Ung thư bàng quang: Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của mô của bàng quang, bộ phận chứa nước tiểu. Theo Viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 45.000 nam giới và 17.000 nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang mỗi năm.

Video: Cảnh báo ung thư bàng quang | VTC14. 

Phân loại ung thư bàng quang

Có ba loại ung thư bàng quang:

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất. Ung thư xuất phát từ các tế bào chuyển tiếp ở lớp trong của bàng quang. Tế bào chuyển tiếp là tế bào không bị tổn thương khi thay đổi hình dạng do mô bị kéo giãn.

Ung thư tế bào biểu mô vảy

Ung thư tế bào biểu mô vảy là một loại ung thư hiếm gặp ở Hoa Kỳ. Ung thư xuất hiện khi các tế bào vảy mỏng, phẳng hình thành trong bàng quang sau một thời gian dài bị nhiễm trùng hoặc bị kích thích trong bàng quang.

Ung thư biểu mô tuyến

Ung thư biểu mô tuyến cũng là một loại ung thư hiếm gặp ở Hoa Kỳ. Bệnh bắt đầu khi các tế bào tuyến hình thành sau khi bàng quang bị kích thích và viêm nhiễm trong thời gian dài. Tế bào tuyến giúp tạo nên các tuyến tiết chất nhầy trong cơ thể.

Triệu chứng của ung thư bàng quang 

Nhiều người bị ung thư bàng quang có thể bị tiểu ra máu nhưng không thấy đau khi đi tiểu. Có một số triệu chứng có thể chỉ ra ung thư bàng quang như mệt mỏi, sụt cân và đau xương, và những triệu chứng này cho thấy bệnh tiến triển nặng hơn. Các triệu chứng cần chú ý như:

  • Máu trong nước tiểu
  • Đi tiểu đau
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Đi tiểu gấp
  • Tiểu không tự chủ
  • Đau bụng
  • Đau ở lưng dưới

Nguyên nhân ung thư bàng quang

Nguyên nhân chính xác của ung thư bàng quang vẫn chưa được biết rõ. Ung thư xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển và nhân lên nhanh chóng và không thể kiểm soát, xâm lấn các mô khác.

Đối tượng có nguy cơ bị ung thư bàng quang

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh ung thư bàng quang ở 50%  nam giới và nữ giới. Các yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang:

  • Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư
  • Nhiễm trùng bàng quang mãn tính
  • Bổ sung ít dịch
  • Nam giới
  • Da trắng
  • Lớn tuổi, vì phần lớn các trường hợp ung thư bàng quang xảy ra ở độ tuổi lớn hơn 55
  • Chế độ ăn nhiều chất béo
  • Có tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang
  • Tiền sử điều trị thuốc hóa trị như cytoxan
  • Tiền sử xạ trị để điều trị ung thư ở vùng chậu

Chẩn đoán ung thư bàng quang

Bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư bàng quang bằng một hoặc nhiều phương pháp sau:

  • Phân tích nước tiểu
  • Khám hệ tiết niệu, bác sĩ đưa ngón tay đeo găng tay vào âm đạo hoặc trực tràng để phát hiện các cục u, sự phát triển của ung thư
  • Nội soi bàng quang, bác sĩ đưa một ống hẹp có gắn camera nhỏ qua niệu đạo để đánh giá bên trong bàng quang 
  • Sinh thiết: bác sĩ đưa một thiết bị nhỏ qua niệu đạo và lấy một mẫu mô nhỏ từ bàng quang để xét nghiệm 
  • Chụp CT bàng quang
  • Chụp Xquang tiết niệu bằng đường tĩnh mạch hay chụp thận tĩnh mạch (IVP)
  • Chụp Xquang

Bác sĩ có thể đánh giá ung thư bàng quang bằng một hệ thống phân giai đoạn từ 0 đến 4 để xác định mức độ di căn của ung thư. Các giai đoạn của ung thư bàng quang được định nghĩa như sau:

  • Ung thư bàng quang giai đoạn 0 chưa di căn qua niêm mạc bàng quang.
  • Ung thư bàng quang giai đoạn 1 đã lan qua lớp niêm mạc của bàng quang, nhưng chưa đến lớp cơ trong bàng quang.
  • Ung thư bàng quang giai đoạn 2 đã lan đến lớp cơ trong bàng quang.
  • Giai đoạn 3 ung thư bàng quang đã lan vào các mô bao quanh bàng quang.
  • Ung thư bàng quang giai đoạn 4 đã di căn qua bàng quang đến các vùng lân cận của cơ thể.

Điều trị ung thư bàng quang 

Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn để quyết định phương pháp điều trị dựa vào loại và giai đoạn của ung thư bàng quang, các triệu chứng và tình trạng sức khỏe chung.

Điều trị ung thư giai đoạn 0 và giai đoạn 1

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 0 và giai đoạn 1 có thể bao gồm phẫu thuật loại bỏ khối u, hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch, như dùng thuốc làm cho hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào ung thư.

Điều trị ung thư giai đoạn 2 và giai đoạn 3

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 2 và giai đoạn 3 có thể bao gồm:

  • Cắt một phần bàng quang và hóa trị liệu
  • Cắt toàn bộ bàng quang, là một phương pháp cắt bỏ u nang triệt để, sau đó là phẫu thuật để tạo hình bàng quang cho nước tiểu được bài xuất
  • Hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch có thể thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật, để điều trị ung thư khi không phẫu thuật được, để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật hoặc ngăn ngừa ung thư tái phát

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 4

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 4:

  • Hóa trị mà không cần phẫu thuật để giảm các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ
  • Cắt u nang tận gốc và bóc các hạch bạch huyết xung quanh, sau đó là phẫu thuật tạo hình bàng quang để nước tiểu được bài xuất
  • Hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc để giảm các triệu chứng và kéo dài sự sống
  • Thuốc thử nghiệm lâm sàng

Tiên lượng ung thư bàng quang

Tiên lượng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả loại và giai đoạn ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm theo từng giai đoạn như sau:

  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 0 là khoảng 98%.
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 1 là khoảng 88 phần trăm.
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 2 là khoảng 63%.
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 3 là khoảng 46%.
  • Tỷ lệ sống sót sau 5   năm của những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 4 là khoảng 15%.

Các giai đoạn ung thư đều có phương pháp điều trị. Ngoài ra, tỷ lệ sống không phải lúc nào cũng thể hiện toàn bộ tiên lượng và không thể dự đoán tương lai của người bệnh. Trao đổi với bác sĩ về bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào có liên quan đến chẩn đoán và điều trị.

Phòng ngừa

Nguyên nhân gây ra ung thư bàng quang chưa rõ ràng, nên có thể không thể ngăn ngừa được trong mọi trường hợp. Các yếu tố và hành vi sau đây có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang:

  • Không hút thuốc
  • Tránh khói thuốc lá thụ động
  • Tránh các hóa chất gây ung thư khác
  • Uống nhiều nước

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!