạch thông qua các vết rạch nhỏ. Đây là một phẫu thuật ngoại trú, có thể xuất viện trong ngày.
Giãn tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai thường được cải thiện mà không cần điều trị trong vòng 3 – 12 tháng sau khi sinh.
Chế độ sinh hoạt và các biện pháp chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp tự chăm sóc tại nhà có thể làm giảm bớt triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch. Các biện pháp này cũng giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh giãn tĩnh mạch. Chúng bao gồm:
- Tập thể dục và vận động thường xuyên. Đi bộ là một biện pháp tuyệt vời để thúc đẩy quá trình lưu thông máu ở chân. Bác sĩ sẽ tư vấn cường độ vận động thích hợp cho bạn.
- Theo dõi cân nặng và chế độ ăn uống. Giảm cân và chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm áp lực không cần thiết lên tĩnh mạch. Hãy áp dụng chế độ ăn hạn chế muối để ngăn ngừa tình trạng phù do tích nước.
- Lựa chọn trang phục thích hợp. Tránh đi giày cao gót. Giày đế thấp làm cơ ở chân hoạt động nhiều hơn, giúp máu ở chân được lưu thông tốt. Không mặc quần áo bó sát quanh eo, chân hoặc bẹn vì những loại quần áo này có thể làm giảm lưu thông máu.
- Kê cao chân. Để cải thiện tuần hoàn ở chân, hãy dành vài phút mỗi ngày để nâng chân cao hơn tim. Bạn có thể kê 3 – 4 chiếc gối dưới chân khi nằm.
- Tránh ngồi hoặc đứng lâu. Thường xuyên thay đổi tư thế để thúc đẩy quá trình lưu thông máu.
Bổ sung thực phẩm chức năng
Mặc dù chưa được nghiên cứu chuyên sâu nhưng một số thực phẩm chức năng được cho là phương pháp hỗ trợ điều trị hữu ích cho người bị suy tĩnh mạch mạn tính, một tình trạng liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch, trong đó các tĩnh mạch ở chân khó có thể đưa máu trở về tim. Các thực phẩm chức năng đó bao gồm:
- Hạt dẻ ngựa
- Cây đậu chổi
- Nho (gồm lá nho, nhựa nho, hạt nho và quả nho)
- Cỏ ba lá ngọt (còn gọi là nhãn hương)
Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thử bất kỳ loại thảo dược hoặc thực phẩm chức năng nào để đảm bảo rằng những sản phẩm này an toàn và không ảnh hưởng đến các thuốc mà bạn đang sử dụng.
Chuẩn bị trước khi đi khám
Bạn sẽ không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt trước khi đi khám. Bác sĩ sẽ khám tổng thể, đặc biệt là chân của bạn để chẩn đoán bệnh giãn tĩnh mạch và tìm biện pháp điều trị tốt nhất.
Bạn có thể đi khám chuyên khoa nội tim mạch, chuyên khoa ngoại mạch máu hoặc chuyên khoa da liễu. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể chuẩn bị cho cuộc hẹn và bắt đầu thực hiện biện pháp tự chăm sóc.
Bạn có thể làm gì?
Hãy lập danh sách có những nội dung sau:
- Các triệu chứng và thời gian bắt đầu xuất hiện, kể cả triệu chứng không liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch
- Thông tin cá nhân bao gồm tiền sử gia đình có người bị giãn tĩnh mạch hoặc tĩnh mạch mạng nhện
- Tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc thực phẩm chức năng bạn đang dùng và liều lượng mỗi ngày
- Các thắc mắc cần bác sĩ giải đáp
Một số câu hỏi có thể hỏi bác sĩ như:
- Nguyên nhân nào có thể gây ra các triệu chứng của tôi?
- Còn nguyên nhân nào khác có thể gây ra bệnh giãn tĩnh mạch của tôi hay không?
- Tôi sẽ cần phải làm những xét nghiệm nào?
- Biện pháp điều trị cho bệnh của tôi là gì?
- Làm thế nào để có thể kiểm soát bệnh giãn tĩnh mạch và các bệnh lý khác một cách tốt nhất?
- Có hoạt động nào mà tôi cần hạn chế không?
- Tôi có thể đọc tài liệu về bệnh giãn tĩnh mạch ở đâu?
Các câu hỏi của bác sĩ
Bác sĩ có thể sẽ hỏi một số câu hỏi như:
- Các triệu chứng xuất hiện từ khi nào?
- Bạn có bị đau không? Nếu có thì đau ở mức độ nào?
- Có biện pháp nào giúp cải thiện các triệu chứng của bạn không?
- Có điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn không?
Bạn có thể làm gì trước khi khám?
Ngay cả trước khi đi khám, bạn có thể bắt đầu các biện pháp tự chăm sóc. Cố gắng không đứng hoặc ngồi một tư thế trong thời gian dài, kê cao chân khi ngồi, tránh đi giày dép không thoải mái và tất bó.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về bệnh suy tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc
- Giãn tĩnh mạch: 10 biện pháp chăm sóc tại nhà hiệu quả nhất
- Phẫu thuật Stripping điều trị giãn tĩnh mạch: Chỉ định, rủi ro, quy trình phẫu thuật và phục hồi
- Các phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh giãn tĩnh mạch