Tuyến yên: Giải phẫu, chức năng và các bệnh lý thường gặp

Tuyến yên là một cơ quan quan trọng có kích thước bằng hạt đậu. Khi tuyến yên hoạt động bất thường sẽ gây ảnh hưởng đến các bộ phận quan trọng như não, da, năng lượng, tâm trạng, cơ quan sinh sản, thị lực, tăng trưởng và một số cơ quan khác. Đó là tuyến chủ đạo vì nó chi phối hoạt động của các tuyến khác tiết ra hooc môn.

Tuyến yên là gì?

Video: Tuyến yên nằm ở đâu và vai trò tiets ra hormone tăng trưởng

Tuyến yên là một tuyến nội tiết có kích thước bằng hạt đậu, nằm ở nền sọ, phía sau sống mũi và ngay dưới vùng dưới đồi. Tuyến yên nằm trong hố tuyến yên hay gọi là hõm yên. Tuyến yên là một trong 8 tuyến nội tiết chính có liên quan đến nhau:

  • Tuyến tùng.
  • Tuyến yên.
  • Tuyến giáp.
  • Tuyến ức.
  • Tuyến thượng thận.
  • Tuyến tụy.
  • Buồng trứng (nữ giới).
  • Tnh hoàn (nam giới).

Tuyến yên thường được gọi là “tuyến chủ đạo” bởi vì nó không chỉ tiết ra các hooc môn mà còn kiểm soát các tuyến nội tiết khác sản xuất hooc môn.

Tuyến yên được chia thành hai phần chính: thùy trước và thùy sau. Mạch máu và dây thần kinh liên kết vùng dưới đồi và tuyến yên. Qua đó, vùng dưới đồi liên lạc với thùy trước qua các hooc môn và thùy sau thông qua các xung thần kinh.

Vùng dưới đồi, nằm trên tuyến yên, là trung tâm điều khiển một số hoạt động cơ bản của cơ thể sống. Vùng dưới đồi gửi tín hiệu đến hệ thần kinh tự chủ, điều hòa huyết áp, nhịp tim, hô hấp, nhiệt độ cơ thể, chu kỳ ngủ - thức và tiêu hóa. Vùng dưới đồi cũng chi phối tuyến yên để sản xuất và giải phóng các hooc môn.

Chức năng của tuyến yên

Tuyến yên là các cơ quan tiết ra hooc môn - “tín hiệu hóa học” của cơ thể - đi vào máu và đến các tế bào, chi phối hoạt động của tế bào. Các hooc môn chính được sản xuất bởi tuyến yên là:

  • ACTH: hooc môn vỏ thượng thận, kích thích sản xuất cortisol, một “hooc môn căng thẳng” duy trì huyết áp và đường huyết.
  • FSH: hooc môn kích thích nang trứng, thúc đẩy sản xuất tinh trùng và kích thích buồng trứng sản xuất estrogen.
  • LH: hooc môn tạo hoàng thể, kích thích rụng trứng ở phụ nữ và sản xuất testosterone ở nam giới.
  • GH: hooc môn tăng trưởng, giúp duy trì cơ và xương khỏe mạnh và kiểm soát sự phân bố mỡ.
  • PRL: Prolactin, gây bài tiết sữa ở phụ nữ sau khi sinh. Prolactin cũng ảnh hưởng đến các hooc môn kiểm soát buồng trứng và tinh hoàn, có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt, chức năng tình dục và khả năng sinh sản.
  • TSH: hooc môn kích thích tuyến giáp, điều hòa sự trao đổi chất, năng lượng và hệ thần kinh.
  • Oxytocin: Giúp quá trình chuyển dạ tiến triển, tiết sữa, ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ, cho con bú, hành vi và tương tác xã hội và sự gắn bó giữa mẹ và con.
  • ADH: Hormone chống bài niệu hay vasopressin. Điều hòa cân bằng nước và nồng độ natri.

Các hooc môn được bài tiết không liên tục. Sự bài tiết hooc môn xảy ra từng đợt, trong khoảng 1-3 giờ và xen kẽ giữa các giai đoạn hoạt động và giai đoạn không hoạt động.

Rối loạn hoạt động tuyến yên

Xem chi tiết: Rối loạn hoạt động tuyến yên: Nguyên nhân, phân loại và dấu hiệu nhận biết

Tuyến yên đóng một vai trò rất quan trọng, trường hợp sản xuất quá mức hooc môn (cường tuyến yên) hoặc sản xuất ít hooc môn (suy tuyến yên) cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản xuất quá mức hoặc giảm sản xuất có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, tăng trưởng, huyết áp, chức năng tình dục và hơn thế nữa.

Rối loạn hoạt động tuyến yên xảy ra có thể là do khối u - sự phát triển bất thường của tế bào tuyến yên. Các chuyên gia nội tiết xác định rằng có khoảng 1/5 người có u trong tuyến yên (16% đến 20% dân số). Rất may, các khối u thường lành tính, không phải là ung thư. Ung thư tuyến yên hiếm khi xảy ra. Đôi khi khối u tuyến yên có thể xuất hiện nhiều năm, mang tính chất lành tính và không gây ra triệu chứng gì.

Có hai loại khối u: hoạt động và không hoạt động. Khối u hoạt động sẽ tự sản xuất ra các hooc môn, còn khối u không hoạt động thì không. Trong đó, u không hoạt động phổ biến hơn.

Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết, chuyên gia về tuyến yên nếu phát hiện khối u. Bạn cũng có thể cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ phẫu thuật thần kinh.

Triệu chứng của u tuyến yên

Có nhiều triệu chứng có thể gợi ý u tuyến yên. Nếu khối u đang gây tăng áp lực nội sọ có thể có các triệu chứng:

  • Đau đầu.
  • Các vấn đề về thị lực (bao gồm cả vấn đề với thị lực ngoại vi).

Nếu tuyến yên không sản xuất đủ hooc môn, các triệu chứng có thể gặp:

  • Mệt mỏi.
  • Chóng mặt.
  • Da khô.
  • Kinh nguyệt không đều (phụ nữ).
  • Các triệu chứng tình dục (nam giới).

Các triệu chứng khác như:

  • Thay đổi tâm trạng.
  • Cáu gắt.
  • Yếu cơ.
  • Trầm cảm.
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
  • Rối loạn cương dương.
  • Vô sinh.
  • Vú phát triển bất thường.
  • Tiết sữa bất thường.

Một số bệnh lý tuyến yên:

  • Suy tuyến yên: Suy tuyến yên là khi tuyến yên không sản xuất đủ hooc môn.
  • Bệnh to đầu chi (Bệnh khổng lồ): Bệnh to đầu chi là một chứng rối loạn rất hiếm gặp, tuyến yên sản xuất quá nhiều hooc môn tăng trưởng (GH).
  • Bệnh đái tháo nhạt: Đây là một chứng rối loạn do vasopressin, hooc môn chống bài niệu (ADH). Khi đó thận không giữ nước, dẫn đến đi tiểu nhiều hơn và tăng cảm giác khát.
  • Suy sinh dục: Còn được gọi là thiếu hụt testosterone, tình trạng này là do tinh hoàn không sản xuất testosterone và / hoặc tinh trùng.
  • U tiết prolactin: Đây là một loại khối u khiến tuyến yên sản xuất quá nhiều hooc môn prolactin.
  • Vú tiết sữa: Vú tiết sữa là tình trạng nam giới hoặc phụ nữ tiết sữa khi không cho con bú.
  • Hội chứng Cushing: Tình trạng hiếm gặp này có thể xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều ACTH, kích thích tuyến thượng thận, tạo ra quá nhiều cortisol. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các mô trong cơ thể.
  • Hội chứng thiếu hụt GH ở người lớn: Các vấn đề do hội chứng này gây ra bao gồm thay đổi thành phần cơ thể do thay đổi chất béo và cơ, mức cholesterol xấu và thiếu năng lượng, hứng thú với các sở thích và hoạt động xã hội.
  • Hội chứng hố yên rỗng: Hố yên là cấu trúc xương bao quanh và bảo vệ tuyến yên. Hội chứng hố yên rỗng có nghĩa không có thành phần bên trong cấu trúc xương đó. Tuyến yên có thể phẳng, nhỏ hơn bình thường hoặc bị ấn vào trong do chấn thương.
  • Hội chứng Sheehan (suy tuyến yên sau sinh): Hội chứng Sheehan xảy ra khi sản phụ bị xuất huyết tử cung nghiêm trọng trong quá trình sinh nở. Mất máu nặng làm chết một số mô của tuyến yên.
  • U sọ não: U sọ não là một khối u hiếm gặp gây tăng áp lực vùng dưới đồi.
  • Đa u tuyến nội tiết (MEN): khối u hình thành ở nhiều tuyến nội tiết.
  • Viêm tuyến yên: Nguyên nhân viêm là do các tế bào miễn dịch.

Điều trị u tuyến yên

Xạ trị, thuốc và phẫu thuật là những phương pháp điều trị khối u tuyến yên.

  • Xạ trị - có thể được thực hiện trước phẫu thuật hoặc không phẫu thuật - sử dụng chùm tia X (dao Gamma hoặc dao Linac), thường kéo dài trong vài tuần.
  • Thuốc được sử dụng để giảm nồng độ hooc môn hoặc bổ sung khi nồng độ hooc môn thấp.
  • Phẫu thuật được gọi là phẫu thuật qua đường xương bướm trong đó bác sĩ phẫu thuật thần kinh rạch một đường bên trong lỗ mũi hoặc dưới môi trên. Người bệnh cần theo dõi sau mổ tại bệnh viện khoảng 5 ngày. Thời gian phục hồi khác nhau, có thể kéo dài 4-8 tuần. Khi đó, người bệnh cần phải theo dõi thường xuyên.

Các khối u tuyến yên có thể tái phát.

Tuyến yên ảnh hưởng đến các khu vực quan trọng của cơ thể. Nếu tuyến yên không hoạt động bình thường, da, não, cơ quan sinh sản, thị lực, tâm trạng, năng lượng, sự phát triển và nhiều cơ quan đều có thể bị ảnh hưởng. Cơ thể phụ thuộc vào các hooc môn mà tuyến yên sản xuất và giải phóng.

Đến gặp bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng gợi ý có thể nguyên nhân là do tuyến yên.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Một điều đáng mừng là u tuyến yên đa phần là các khối u lành tính, tức không phải là ung thư. U tuyến yên lành tính nên phát triển chậm và theo thời gian chúng chỉ ở trong phạm vi, giới hạn của của tuyến yến mà không xâm lấn đến những mô xung quanh.
Xem thêm
Tuyến yên là một tuyến nội tiết (sản xuất hormone). Đây là một phần quan trọng của một hệ thống tín hiệu đặc biệt, giúp điều hòa nhiều chức năng khác nhau của cơ thể. Tuyến yên nằm ở nền sọ, phía sau mũi, có kích thước bằng khoảng hạt đậu.
Xem thêm
U tuyến yên có nhiều loại nhưng có thể chia thành 2 nhóm chính: u tuyến yên tăng tiết và u tuyến yên không tăng tiết. Nhóm u tuyến yên tăng tiết là u tuyến yên xuất phát từ những tế bào tiết ra nội tiết tố. Nhóm u tuyến yên không tăng tiết là những u tuyến yên xuất phát từ những tế bào tuyến không tiết nội tiết tố.
Xem thêm
Suy tuyến yên, hay còn gọi là giảm hormone tuyến yên, là tình trạng tuyến yên hoạt động yếu đi và không sản sinh đủ hormone cần thiết.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Tuyến yên
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!