Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị xuất huyết tiêu hóa cao

Xuất huyết tiêu hóa cao là chảy máu trong đường tiêu hoá từ thực quản, dạ dày đến phần đầu ruột non. Đây là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn và có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Xuất huyết nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu kịp thời.

Video Xuất huyết tiêu hóa trên 

Nguyên nhân chủ yếu của xuất huyết tiêu hoá là tổn thương gây mất liên tục bề mặt niêm mạc đường tiêu hoá hoặc viêm.

Xuất huyết tiêu hóa là một triệu chứng của rất nhiều bệnh lý, được chia thành xuất huyết tiêu hóa cao và thấp tùy thuộc vào vị trí chảy máu.

Xuất huyết tiêu hóa cao có thể xảy ra tại các vị trí:

  • Thực quản
  • Dạ dày
  • Tá tràng, phần đầu của ruột non

Xuất huyết tiêu hóa thấp có thể xảy ra tại các vị trí:

  • Phần thấp của ruột non
  • Đại tràng
  • Trực tràng
  • Hậu môn

Xuất huyết tiêu hóa có thể cấp tính hoặc mạn tính. Xuất huyết cấp tính là khởi phát chảy máu đột ngột và nghiêm trọng, trong khi chảy máu mạn tính xảy ra trong thời gian dài và thường kín đáo hơn. Cả hai loại đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nếu không được điều trị.

Triệu chứng

Triệu chứng của xuất huyết tiêu hoá cao phụ thuộc vào vị trí và tốc độ chảy máu. Bao gồm: 

  • Phân đen, giống hắc ín
  • Chất nôn có màu đỏ tươi hoặc giống bã cà phê
  • Co thắt dạ dày
  • Da niêm mạc nhợt 
  • Ngất, chóng mặt hoặc mệt mỏi
  • Mệt mỏi

Nếu lượng máu chảy quá ít, máu trong phân không thể phát hiện được bằng mắt thường, các bác sĩ có thể xét nghiệm phân để xác định tình trạng chảy máu.

Triệu chứng cần đến khám tại cơ sở y tế?

Xuất huyết tiêu hóa cấp tính có thể trở nên nghiêm trọng. Nếu một người đột nhiên xuất hiện các triệu chứng nói trên, cần đưa họ đến ngay cơ sở y tế.

Biến chứng nguy hiểm nhất là sốc mất máu. Các triệu chứng bao gồm:

  • Mạch nhanh
  • Tụt huyết áp
  • Thiểu niệu hoặc vô niệu
  • Ngất

Nếu một người có những triệu chứng này, gọi 115 hoặc đưa đến phòng cấp cứu gần nhất.

Xuất huyết tiêu hóa mạn tính là chảy máu kéo dài hoặc thành từng đợt. Tuy nhiên, nó vẫn có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ trong đó phổ biến nhất là gây thiếu máu.

Những người bị thiếu máu thường cảm thấy choáng váng, mệt mỏi, khó thở khi tập thể dục. Da dẻ nhợt nhạt hơn bình thường.

Bất cứ khi nào nghi ngờ rằng mình có thể đang bị xuất huyết tiêu hóa tiềm ẩn kéo dài hoặc thiếu máu nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguồn ảnh: https://twitter.comNguồn ảnh: https://twitter.comMột số bệnh lý có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa

Có nhiều nguyên nhân có thể gây xuất huyết tiêu hóa cao: 

Loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng là những vết loét xuất hiện ở niêm mạc. Chúng thường là hậu quả của nhiễm Helicobacter pylori hoặc kích ứng do dùng quá nhiều thuốc chống viêm không steroid (Non-steroidal anti-inflammatory drugs - NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen.

Loét dạ dày tá tràng có thể không gây triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng có thể như:

  • Đau bụng vùng thượng vị
  • Nôn, buồn nôn
  • Chướng bụng, đầy hơi

Viêm thực quản

Viêm thực quản thường do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhưng cũng có thể xảy ra do thuốc, nhiễm trùng và dị ứng.

Các triệu chứng của viêm thực quản bao gồm:

  • Đau ở ngực khi nuốt
  • Khó nuốt
  • Nôn, buồn nôn
  • Chán ăn
  • Ho kéo dài

Nếu viêm thực quản do trào ngược dạ dày thực quản, các triệu chứng trên còn kèm theo thường xuyên ợ hơi, ợ chua do bị axit trào ngược.

Bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease - IBD)

Bệnh viêm ruột xảy ra khi ruột non bị viêm, tác nhân có thể là vi khuẩn hoặc vi rút. Viêm ruột cũng có thể xảy ra do xạ trị, một số loại thuốc, rượu.

Khi viêm ruột do nhiễm trùng, triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đại tiện ra máu.

Vết rách thực quản Mallory-Weiss

Là những vết rách ở niêm mạc thực quản hình thành do nôn hoặc ho kéo dài.

Vết rách Mallory-Weiss có thể gây chảy nhiều máu. Đôi khi chúng tự lành nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Một số trường hợp cần điều trị để cầm máu và tránh mất máu quá nhiều.

Giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản thường ở đoạn dưới của thực quản và biểu hiện chủ yếu ở những người bị bệnh xơ gan.

Những người bị giãn tĩnh mạch thực quản thường không có các triệu chứng trừ khi các tĩnh mạch này vỡ gây chảy máu, có thể gây mất lượng máu đáng kể. Các triệu chứng của vỡ tĩnh mạch thực quản bao gồm:

  • Đau bụng
  • Nôn ra máu
  • Phân có máu

Viêm dạ dày

Phần lớn những người bị viêm dạ dày không có triệu chứng. Số ít khác có thể biểu hiện:

  • Đau vùng thượng vị
  • No sau khi ăn ít
  • Chán ăn
  • Sút cân

Theo thời gian, viêm dạ dày có thể gây loét hoặc làm tổn thương vùng mô đệm dưới niêm mạc dạ dày, dẫn đến chảy máu. Tình trạng này có thể xảy ra do sử dụng NSAID kéo dài, chấn thương, nhiễm trùng, hoặc bệnh viêm ruột.

Ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa cao ít gặp hơn các nguyên nhân kể trên. Một số triệu chứng có thể gặp của ung thư thực quản bao gồm:

  • Khó nuốt
  • Ho dai dẳng
  • Nôn ra máu
  • Ợ chua
  • Sút cân không rõ nguyên nhân

Ung thư xuất hiện ở các vị trí khác dọc theo đường tiêu hóa trên, đều có thể dẫn đến chảy máu.

Chẩn đoán

Nội soi đường tiêu hoá trên là phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị. (Nguồn ảnh: www.healthdirect.gov.au)Nội soi đường tiêu hoá trên là phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị. (Nguồn ảnh: www.healthdirect.gov.au)

Khi bạn đến khám với triệu chứng xuất huyết tiêu hoá, các bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh thời điểm, cách thức khởi phát, các triệu chứng kèm theo, tiền sử bệnh trước kia của bạn. Sau đó, thăm khám toàn thân và khư trú hệ tiêu hoá. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra phân của bạn để xác nhận tình trạng máu trong phân cũng như quan sát màu sắc máu nhằm khư trú vị trí chảy máu.

Một số xét nghiệm phục vụ chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm phân: có thể phát hiện kí sinh trùng, vi khuẩn, chảy máu kín đáo.
  • Xét nghiệm máu: kiểm tra tình trạng thiếu máu.
  • Nội soi thực quản dạ dày ruột: một ống nội soi được đưa vào đường tiêu hoá trên để quan sát thực quản dạ dày hoặc ruột non.
  • Rửa dạ dày: quy trình này nhằm loại bỏ các chất chứa trong dạ dày, xác định nguồn gốc vị trí chảy máu.
  • Sinh thiết: qua ống nội soi thực quản dạ dày, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ khu vực nghi ngờ tổn thương và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: chụp CT và X-quang có uống chất cản quang barium.

Điều trị

Kẹp chuyên dụng là một phương pháp giúp điều trị xuất huyết tiêu hoá trong một số bệnh lý. (Nguồn ảnh: www.ctsnet.org)Kẹp chuyên dụng là một phương pháp giúp điều trị xuất huyết tiêu hoá trong một số bệnh lý. (Nguồn ảnh: www.ctsnet.org)

Lựa chọn phương pháp điều trị xuất huyết tiêu hoá cao phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm vị trí, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây chảy máu,… 

Đối với những người đến trong tình trạng cấp cứu vì chảy máu dữ dội, ưu tiên điều trị cầm máu. Các phương pháp cầm máu như:

  • Tiêm thuốc trực tiếp vào chỗ chảy máu
  • Sử dụng nhiệt để cầm máu qua đầu dò hoặc tia laser
  • Đặt kẹp cầm máu

Các kỹ thuật này được thực hiện trong quá trình nội soi đường tiêu hoá trên.

Bước tiếp theo là điều trị nguyên nhân gây xuất huyết, có thể bao gồm:

  • Dùng kháng sinh nếu nhiễm trùng H. pylori. Dùng thuốc ức chế bơm proton nhằm giảm tiết axit dạ dày giúp vết loét lành lại nếu nguyên nhân chảy máu là loét niêm mạc dạ dày, tá tràng.
  • Ngừng bất kỳ loại thuốc nào gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá trên mà người bệnh đang sử dụng trước đó (ví dụ: NSAID,…)
  • Phẫu thuật nếu không thể cầm máu bằng các phương pháp khác

Những người bị mất nhiều máu có thể phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch hoặc truyền máu.

Các yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa

Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hoá cao. (Nguồn ảnh: www.bbc.com)Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hoá cao. (Nguồn ảnh: www.bbc.com)

Nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần gây nên xuất huyết tiêu hóa.

Trào ngược dạ dày thực quản phổ biến hơn ở những người hút thuốc, mang thai hoặc béo phì. Một số loại thuốc cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh như:

  • NSAID
  • Thuốc chẹn kênh canxi trong điều trị tăng huyết áp
  • Benzodiazepine
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng

Nếu đang dùng các thuốc này, người bệnh nên hỏi bác sĩ về các lựa chọn thay thế hoặc điều chỉnh liều lượng. Điều quan trọng là không bao giờ tự thay đổi liều lượng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu có triệu chứng xuất huyết tiêu hoá, cần khi khám càng sớm càng tốt để tìm được nguyên nhân gốc rễ và điều trị cũng như kiểm soát phòng ngừa những đợt chảy máu tái phát.

Một số chế độ sinh hoạt giúp giảm nguy xuất huyết như:

  • Tránh rượu bia
  • Bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc thụ động
  • Hạn chế hoặc ngừng sử dụng NSAID

Người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản cũng cần thay đổi chế độ ăn uống để giảm bớt các triệu chứng bằng cách giảm các yếu tố kích thích trào ngược, bao gồm:

  • Cafein
  • Thực phẩm mùi vị bạc hà, cay hoặc có tính axit
  • Thức ăn nhiều chất béo

Tổng kết

Xuất huyết tiêu hoá cấp tính là một cấp cứu y tế nhưng xuất huyết mạn tính cũng có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Bất cứ khi nào có triệu chứng nghi ngờ bị xuất huyết tiêu hóa, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Các giải pháp để ngăn chặn hoặc kiểm soát nhằm tránh xuất huyết tiêu hóa cao tái phát như sử dụng thuốc, dùng nhiệt hoặc phẫu thuật để cầm máu. Điều trị bệnh căn nguyên sau đó có thể ngăn chảy máu tái phát.

Các chủ đề liên quan: Giãn tĩnh mạch. Xuất huyết tiêu hoá. Bệnh trĩ. Ung thư dạ dày. Ung thư đại tràng. Xơ gan. Loét dạ dày tá tràng. Tiêu hóa. Viêm thực quản. Viêm dạ dày. Đi ngoài phân đen. Nôn ra máu.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!