Ho có thể gây cảm giác khó chịu, đặc biệt khi bạn cảm thấy không khỏe. Thêm vào đó, nó có thể làm bạn hết năng lượng, khiến bạn thậm chí còn cảm thấy yếu hơn.
Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện các bước để làm dịu đường thở và làm dịu cơn ho. Một trong những cách chữa ho đơn giản và tốt nhất tại nhà là uống một số loại trà nóng. Vậy, bạn nên thử những loại trà nào?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn bảy loại trà mà theo nghiên cứu, có tác dụng tốt nhất để làm dịu cơn ho của bạn.
Ích lợi của trà với cơn ho
Uống trà khi bị ho có thể mang lại một số ích lợi, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Điều này bao gồm các tác dụng:
- Làm dịu cổ họng. Hơi ấm của một tách trà có thể giúp làm dịu cổ họng bị rát hoặc đau do ho.
- Làm loãng đờm. Các chất lỏng ấm như trà có thể giúp làm loãng hoặc long đờm. Điều này có thể giúp bạn dễ dàng ho ra đờm.
- Các lợi ích sức khỏe khác. Các thành phần tự nhiên trong trà có thể có những lợi ích cụ thể riêng. Chúng có thể bao gồm những thứ như đặc tính chống viêm hoặc kháng khuẩn.
Dựa trên các bằng chứng khoa học, bảy loại trà sau đây có thể đặc biệt hữu ích để làm dịu cơn ho của bạn và các triệu chứng đi kèm với nó.
Trà mật ong
Bạn có thể đã nghe nói về việc sử dụng mật ong như một phương pháp trị liệu tự nhiên để giảm bớt các triệu chứng của cảm lạnh. Ngoài việc giúp làm dịu cơn đau họng, mật ong cũng có thể làm giảm các triệu chứng của ho một cách hiệu quả không kém.
Các nghiên cứu ở trẻ em đã phát hiện ra mật ong rất hiệu quả trong việc giảm ho vào ban đêm và cải thiện giấc ngủ. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2007 thậm chí còn cho thấy mật ong còn hiệu quả hơn Dextromethorphan, một loại thuốc ho, trong việc giảm các triệu chứng ho.
Lưu ý không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong. Điều này là do nguy cơ nhiễm độc Botulism ở trẻ sơ sinh, một dạng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.
Cách làm trà mật ong
Bạn có thể pha trà chanh mật ong bằng cách cho 1 thìa mật ong và 1 thìa nước cốt chanh vào 1 cốc nước đun sôi. Nếu có thể, hãy cố gắng sử dụng mật ong thô, hữu cơ. Có nhiều loại mật ong khác nhau có thể được mua tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng y tế hoặc thậm chí trực tuyến.
Trà rễ cam thảo
Rễ cam thảo từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền cho nhiều bệnh lý, bao gồm ho, nhiễm trùng và các vấn đề tiêu hóa.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cam thảo có thể có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của một số loài vi khuẩn, nấm và thậm chí một số loại vi rút. Nó còn có thể có cả đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.
Ngoài ra, một nghiên cứu trên chuột cho thấy các thành phần trong cam thảo có thể làm giảm tần suất ho từ 30 đến 78%. Nghiên cứu cũng cho thấy các hợp chất trong cam thảo có thể hoạt động như chất long đờm, giúp làm lỏng chất nhầy.
Phụ nữ có thai nên tránh dùng rễ cam thảo. Ngoài ra, hãy nhớ rằng sử dụng một lượng lớn rễ cam thảo có thể gây ra huyết áp cao hoặc giảm nồng độ kali.
Cách làm trà rễ cam thảo
Nếu muốn tự pha trà rễ cam thảo, bạn có thể làm như sau:
- Từ rễ cam thảo khô: Thêm 1 thìa rễ cam thảo cắt nhỏ vào 1 cốc nước. Mang nước đi nấu sôi. Đun sôi trong khoảng 10 phút, để nguội trong vài phút nữa. Lọc trước khi sử dụng.
- Từ trà pha sẵn: Bạn có thể mua trà rễ cam thảo ở cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng y tế địa phương. Bạn cũng có thể tìm thấy nó qua mạng online. Hãy chắc chắn làm theo hướng dẫn của sản phẩm để pha trà.
Trà gừng
Gừng không chỉ là một nguyên liệu phổ biến trong nhiều món ăn và đồ uống mà còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Gừng thường được sử dụng như một phương thuốc cho một số bệnh lý khác nhau, bao gồm cả bệnh hen suyễn, buồn nôn và viêm khớp.
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng gừng có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Điều này có thể giúp làm dịu cổ họng và đường thở bị kích thích do ho. Một lý do khác mà gừng có thể hữu ích cho cơn ho là vì nó có các thành phần có thể làm giãn cơ trơn đường hô hấp. Hơn hết, theo một nghiên cứu trên động vật năm 2016, chiết xuất gừng được phát hiện có khả năng ức chế đáng kể cơn ho ở chuột lang. Sử dụng quá nhiều gừng có thể có các tác dụng phụ như khó chịu ở bụng, ợ chua và tiêu chảy. Nó cũng có thể tương tác với các loại thuốc chống đông máu.
Cách pha trà gừng: Bạn có thể pha trà gừng bằng gừng tươi hoặc trà pha sẵn:
- Từ gừng tươi: Gọt vỏ và cắt lát mỏng 3 miếng gừng, cho vào 4 cốc nước sôi. Đun sôi trong khoảng 15 phút và lọc trước khi uống.
- Từ trà gừng: Có nhiều loại trà gừng khác nhau có thể mua tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng y tế hoặc trực tuyến. Làm theo hướng dẫn trên sản phẩm để pha trà.
Trà rễ cây thục quỳ
Rễ cây thục quỳ ( Marshmallow) đã được sử dụng trong y học thảo dược trong nhiều thế kỷ để giảm ho, cảm lạnh và các vấn đề về da. Mặc dù có cùng tên nhưng nó không còn được sử dụng trong kẹo dẻo Marshmallow mà chúng ta thường ăn như đồ ăn vặt nữa.
Rễ cây thục quỳ hoạt động như một loại enzyme giúp làm lỏng chất nhầy và ức chế vi khuẩn. Theo một nghiên cứu năm 2009 trên chuột lang, rễ cây có khả năng ức chế cơn ho.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2005 cho thấy giảm các triệu chứng ho ở những người sử dụng xi-rô ho có chứa hỗn hợp cây thục quỳ, cây thường xuân, cỏ xạ hương và cây hồi.
Rễ thục quỳ có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ của các thuốc dùng bằng đường uống. Tốt nhất là sử dụng rễ cây thục quỳ vài giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc uống.
Cách làm: Nếu muốn pha trà từ rễ cây thục quỳ, bạn có thể làm theo các cách sau:
- Từ rễ thục quỳ rời: Khuấy 1 muỗng canh rễ cây vào 1/2 cốc nước. Đậy nắp và để ngâm từ 6 đến 8 giờ. Lọc trước khi uống. Không giống như các loại trà khác, tốt nhất nên uống trà rễ thục quỳ ở nhiệt độ phòng để có được hiệu quả tốt nhất đối với triệu chứng ho.
- Từ trà pha sẵn: Một số loại trà rễ thục quỳ pha sẵn có thể được tìm thấy trong các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thực phẩm cho sức khỏe, hoặc trực tuyến. Hãy chắc chắn làm theo các hướng dẫn đính kèm trên sản phẩm.
Trà xanh
Trà xanh từ lâu đã được sử dụng như một loại nước giải khát. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng cho nhiều mục đích y học, từ giảm cân, đau đầu đến cải thiện sự tỉnh táo. Một nghiên cứu đã khảo sát việc súc miệng bằng trà xanh sau một thủ thuật phẫu thuật yêu cầu đặt nội khí quản. Người ta phát hiện ra rằng mặc dù trà xanh không giúp chữa khản giọng nhưng nó làm giảm ho. Trà xanh cũng có thể có hiệu quả trong việc ức chế vi khuẩn. Trong khi các nghiên cứu đang diễn ra, hoạt động kháng khuẩn, như của trà xanh, có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của một số loại vi khuẩn, vi rút hoặc nấm.
Trà xanh thường an toàn khi uống với lượng vừa phải. Nó có chứa caffeine, có thể khiến bạn cảm thấy bồn chồn hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn nếu nó được sử dụng gần giờ đi ngủ.
Cách pha trà xanh: Có một số cách để pha trà xanh:
- Từ lá: Đun sôi 1 cốc nước. Để nguội trong khoảng 1 phút. Hầm 1 thìa lá trà xanh trong khoảng 3 đến 5 phút. Lọc trước khi uống.
- Từ bột: Đun sôi 1 cốc nước. Để nguội trong khoảng 1 phút. Ngâm 1 1/2 thìa cà phê bột trà xanh trong nước khoảng 3 phút. Lọc trước khi uống.
- Từ trà pha sẵn: Nhiều loại trà xanh pha sẵn có sẵn trong các cửa hàng hoặc trực tuyến. Làm theo hướng dẫn trên sản phẩm để pha trà.
Trà cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương là một loại thảo mộc thường được sử dụng làm gia vị trong quá trình nấu nướng. Nó cũng có hoạt tính kháng khuẩn và có thể có lợi cho việc điều trị ho. Một nghiên cứu năm 2006 đã điều tra chiết xuất từ cỏ xạ hương và cây thường xuân ở những người bị viêm phế quản. Chất chiết xuất được tìm thấy làm giảm các cơn ho khi so sánh với giả dược. Nếu bạn bị dị ứng với cỏ xạ hương hoặc một loại gia vị liên quan, tránh uống trà cỏ xạ hương.
Cách làm: Để chế biến trà cỏ xạ hương, hãy làm theo các gợi ý dưới đây:
- Từ cỏ xạ hương tươi: Đổ 1/2 cốc nước sôi vào 3 nhánh cỏ xạ hương tươi, để ngâm trong khoảng 5 phút. Lọc trước khi uống.
- Từ trà pha sẵn: Mua trà cỏ xạ hương tại cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc hoặc trực tuyến và làm theo hướng dẫn của sản phẩm để pha trà.
Trà bạc hà Âu
Bạc hà Âu là một thành viên của giống cây bạc hà. Nó đã được sử dụng trong suốt lịch sử cho nhiều mục đích, bao gồm điều trị cảm lạnh thông thường, các vấn đề về tiêu hóa và đau đầu.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạc hà có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và giảm đau. Nếu bạn bị cảm lạnh, các đặc tính trong trà bạc hà cũng có thể giúp xoa dịu các xoang bị tắc và giúp bạn thở dễ dàng hơn.
Cách làm: Nếu bạn muốn pha trà bạc hà, hãy làm theo các bước sau:
- Từ lá tươi: Cho 15 lá bạc hà vào 2 cốc nước đun sôi, để nguội trong khoảng 5 phút. Lọc trước khi uống.
- Từ trà pha sẵn: Mua trà bạc hà tại cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc gần nhà hoặc trực tuyến. Pha trà theo đúng hướng dẫn sử dụng.
Các biện pháp giảm ho tại nhà khác
Ngoài việc uống trà, có một số cách khác bạn có thể giúp giảm cơn ho tại nhà. Ví dụ, bạn có thể:
- Uống các chất lỏng ấm khác. Có thể bao gồm nước dùng và súp.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc tắm nước nóng. Làm ẩm luồng không khí hít vào có thể giúp làm dịu đường thở bị kích thích và làm lỏng chất nhầy.
- Thử súc miệng bằng nước muối. Súc miệng bằng nước muối có thể giúp làm dịu cổ họng bị đau hoặc khó chịu do ho.
- Ngậm thuốc ho hoặc kẹo cứng. Tránh cho trẻ nhỏ uống những thứ này vì chúng có thể gây nghẹt thở.
- Cân nhắc các loại thuốc ho không cần kê đơn cho những cơn ho cấp tính. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng các loại thuốc này cho trẻ em dưới 6 tuổi, vì chúng có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Khi nào đến gặp bác sĩ
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị ho:
- Không biến mất sau 3 tuần
- Xuất hiện đờm có màu đặc hoặc màu vàng lục
- Kèm theo sốt hoặc khó thở
- Các dấu hiệu phù nề mắt cá chân hoặc chân.
Cần khám cấp cứu khi bị ho kèm các dấu hiệu sau:
- Có đờm có màu hồng hoặc máu
- Gây nghẹt thở hoặc nôn mửa
- Đi kèm với đau ngực, khó thở hoặc khó nuốt
- Bao gồm các triệu chứng khác như phù nề mặt hoặc phát ban
Những điểm cần nhớ
Một số loại trà có thể giúp làm dịu cơn ho và các triệu chứng đi kèm, tuy nhiên các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành. Những loại trà phổ biến bao gồm trà với mật ong, trà rễ cam thảo và trà gừng.
Nhiều cơn ho có thể tự khỏi. Dù vậy, bạn vẫn cần đi khám nếu cơn ho của bạn kéo dài hơn 3 tuần, bạn ho ra đờm xanh hoặc có các triệu chứng: sốt và khó thở.
Xem thêm :