Đau thắt lưng bên trái: Nguyên nhân và cách điều trị

Đau ở thắt lưng bên trái có thể bắt nguồn từ các cơ bên dưới, khớp hoặc các cơ quan trong vùng xương chậu. Chấn thương cơ và đau do thận là những nguyên nhân phổ biến nhất của đau thắt lưng một bên.

Đau lưng rất phổ biến và có nhiều nguyên nhân có thể xảy ra. Vị trí chính xác của cơn đau là một dấu hiệu chìa khóa để định nguyên nhân của nó. Đau do các cơ quan bên trái có thể bắt nguồn từ thận, tuyến tụy, ruột già hoặc tử cung.

Đau thắt lưng bên trái (hoặc đau hạ sườn trái) chỉ những cơn đau ở khu vực phía trên hông hoặc mông. Một người có thể cảm thấy đau nhói dưới da hoặc đau âm ỉ bên trong lưng tùy thuộc vào nguyên nhân.

Bài viết này thảo luận về một số nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ở vùng thắt lưng bên trái.

Tổn thương cơ hoặc mô

Đau thắt lưng có thể dẫn đến co thắt và cứng cơ.

Trong hầu hết các trường hợp, đau thắt lưng xuất phát từ chấn thương. Nó có thể liên quan đến các cơ, xương và dây chằng ở lưng, cột sống và các khu vực xung quanh. Tổn thương ở một vùng có thể lan ra các vùng khác của lưng.

Đau do chấn thương thường ở vùng trung tâm, nhưng nó có thể xảy ra ở bên trái hoặc bên phải của cột sống.

Theo Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ, căng cơ thắt lưng là nguyên nhân phổ biến nhất của đau thắt và nó cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thắt lưng một bên.

Căng cơ ở thắt lưng bên trái xảy ra khi các sợi cơ căng quá mức dẫn đến viêm.

Ngoài đau ở thắt lưng, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Vận động hạn chế
  • Co thắt cơ bắp
  • Co cứng
  • Đau tăng khi vận động

Nâng vật nặng, vặn người hoặc ngã đều có thể gây căng cơ. Tư thế không tốt hoặc ngồi trong một tư thế xấu quá lâu cũng có thể dẫn đến đau một bên của thắt lưng.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm có thể gây ra cơn đau lan tỏa từ cột sống trung tâm đến một bên của lưng.

Đĩa đệm xen kẽ giữa các xương ở cột sống. Mỗi đĩa đệm có bao ở bên ngoài, được gọi là bao xơ hình vòng và phần tổ chức mềm bên trong, được gọi là nhân nhầy. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi các mảnh nhân nhầy bị đẩy qua điểm yếu hoặc vết rách ở bên ngoài đĩa đệm, sau đó chèn ép lên các dây thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm có thể do chấn thương đột ngột hoặc tiến triển theo thời gian do bào mòn.

Các triệu chứng có thể gặp là:

  • Ngứa ran một chân
  • Đau ở một bên của cơ thể
  • Đau lưng trở nên tồi tệ hơn khi đi bộ

Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận có thể gây ra cơn đau âm ỉ, đau nhức ở một bên thắt lưng. Nhiễm trùng thận thường do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, sau đó di chuyển lên thận.

Các triệu chứng khác của nhiễm trùng thận là:

  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Nước tiểu sẫm màu, đục hoặc có máu
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn và nôn
  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu đau

Người lớn trên 65 tuổi có thể không gặp các triệu chứng này nhưng họ có thể gặp các vấn đề như:

  • Lơ mơ
  • Nói lẫn
  • Ảo giác

Sỏi thận

Sỏi thận là được hình thành do sự lắng đọng của các khoáng chất và muối đã kết tinh trong thận. Sỏi có thể gây đau thắt lưng một bên khi nó đi niệu quản.

Các triệu chứng có thể gặp:

  • Đi tiểu đau
  • Buồn nôn
  • Sốt
  • Có máu trong nước tiểu

Sỏi thận không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ ràng.

Viêm tụy

Viêm tụy là tình trạng viêm của tuyến tụy nằm ở vùng bụng trên, phía sau dạ dày. Tuyến tụy tạo ra insulin và hỗ trợ tiêu hóa.

Viêm tụy có thể cấp tính và xảy ra đột ngột hoặc tiến triển dần dần và trở thành mạn tính.

Lạm dụng rượu hoặc phẫu thuật vùng bụng có thể gây ra tình trạng này, ngoài ra tình trạng viêm cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Các triệu chứng có thể gặp gồm:

  • Đau bụng trên
  • Đau bụng lan ra sau lưng
  • Sốt
  • Buồn nôn

Lạc nội mạc tử cung 

Người bị lạc nội mạc tử cung có thể bị mệt mỏi và đau bụng kinh dữ dội. (Nguồn medicalnewstoday.com)Đau thắt lưng bên trái ở nữ giới có thể do lạc nội mạc tử cung. Tình trạng này xảy ra khi các mô của tử cung hình thành và phát triển bên ngoài tử cung. Các bác sĩ vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của tình trạng này.

Cơn đau do lạc nội mạc tử cung có thể đơn lẻ và xảy ra ở một bên của thắt lưng. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau bụng
  • Mệt mỏi
  • Đau kinh nguyệt dữ dội

Viêm khớp

Theo Tổ chức Viêm khớp, một số dạng bệnh có thể gây đau ở thắt lưng. Trong một số trường hợp, cơn đau chỉ xảy ra ở một bên.

Viêm khớp ảnh hưởng đến lưng có thể do viêm hoặc thoái hóa sụn. Các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào loại viêm khớp, nhưng có thể bao gồm:

  • Cứng lưng
  • Sưng ở lưng
  • Giảm phạm vi vận động

Điều trị

Điều trị đau thắt lưng bên trái rất khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Đó là lý do tại sao việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng.

Bác sĩ thường khám sức khỏe, xem xét bệnh sử và xem xét các triệu chứng của người bệnh trước khi chẩn đoán. Các xét nghiệm, bao gồm chụp CT, chụp X-quang, MRI và siêu âm.

Khi đau lưng bắt nguồn từ một vấn đề của một cơ quan nào đó thì việc điều trị nguyên nhân cơ bản có thể làm giảm sự khó chịu. Ví dụ về các phương pháp điều trị này:

  • Viêm tụy: Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ tắc nghẽn ống mật hoặc dẫn lưu dịch từ tụy.
  • Sỏi thận: Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc liệu pháp sóng xung kích để làm tan sỏi.
  • Lạc nội mạc tử cung: Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ mô thừa.

Khi đau thắt lưng bên trái do tình trạng cơ xương khớp, hãy thử:

  • Nghỉ ngơi. Mặc dù các bác sĩ hiếm khi khuyên bạn nên nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường nhưng nó sẽ giúp hạn chế các hoạt động gây đau thắt lưng.
  • Chườm đá. Chườm một túi nước đá được bọc trong một miếng vải vào khu vực này vài lần một ngày có thể làm giảm viêm và khó chịu.
  • Chườm ấm. Chườm ấm cũng có thể làm giảm cơn đau thắt lưng, đặc biệt nếu nó do căng cơ.
  • Thuốc men. Thuốc chống viêm không kê đơn, thuốc giảm đau theo toa và thuốc giãn cơ có thể làm giảm viêm và khó chịu.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau, tập thể dục nhẹ có thể làm giảm sự khó chịu và cứng khớp về lâu dài và giúp cải thiện phạm vi chuyển động.

Bất cứ ai bị đau lưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục.

Các phương pháp điều trị thay thế có thể giúp giảm đau thắt lưng bên trái bao gồm:

  • Châm cứu
  • Mát xa
  • Kích thích thần kinh bằng điện qua da (transcutaneous electrical nerve stimulation – TENS)

Khi nào cần đi khám 

Người bệnh nên đi khám nếu họ gặp khó khăn khi cử động chân hoặc đại tiện không tự chủ. (Nguồn medicalnewstoday.com)Đau thắt lưng bên trái có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Nó có thể nhẹ và thuyên giảm trong vài ngày. Trong trường hợp đó, các biện pháp xử trí tại nhà có thể hữu ích. Nhưng trong một số trường hợp nhất định, việc đi khám là rất quan trọng.

Cân nhắc đi khám bác sĩ nếu cơn đau không thuyên giảm trong 1-2 tuần hoặc nếu nó trở nên tồi tệ hơn. Nếu các triệu chứng khác xuất hiện, như tê bì, mệt mỏi và yếu cơ, hãy đi khám để loại trừ các tình trạng nghiêm trọng.

Trường hợp đau thắt lưng bên trái cần cấp cứu thì ít gặp hơn. Nếu cơn đau dữ dội hoặc kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đi khám ngay lập tức:

  • Sốt
  • Khó di chuyển chân
  • Đại tiện không tự chủ
  • Mất cảm giác ở chân

Tổng kết

Đau thắt lưng bên trái có thể xuất phát từ một loạt các vấn đề, gồm các vấn đề của cơ quan nội tạng hoặc chấn thương và các vấn đề về cơ xương. Các triệu chứng kèm theo và vị trí của cơn đau có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân.

Người bệnh có thể thực hiện các bước xử trí tại nhà để giảm bớt cơn đau và các triệu chứng thường giảm trong vài ngày. Khi cơn đau dữ dội hoặc các triệu chứng khác gây lo ngại, tốt nhất bạn nên đi khám. Điều trị đau thắt lưng bên trái sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!