Video Đau thắt lưng
Đau thắt lưng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cản trở trong công việc. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% người dân từng bị ít nhất 1 lần đau thắt lưng trong suốt cuộc đời. Tại Việt Nam tỉ lệ này cũng tương tự các nước trên thế giới
Hầu hết các cơn đau thắt lưng là kết quả của chấn thương, như bong gân hoặc căng cơ do chuyển động đột ngột hoặc tư thế không chuẩn trong khi nâng vật nặng.
Đau thắt lưng cũng có thể là kết quả của một số bệnh có thể gặp:
- Ung thư tủy sống
- Thoát vị đĩa đệm hoặc vỡ đĩa đệm
- Đau thần kinh toạ
- Viêm khớp
- Nhiễm trùng ở thận
- Nhiễm trùng cột sống
Đau lưng cấp tính có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, trong khi đau lưng mạn tính là cơn đau kéo dài hơn 3 tháng.
Đau thắt lưng có gặp nhiều ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50. Điều này một phần là do những thay đổi xảy ra trong cơ thể cùng với sự lão hóa. Khi bạn già đi, lượng dịch giữa các đốt sống trong cột sống bị giảm xuống.
Điều đó đồng nghĩa với việc các đĩa đệm ở cột sống dễ bị kích thích hơn. Bạn cũng bị mất một số trương lực cơ, khiến lưng dễ bị chấn thương hơn. Đây là lý do tại sao việc tăng cường sức mạnh cơ lưng và có tư thế hoạt động đúng giúp ngăn ngừa đau thắt lưng.
Nguyên nhân gây ra đau thắt lưng là gì?
Căng cơ quá mức
Các cơ và dây chằng ở lưng có thể bị kéo căng hoặc rách do hoạt động quá mức. Các triệu chứng có thể gặp là đau và cứng ở lưng dưới, kèm theo co thắt cơ. Nghỉ ngơi và vật lý trị liệu là biện pháp khắc phục những triệu chứng này.
Chấn thương đĩa đệm
Các đĩa đệm ở phía sau dễ bị chấn thương. Nguy cơ này tăng lên theo độ tuổi. Bao của đĩa đệm có thể bị rách hoặc thoát vị.
Thoát vị đĩa đệm hay trượt đĩa đệm hoặc vỡ đĩa đệm là hiện tượng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu.
Nó có thể dẫn đến việc chèn ép rễ thần kinh khi nó thoát ra khỏi tủy sống và qua các xương đốt sống. Chấn thương đĩa đệm thường xảy ra đột ngột sau khi nâng vật gì đó hoặc vặn lưng. Không giống như căng cơ lưng, cơn đau do chấn thương đĩa đệm thường kéo dài hơn 72 giờ.
Đau thần kinh toạ
Đau thần kinh tọa có thể xảy ra khi thoát vị đĩa đệm nếu đĩa đệm đè lên dây thần kinh tọa. Dây thần kinh tọa kết nối cột sống với chân. Do đó, đau thần kinh tọa có thể khiến chân và bàn chân bị đau. Cơn đau này thường có cảm giác như bị bỏng hoặc kim châm.
Hẹp ống sống
Hẹp ống sống là khi cột sống bị thu hẹp lại, gây áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh cột sống.
Hẹp ống sống thường gặp nhất là do thoái hóa các đĩa đệm giữa các đốt sống. Kết quả là chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống bởi các gai xương hoặc các mô mềm như đĩa đệm.
Áp lực lên các dây thần kinh cột sống gây ra các triệu chứng như:
- Tê bì
- Chuột rút
- Yếu cơ
Bạn có thể cảm nhận thấy những triệu chứng này ở bất cứ đâu trên cơ thể. Nhiều người bị hẹp ống sống thấy các triệu chứng của họ xấu đi khi đứng hoặc đi bộ.
Cột sống cong bất thường
Vẹo cột sống, gù cột sống hay ưỡn cột sống là tất cả các tình trạng gây ra cột sống cong bất thường.
Đây là những tình trạng bẩm sinh thường được chẩn đoán lần đầu trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Cột sống cong bất thường gây ra đau đớn và tư thế sai vì nó tạo áp lực lên:
- Cơ bắp
- Gân
- Dây chằng
- Đốt sống
Các nguyên nhân khác
Có một số bệnh lý khác gây ra đau thắt lưng. Các nguyên nhân đó bao gồm:
- Viêm khớp
- Đau cơ xơ hóa là tình trạng đau và nhức lâu dài ở khớp, cơ và gân.
- Viêm cột sống dính khớp
- Thoái hóa đốt sống là một rối loạn có thể gây mất cấu trúc và chức năng bình thường của cột sống. Mặc dù lão hóa là nguyên nhân chính của tình trạng này nhưng vị trí và tốc độ thoái hóa của mỗi người là khác nhau.
Các nguyên nhân bổ sung khác có thể gây ra đau thắt lưng bao gồm:
- Các vấn đề về thận và bàng quang
- Mang thai
- Lạc nội mạc tử cung
- U nang buồng trứng
- U xơ tử cung
- Ung thư
Làm thế nào để chẩn đoán đau thắt lưng?
Bác sĩ của bạn có thể sẽ bắt đầu khám bằng cách khai thác bệnh sử đầy đủ và tiến hành kiểm tra thể chất kỹ lưỡng để xác định vị trí đau. Khám sức khỏe cũng có thể xác định xem cơn đau có ảnh hưởng đến phạm vi vận động của bạn hay không.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra phản xạ và phản ứng của bạn với một số cảm giác nhất định. Điều này giúp xác định xem cơn đau thắt lưng của bạn có đang ảnh hưởng đến thần kinh hay không.
Trừ khi bạn có các triệu chứng liên quan đến suy giảm thần kinh, bác sĩ có thể sẽ theo dõi tình trạng của bạn trong vài tuần trước khi chỉ định xét nghiệm chuyên sâu. Đó là do hầu hết các cơn đau thắt lưng đều tự khỏi bằng các phương pháp điều trị tự chăm sóc đơn giản.
Một số triệu chứng nhất định cần phải kiểm tra thêm là:
- Đại tiện không tự chủ
- Liệt
- Sốt
- Sút cân
Tương tự như vậy, nếu cơn đau thắt lưng của bạn vẫn tiếp tục sau khi điều trị tại nhà, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung.
Đi khám ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này ngoài đau thắt lưng.
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm và chụp cộng hưởng tử (MRI) có thể cần thiết để bác sĩ có thể kiểm tra:
- Vấn đề về xương
- Vấn đề về đĩa đệm
- Các vấn đề với dây chằng và gân ở lưng
Nếu bác sĩ nghi ngờ có vấn đề về sức mạnh của xương cột sống, họ có thể yêu cầu chụp cắt lớp xương hoặc kiểm tra mật độ xương. Điện cơ (Electromyography - EMG) hoặc các xét nghiệm dẫn truyền thần kinh có thể giúp xác định bất kỳ vấn đề nào liên quan với dây thần kinh.
Các lựa chọn điều trị cho chứng đau thắt lưng
Chăm sóc tại nhà
Các phương pháp tự chăm sóc sẽ hữu ích trong 72 giờ đầu tiên sau khi cơn đau bắt đầu. Nếu cơn đau không cải thiện sau 72 giờ điều trị tại nhà, bạn nên đi khám bác sĩ.
Ngừng các hoạt động thể chất bình thường của bạn trong vài ngày và chườm đá vào thắt lưng. Các bác sĩ thường khuyên bạn nên chườm đá trong 48 đến 72 giờ đầu tiên, sau đó chuyển sang chườm ấm.
Luân phiên chườm đá và chườm ấm để thư giãn các cơ. Hướng dẫn RICE được khuyến cáo trong vòng 48 giờ đầu tiên bao gồm nghỉ ngơi (rest), chườm đá (ice), băng ép (compression) và nâng lên (elevation)
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, hoặc paracetamol (Panadol) để giảm đau.
Đôi khi nằm ngửa gây khó chịu hơn. Nếu vậy, hãy thử nằm nghiêng co gối và kê một chiếc gối giữa hai chân. Nếu bạn có thể nằm ngửa thoải mái, hãy đặt một chiếc gối hoặc khăn cuộn bên dưới đùi để giảm áp lực lên lưng dưới.
Tắm nước ấm hoặc mát-xa có thể giúp thư giãn các cơ bị cứng và co thắt ở lưng.
Điều trị chuyên sâu
Đau thắt lưng có thể xảy ra với một số tình trạng khác nhau, đó là:
- Căng cơ và yếu
- Dây thần kinh bị chèn ép
- Lệch cột sống
Các phương pháp điều trị chuyên sâu có thể thực hiện gồm:
- Dùng thuốc
- Dùng thiết bị y tế
- Vật lý trị liệu
Bác sĩ sẽ xác định liều lượng và cách áp dụng thuốc cũng như loại thuốc phù hợp dựa trên các triệu chứng của bạn.
Một số loại thuốc mà bác sĩ có thể kê đơn là:
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc gây mê như codeine để giảm đau
- Steroid để giảm viêm
- Tiêm corticosteroid
Bác sĩ cũng có thể chỉ định liệu pháp vật lý trị liệu, bao gồm:
- Mát xa
- Kéo giãn
- Bài tập củng cố
- Thao tác lưng và cột sống
Chỉ định phẫu thuật
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là cần thiết. Phẫu thuật thường là một lựa chọn khi tất cả các phương pháp điều trị khác đều thất bại. Tuy nhiên, nếu đi ngoài hoặc đi tiểu không tự chủ hoặc suy giảm thần kinh tiến triển, phẫu thuật là một lựa chọn khẩn cấp.
- Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm (discectomy) sẽ loại bỏ áp lực chèn ép vào rễ thần kinh ép bởi đĩa đệm hoặc mảnh xương. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một mảnh nhỏ của lớp bao đĩa đệm hoặc một phần xương của ống sống.
- Phẫu thuật mở rộng lỗ liên hợp (foraminotomy) là phẫu thuật mở rộng lỗ xương trong ống cột sống - nơi các rễ thần kinh đi ra khỏi ống sống.
- Phương pháp nhiệt điện nội đĩa (IDET - Intradiscal electrothermal therapy) được tiến hành bằng cách đưa kim qua ống thông vào đĩa đệm và làm nóng trong 20 phút. Nó làm cho bao đĩa đệm dày hơn và giảm sự phồng lên của đĩa đệm từ bên trong và giảm kích thích dây thần kinh.
- Tạo hình nhân nhầy đĩa đệm (nucleoplasty) sử dụng một thiết bị như cái đũa được đưa vào đĩa đệm thông qua cây kim. Nó có thể loại bỏ mô bên trong đĩa đệm bằng năng lượng nhiệt từ sóng radio.
- Triệt đốt các dẫn truyền thông qua năng lượng từ sóng radio (Radiofrequency lesioning or ablation) là một cách sử dụng sóng radio để làm gián đoạn dẫn truyền của các dây thần kinh. Một bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn một cây kim đặc biệt vào các dây thần kinh và làm nóng nó, nó sẽ phá hủy các dây thần kinh.
- Nối đốt sống (Spinal fusion) làm cho cột sống khỏe hơn và giảm bớt các chuyển động đau đớn. Phẫu thuật này loại bỏ các đĩa đệm giữa hai hoặc nhiều đốt sống. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật nối các đốt sống cạnh nhau bằng ghép xương hoặc vít kim loại đặc biệt.
Phẫu thuật cắt cung sau cột sống (spinal laminectomy) còn được gọi là phẫu thuật giải nén cột sống, loại bỏ lớp màng để làm cho kích thước của ống sống lớn hơn. Do đó làm giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh.
Làm thế nào để thể ngăn ngừa đau thắt lưng?
Có nhiều cách để ngăn ngừa chứng đau thắt lưng. Thực hành các kỹ thuật phòng ngừa cũng có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nếu bạn bị chấn thương ở thắt lưng
Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Tập các cơ ở bụng và lưng
- Giảm cân nếu bạn thừa cân
- Nâng đồ đúng cách bằng cách uốn cong ở đầu gối và nâng bằng chân
- Duy trì tư thế thích hợp
Bạn cũng nên:
- Ngủ trên một bề mặt vững chắc
- Ngồi trên những chiếc ghế hỗ trợ có chiều cao phù hợp
- Tránh giày cao gót
- Bỏ thuốc lá nếu bạn hút thuốc
Nicotine gây thoái hóa đĩa đệm cột sống và cũng làm giảm lưu lượng máu.
Trao đổi với bác sĩ về cơn đau thắt lưng của bạn. Họ có thể chẩn đoán nguyên nhân và giúp bạn lập một kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Xem thêm: