Thuốc xổ (thuốc nhuận tràng) – Cách dùng và những điều cần lưu ý

Táo bón là một tình trạng phổ biến gây khó khăn khi đi tiêu.

Nguyên nhân gây táo bón có thể do:

  • Chế độ ăn uống 
  • Một số loại thuốc
  • Mất nước
  • Hoạt động thể chất quá ít
  • Vấn đề về đường ruột

Táo bón thường có thể được điều trị bằng các loại thuốc nhuận tràng. Nhiều loại thuốc nhuận tràng có được bán không cần kê đơn (OTC) – bạn có thể mua những loại thuốc này ở hiệu thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn. Một số loại có thể được gọi là chất làm mềm phân hoặc chất xơ bổ sung. Hãy cùng đọc bài viết để tìm hiểu về các loại thuốc nhuận tràng và lưu ý khi sử dụng.

Nội dung bài viết gồm:

  • Các loại thuốc nhuận tràng và cách hoạt động
  • Thời điểm cần dùng thuốc nhuận tràng
  • Cách dùng thuốc nhuận tràng OTC an toàn
  • Những lưu ý khi dùng thuốc nhuận tràng
  • Tương tác thuốc
  • Khi nào nên gọi bác sĩ? 

Các loại thuốc nhuận tràng và cách hoạt động

Có một số loại thuốc nhuận tràng khác nhau, mỗi loại hoạt động theo một cách khác nhau. Dưới đây là những loại phổ biến nhất.

Thuốc nhuận tràng tạo khối

Những loại thuốc nhuận tràng này bổ sung chất xơ “hòa tan” vào phân, làm cho phân hấp thụ nhiều nước hơn. Từ đó tạo ra phân lớn hơn và mềm hơn. Phân lớn hơn giúp kích hoạt ruột co bóp, làm di chuyển phân ra ngoài. Thuốc nhuận tràng tạo khối nói chung là loại thuốc nhuận tràng an toàn nhất.

Ví dụ về thuốc nhuận tràng tạo khối bao gồm:

  • Psyllium (nhãn hiệu Metamucil)
  • Polycarbophil (nhãn hiệu FiberCon)
  • Methylcellulose (nhãn hiệu Citrucel)

Để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ, bạn nên bắt đầu từ từ. Đảm bảo uống nhiều nước trong khi dùng thuốc nhuận tràng. Tăng dần mức độ sử dụng cho đến khi đạt được kết quả như mong muốn.

Thuốc nhuận tràng bôi trơn

Những chất này phủ lên bề mặt phân để làm cho chúng trơn trượt, giúp phân di chuyển ra ngoài cơ thể dễ dàng hơn. Thuốc đạn Glycerin bôi trơn bên trong hậu môn nên giúp dễ dàng tống phân cứng ra ngoài cơ thể.

Chất làm mềm phân

Những chất này giúp trộn chất lỏng vào phân để làm mềm chúng. Từ đó làm cho phân dễ dàng đi ra ngoài cơ thể hơn. Một ví dụ về chất làm mềm phân là docusate (nhãn hiệu Colace).

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu

Loại thuốc này làm cho ruột chứa nhiều chất lỏng hơn, làm mềm phân và giúp việc đi ngoài trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ bao gồm polyethylene glycol (nhãn hiệu Miralax) và dung dịch magie hydroxit (nhãn hiệu Milk of Magnesia).

Thuốc nhuận tràng kích thích

Loại thuốc nhuận tràng này kích thích các cơ trong ruột co lại, từ đó giúp phân dễ di chuyển qua ruột hơn.

Đảm bảo uống nhiều nước trong khi sử dụng thuốc nhuận tràng (nguồn ảnh: nutritionaction.com)Đảm bảo uống nhiều nước trong khi sử dụng thuốc nhuận tràng (nguồn ảnh: nutritionaction.com)

Bisacodyl (nhãn hiệu Dulcolax) và sennosides (nhãn hiệu Senokot) là những ví dụ về thuốc nhuận tràng kích thích. Thuốc nhuận tràng kích thích không nên sử dụng dài ngày. Khi dùng những thuốc nhuận tràng này trong thời gian dài, ruột có thể bị mất trương lực cơ, nên có thể “quên” cách tự đẩy phân ra ngoài.

Thời điểm cần dùng thuốc nhuận tràng

Hầu hết táo bón không cần điều trị bằng thuốc nhuận tràng. Bệnh thường sẽ tự khỏi hoặc bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống và các thói quen khác. Bạn có thể ngăn ngừa hoặc điều trị táo bón bằng cách:

  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan (yến mạch, thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau xanh).
  • Uống đủ nước
  • Tập thể dục đầy đủ
Ăn thực phẩm giàu chất xơ để ngăn ngừa và điều trị táo bón (nguồn ảnh: metamucil.com)Ăn thực phẩm giàu chất xơ để ngăn ngừa và điều trị táo bón (nguồn ảnh: metamucil.com)

Nếu bạn đã thử tất cả những cách này mà vẫn bị táo bón thì có thể thử dùng thuốc nhuận tràng.

Cách dùng thuốc nhuận tràng OTC an toàn

Trước khi dùng thuốc nhuận tràng không kê đơn, hãy đọc hướng dẫn trên nhãn thông tin hoặc tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc. Bạn sẽ biết được liều lượng và tần suất dùng thuốc. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về liều lượng cũng như cách sử dụng thuốc, hãy liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn cụ thể. Nên ghi chép các loại thuốc OTC bạn đang sử dụng và thời gian bạn dùng thuốc. Nếu cần đi kiểm tra sức khỏe hoặc được bác sĩ kê đơn sử dụng các loại thuốc khác, hãy cung cấp danh sách này.

Thực hiện theo các cách sau để đảm bảo dùng thuốc nhuận tràng OTC đúng liều lượng:

  • Chỉ uống thuốc theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn thuốc. Đừng cho rằng nhiều thuốc hơn sẽ có tác dụng tốt hơn hoặc nhanh hơn. Dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo có thể gây nguy hiểm.
  • Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác theo đơn của bác sĩ, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ khi có nhu cầu muốn sử dụng các loại thuốc nhuận tràng không kê đơn.

Bảo quản thuốc an toàn

Hãy bảo quản tất cả các loại thuốc tránh xa tầm với của trẻ em và vật nuôi. Để thuốc nơi khô ráo, thoáng mát. Không bảo quản thuốc trong phòng tắm hoặc tủ phòng tắm vì nơi đó thường nóng và ẩm ướt.

Những lưu ý khi dùng thuốc nhuận tràng

Hầu hết các loại thuốc nhuận tràng không có tác dụng phụ nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, đôi khi thuốc có thể gây chuột rút, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy.

Không sử dụng thuốc nhuận tràng lâu hơn 1 tuần trừ khi bác sĩ đề nghị. Sử dụng lâu dài hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe hoặc che lấp các triệu chứng mà bác sĩ nên biết. Từ đó, gây trì hoãn việc chẩn đoán, phát hiện các bệnh lý khác.

Một số người có nguy cơ bị mất cân bằng điện giải trong khi dùng các loại thuốc nhuận tràng, bao gồm trẻ em và những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận. Chất điện giải là những chất có trong cơ thể, giúp các dây thần kinh, các cơ quan và cơ bắp hoạt động tốt. Uống thuốc nhuận tràng có thể khiến đào thải quá mức các chất điện giải, gây ra các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn, đau đầu, lú lẫn, mệt mỏi và yếu cơ hoặc co thắt hoặc các tình trạng nghiêm trọng hơn. Hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ trước khi cho trẻ uống thuốc nhuận tràng. Nếu bạn bị táo bón mạn tính đừn tự ý sử dụng các loại thuốc nhuận tràng, hãy đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh lý đang mắc phải.

Ai không nên dùng thuốc nhuận tràng?

Không dùng thuốc nhuận tràng nếu bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Một số người có thể bị dị ứng với psyllium, một thành phần quan trọng trong 1 vài loại thuốc nhuận tràng.

Nếu bị bệnh phenylketon niệu, bạn không nên dùng thuốc nhuận tràng có chứa phenylalanin.

Tương tác thuốc

Nguồn ảnh: consumer.healthday.comNguồn ảnh: consumer.healthday.comThuốc nhuận tràng có thể cản trở cách cơ thể hấp thụ một số loại thuốc và chất dinh dưỡng. Không dùng bất kỳ loại thuốc nào khác trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc nhuận tràng. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc theo đơn khác, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng thuốc nhuận tràng. Bạn cũng không nên trộn các loại thuốc nhuận tràng khác nhau, bao gồm thuốc nhuận tràng đường uống và thuốc đạn. Không dùng bisacodyl trong vòng 1 giờ sau khi uống thuốc kháng axit hoặc uống sữa.

Dầu khoáng và dầu thầu dầu đôi khi được dùng làm thuốc nhuận tràng. Các loại này không nên được sử dụng thường xuyên bởi có thể gây thiếu hụt vitamin A, D, E và K. Dầu thầu dầu là một loại thuốc nhuận tràng kích thích. Sử dụng nhiều có thể khiến bạn bị mất trương lực cơ ruột, từ đó có thể dẫn đến táo bón lâu dài. Dầu khoáng và dầu thầu dầu cũng tương tác với một số loại thuốc bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh như tetracycline và một số loại thuốc điều trị bệnh về tim và xương khớp.

Khi nào nên gọi bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc nhuận tràng không kê đơn:

  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Thay đổi đột ngột thói quen đi tiêu kéo dài 2 tuần hoặc lâu hơn
  • Nôn 
  • Đi ngoài ra máu

Ngừng dùng thuốc nhuận tràng và gọi cho bác sĩ nếu bị chảy máu trực tràng hoặc không đi tiêu sau khi sử dụng thuốc. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!