7 nguyên nhân gây đau lưng thường gặp ở phụ nữ

Có một số nguyên nhân gây đau lưng mà phụ nữ dễ mắc phải hơn. Hơn nữa, đối với phụ nữ, đau lưng dễ trở thành mạn tính theo thời gian.

Một số nguyên nhân thường gặp hơn (và có thể là chỉ gặp) ở phụ nữ. Các vấn đề liên quan đến đau lưng thường gặp ở độ tuổi sau mãn kinh (trên 50 tuổi). Đọc tiếp bài viết này để tìm hiểu thêm về các nguyên nhân phổ biến của đau lưng ở phụ nữ và lý do tại sao chúng xảy ra.

Hội chứng cơ hình lê (hội chứng piriformis)

Cơn đau bắt nguồn từ sự co thắt ở cơ hình lê (hay cơ tháp) - là một cơ lớn nằm sâu trong mông. Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn do những thay đổi liên quan đến hormone và thai kỳ.

Hội chứng cơ hình lê thường gây kích thích hoặc chèn ép dây thần kinh tọa, giống như cơn đau thần kinh tọa. Hội chứng cơ hình lê có thể gây ra:

  • Đau mạn tính ở vùng mông và hông, nó trở nên tồi tệ hơn khi cử động hông
  • Đau khi bạn vận động
  • Không có khả năng ngồi trong một thời gian dài
  • Đau lan ra ở mặt sau của đùi và chân

Các triệu chứng thường thuyên giảm khi bạn nằm ngửa. 

Rối loạn chức năng khớp cùng - chậu

Khớp cùng - chậu nối phần dưới cùng của cột sống với xương chậu. Rối loạn chức năng khớp cùng - chậu gây đau hoặc viêm ở vùng này. Các vấn đề về khớp cùng - chậu là một trong những nguyên nhân phổ biến hơn gây ra đau lưng dưới.

Phụ nữ thường có diện tích bề mặt khớp cùng – chậu nhỏ hơn so với nam giới, dẫn đến sự tập trung áp lực trên khớp cao hơn. Xương cùng cũng rộng hơn, không đều hơn, ít cong hơn và nghiêng về phía sau nhiều hơn ở phụ nữ, điều này có thể gây ra các vấn đề về khớp cùng- chậu.

Những yếu tố này và một số khác biệt về giải phẫu khác có thể dẫn đến nguy cơ lệch khớp cùng - chậu cao hơn, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ. 

Rối loạn chức năng khớp cùng - chậu cũng có thể gây ra các triệu chứng giống như đau thần kinh tọa. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau lưng dưới
  • Đau âm ỉ hoặc đau nhức trực tiếp trên mông, đôi khi có thể bùng phát thành cơn đau nhói
  • Đau buốt, đâm hoặc lan xuống đùi, thường không qua đầu gối

Đau khớp cùng – chậu thường tăng lên khi bạn ngồi, nằm nghiêng về bên bị ảnh hưởng hoặc leo cầu thang. 

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp (Osteoarthritis) do thoái hóa các khớp nối các đốt sống thường gặp ở phụ nữ. Nguy cơ cao hơn khi tăng tuổi và cân nặng.  

Thoái hóa khớp cột sống gây ra sự cố vỡ sụn xơ ở các khớp xương. Nếu không có lớp đệm do sụn cung cấp, xương của bạn có thể cọ xát với nhau, gây đau. Viêm xương khớp do thoái hóa khớp cột sống ở lưng có thể gây ra:

  • Đau ở lưng trên hoặc dưới, bẹn, mông và đùi
  • Cứng lưng và đau vào buổi sáng
  • Đôi khi bùng phát cơn đau dữ dội

Cơn đau có thể xảy ra ở một bên lưng, tăng lên khi có áp lực bên ngoài và giảm bớt khi bạn uốn cong cột sống về phía trước. 

Trượt đốt sống do thoái hóa

Trượt đốt sống do thoái hóa (Degenerative spondylolisthesis) là tình trạng khi một đốt sống trong cột sống trượt qua đốt sống bên dưới do thoái hóa. Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ sau mãn kinh do lượng estrogen giảm đi. 

Khi estrogen thấp, sự thoái hóa của đĩa đệm gia tăng và tăng sự lỏng lẻo của các dây chằng giữ các đốt sống với nhau - gây ra sự mất ổn định của cột sống. Nhóm tuổi này cũng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp cột sống, làm tăng nguy cơ trượt đốt sống. 

Trượt đốt sống do thoái hóa có thể gây ra:

  • Đau lưng dưới kèm theo cơn đau lan tỏa ở chân
  • Đau thần kinh (đau khi đi bộ) nếu tủy sống bị đè nén

Cơn đau giảm khi bạn cúi người về phía trước. 

Đau xương cụt

Đau ở phần đuôi của cột sống (vị trí xương cụt) xảy ra phần lớn do chấn thương. Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ do sự khác biệt về hình dạng, góc của xương chậu và do chấn thương trong quá trình sinh nở.

Xương cụt đóng vai trò như một giá đỡ chịu trọng lượng khi bạn ngồi. Chấn thương ở vùng này có thể gây đau trong khi:

  • Ngồi xuống
  • Ngả người về phía sau khi ngồi
  • Ngồi trên bề mặt cứng
  • Đứng lên từ tư thế ngồi

Cơn đau xương cụt giảm đột ngột khi bạn đứng lên. Bạn có thể thích ngồi bằng cách nghiêng người về phía trước hoặc dựa vào một bên mông để tránh bị đau xương cụt.  

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một rối loạn phụ khoa ảnh hưởng riêng đến phụ nữ. Tình trạng này khiến các mô của tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Đau bụng kinh kèm theo đau vùng chậu và bụng dưới dữ dội
  • Đau ở vùng sinh dục
  • Đau lưng dưới, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt

Đau vùng chậu và lưng có thể trở thành mạn tính, bùng phát khi hành kinh.

Gãy xương do loãng xương.

Khi mật độ xương của bạn giảm, xương trở nên giòn và dễ bị gãy, tình trạng này được gọi là loãng xương. Loãng xương xảy ra khi tỷ lệ mất xương cao hơn so với quá trình hình thành xương mới. Phụ nữ trong độ tuổi sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao gấp 4 lần nam giới. Sự chênh lệch này có thể là do sự thiếu hụt nội tiết tố estrogen, mất xương ở độ tuổi trẻ hơn và mất xương với tốc độ nhanh hơn. 

Bản thân chứng loãng xương có thể gây ra đau xương, nhưng thường gặp hơn là gây ra gãy xương do đè nén ở cột sống, dẫn đến đau lưng cấp tính. Gãy xương do đè nén cột sống có thể gây ra:

  • Đau lưng cấp tính cục bộ, thường xảy ra ở lưng giữa hoặc vùng giữa lưng và lưng dưới
  • Cơn đau có thể lan ra phía trước và bị nhầm lẫn với các vấn đề về tim hoặc phổi

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tình trạng này có thể trở thành một cấp cứu y tế. 

Phụ nữ cũng có thể bị đau lưng do không xác định được nguyên nhân. Những thay đổi điển hình trong cuộc sống của một người phụ nữ, bao gồm mang thai, sinh con, mất cân bằng nội tiết tố, tăng cân (đặc biệt là ở vùng bụng) có thể gây ra một loạt các vấn đề dẫn đến đau lưng. 

Nếu bạn bị đau lưng không thuyên giảm bằng cách tự chăm sóc, gây ra các triệu chứng thần kinh (tê hoặc yếu) hoặc ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của bạn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp xác định và điều trị nguyên nhân gây đau lưng của bạn. Bác sĩ cũng có thể khuyến nghị các thay đổi lối sống cần thiết như tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục phù hợp để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!