Video Giải mã Hội chứng sương mù não sau COVID-19?
Chứng sương mù não kéo dài là một trong những triệu chứng thần kinh mà những người bị COVID-19 thường mắc phải. Trong một số trường hợp, sương mù não, hoặc rối loạn chức năng nhận thức, có thể kéo dài nhiều tháng sau khi đã khỏi bệnh.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn tại sao COVID-19 gây ra chứng sương mù não ở một số người, mức độ phổ biến của nó và khi nào cần điều trị những vấn đề thần kinh này.
Sương mù não do COVID-19 là gì?
Sương mù não không phải là một bệnh, nó là một thuật ngữ chung mô tả cảm giác tinh thần mệt mỏi, kém tập trung hoặc thiếu minh mẫn.
Các triệu chứng của sương mù não có thể bao gồm:
- Suy giảm trí nhớ
- Thiếu minh mẫn
- Kém tập trung
- Đau đầu
- Lơ mơ
Hầu hết mọi người vẫn thỉnh thoảng trải qua hiện tượng sương mù não. Bạn có thể cảm thấy tinh thần mệt mỏi sau một đêm mất ngủ hoặc sau một giai đoạn căng thẳng.
Một số người cho biết tình trạng sương mù não vẫn kéo dài vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi các triệu chứng của COVID-19 đã khỏi hẳn.
Tại sao COVID-19 gây ra sương mù não
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng sương mù não ở những người đã khỏi COVID-19. Họ cho rằng yếu tố sinh lý và tâm lý có thể đóng một vai trò nhất định.
Chủng virus Corona mới gây ra COVID-19, được gọi là SARS-CoV-2, thường lây lan qua tiếp xúc gần với những người đã nhiễm bệnh. Virus từ giọt bắn nhiễm bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường mắt, mũi và miệng.
Khi đã ở trong cơ thể, virus Corona sẽ xâm nhập vào các tế bào thông qua thụ thể ACE2. Virus này xâm nhập vào thần kinh, có nghĩa là nó có thể xâm nhập vào mô não của bạn.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số người nhiễm COVID-19 tiến triển những biến chứng như thay đổi ý thức hoặc bệnh não. Bệnh não là một thuật ngữ chung để chỉ những tổn thương hoặc bệnh lý ở não.
Một nghiên cứu từ tháng 1 năm 2021 cho thấy có sự gia tăng nồng độ cytokine trong dịch não tủy vài tuần sau khi họ nhiễm COVID-19. Cytokine là các protein được sản xuất bởi hệ miễn dịch của bạn giúp thúc đẩy quá trình viêm.
Tình trạng viêm trong não làm cản trở sự dẫn truyền của các tế bào thần kinh. Đây có thể là một trong những yếu tố góp phần gây ra tình trạng sương mù não.
Các nhà khoa học cũng đã xác định được những thay đổi vi cấu trúc trong hồi hải mã và các khu vực khác của não sau COVID-19. Họ tin rằng những thay đổi này cũng có thể góp phần làm suy giảm nhận thức.
Các yếu tố khác có thể gây ra sương mù não
Như đã đề cập ở trên, tình trạng viêm ở não có thể góp phần gây ra tình trạng sương mù não. Tuy nhiên, có những cách khác mà COVID-19 gián tiếp gây ra sương mù não.
Một số yếu tố thuận lợi khác bao gồm:
- Chất lượng giấc ngủ kém
- Cảm giác cô đơn
- Lo lắng
- Căng thẳng
- Thay đổi chế độ ăn uống
- Ít vận động
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Mức độ phổ biến của tình trạng này
Các nhà khoa học vẫn đang làm việc để tìm hiểu mức độ phổ biến của chứng sương mù não ở những người đã có COVID-19.
Một phân tích gần đây cho thấy từ 7,5 đến 31% số người trải qua trạng thái tinh thần bị thay đổi như một triệu chứng của COVID-19. Tuy nhiên, ước tính này dựa trên các nghiên cứu nhỏ và có thể không áp dụng được cho dân số lớn hơn.
Một nghiên cứu gần đây khác báo cáo rằng các triệu chứng thần kinh có thể gặp nhiều hơn dự tính ban đầu và có thể xảy ra ở 69% những người đã bị bệnh nặng với COVID-19.
Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ lý do tại sao một số người phát triển chứng sương mù não và những người khác thì không. Những người mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng dường như có nguy cơ phát triển các triệu chứng thần kinh cao hơn những người bị bệnh nhẹ.
Các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến não như mê sảng, co giật, viêm não và các mô xung quanh thường gặp nhất ở những bệnh nhân nặng.
Nó thường kéo dài bao lâu?
Vẫn chưa có nhiều thông tin tình trạng sương mù não sẽ kéo dài bao lâu sau COVID-19. Một số người cho biết tình trạng sương mù não có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi các triệu chứng của COVID-19 đã hết.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 12 năm 2020 chỉ ra có khoảng 28% số người gặp tình trạng khó tập trung 100 ngày sau khi nhập viện vì nhiễm COVID-19.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong số 60 bệnh nhân hồi phục sau COVID-19, 55% vẫn còn các triệu chứng thần kinh sau 3 tháng sau khỏi bệnh. Các triệu chứng này bao gồm:
- Thay đổi tâm trạng
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Rối loạn thị giác
Điều trị sương mù não do COVID-19
Hiện tại, cách điều trị tốt nhất cho hiện tượng sương mù do COVID-19 gây ra là áp dụng những thói quen lành mạnh. Các mẹo sau đây có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe thần kinh nếu bạn đang gặp tình trạng sương mù não.
- Ngủ nhiều. Một giấc ngủ ngon có thể giúp cơ thể bạn hồi phục nhanh chóng.
- Tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất không chỉ có lợi cho tim và phổi mà còn là một cách tuyệt vời để cải thiện sức khỏe tinh thần.
- Ăn uống đầy đủ. Hãy áp dụng một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh để cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết.
- Hạn chế thuốc lá và rượu. Tránh xa các sản phẩm từ thuốc lá và rượu. Việc này có thể hạn chế tình trạng viêm trong não.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục xem xét lợi ích tiềm năng của steroid trong việc giảm viêm não và tăng cường sức khỏe thần kinh.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng thần kinh của bạn trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày hoặc nếu chúng không cải thiện sau một vài tuần.
Nếu bạn đã nhiễm COVID-19, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Khó thở
- Đau tức ngực liên tục
- Nhịp tim nhanh
- Lơ mơ
- Móng tay hoặc môi chuyển màu hơi xanh
Tổng kết
Một số người bị COVID-19 cho biết họ gặp hiện tượng sương mù não trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi các triệu chứng hô hấp đã không còn. Người ta cho rằng sự kết hợp của sự thay đổi sinh lý trong não và yếu tố tâm lý có thể góp phần gây ra tình trạng này.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu lý do tại sao một số người lại có các triệu chứng thần kinh do COVID-19 còn những người khác thì không. Nếu bạn đã nhiễm COVID-19 và có hiện tượng mệt mỏi về tinh thần, hãy đi khám ngay.
Xem thêm: