Cholesterol là một chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu dư thừa sẽ là một yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim và các bệnh liên quan đến tim khác.
Thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ có thể giúp bạn xác định xem mức cholesterol của mình có nằm trong ngưỡng lành mạnh hay không. Để hạ cholesterol máu, bác sĩ có thể khuyên bạn thực hiện thay đổi lối sống hoặc sử dụng các thuốc.
Đọc tiếp để tìm hiểu về cách chẩn đoán, nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh mỡ máu cao.
Các triệu chứng của tăng cholesterol máu
Tăng cholesterol máu thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, trừ khi nó ở mức cực kỳ cao. Khi đó, bạn có thể nhìn thấy các cục mỡ dưới da hoặc quầng trắng xám ở mắt.
Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kì (NHLBI - National Heart, Lung, and Blood Institute), những triệu chứng này chủ yếu xảy ra ở những người có tiền sử gia đình mắc tăng cholesterol máu.
Xét nghiệm lipid máu là cho biết bạn có mắc bệnh tăng cholesterol máu hay không.
Bạn nên đi thực hiện xét nghiệm này với thời gian như sau
- Người lớn từ 20–65 tuổi nên đi kiểm tra 5 năm một lần.
- Phụ nữ từ 55–65 tuổi: 1-2 năm một lần.
- Nam giới từ 45–65 tuổi: 1-2 năm một lần.
- Những người bị bệnh tim hoặc tiền sử gia đình tăng cholesterol máu nên đi xét nghiệm thường xuyên hơn. Lần xét nghiệm đầu tiên nên thực hiện lúc tuổi 2 tuổi.
- Trẻ em từ 9-11 tuổi nên khám sàng lọc và làm xét nghiệm 5 năm một lần.
- Những người từ 65 tuổi trở lên nên đi kiểm tra hàng năm.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một chất béo do gan sản xuất. Lipoprotein mang cholesterol đi khắp cơ thể. Cơ thể sử dụng cholesterol cho các chức năng khác nhau, bao gồm tiêu hóa thức ăn, sản xuất hormone và tổng hợp vitamin D.
Có hai loại cholesterol: lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) hay cholesterol “xấu” và lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) hay cholesterol “tốt”.
Nếu cholesterol tích tụ ở thành động mạch, nó có thể dẫn đến tình trạng gọi là xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa bám trên thành động mạch và thu hẹp chúng khiến lưu lượng máu đi qua vùng này bị hạn chế.
Nguyên nhân gây tăng cholesterol máu
Mặc dù cholesterol rất cần thiết cho cơ thể, nhưng nồng độ LDL cholesterol cao làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Một số thói quen không lành mạnh là nguyên nhân gây tăng cholesterol máu. Những thói quen này bao gồm hút thuốc, ít tập thể dục và ăn uống không lành mạnh.
Một số yếu tố khác có thể góp phần làm tăng cholesterol máu bao gồm:
- Gen di truyền từ cha mẹ
- Mắc một số bệnh như bệnh thận mạn tính và bệnh đái tháo đường
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm steroid.
Làm thế nào để bác sĩ chẩn đoán tăng cholesterol máu?
Các bác sĩ sử dụng xét nghiệm được gọi là xét nghiệm lipid máu để kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kì, xét nghiệm sẽ đưa ra các chỉ số sau đây
- LDL Cholesterol: Đây còn được gọi là cholesterol xấu vì khi nó tích tụ trong động mạch sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nó có chức năng mang các phân tử cholesterol trong máu.
- HDL Cholesterol: Đây còn được gọi là cholesterol tốt vì nó giúp đưa LDL cholesterol ra khỏi máu về gan.
- Triglyceride: Đây là chất béo phổ biến nhất trong cơ thể. Nếu nó có nồng độ cao kết hợp với mức LDL cao hoặc HDL thấp, khi đó bạn có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Trước khi đưa ra chỉ định điều trị, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ của bạn, các bệnh lý kèm theo cùng các kết quả xết nghiệm.
Yếu tố nguy cơ tăng cholesterol máu
Một số yếu tố là nguy cơ của tăng cholesterol máu. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét các yếu tố này chi tiết hơn.
Tiền sử gia đình
Tăng cholesterol máu gia đình (FH - Familial hypercholesterolemia) là một tình trạng di truyền mà một người có các gen đột biến của cha mẹ. Họ có thể nhận được gen từ một trong hai hoặc của cả cha và mẹ. Tình trạng này dẫn đến tăng cholesterol máu.
Cũng có thể có một số bệnh lý có yếu tố di truyền khác ảnh hưởng đến mức cholesterol, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim.
Tuổi và giới tính
Nhìn chung, nguy cơ mắc bệnh tăng cholesterol máu sẽ tăng lên theo tuổi.
Tuy nhiên, phụ nữ thường có mức LDL thấp hơn nam giới cho đến khi họ mãn kinh, trong khi nam giới ở mọi lứa tuổi thường có mức HDL thấp hơn nữ giới.
Các bệnh lý kèm theo
Ngoài tăng cholesterol máu có tính chất gia đình (FH), một số bệnh lý khác có thể làm tăng khả năng mắc tăng cholesterol máu như béo phì và đái tháo đường.
Béo phì có liên quan đến tăng LDL cholesterol, giảm HDL cholesterol và tăng nồng độ chất béo trung tính.
Đái tháo đường cũng làm tăng mức LDL và giảm mức HDL cholesterol.
Thói quen sống
Những thói quen sau đây có thể làm tăng cholesterol máu, có hại cho sức khỏe:
- Hút thuốc: gây tổn thương các mạch máu.
- Ít vận động: Nếu không tập luyện sức khỏe đầy đủ, bạn có thể tăng cân, càng làm tăng mức cholesterol.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Điều này có thể góp phần làm tăng mức cholesterol máu.
Biến chứng tăng cholesterol máu
Tăng cholesterol máu và sự tích tụ của nó trong động mạch có thể dẫn đến xơ vữa động mạch.
Từ đó, các mảng xơ vữa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sau:
- Đột quỵ
- Nhồi máu cơ tim
- Đau ngực
- Bệnh mạch vành
- Bệnh động mạch ngoại biên (peripheral artery disease), là bệnh lý ảnh hưởng đến các động mạch ở cẳng chân và bàn chân
Phòng bệnh khi tăng cholesterol máu
Thay đổi lối sống có thể giúp bạn giảm LDL cholesterol máu hoặc duy trì mức cholesterol lành mạnh. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể cần kê đơn thuốc để giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
Thay đổi lối sống
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống này bao gồm các loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA - American Heart Association), bằng cách ăn uống lành mạnh, bạn có thể giảm lượng chất béo dạng trans và chất béo bão hòa hấp thụ vào cơ thể.
- Bỏ thuốc lá: Theo AHA, bỏ thuốc lá có thể làm giảm mức cholesterol xấu và tăng mức cholesterol tốt.
- Tập thể dục thường xuyên: AHA khuyên bạn nên tập thể dục với cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần để giảm cholesterol và huyết áp.
- Hạn chế uống rượu: Uống rượu tăng nồng độ chất béo trung tính và cholesterol trong máu.
- Đạt cân nặng vừa phải: Theo NHLBI, người lớn nên có chỉ số khối cơ thể (BMI - body mass index) từ 18,5 đến 24,9.
Thuốc
Nếu bạn được chẩn đoán tăng cholesterol máu ở mức nguy hiểm, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc như statin. Những loại thuốc này giúp giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim bằng cách giảm cholesterol máu.
Một số loại thuốc khác mà bác sĩ có thể dùng bao gồm:
- Thuốc giảm mỡ máu
- Cholestyramine resins.
- Chất ức chế pcsk9
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol chọn lọc
Ngay cả khi dùng thuốc, bạn vẫn cần tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm mức cholesterol.
Tổng kết
Tăng cholesterol máu thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, bạn có thể mắc bệnh mà không biết cho đến khi đi xét nghiệm máu. Xét nghiệm này đưa ra các chỉ số về cholesterol toàn phần chất béo trung tính.
Sau khi chẩn đoán tăng LDL cholesterol máu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc và khuyên bạn nên thực hiện một số thay đổi lối sống. Những thay đổi này bao gồm thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đảm bảo cân nặng vừa phải và bỏ thuốc lá.
Xem thêm: