Đây là nguyên nhân phổ biến gây giảm sản xuất và giảm chất lượng tinh trùng, có thể dẫn đến vô sinh. Bên cạnh đó, giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng có thể khiến tinh hoàn phát triển bất thường hoặc bị teo nhỏ.
Bệnh lý này thường phát triển theo thời gian. May mắn thay, đa số các trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh đều dễ chẩn đoán và nhiều trường hợp không cần phải điều trị. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có triệu chứng thường được điều trị bằng biện pháp phẫu thuật.
Triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có triệu chứng. Đôi khi, nó có thể gây đau với một số đặc điểm như:
- Đau âm ỉ đến đau chói
- Đau tăng khi đứng hoặc gắng sức, đặc biệt là trong thời gian dài
- Đau tăng lên trong ngày
- Dễ chịu hơn khi nằm ngửa
- Giảm khả năng sinh sản
Theo thời gian, các tĩnh mạch sẽ bị giãn rộng và có thể nhìn thấy được. Giãn tĩnh mạch thừng tinh nhìn như một “búi giun”. Tình trạng này có thể khiến tinh hoàn bị sưng, đa số xảy ra ở bên trái.
Khi nào cần đi khám giãn tĩnh mạch thừng tinh
Vì giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không gây ra triệu chứng nên thường không cần điều trị. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được phát hiện trong quá trình đánh giá khả năng sinh sản hoặc khám sức khỏe định kỳ.
Tuy nhiên, hãy liên hệ với bác sĩ nếu:
- Cảm thấy đau hoặc sưng bìu
- Phát hiện khối bất thường ở bìu
- Tinh hoàn thay đổi kích thước
- Bị giãn tĩnh mạch thừng tinh ở người trẻ tuổi
- Có vấn đề về khả năng sinh sản
Một số bệnh lý có thể gây ra khối bất thường ở bìu hoặc gây đau tinh hoàn, trong đó có một số bệnh cần phải điều trị ngay lập tức.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh
Thừng tinh chứa động mạch và tĩnh mạch, tham gia vận chuyển máu đến và đi từ tinh hoàn. Hiện nay, khoa học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giãn tĩnh mạch thừng tinh hình thành do các van tĩnh mạch bị tổn thương làm cản trở máu lưu thông đúng chiều. Kết quả tất yếu là các tĩnh mạch bị giãn rộng. Điều này có thể gây ra tổn thương tinh hoàn và làm giảm khả năng sinh sản.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xuất hiện ở tuổi dậy thì. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy ra ở bên trái, có thể là do vị trí của tĩnh mạch tinh hoàn trái.
Các yếu tố nguy cơ gây giãn tĩnh mạch thừng tinh
Chưa phát hiện yếu tố nguy cơ nào có tác động đáng kể đến khả năng mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Các biến chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây ra các biến chứng sau:
- Teo tinh hoàn. Tinh hoàn cấu tạo từ các ống sinh tinh. Khi bị tổn thương do giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn sẽ bị teo và mềm ra. Không rõ nguyên nhân khiến tinh hoàn bị teo, nhưng van tĩnh mạch bị suy yếu khiến máu ứ trệ, làm tăng áp lực trong tĩnh mạch và tăng khả năng tiếp xúc với các chất độc có thể gây tổn thương tinh hoàn ở trong máu.
- Vô sinh. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể làm nhiệt độ tại tinh hoàn tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, khả năng di chuyển và chức năng của tinh trùng.
Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh
Bác sĩ sẽ thăm khám để tìm khối bất thường giống “búi giun” ở tinh hoàn. Nếu khối này đủ lớn, bác sĩ có thể phát hiện ra.
Nếu khó phát hiện khối bất thường, bác sĩ có thể làm nghiệm pháp Valsava. Ở tư thế đứng, bạn sẽ hít thở sâu rồi nín thở, đồng thời rặn ra. Nghiệm pháp này giúp bác sĩ phát hiện ra sự giãn rộng bất thường của các tĩnh mạch.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm siêu âm bìu. Xét nghiệm này sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh chính xác của các cấu trúc bên trong cơ thể, có thể được sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác. Trong một số trường hợp nhất định, có thể thực hiện thêm các xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh khác như khối u chèn ép tĩnh mạch thừng tinh.
Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Video: Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Điều trị bệnh thế nào?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh không phải trường hợp nào cũng cần điều trị. Nhiều người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn có khả năng sinh sản mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh gây đau, teo tinh hoàn, vô sinh hoặc nếu bạn đang định làm các biện pháp hỗ trợ sinh sản thì cần phẫu thuật để điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Mục đích của phẫu thuật là đóng tĩnh mạch bị tổn thương để máu chuyển hướng lưu thông trong các tĩnh mạch bình thường. Trong trường hợp vô sinh nam, điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể cải thiện, chữa khỏi vô sinh hoặc cải thiện chất lượng tinh trùng trong các biện pháp như thụ tinh nhân tạo (In vitro fertilization – IVF).
Các chỉ định phẫu thuật trong trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh ở tuổi dậy thì gồm teo tinh hoàn tiến triển, đau tinh hoàn hoặc kết quả phân tích tinh dịch đồ bất thường. Mặc dù phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh thường cải thiện chất lượng của tinh trùng nhưng chưa có bằng chứng bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh không được điều trị sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng theo thời gian.
Phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể có một số biến chứng ít gặp như:
- Tràn dịch màng tinh hoàn (hydrocele)
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh tái phát
- Nhiễm trùng
- Tổn thương động mạch
Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật mở. Đây là một phẫu thuật ngoại trú, có thể xuất viện trong ngày. Phẫu thuật này có thể gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ. Thông thường, bác sĩ sẽ tạo đường rạch ở bẹn nhưng cũng có thể rạch ở bụng hoặc dưới bẹn.
Những tiến bộ trong việc phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh đã làm giảm các biến chứng sau mổ. Một kỹ thuật mới là mổ vi phẫu điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Việc kết hợp sử dụng kính hiển vi giúp bác sĩ quan sát rõ hơn trong khi phẫu thuật. Một kỹ thuật hỗ trợ đắc lực cho quá trình phẫu thuật khác là siêu âm Doppler.
Bạn có thể hoạt động bình thường trở lại sau 2 ngày. Nếu không thấy khó chịu, bạn có thể thực hiện các hoạt động gắng sức hơn như tập thể dục sau 2 tuần.
Đau do phẫu thuật thường nhẹ nhưng có thể tiếp diễn trong vài ngày hoặc vài tuần. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau kê đơn trong vài ngày sau khi phẫu thuật. Sau đó, bạn có thể chuyển sang dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol (Panadol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB).
Không nên quan hệ tình dục trong một khoảng thời gian sau phẫu thuật. Thông thường, chất lượng tinh trùng (đánh giá qua tinh dịch đồ) sẽ được cải thiện sau vài tháng kể từ khi phẫu thuật do tinh trùng cần thời gian để phát triển.
Mổ vi phẫu điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh đường dưới bẹn có tỷ lệ thành công cao nhất so với các phương pháp phẫu thuật khác.
- Phẫu thuật nội soi. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên bụng và đưa dụng cụ qua vết mổ để đánh giá và cắt tĩnh mạch bị giãn. Phẫu thuật này cần được gây mê toàn thân.
- Nút mạch qua da. Bác sĩ sẽ luồn một ống nhỏ qua tĩnh mạch bẹn để đưa các dụng cụ vào. Sau khi đánh giá các tĩnh mạch bị giãn trên màn hình, bác sĩ sẽ đưa các cuộn dây (coil) hoặc chất gây xơ vào để làm sẹo hóa tĩnh mạch, giúp đóng các tĩnh mạch tinh hoàn và ngăn máu chảy qua. Thủ thuật này không được áp dụng rộng rãi như phẫu thuật.
Sau khi nút mạch, bạn có thể sinh hoạt bình thường sau 2 ngày và tập thể dục sau 7 – 10 ngày.
Chế độ sinh hoạt và các biện pháp chăm sóc tại nhà
Nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh gây một chút khó chịu nhưng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, bạn có thể áp dụng những biện pháp dưới đây để giảm đau:
- Uống thuốc giảm đau thông thường như paracetamaol (Panadol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB).
- Sử dụng quần lót hỗ trợ vận động (jockstrap) để giảm áp lực lên tinh hoàn.
Chuẩn bị trước khi đi khám
Bạn nên làm gì?
- Liệt kê các triệu chứng của bạn, kể cả các triệu chứng không liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.
- Liệt kê thông tin cá nhân, bao gồm cả các vấn đề gây căng thẳng và các thay đổi trong cuộc sống gần đây.
- Liệt kê tất cả các loại thuốc, vitamin và thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng.
- Nên đi khám cùng người thân vì đôi khi bạn khó có thể nhớ hết nội dung mà bác sĩ tư vấn. Người thân có thể cùng ghi nhớ các thông tin, tránh việc bỏ lỡ hoặc quên hướng dẫn của bác sĩ.
- Ghi lại các thắc mắc muốn được bác sĩ giải đáp.
Bạn có thể chuẩn bị danh sách các câu hỏi để tận dụng tối đa thời gian khi đi khám. Liệt kê các câu hỏi theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Một số câu hỏi về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh như:
- Nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
- Tôi cần làm những xét nghiệm nào?
- Bệnh này có thể khỏi hoàn toàn hay tiến triển thành mạn tính?
- Nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi không?
- Có những phương pháp điều trị nào? Phương pháp nào phù hợp với tôi?
- Tôi có những bệnh lý kèm theo khác. Làm thế nào để có thể kết hợp kiểm soát các bệnh này tốt nhất?
- Tôi có phải hạn chế sinh hoạt tình dục không?
- Tôi nên tìm thông tin về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh ở đâu?
Ngoài những câu hỏi đã được chuẩn bị, bạn đừng ngần ngại hỏi thêm những câu hỏi khác khi gặp bác sĩ.
Các câu hỏi của bác sĩ
Bác sĩ có thể đưa ra một số câu hỏi như:
- Các triệu chứng của bạn bắt đầu từ khi nào?
- Các triệu chứng xuất hiện liên tục hay ngắt quãng?
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng?
- Có điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn không?
- Có biện pháp nào giúp cải thiện các triệu chứng của bạn không?
Bạn có thể làm gì trước khi khám?
Bạn có thể uống thuốc giảm đau thông thường và sử dụng jockstrap.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về bệnh giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và biện pháp điều trị
- Giãn tĩnh mạch: 10 biện pháp chăm sóc tại nhà hiệu quả nhất
- Phẫu thuật Stripping điều trị giãn tĩnh mạch: Chỉ định, rủi ro, quy trình phẫu thuật và phục hồi
- Các phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh giãn tĩnh mạch
- Lợi ích của tất áp lực với bệnh nhân giãn tĩnh mạch và cách sử dụng