Giãn tĩnh mạch thường được điều trị bằng phẫu thuật Stripping, trong đó bác sĩ sẽ thắt và rút các tĩnh mạch bị giãn ra ngoài qua một đường rạch nhỏ. Tuy nhiên, nhiều thủ thuật xâm lấn tối thiểu hoặc không xâm lấn được phát triển gần đây có thể giúp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch. Điều trị không xâm lấn là phương pháp điều trị không cần phẫu thuật, tức là không phải rạch da hoặc tác động cơ học lên cơ thể. Các can thiệp xâm lấn tối thiểu được thực hiện qua các vết chọc nhỏ trên da.
Phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh giãn tĩnh mạch
Dưới đây là một số phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu hoặc không xâm lấn có tác dụng điều trị bệnh giãn tĩnh mạch, bao gồm:
Tiêm xơ tĩnh mạch
Mục tiêu của tiêm xơ tĩnh mạch là phá hủy các tĩnh mạch bằng cách tiêm vào tĩnh mạch chất gây xơ dạng dịch. Chất gây xơ sẽ làm sẹo hóa và đóng tĩnh mạch, khiến dòng máu di chuyển sang các tĩnh mạch bình thường. Các tĩnh mạch bị tiêm xơ sẽ dần dần thoái hóa và biến mất theo thời gian. Chất gây xơ dạng dịch thường dùng là natri tetradecyl sulfat. Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị giãn các tĩnh mạch nhỏ nằm ngay dưới bề mặt da (còn được gọi là tĩnh mạch mạng nhện) và giúp cải thiện vẻ ngoài của chân.
Tiêm xơ tĩnh mạch bằng chất gây xơ dạng bọt được sử dụng cho các tĩnh mạch lớn vì dạng bọt có thể lấp kín bề mặt thành mạch hơn dạng dịch.
Can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần
Trong thủ thuật này, sóng cao tần (sóng radio) sẽ được truyền qua thành tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ gây tê tĩnh mạch, sử dụng máy siêu âm để đánh giá rồi đưa một ống thông (catheter) vào tĩnh mạch và phóng thích năng lượng sóng cao tần dọc theo thành mạch. Thông thường, catheter sẽ đi từ đầu gối đến bẹn.
Thành tĩnh mạch sẽ bị phá hủy bằng năng lượng sóng cao tần, cuối cùng sẽ thoái hóa và biến mất. Có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để thấy rõ kết quả của thủ thuật này.
Can thiệp nội tĩnh mạch bằng tia laser
Can thiệp nội tĩnh mạch bằng tia laser cũng giống với can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần nhưng nó sử dụng năng lượng của tia laser. Catheter sẽ được di chuyển đến vị trí cần thiết và sử dụng năng lượng từ tia laser để đóng tĩnh mạch. Các tĩnh mạch cuối cùng sẽ co lại và thoái hóa theo thời gian. Can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần hoặc tia laser thường được sử dụng để điều trị giãn tĩnh mạch sâu ở chân.
Chỉ định của phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh giãn tĩnh mạch
Không phải trường hợp nào bị giãn tĩnh mạch cũng cần phải điều trị. Có một số biện pháp đơn giản hơn để cải thiện bệnh giãn tĩnh mạch như:
- Tập thể dục
- Giảm cân
- Kê cao chân khi ngồi
- Đeo tất áp lực
Bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị không xâm lấn trong trường hợp:
- Các biện pháp tự chăm sóc không hiệu quả
- Lo lắng về bệnh giãn tĩnh mạch
- Đau hoặc chuột rút
- Xuất hiện cục máu đông
- Viêm tĩnh mạch
- Loét
- Bệnh xơ cứng da – mỡ (Mô mỡ dưới da bị xơ cứng do tăng áp lực tĩnh mạch)
Phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh suy giãn tĩnh mạch được thực hiện như thế nào?
Các phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh giãn tĩnh mạch thường được thực hiện tại các phòng khám và sử dụng biện pháp gây tê cục bộ.
Trước khi làm thủ thuật
Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai, có dị ứng với tác nhân nào đó và các loại thuốc, thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Bạn sẽ phải tạm ngừng thuốc aspirin, thuốc chống đông máu và các loại thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu vài ngày trước khi làm thủ thuật.
Trong khi làm thủ thuật
Bạn sẽ tỉnh táo trong toàn bộ quá trình. Bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm để đánh giá tĩnh mạch, sau đó thực hiện vô khuẩn và gây tê cục bộ. Bạn có thể cảm thấy căng tức nhẹ khi catheter được đưa vào hoặc cảm giác châm chích nhẹ khi chất gây xơ được tiêm vào tĩnh mạch. Nếu sử dụng tia laser, bạn sẽ phải đeo kính bảo vệ mắt trong quá trình làm thủ thuật. Dù sử dụng sóng cao tần hay tia laser thì các thủ thuật này đều không gây đau đớn.
Sau khi làm thủ thuật
Chân của bạn có thể được quấn băng để dự phòng tình trạng sưng và chảy máu. Bạn có thể phải quấn băng trong vài ngày. Nên đi cùng người thân để họ có thể đưa bạn về nhà sau khi làm thủ thuật. Tránh tập thể dục gắng sức trong 1 – 2 tuần sau đó. Bạn có thể sử dụng thuốc paracetamol (Panadol) để giảm đau nhưng cần tránh các loại thuốc giảm đau có khả năng chống đông máu như aspirin hoặc ibuprofen.
Ngoài ra, bạn nên tránh tắm nước nóng sau khi làm thủ thuật. Nên tắm bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ.
Các rủi ro của phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh giãn tĩnh mạch
Các phương pháp điều trị không xâm lấn thường rất an toàn. Tuy nhiên, nó cũng có một số rủi ro nhất định như các thủ thuật y tế khác như:
- Phản ứng dị ứng với thuốc gây tê
- Chảy máu
- Bầm tím
- Để lại sẹo
- Nhiễm trùng
Rủi ro của phương pháp tiêm xơ tĩnh mạch
Những rủi ro của tiêm xơ tĩnh mạch có thể là:
- Hình thành cục máu đông
- Bầm tím
- Thuyên tắc khí
- Vết loét nhỏ trên da
- Viêm hoặc phù nhẹ
- Chất gây xơ rò rỉ vào các mô xung quanh
Rủi ro của phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần hoặc tia laser
Các rủi ro của phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần hoặc tia laser có thể là:
- Tổn thương mạch
- Hình thành cục máu đông
- Bầm tím
- Máu tụ
- Nhiễm trùng
- Bỏng rát da
- Ngứa ngáy hoặc châm chích da
- Tổn thương dây thần kinh
Quá trình hồi phục
Thông thường, bạn có thể vận động nhẹ nhàng trở lại trong vòng 1 – 2 ngày sau khi làm thủ thuật. Bạn sẽ phải đeo tất áp lực vào ban ngày trong 1 tuần sau đó.
Nhìn chung, các phương pháp điều trị không xâm lấn rất hiệu quả và có nguy cơ xảy ra biến chứng thấp. Các thủ thuật này thường sẽ giúp cải thiện vẻ ngoài của chân. Hầu hết các trường hợp không để lại sẹo hoặc vết thâm nhưng bệnh giãn tĩnh mạch có ít nguy cơ tái phát. Đeo tất áp lực có thể làm giảm nguy cơ bệnh xuất hiện trở lại.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về bệnh giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và biện pháp điều trị
- Những điều cần biết về bệnh suy tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc
- Lợi ích của tất áp lực với bệnh nhân giãn tĩnh mạch và cách sử dụng
- Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch: Tư thế, lối sống, tất áp lực...