Đau thắt lưng bên phải: Nguyên nhân, điều trị...

Đa số các trường hợp đau thắt lưng bên phải (hay đau lưng dưới bên phải) là do đau cơ vùng thắt lưng. Tuy nhiên cũng có những cơn đau không liên quan gì đến vùng lưng cả.

Video Đau lưng bên phải là triệu chứng của bệnh gì

Ngoại trừ thận thì hầu hết các cơ quan nội tạng đều nằm ở phía trước của cơ thể, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không thể gây ra cơn đau lan xuống vùng thắt lưng.

Một số cơ quan bên trong như buồng trứng, ruột và ruột thừa có chung đầu tận cùng thần kinh với mô và các dây chằng ở vùng lưng.

Khi bạn bị đau ở một trong những cơ quan này, nó có thể ảnh hưởng tới mô hoặc các dây chằng có chung tận cùng thần thần kinh. Nếu cơ quan đó nằm ở phần dưới bên phải của cơ thể, bạn cũng có thể bị đau ở phía thắt lưng bên phải.

Cùng tìm hiểu thêm về các cơn đau vùng thắt lưng bên phải, bao gồm các nguyên nhân có thể xảy ra, khi nào cần đi khám và cách điều trị, qua bài viết này nhé

Đây có phải là một tình huống cấp cứu không?


Hầu hết các trường hợp đau thắt lưng bên phải không phải là trường hợp cấp cứu. Tuy nhiên, đừng ngần ngại khám cấp cứu nếu bạn gặp phải bất kỳ trường hợp nào sau đây:

  • Cơn đau dữ dội làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn
  • Cơn đau đột ngột, dữ dội
  • Đau dữ dội kèm theo các triệu chứng khác, như tiểu không tự chủ, sốt, buồn nôn hoặc nôn mửa

Nguyên nhân

Các vấn đề về cơ lưng hoặc cột sống

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% người trưởng thành sẽ bị đau thắt lưng vào một thời điểm nào đó trong đời. Phần lớn cơn đau đó là do các vấn đề cơ học, đó là:

  • Căng cơ quá mức hoặc rách dây chằng do nâng không đúng cách
  • Thoái hóa đĩa đệm cột sống do lão hóa
  • Căng cơ do tư thế không đúng

Điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau. Ban đầu, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bảo tồn như vật lý trị liệu hoặc thuốc giảm viêm. Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không có tác dụng hoặc nếu tình trạng của bạn nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Vấn đề về thận

Thận nằm ở hai bên cột sống, dưới lồng ngực. Thận bên phải ở thấp hơn một chút so với bên trái, khiến nó có nhiều khả năng gây đau thắt lưng hơn nếu bị nhiễm trùng, kích thích hoặc viêm. Các vấn đề về thận thường gặp bao gồm sỏi thận và nhiễm trùng thận.

Sỏi thận

(Nguồn spine-health.com)Sỏi thận là cấu trúc rắn, giống như viên sỏi, được tạo thành từ các khoáng chất và muối dư thừa thường có trong nước tiểu. Khi những viên sỏi này nằm trong niệu quản, bạn có thể cảm thấy đau nhói dọc theo lưng, bụng dưới và bẹn. Niệu quản là một ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang.

Với sỏi thận, cơn đau đến và đi khi viên sỏi di chuyển. Các triệu chứng khác gồm đi tiểu đau hoặc tiểu gấp. Bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc làm rỗng bàng quang hoàn toàn hoặc bạn có thể chỉ đi tiểu được một lượng nhỏ. Nước tiểu cũng có thể có máu do sỏi sắc nhọn chọc vào mô khi nó đi xuống niệu quản.

Để điều trị, bác sĩ có thể chỉ định:

  • Thuốc giúp giãn niệu quản để sỏi có thể đi qua dễ dàng hơn
  • Tán sỏi bằng sóng xung kích (SWL - shock wave lithotrips), sử dụng sóng xung kích dưới hướng dẫn bằng sóng siêu âm hoặc tia X để phá vỡ sỏi
  • Phẫu thuật để loại bỏ hoặc nghiền nát sỏi

Nhiễm trùng thận

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhiễm trùng thận là vi khuẩn, như E. coli – vi khuẩn sống trong ruột của bạn, đi qua niệu quản vào bàng quang và thận. Các triệu chứng tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu khác, gồm có:

  • Đau lưng và đau bụng
  • Đi tiểu rát
  • Tiểu gấp
  • Nước tiểu đục, sẫm màu hoặc có mùi hôi

Khi bị nhiễm trùng thận, bạn cũng có thể cảm thấy rất mệt và kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Tổn thương thận vĩnh viễn và nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng có thể do nhiễm trùng thận không được điều trị, vì vậy hãy đi khám kịp thời nếu bạn nghi ngờ bị nhiễm trùng thận. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để chống lại vi khuẩn.

Viêm ruột thừa

Ruột thừa là một ống nhỏ gắn vào ruột già và nằm ở phía dưới bên phải của cơ thể. Khoảng 5% số người, thường từ 10 đến 30 tuổi, sẽ bị viêm ruột thừa.

Nhiễm trùng này làm cho ruột thừa sưng to. Bạn có thể bị đau và đầy bụng, bắt đầu gần rốn và dần dần kéo sang bên phải. Cơn đau thường tăng hơn khi cử động hoặc khi ấn vào các vùng đau. Cơn đau cũng có thể kéo dài ra sau lưng hoặc háng.

Các triệu chứng khác có thể gặp là buồn nôn và nôn.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của viêm ruột thừa, hãy đi khám ngay lập tức. Nếu ruột thừa tiếp tục sung to lên, nó có thể vỡ ra và lan rộng ra khắp ổ bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị thông thường sẽ là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Nó có thể được thực hiện thông qua phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu trong những trường hợp không phức tạp. Trong một số trường hợp hiếm, có thể điều trị viêm ruột thừa bằng thuốc kháng sinh, nghĩa là bạn có thể không cần phẫu thuật. Trong một nghiên cứu, gần ¾ những người được chỉ định dùng kháng sinh cho bệnh viêm ruột thừa không cần phải phẫu thuật cắt ruột thừa sau đó.

Nguyên nhân ở phụ nữ

Có một số nguyên nhân riêng ở phụ nữ.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng mạn tính, không phải ung thư, trong đó các tế bào giống với niêm mạc tử cung, được gọi là tế bào nội mạc tử cung, phát triển bên ngoài tử cung. Tỉ lệ thường gặp là 1/10 phụ nữ.

Nếu mô phát triển trên buồng trứng bên phải hoặc ống dẫn trứng, nó có thể gây kích ứng cơ quan và mô xung quanh, gây ra cơn đau lan từ phía trước và bên của cơ thể ra phía sau.

Điều trị lạc nội mạc tử cung bằng liệu pháp nội tiết tố hoặc phẫu thuật nội soi. Liệu pháp nội tiết tố, như thuốc tránh thai liều thấp, có thể giúp thu nhỏ sự phát triển của khối lạc nội mạc. Phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ các khối phát triển.

Nguyên nhân trong thai kỳ 

(Nguồn spine-health.com)Đau thắt lưng cả 2 bên thường gặp trong suốt thai kỳ. Khó chịu nhẹ thường có thể được giảm bớt với các biện pháp sau:

  • Kéo giãn nhẹ nhàng
  • Tắm nước ấm
  • Đi giày đế thấp
  • Mát xa
  • Paracetamol (Panadol) - trước khi dùng thuốc này, hãy hỏi bác sĩ xem nó có thích hợp để sử dụng trong thời kỳ mang thai hay không

Trong 3 tháng đầu

Đau thắt lưng có thể bắt đầu sớm khi mang thai, thường là do cơ thể bắt đầu sản xuất một loại hormone gọi là relaxin để nới lỏng các dây chằng của cơ thể, chuẩn bị cho việc sinh nở. Nó cũng có thể là một triệu chứng của sảy thai, đặc biệt là nếu nó đi kèm với chuột rút và ra máu. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị đau lưng kèm theo chuột rút hoặc ra máu lấm tấm.

Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối

Có một số vấn đề có thể dẫn đến đau lưng trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Khi tử cung của bạn phát triển tương xứng với em bé đang lớn, dáng đi và tư thế của bạn có thể thay đổi, gây đau lưng. Tùy thuộc vào tư thế của em bé và dáng đi của bạn, cơn đau có thể khu trú ở phía bên phải.

Dây chằng tròn là một nguyên nhân khác có thể gây đau. Dây chằng tròn là mô liên kết dạng sợi giúp nâng đỡ tử cung. Mang thai khiến các dây chằng này bị căng ra.

Khi dây chằng căng ra, các sợi thần kinh, thường gặp nhất là ở phía bên phải của cơ thể, bị kéo căng, gây ra những cơn đau nhói theo chu kỳ

Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể gây đau thắt lưng bên phải. Do sự chèn ép của bàng quang, 4 đến 5% phụ nữ bị nhiễm trùng tiết niệu trong khi mang thai.

Đi khám bác sĩ nếu bạn đang mang thai và gặp bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng tiết niệu, bao gồm:

  • Đi tiểu rát
  • Khó chịu ở bụng
  • Nước tiểu đục

Nhiễm trùng tiết niệu không được điều trị ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và con.

Nguyên nhân ở nam giới

Ở nam giới, xoắn tinh hoàn có thể dẫn đến đau thắt lưng bên phải. Nó xảy ra khi thừng tinh, nằm trong bìu và mang máu đến tinh hoàn, bị xoắn. Kết quả là, lưu lượng máu đến tinh hoàn bị giảm nghiêm trọng, thậm chí không có máu đến tinh hoàn.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau bẹn dữ dội, đột ngột, có thể lan ra sau lưng, bên trái hoặc bên phải, tùy thuộc vào tinh hoàn bị ảnh hưởng
  • Sưng bìu
  • Buồn nôn và ói mửa

Tuy hiếm gặp nhưng xoắn tinh hoàn được coi là một trường hợp cấp cứu. Nếu không được cung cấp máu kịp thời, tinh hoàn có thể bị tổn thương không thể phục hồi. Các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật tháo xoắn thừng tinh để cứu tinh hoàn.

Cần làm gì tiếp theo?

Tham khảo ý kiến bác sĩ bất cứ khi nào bạn có cơn đau mới, dữ dội hoặc đáng lo ngại. Đi khám ngay lập tức nếu cơn đau quá nghiêm trọng, cản trở các hoạt động hàng ngày hoặc kèm theo các triệu chứng khác như sốt hoặc buồn nôn.

Trong nhiều trường hợp, đau thắt lưng bên phải có thể được kiểm soát bằng các phương pháp điều trị đơn giản tại nhà hoặc điều chỉnh lối sống:

  • Chườm đá hoặc chườm ấm trong 20–30 phút, cứ sau 2–3 giờ một lần để giảm đau và giảm viêm.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc paracetamol dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Uống ít nhất 8 cốc nước 250ml mỗi ngày, đồng thời hạn chế ăn đạm động vật và muối để giảm nguy cơ bị sỏi thận.
  • Khi đi vệ sinh, hãy lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ đại tràng xâm nhập vào đường tiết niệu và gây nhiễm trùng.
  • Thực hành kỹ thuật nâng đúng cách. Nâng vật bằng cách cúi thấp đầu gối ở tư thế ngồi xổm và giữ vật nặng gần ngực.
  • Dành vài phút mỗi ngày để kéo giãn các cơ bắp đang căng cứng.

Tổng kết

Trong nhiều trường hợp, cơn đau ở thắt lưng bên phải có thể do căng cơ hoặc chấn thương khác ở lưng. Nó cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn.

Trao đổi với bác sĩ nếu bạn lo lắng về đau lưng hoặc nếu cơn đau đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!