Một số nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là tình trạng khá phổ biến, có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Trong một nghiên cứu, 15% số người nhập viện được chẩn đoán bị tràn dịch màng phổi đã chết trong vòng 30 ngày.
Cơ chế gây bệnh
Khi bị kích thích hoặc viêm nhiễm, màng phổi sản xuất một số lượng lớn dịch nhiều hơn mức bình thường. Dịch này tích tụ trong khoang màng phổi, gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi.
Một số loại ung thư di căn vào màng phổi có thể gây tràn dịch màng phổi. Hai loại ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi ở nam giới và ung thư vú ở phụ nữ.
Ngoài ra, có thể có các nguyên nhân khác gây tràn dịch màng phổi như:
- Suy tim sung huyết (là nguyên nhân chiếm tỉ lệ gặp cao nhất)
- Xơ gan hoặc suy giảm chức năng gan
- Thuyên tắc phổi, gây ra bởi cục máu đông tắc nghẽn trong lòng mạch phổi
- Biến chứng của phẫu thuật tim
- Viêm phổi
- Bệnh thận nặng
- Bệnh tự miễn, chẳng hạn như lupus và viêm khớp dạng thấp
Các loại tràn dịch màng phổi
Có một số loại tràn dịch màng phổi, mỗi loại có nguyên nhân và cách điều trị khác nhau. Phân loại theo bản chất của dịch, tràn dịch màng phổi gồm 2 loại: dịch thấm và dịch tiết.
Tràn dịch màng phổi dịch thấm
Loại này là do chất lỏng bị rò rỉ vào khoang màng phổi do số lượng protein trong máu thấp hoặc áp lực trong mạch máu tăng lên. Nguyên nhân phổ biến nhất là suy tim sung huyết.
Tràn dịch màng phổi dịch tiết
Loại này là do:
- Tắc mạch bạch huyết hoặc tắc mạch máu
- Viêm nhiễm trong phổi và màng phổi
- Khối u di căn màng phổi
- Chấn thương phổi
Nguyên nhân phổ biến của tràn dịch màng phổi dịch tiết bao gồm thuyên tắc phổi, viêm phổi và nhiễm nấm.
Tràn dịch màng phổi có biến chứng và không biến chứng
Cũng có những trường hợp tràn dịch màng phổi phức tạp và không có biến chứng. Tràn dịch màng phổi không biến chứng chứa dịch không có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm. Chúng ít có khả năng gây ra di chứng vĩnh viễn cho phổi hơn.
Tuy nhiên, tràn dịch màng phổi có biến chứng thì nặng hơn. Đây là kiểu tràn dịch có hiện tượng nhiễm trùng dịch màng phổi. Tình trạng này đòi hỏi phải điều trị triệt để, kịp thời, cần dẫn lưu dịch và làm sạch khoang màng phổi.
Các triệu chứng và dấu hiệu của tràn dịch màng phổi
Một số người không có triệu chứng khi tràn dịch màng phổi. Những người này chỉ được chẩn đoán nhờ chụp X-quang ngực khi đi khám bệnh khác hoặc khám sức khỏe thông thường.
Các triệu chứng thường gặp của tràn dịch màng phổi bao gồm:
- Tức ngực
- Ho khan
- Sốt
- Khó thở khi nằm
- Thở nhanh
- Khó thở khi gắng sức
- Nấc kéo dài
- Khó thở khi vận động nên gây hạn chế các hoạt động thể chất
Cần đi khám ngay nếu bạn có các triệu chứng trên nghi ngờ do tràn dịch màng phổi.
Chẩn đoán tràn dịch màng phổi
Bác sĩ sẽ khám tổng thể và khám phổi. Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang phổi để chẩn đoán hoặc loại trừ tràn dịch màng phổi. Các thăm dò khác cần làm như:
- Chụp CT ngực
- Siêu âm màng phổi
- Các xét nghiệm dịch màng phổi
- Nội soi phế quản
- Sinh thiết màng phổi
Bác sĩ sẽ chọc hút dịch màng phổi và lấy bệnh phẩm dịch này làm xét nghiệm bằng cách đưa một cây kim vào khoang màng phổi, hút dịch bằng xylanh hoặc ống dẫn lưu. Dịch màng phổi hút ra một phần làm xét nghiệm, phần còn lại sẽ được loại bỏ. Chọc hút dịch màng phổi là một thủ thuật thường quy và cần thiết để đánh giá và điều trị tràn dịch màng phổi. Xét nghiệm dịch màng phổi giúp định hướng nguyên nhân tràn dịch.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định sinh thiết màng phổi, nghĩa là lấy một mẫu sinh thiết rất nhỏ từ màng phổi. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành bằng cách đưa một cây kim nhỏ từ bên ngoài thành ngực vào trong khoang ngực, bấm và lấy mẫu sinh thiết tại vùng nghi ngờ.
Nếu bác sĩ chẩn đoán có tràn dịch màng phổi, nhưng chưa xác định được nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định nội soi lồng ngực. Đây là một thủ thuật thăm dò chức năng cho phép bác sĩ đánh giá bên trong khoang ngực bằng cách sử dụng đầu nội soi có gắn camera quang học. Trong thủ thuật này, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân và bác sĩ sẽ rạch các lỗ trên thành ngực tạo đường vào nhỏ cho đầu nội soi và đưa dụng cụ vào. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa camera qua một vết rạch và đưa dụng cụ phẫu thuật qua vết rạch còn lại, lấy mẫu dịch và bấm mẫu sinh thiết màng phổi làm xét nghiệm.
Điều trị tràn dịch màng phổi
Xem chi tiết: Tràn dịch màng phổi: 8 biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà
Điều trị tràn dịch màng phổi sẽ gồm điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân.
Chọc hút và dẫn lưu dịch màng phổi
Chọc hút dịch màng phổi được thực hiện bằng một kim chọc dịch hoặc đặt ống dẫn lưu dịch. Người bệnh được gây tê cục bộ trước khi thực hiện thủ thuật này, do đó sẽ không cảm thấy đau. Sau khi hết thuốc tê, người bệnh có thể cảm thấy hơi đau hoặc khó chịu tại vết rạch. Hầu hết các bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau sau thủ thuật.
Nếu xuất hiện tràn dịch trở lại, người bệnh có thể cần thực hiện chọc hút dịch nhiều lần.
Đối với tràn dịch màng phổi do ung thư di, sẽ cần kết hợp các điều trị chuyên khoa khác
Gây dính màng phổi
Gây dính màng phổi là phương pháp điều trị tạo ra tình trạng viêm nhẹ giữa trong khoang màng phổi. Sau khi chọc hút dịch, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc vào khoang màng phổi. Thuốc này thường là hỗn hợp bột talc, có tác dụng làm cho hai lá thành và lá tạng của màng phổi dính lại với nhau, ngăn cản tràn dịch tái phát trong khoang màng phổi.
Phẫu thuật
Trong những trường hợp tràn dịch màng phổi nặng, bác sĩ sẽ phẫu thuật đưa một ống dẫn lưu vào khoang màng phổi. Ống này giúp dẫn lưu dịch từ khoang màng phổi vào ổ bụng, nơi có thể được loại bỏ dịch dễ dàng hơn. Đây có thể là một lựa chọn cho những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Ngoài ra, còn có phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần màng phổi được áp dụng trong một số trường hợp nhất định.
Tác dụng phụ không mong muốn khi điều trị tràn dịch màng phổi
Một số trường hợp tràn dịch màng phổi có thể được điều trị bằng nội khoa kết hợp với các phương pháp hỗ trợ thường khác. Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục trong vòng vài ngày hoặc vài tuần điều trị. Có thể có các biến chứng nhẹ từ các phương pháp điều trị xâm lấn như đau nơi chọc hút, khó chịu, thường sẽ biến mất theo thời gian. Một số trường hợp tràn dịch màng phổi có thể gây những biến chứng nghiêm trọng hơn, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, nguyên nhân và phương pháp điều trị được áp dụng.
Các biến chứng nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Phù phổi, có thể do rút dịch ra ngoài quá nhanh trong khi thực hiện chọc tháo dịch
- Xẹp phổi
- Nhiễm trùng hoặc chảy máu
Những biến chứng nặng này thường rất hiếm gặp. Bác sĩ sẽ nói về những lợi ích và rủi ro trước khi tiến hành thủ thuật hay các phương pháp điều trị, và giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Tràn dịch màng phổi do ung thư
Tràn dịch màng phổi có thể gây ra bởi sự di căn của tế bào ung thư. Tràn dịch màng phổi có thể do các tế bào ung thư làm tắc nghẽn, cản trở tiết dịch sinh lý trong màng phổi. Ngoài ra, tràn dịch màng phổi cũng có thể do xạ trị hoặc hóa trị liệu.
Một số bệnh ung thư có nhiều khả năng gây tràn dịch màng phổi hơn những bệnh ung thư khác, như:
- Ung thư phổi
- Ung thư vú
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư máu
- Ung thư tế bào hắc tố
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư tử cung
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp:
- Khó thở
- Ho
- Tức ngực
- Giảm cân
Chọc dò màng phổi thường được sử dụng để điều trị tràn dịch màng phổi ác tính do ung thư. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu bạn bị hoặc có nguy cơ nhiễm trùng. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau và chống viêm bằng steroid hoặc các loại thuốc chống viêm khác.
Ngoài việc điều trị biến chứng tràn dịch màng phổi, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân gây ra nó. Tràn dịch màng phổi thường là kết quả của ung thư di căn.
Những người đang điều trị ung thư cũng thường kèm suy yếu hệ thống miễn dịch, do đó dễ bị nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác.
Tiên lượng của bệnh nhân tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi có thể là tình trạng nặng, đe dọa tính mạng. Hầu hết các ca tràn dịch màng phổi cần phải điều trị tại bệnh viện và một số trường hợp cần phẫu thuật. Thời gian để phục hồi sau khi bị tràn dịch màng phổi phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nặng, biến chứng của tràn dịch cũng như thể trạng của người bệnh.
Người bệnh sẽ được nhập viện điều trị, dùng thuốc và các điều trị cần thiết khác giúp bệnh nhân hồi phục. Nhiều người cảm thấy mệt và yếu trong tuần đầu tiên sau khi xuất viện. Trung bình, vết mổ sẽ lành lại trong vòng hai đến bốn tuần. Bạn sẽ cần được chăm sóc và theo dõi liên tục sau khi xuất viện.
Xem thêm: