Phẫu thuật Stripping có vai trò điều trị giãn tĩnh mạch và giúp ngăn ngừa bệnh tái phát. Phẫu thuật này còn được gọi là phẫu thuật thắt và rút bỏ tĩnh mạch.
Hiện nay, phẫu thuật Stripping phần lớn đã được thay thế bởi phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch bằng tia laser hoặc năng lượng sóng cao tần. Cả hai phương pháp can thiệp này được coi là ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả hơn so với phương pháp Stripping.
Phẫu thuật Stripping được thực hiện khi nào?
Bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật Stripping nếu bệnh nhân:
- Đau chân nhiều, đau liên tục
- Loét da
- Xuất hiện cục máu đông
- Vỡ tĩnh mạch
Phẫu thuật Stripping cũng được chỉ định trong trường hợp giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến thẩm mỹ của chân. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn để xác định phẫu thuật Stripping có phải biện pháp điều trị phù hợp với bạn hay không.
Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật Stripping?
Bác sĩ sẽ thăm khám trước khi thực hiện phẫu thuật để xác định vị trí của các van tĩnh mạch bị suy yếu.
Siêu âm có thể giúp đánh giá các tĩnh mạch và van tĩnh mạch tốt hơn. Siêu âm Duplex có thể cung cấp hình ảnh rõ ràng về các tĩnh mạch bị giãn và dòng máu chảy qua chúng. Biện pháp chẩn đoán này cũng có thể kiểm tra sự xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch.
Trước khi phẫu thuật, bạn phải thông báo với bác sĩ về các loại thuốc mà bạn đang dùng. Bạn có thể phải tạm thời ngừng dùng một số loại thuốc có thể gây chảy máu nhiều trong quá trình phẫu thuật.
Bạn cũng nên đi cùng người thân để có người hỗ trợ sau quá trình phẫu thuật. Phẫu thuật Stripping thường phải gây mê toàn thân, có thể khiến bạn buồn ngủ và không thể lái xe trong vài giờ.
Các rủi ro của phẫu thuật Stripping
Phẫu thuật Stripping là một phẫu thuật an toàn, ít rủi ro. Tuy nhiên, nó vẫn có một số rủi ro liên quan đến phẫu thuật như:
- Phản ứng dị ứng với thuốc gây mê
- Nhiễm trùng vết mổ
- Chảy máu nhiều
- Hình thành cục máu đông
- Bầm tím hoặc để lại sẹo
- Tổn thương dây thần kinh
Những rủi ro này rất hiếm gặp nhưng một số đối tượng có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn. Thông thường, không nên thực hiện phẫu thuật Stripping với những đối tượng:
- Phụ nữ có thai
- Thiếu máu chi
- Nhiễm trùng da
- Rối loạn đông máu
- Thừa cân
Quy trình phẫu thuật Stripping
Phẫu thuật Stripping là một phẫu thuật ngoại trú, có thể xuất viện trong ngày. Phẫu thuật này thường mất từ 60 – 90 phút. Nếu ca phẫu thuật phức tạp thì thời gian có thể kéo dài hơn.
Tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, bạn có thể được gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống trước khi phẫu thuật. Gây mê toàn thân đưa bạn vào trạng thái giống như đang ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật. Gây tê tủy sống làm mất cảm giác phần dưới của cơ thể nhưng bạn sẽ tỉnh táo trong khi phẫu thuật.
Bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc chống lo âu trước khi phẫu thuật nếu gây tê tủy sống khiến bạn lo lắng.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch vài đường nhỏ bao gồm 1 đường ở bẹn và 1 đường ở bắp chân hoặc mắt cá chân. Sau đó, bác sĩ sẽ luồn một dây nhựa dẻo, mỏng vào tĩnh mạch qua đường rạch ở bẹn để thắt tĩnh mạch và rút tĩnh mạch ra ngoài qua đường rạch ở cẳng chân.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ khâu kín các đường rạch, băng bó và đeo tất áp lực vào chân của bạn.
Quá trình hồi phục sau phẫu thuật Stripping
Quá trình hồi phục sau phẫu thuật Stripping thường mất từ 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào số lượng tĩnh mạch đã bị loại bỏ và vị trí của chúng.
Bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc giảm đau để giảm bớt cảm giác khó chịu. Bạn cần hạn chế tác động lên chân càng nhiều càng tốt trong 3 – 4 ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Bạn có thể được tháo băng sau 4 ngày.
Trong quá trình hồi phục, điều quan trọng là phải kê cao chân khi ngồi. Bạn có thể kê cao chân bằng gối. Sau 1 tháng, bạn có thể hoạt động bình thường trở lại.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về bệnh giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và biện pháp điều trị
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc
- Các phương pháp điều trị không xâm lấn cho bệnh giãn tĩnh mạch
- Lợi ích của tất áp lực với bệnh nhân giãn tĩnh mạch và cách sử dụng
- Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch: Tư thế, lối sống, tất áp lực...