Bài viết dưới đây sẽ cung cấp 10 biện pháp chăm sóc tại nhà cho người bị giãn tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch là gì?
Giãn tĩnh mạch có thể xuất hiện khi các van tĩnh mạch bị suy yếu. Các van này có tác dụng ngăn máu chảy ngược trở lại tĩnh mạch. Khi van tĩnh mạch bị tổn thương, máu có thể ứ đọng trong tĩnh mạch, khiến các tĩnh mạch bị xoắn và giãn rộng.
Giãn tĩnh mạch dễ nhận thấy vì chúng có màu xanh sẫm hoặc tím và thường nổi rõ dưới da.
Các triệu chứng khác của giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Cảm giác bỏng rát hoặc đau nhói ở chân
- Cảm giác khó chịu, nặng nề hoặc đau nhức chân
- Chuột rút vào ban đêm
- Phù bàn chân và mắt cá chân
- Da khô, ngứa ngáy
10 biện pháp chăm sóc tại nhà cho người bị giãn tĩnh mạch
Nếu bị giãn tĩnh mạch, bạn có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà sau đây để giúp kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện các triệu chứng:
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên thúc đẩy quá trình lưu thông máu ở chân. Tập thể dục cũng giúp giảm huyết áp, đây là một yếu tố góp phần gây ra bệnh giãn tĩnh mạch.
Các bài tập cường độ thấp giúp cơ chân hoạt động mà không bị căng giãn quá mức. Các bài tập cường độ thấp đem lại hiệu quả như:
- Bơi lội
- Đi bộ
- Đạp xe
- Yoga
Tất áp lực
Tất áp lực có ở hầu hết các hiệu thuốc, nó có thể tạo áp lực lên chân, hỗ trợ các cơ và tĩnh mạch vận chuyển máu về tim.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người sử dụng tất áp lực cao đến đầu gối với áp lực từ 18 – 21 mmHg trong 1 tuần đã được ghi nhận là có giảm đau nhức do giãn tĩnh mạch.
Thực phẩm chức năng chiết xuất từ thực vật
Một nghiên cứu đánh giá năm 2006 cho thấy chiết xuất hạt dẻ ngựa (tên khoa học: Aesculus hippocastanum) có thể giúp giảm đau chân, giảm cảm giác nặng nề và ngứa ngáy ở những người bị suy tĩnh mạch mạn tính, nguyên nhân chính gây ra bệnh giãn tĩnh mạch.
Một nghiên cứu đánh giá năm 2010 đã báo cáo rằng chiết xuất cây thông biển (tên khoa học: Pinus maritima) và chiết xuất cây đậu chổi (tên khoa học: Ruscus aculeatus) đều có thể làm giảm sưng chân, phù chân do bệnh giãn tĩnh mạch.
Các thực phẩm chức năng và tinh dầu chiết xuất từ thực vật nên được pha loãng trong dầu nền (carrier oils) trước khi bôi tại chỗ hoặc cho vào máy khuếch tán tinh dầu.
Thay đổi chế độ ăn uống
Thực phẩm chứa nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ nước, vì vậy cắt giảm thức ăn mặn có thể giảm tình trạng giữ nước. Ngoài ra, thực phẩm giàu kali cũng có thể giúp hạn chế giữ nước.
Các loại thực phẩm giàu kali bao gồm:
- Hạnh nhân và hạt dẻ cười
- Đậu lăng và đậu trắng
- Khoai tây
- Rau xanh
- Một số loại cá như cá hồi và cá ngừ
Thực phẩm giàu chất xơ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón. Điều này rất quan trọng vì các quai ruột giãn căng có thể làm tổn thương các van tĩnh mạch hoặc khiến chúng suy yếu hơn.
Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm:
- Các loại hạt và các loại đậu
- Yến mạch, lúa mì và hạt lanh
- Ngũ cốc nguyên cám
Những người thừa cân có nhiều nguy cơ bị giãn tĩnh mạch. Vì vậy, giảm cân có thể làm giảm áp lực lên các tĩnh mạch, giúp giảm sưng tấy và khó chịu ở chân.
Bổ sung thực phẩm giàu flavonoid
Flavonoid (còn gọi là vitamin P) là một nhóm các chất có nguồn gốc thực vật, chứa các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa mạnh. Bổ sung thực phẩm giàu flavonoid giúp cải thiện bệnh giãn tĩnh mạch.
Flavonoid làm cải thiện khả năng lưu thông máu, giúp máu được vận chuyển và ít bị ứ đọng trong tĩnh mạch. Chúng cũng làm giảm huyết áp động mạch và giãn mạch máu, tất cả đều giúp cải thiện bệnh giãn tĩnh mạch.
Các loại thực phẩm giàu flavonoid như:
- Các loại rau củ như hành tây, ớt chuông, rau bina và bông cải xanh
- Trái cây họ cam quýt, nho, anh đào, táo và việt quất
- Ca cao
- Tỏi
Sử dụng thảo dược
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (the National Institute of Health – NIH), sử dụng chiết xuất từ hạt nho (tên khoa học: Vitis vinifera) có thể giúp giảm sưng cẳng chân và các triệu chứng khác do suy tĩnh mạch mạn tính gây ra, mặc dù hiện nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng về hiệu quả của nó.
Người đang sử dụng thuốc chống đông máu nên tránh dùng thực phẩm chức năng chiết xuất từ hạt nho vì nó có thể tương tác với thuốc và làm tăng nguy cơ chảy máu.
Mặc quần áo rộng rãi
Mặc quần áo bó có thể hạn chế lưu thông máu. Mặc quần áo rộng rãi giúp cải thiện khả năng vận chuyển máu đến phần dưới của cơ thể.
Mang giày bệt thay cho giày cao gót cũng có thể hỗ trợ điều trị bệnh giãn tĩnh mạch ở chân.
Kê cao chân
Kê cao chân bằng hoặc cao hơn tim sẽ giúp cải thiện tuần hoàn. Điều này làm giảm áp lực trong tĩnh mạch chân và giúp máu trở về tim dễ dàng hơn.
Bạn nên cố gắng kê cao chân nếu ngồi trong thời gian dài như khi làm việc hoặc nghỉ ngơi.
Xoa bóp
Nhẹ nhàng xoa bóp các khu vực bị tổn thương có thể giúp máu di chuyển qua các tĩnh mạch. Bạn có thể sử dụng các loại dầu xoa bóp nhẹ nhàng hoặc kem dưỡng ẩm để tăng hiệu quả tối ưu.
Tuy nhiên, cần lưu ý là tránh ấn trực tiếp vào tĩnh mạch vì điều này có thể làm tổn thương các tĩnh mạch yếu.
Thay đổi tư thế thường xuyên
Tránh ngồi trong thời gian dài. Nếu phải ngồi làm việc trong thời gian dài, bạn nên đứng dậy để đi lại hoặc thay đổi tư thế thường xuyên, giúp cho máu lưu thông tốt hơn.
Tránh ngồi vắt chéo chân vì điều này làm hạn chế máu đến chân, có thể gây ra các vấn đề về khả năng tuần hoàn máu.
Điều trị bệnh giãn tĩnh mạch
Nếu các biện pháp chăm sóc tại nhà không hiệu quả hoặc khiến tình trạng bệnh tăng lên, các biện pháp điều trị chuyên sâu sẽ giúp giải quyết bệnh giãn tĩnh mạch. Bác sĩ có thể chỉ định một trong các biện pháp sau:
- Can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần. Đây là một thủ thuật sử dụng năng lượng nhiệt từ sóng cao tần để đóng các tĩnh mạch bị tổn thương.
- Phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch ngoại trú. Bác sĩ sẽ cắt bỏ các tĩnh mạch thông qua các vết rạch nhỏ trên da. Phẫu thuật này thường ít bị sẹo.
- Tiêm xơ tĩnh mạch. Thủ thuật này sử dụng chất gây xơ dạng bọt để làm sẹo hóa và đóng các tĩnh mạch.
- Thắt và rút bỏ tĩnh mạch (Phẫu thuật Stripping). Trong phẫu thuật này, các tĩnh mạch bị giãn sẽ được rút bỏ qua đường rạch trên da.
- Can thiệp nội tĩnh mạch bằng tia laser. Các chùm ánh sáng mạnh sẽ được chiếu thẳng vào tĩnh mạch, phá hủy tĩnh mạch từ từ và đóng tĩnh mạch lại.
- Phẫu thuật nội soi tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ sử dụng máy quay nhỏ đưa vào lòng mạch để quan sát và đóng các tĩnh mạch, sau đó cắt bỏ các tĩnh mạch thông qua các vết rạch nhỏ.
Kết luận
Giãn tĩnh mạch có thể gây khó chịu và khiến bệnh nhân cảm thấy mất tự tin. Các biện pháp chăm sóc tại nhà cho người bị giãn tĩnh mạch, trong đó có việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, có thể làm giảm các triệu chứng.
Những người bị suy giãn tĩnh mạch nặng nên được điều trị chuyên sâu để giúp giảm bớt và cải thiện các triệu chứng.
Hãy nhờ bác sĩ tư vấn để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về bệnh giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và biện pháp điều trị
- Phẫu thuật Stripping điều trị giãn tĩnh mạch: Chỉ định, rủi ro, quy trình phẫu thuật và phục hồi
- Các phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh giãn tĩnh mạch
- Lợi ích của tất áp lực với bệnh nhân giãn tĩnh mạch và cách sử dụng
- Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch: Tư thế, lối sống, tất áp lực...