5 điều cần biết về bệnh suy tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Động mạch có chức năng mang máu từ tim đến khắp nơi trong cơ thể. Tĩnh mạch có chức năng đưa máu từ các cơ quan trở về tim, trong đó các van tĩnh mạch có vai trò ngăn máu chảy ngược trở lại.

Tình trạng tĩnh mạch khó đưa máu từ các chi trở về tim được gọi là suy tĩnh mạch (Venous insufficiency). Trong bệnh lý này, máu không được đưa trở về tim mà đọng lại trong tĩnh mạch ở chân.

Một số nguyên nhân có thể gây ra suy tĩnh mạch, trong đó phổ biến nhất là do cục máu đông (Huyết khối tĩnh mạch sâu – Deep vein thrombosis) và giãn tĩnh mạch (Varicose veins).

Nếu bạn có người thân trong gia đình bị suy tĩnh mạch thì vẫn có những biện pháp đơn giản mà bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Nguyên nhân gây suy tĩnh mạch

Video Sự nguy hiểm của suy giãn tĩnh mạch chân (chi dưới) và cách điều trị, chữa

Suy tĩnh mạch thường do cục máu đông hoặc giãn tĩnh mạch gây ra.

Bình thường, máu được vận chuyển liên tục từ chân trở về tim. Các van tĩnh mạch ở giúp ngăn máu chảy ngược trở lại.

Khi xuất hiện cục máu đông, máu chảy trong tĩnh mạch sẽ bị cản trở và tích tụ bên dưới cục máu đông, có thể dẫn đến suy tĩnh mạch.

Trong bệnh suy tĩnh mạch, các van tĩnh mạch thường bị tổn thương hoặc suy yếu, khiến máu rò rỉ ngược trở lại qua các van đó.

Trong một số trường hợp, cơ chân bị yếu cũng có thể góp phần gây ra suy tĩnh mạch.

Suy tĩnh mạch thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Theo Cleveland Clinic, tình trạng này cũng gặp nhiều ở người trên 50 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Béo phì
  • Phụ nữ mang thai
  • Hút thuốc lá
  • Ung thư
  • Yếu cơ, vết thương hoặc chấn thương chân
  • Viêm tĩnh mạch nông
  • Tiền sử gia đình có người bị suy tĩnh mạch
  • Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài mà không thay đổi tư thế

Các triệu chứng của suy tĩnh mạch

Suy tĩnh mạch có thể gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nguồn ảnh: Verywellhealth.comCác triệu chứng của suy tĩnh mạch bao gồm:

  • Phù chân hoặc mắt cá chân
  • Đau tăng lên khi đứng và giảm khi kê cao chân
  • Chân bị chuột rút
  • Nhức mỏi, đau nhói hoặc cảm giác nặng chân
  • Ngứa chân
  • Yếu chân
  • Dày da chân hoặc mắt cá chân
  • Thay đổi màu sắc da, đặc biệt là xung quanh mắt cá chân
  • Loét
  • Giãn tĩnh mạch
  • Căng tức bắp chân

Chẩn đoán suy tĩnh mạch như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám đầy đủ để chẩn đoán bệnh suy tĩnh mạch.

Bác sĩ cũng sẽ chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân như chụp tĩnh mạch đồ hoặc siêu âm Duplex.

Chụp tĩnh mạch đồ

Trong kỹ thuật chụp tĩnh mạch đồ (venogram), bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch. Thuốc cản quang làm các mạch máu hiện lên trên hình ảnh X-quang, giúp bác sĩ quan sát tĩnh mạch rõ ràng hơn.

Siêu âm Duplex

Siêu âm Duplex là một dạng kết hợp giữa siêu âm bình thường và siêu âm Doppler, do đó vừa cho phép khảo sát hình thái, cấu trúc mạch máu, vừa đánh giá được sự chuyển động của dòng máu.

Bác sĩ sẽ bôi một ít gel lên da, sau đó di chuyển đầu dò trên vùng cơ thể tương ứng. Đầu dò sử dụng sóng siêu âm truyền tín hiệu về máy tính và tạo ra hình ảnh của dòng máu.

Điều trị bệnh suy tĩnh mạch

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh của bạn. Một số yếu tố khác mà bác sĩ cần lưu ý:

  • Các triệu chứng cụ thể
  • Tuổi
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh
  • Khả năng đáp ứng điều trị

Biện pháp điều trị suy tĩnh mạch phổ biến nhất là đeo tất áp lực. Loại tất đặc biệt này với khả năng đàn hồi cao tạo áp lực ở mắt cá chân và cẳng chân. Chúng giúp cải thiện lưu thông máu và có thể giảm sưng chân.

Tất áp lực có nhiều mức độ và độ dài khác nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định loại tất áp lực phù hợp nhất với bạn.

Một số biện pháp điều trị suy tĩnh mạch khác như:

Cải thiện lưu thông máu

Dưới đây là một số biện pháp để cải thiện lưu thông máu ở chân:

  • Kê cao chân bất cứ khi nào có thể.
  • Dùng tất áp lực để tạo áp lực cho cẳng chân.
  • Không bắt chéo chân khi ngồi.
  • Tập thể dục đều đặn.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc giúp cải thiện tình trạng suy tĩnh mạch như:

  • Thuốc lợi tiểu giúp đào thải nước qua đường tiểu
  • Thuốc chống đông máu làm giảm kết tập tiểu cầu
  • Pentoxifylline (Trental) giúp cải thiện lưu thông máu

Phẫu thuật

Đôi khi, những trường hợp suy tĩnh mạch nghiêm trọng cần phải được phẫu thuật. Bác sĩ có thể thực hiện một trong các loại phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật sửa chữa tĩnh mạch hoặc van tĩnh mạch
  • Rút bỏ tĩnh mạch bị tổn thương (phẫu thuật Stripping)
  • Phẫu thuật nội soi tĩnh mạch xâm lấn tối thiểu: Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ có gắn camera vào tĩnh mạch để kiểm tra và thắt tĩnh mạch.
  • Bắc cầu tĩnh mạch: Tĩnh mạch bị tổn thương sẽ được thay thế bằng đoạn tĩnh mạch bình thường từ một vị trí khác của cơ thể. Nói chung, phẫu thuật này chỉ được thực hiện ở đùi và là biện pháp điều trị cuối cùng cho những trường hợp rất nặng.
  • Can thiệp nội tĩnh mạch bằng tia laser: Đây là một biện pháp điều trị khá mới sử dụng tia laser để phá hủy hoặc đóng tĩnh mạch bị tổn thương bằng cách chiếu luồng ánh sáng mạnh trên một vùng nhỏ, cụ thể.

Phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch ngoại trú: Phẫu thuật ngoại trú (có thể xuất viện trong ngày) này sẽ được thực hiện như sau: Bác sĩ sẽ gây tê một số vị trí nhất định trên chân, sau đó rạch các đường nhỏ và cắt bỏ các tĩnh mạch bị giãn.

Tiêm xơ tĩnh mạch

Biện pháp điều trị này thường được chỉ định riêng cho bệnh suy tĩnh mạch tiến triển. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ tiêm chất gây xơ vào tĩnh mạch bị tổn thương để đóng các tĩnh mạch đó lại. Máu sẽ trở về tim thông qua các tĩnh mạch khác, cuối cùng tĩnh mạch bị tổn thương sẽ bị thoái hóa. Tiêm xơ tĩnh mạch được sử dụng để phá hủy các tĩnh mạch nhỏ đến trung bình.

Can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần

Quy trình can thiệp nội tĩnh mạch bằng năng lượng sóng cao tần. Nguồn ảnh:Uclahealth.org

Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện đưa ống thông (catheter) vào tĩnh mạch lớn, giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt từ sóng cao tần. Nhiệt sẽ làm cho tĩnh mạch xẹp và đóng lại sau khi ống thông được đưa ra ngoài.

Làm thế nào để phòng ngừa suy tĩnh mạch

Nếu tiền sử gia đình có người bị suy tĩnh mạch, bạn có thể thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh như:

  • Không ngồi hoặc đứng ở một tư thế trong thời gian dài. Thường xuyên đứng dậy và thay đổi tư thế.
  • Không hút thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!