Video Tổng quan Bệnh lý "XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA"
Xuất huyết tiêu hóa thấp là chảy máu trong đường tiêu hoá từ phần dưới của tá tràng đến hậu môn bao gồm:
- Hầu hết ruột non
- Đại tràng
- Trực tràng
- Hậu môn
Xuất huyết tiêu hóa có thể cấp tính hoặc mãn tính. Chảy máu cấp tính có thể đột ngột và nghiêm trọng, trong khi chảy máu mãn tính xảy ra trong thời gian dài hơn và có thể gây ra các triệu chứng ít rõ ràng hơn.
Trong nhiều trường hợp, xuất huyết tiêu hóa thấp sẽ tự cầm. Nhưng nếu tình trạng chảy máu nhiều, dai dẳng hoặc tái phát có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Triệu chứng
Xuất huyết tiêu hóa thấp có thể gây ra một số triệu chứng đáng chú ý như:
- Máu đỏ tươi hoặc cục máu đông trong phân
- Đau quặn bụng
- Chóng mặt, thậm chí ngất xỉu
- Mệt mỏi hoặc kiệt sức không rõ nguyên nhân
- Da xanh niêm mạc nhợt
- Khó thở
Cần phân biệt với xuất huyết tiêu hóa cao thường gây ra các triệu chứng khác như: phân màu đen hoặc hắc ín, chất nôn có máu hoặc giống bã cà phê.
Nếu xuất huyết dữ dội, người bệnh có thể biểu hiện các triệu chứng của sốc mất máu như:
- Thiểu niệu hoặc vô niệu
- Mạch nhanh
- Tụt huyết áp
- Tay chân lạnh
Nhiều người bị xuất huyết tiêu hóa thấp mãn tính có thể không nhận thấy nhiều triệu chứng. Trong những trường hợp này, chỉ có thể phát hiện máu trong phân bằng xét nghiệm. Theo thời gian, xuất huyết tiêu hóa mãn tính có thể dẫn đến thiếu máu.
Dấu hiệu cần đi khám
Bất kỳ ai thấy máu trong phân hoặc nôn ra máu không rõ nguyên nhân cần đến khám tại cơ sở y tế.
Người bệnh bị chảy máu nhiều hoặc liên tục, hoặc có triệu chứng sốc như đã nêu trên, cần đưa đến ngay cơ sở cấp cứu gần nhất.
Nguyên nhân và cách điều trị
Bất kỳ yếu tố nào gây tổn thương đường tiêu hóa đều có thể gây chảy máu. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Trĩ và nứt kẽ hậu môn
Trĩ là tình trạng các tĩnh mạch quanh hậu môn hoặc trực tràng thấp bị viêm, phù nề, ứ trệ. Các tĩnh mạch này có thể biểu hiện dưới da hoặc trong niêm mạc của hậu môn, trực tràng thấp.
Ngoài ra, bệnh nứt kẽ hậu môn do những vết nứt hoặc vết rách kéo dài tại niêm mạc ống hậu môn cũng có thể gây xuất huyết tiêu hoá thấp.
Cả bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn đều phổ biến và có thể tự lành tùy mức độ. Người bệnh có thể theo dõi và chăm sóc tại nhà bằng cách:
- Ăn nhiều chất xơ
- Uống đủ nước
- Dùng thuốc làm mềm phân không kê đơn
- Tránh sao nhãng khi đi đại tiện
- Sử dụng khăn giấy ẩm thay cho giấy vệ sinh khô để giảm kích ứng
- Tắm trong bồn nước ấm
- Kem bôi điều trị trĩ không kê đơn nếu không đỡ sau 1 tuần, tốt nhất bạn nên khám bác sĩ
Nguyên nhân do thuốc
Một số thuốc chống đông máu có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Warfarin
- Pradaxa
- Eliquis (apixaban)
Các bác sĩ thường kê những loại thuốc này cho người bệnh bị rối loạn nhịp tim, có tiền sử huyết khối, rối loạn đông máu hoặc người bệnh sau đặt stent, thay van tim.
Nếu bạn đang dùng những thuốc này, hãy nói với các bác sĩ để họ có thể xác định xuất huyết tiêu hóa có phải do thuốc hay không và đưa ra hướng xử lý tốt nhất. Người bệnh không nên tự điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ vì điều này có thể gây nguy hiểm.
Viêm túi thừa và chảy máu túi thừa
Túi thừa là tình trạng một vùng thành đại tràng bị suy yếu và phình ra. Đôi khi, các mạch máu trong các túi này có thể bị tổn thương làm tăng nguy cơ chảy máu túi thừa.
Chảy máu túi thừa khác với viêm túi thừa. Viêm túi thừa xảy ra khi sỏi phân kẹt trong túi thừa, gây viêm nhưng không chảy máu. Hoặc hiếm khi viêm túi thừa xảy ra cùng với chảy máu.
Bệnh túi thừa ước tính chiếm khoảng 40% nguyên nhân của tất cả các trường hợp xuất huyết tiêu hóa thấp và thường không gây ra triệu chứng đáng chú ý nào ngoài máu đỏ trong phân.
Để điều trị bệnh túi thừa chảy máu, các bác sĩ tìm vị trí chảy máu bằng phương pháp nội soi, chụp mạch hoặc chụp CT và can thiệp ngay trong quá trình nội soi. Nếu không thể cầm máu bằng các phương pháp trên, người bệnh có thể phải cắt bỏ một đoạn đại tràng bao gồm phần túi thừa tổn thương.
Rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu hoặc bệnh đông máu là tình trạng khó hình thành cục máu đông để cầm máu khi mạch máu bị tổn thương. Đôi khi, bệnh này có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa thấp.
Bệnh rối loạn đông máu phổ biến nhất là bệnh Von Willebrand. Các triệu chứng bao gồm:
- Bị các vết bầm tím không giải thích được
- Rong kinh
- Chảy máu quá nhiều ở các vết thương nhỏ
- Chảy máu cam thường xuyên, khó cầm
- Máu trong phân hoặc nước tiểu
- Thiếu máu
Hiện nay, không có cách điều trị khỏi hoàn toàn rối loạn đông máu, nhưng thuốc có thể giúp giảm và kiểm soát triệu chứng. Ví dụ, một số loại thuốc làm tăng các yếu tố đông máu, kèm theo bổ sung sắt có thể phòng ngừa thiếu máu.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng có thể xảy ra do:
- Nhiễm trùng
- Thiếu máu đại tràng
- Bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease - IBD)
IBD bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Bệnh Crohn có thể gây viêm ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến ruột non và phần đầu của đại tràng
Điều trị bệnh viêm đại tràng phụ thuộc vào nguyên nhân. Những người bị nhiễm trùng sẽ được dùng thuốc kháng sinh. IBD sẽ cần điều trị lâu dài để kiểm soát các triệu chứng, có thể bao gồm các phương pháp sau:
- Thuốc chống viêm steroid
- Thuốc ức chế miễn dịch, thuốc điều hòa miễn dịch và thuốc sinh học
- Phẫu thuật loại bỏ đoạn ruột tổn thương
Loạn sản mạch máu đường tiêu hóa
Loạn sản mạch máu đề cập đến các mạch máu trong đường tiêu hóa giãn bất thường. Các mạch máu này có thể bị vỡ và chảy máu. Vị trí loạn sản mạch cũng có thể xảy ra tại đại tràng.
Loạn sản mạch không gây ra bất kỳ triệu chứng gì khác ngoài xuất huyết tiêu hoá và do đó có thể khó phát hiện bệnh lý này. Các nhà khoa học hiện chưa biết rõ cơ chế bệnh sinh.
Điều trị bằng cách tìm điểm chảy máu và nút mạch để cầm máu thông qua chụp mạch hoặc kết hợp với thuốc cầm máu. Trong những trường hợp nghiêm trong có thể cần phẫu thuật để thắt đoạn mạch chảy máu.
Polyp
Polyp là những khối u nhỏ ở niêm mạc đại tràng và trực tràng. Đa số polyp không phải là ung thư, mặc dù một số có thể tiến triển thành ung thư theo thời gian.
Các bác sĩ cần phẫu thuật cắt bỏ polyp để giảm nguy cơ ung thư.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư xảy ra khi các tế bào phát triển và phân chia bất thường, tạo thành các khối u. Ung thư có thể xảy ra ở đại tràng hoặc trực tràng.
Hầu hết các trường hợp, bác sĩ điều trị ung thư đại trực tràng bằng cách phẫu thuật loại bỏ khối u và nạo vét hạch bạch huyết lân cận. Hóa trị và xạ trị có thể cần thiết trước hoặc sau phẫu thuật, tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ xâm lấn của khối u.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa thấp bao gồm:
- Tuổi cao
- Lạm dụng quá nhiều thuốc chống viêm không steroid, gây kích ứng niêm mạc của đường tiêu hóa
- Táo bón mãn tính, dẫn đến trĩ
- Tiền sử gia đình (ví dụ: IBD,…)
- Rối loạn đông máu, hoặc có tiền sử gia đình về bệnh lý này
- Các hoạt động có thể gây rách trực tràng, như quan hệ tình dục qua đường hậu môn
Biến chứng
Xuất huyết tiêu hóa thấp có thể gây ra các biến chứng nếu chảy máu nghiêm trọng hoặc kéo dài mà nếu không được điều trị.
Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Thiếu máu
- Suy hô hấp
- Nhồi máu cơ tim
- Nhiễm trùng
- Sốc
- Tử vong
Do đó, điều quan trọng là phải đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu phát hiện có các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa.
Tiên lượng
Xuất huyết tiêu hóa thấp thường ít cấp tính hơn xuất huyết tiêu hóa cao, chỉ có 4% người bệnh nhập viện với tình trạng này tử vong. Thông thường, tử vong liên quan đến các tình trạng bệnh khác chứ không phải do xuất huyết.
Hơn 80% các xuất huyết tiêu hóa thấp có thể tự cầm, tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào nguyên nhân. Chảy máu do các bệnh mãn tính, như viêm túi thừa có thể tái phát.
Mất bao lâu để hồi phục sau xuất huyết tiêu hóa thấp hầu như phụ thuộc vào nguyên nhân, bệnh có được chẩn đoán và điều trị sớm. Các trường hợp xuất huyết nhẹ hồi phục khá nhanh, nhưng chảy máu nghiêm trọng hoặc có biến chứng sẽ hồi phục lâu hơn.
Đối với những người bị xuất huyết do có bệnh mãn tính, có thể cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống trong thời gian dài để giảm kích ứng và viêm nhiễm trong đường tiêu hóa. Bác sĩ tiêu hóa và chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp người bệnh thích nghi và kiểm soát các triệu chứng của họ.
Tổng kết
Xuất huyết tiêu hóa thấp là tình trạng chảy máu tại ruột non, đại tràng, trực tràng hoặc hậu môn. Các nguyên nhân có thể gây xuất huyết bao gồm trĩ và nứt kẽ hậu môn, lỗ rò và bệnh viêm ruột. Trong một số trường hợp, đây có thể là triệu chứng của polyp hoặc ung thư.
Nếu một người có xuất huyết tiêu hóa đột ngột, cấp tính hoặc đi ngoài ra máu mãn tính, cần đến khám cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Các chủ đề liên quan: Loét dạ dày tá tràng. Táo bón. Trĩ. Xuất huyết tiêu hoá trên. Xuất huyết tiêu hoá dưới. Sốc mất máu. Giãn tĩnh mạch. Xơ gan. Nôn ra máu. Đi ngoài phân đen. Tiêu hóa. Rối loạn đông máu. Ung thư trực tràng.
Xem thêm: