Thuốc Bupivacaine - Sử dụng để thực hiện gây tê cục bộ - Hộp 20 ống x 4ml - Cách dùng

Bupivacaine là thuốc được sử dụng để thực hiện gây tê cục bộ (gây tê ở một phần của cơ thể). Vậy thuốc Bupivacaine được sử dụng như thế nào? Cần lưu ý gì? Hãy để 1900.edu.vn giúp bạn hiểu kĩ hơn về thuốc trong bài viết dưới đây.

Video THUỐC GÂY TÊ

Thành phần và cơ chế tác động thuốc Bupivacaine 

Thành phần chính trong công thức thuốc Bupivacaine là Bupivacaine 

Bupivacaine là thuốc gây tê tại chỗ thuộc nhóm amide, có thời gian tác dụng kéo dài.

Thuốc có tác dụng phong bế có hồi phục sự dẫn truyền xung thần kinh do làm giảm tính thấm của màng tế bào thần kinh đối với ion Na+. Đặc điểm nổi bật nhất của bupivacaine (dù có phối hợp hoặc không phối hợp với epinephrine) là thời gian tác dụng khá dài.

Có thể lựa chọn các dung dịch tiêm khác nhau: 2,5 mg/mL hoặc 5 mg/mL hoặc 7,5 mg/mL tùy theo mức độ cần phong bế hệ thần kinh vận động nhiều hay ít.

Bupivacaine có độc tính đối với tim và thần kinh cao hơn so với mepivacaine, lidocaine hay prilocaine. Về thời gian tác dụng không có sự khác nhau nhiều giữa chế phẩm bupivacaine chứa hoặc không chứa epinephrine.

Thuốc có thể gây tê thần kinh liên sườn, giảm đau kéo dài 7–14 giờ sau phẫu thuật và có thể gây tê tốt ngoài màng cứng trung bình trong 3–4 giờ. Bupivacaine còn là thuốc thích hợp để gây tê ngoài màng cứng liên tục.

Bupivacaine không chứa epinephrine còn được dùng để gây tê tủy sống trong các phẫu thuật tiết niệu, chi dưới, bụng dưới và sản khoa.

Dạng bào chế, hàm lượng và giá thuốc Bupivacaine 

Thuốc được bào chế dưới dạng và hàm lượng như sau:

Dung dịch tiêm.20mg/4ml. Hộp 20 ống x 4ml

Mỗi 1 lọ

  • Bupivacaine hydrochloride monohydrate 5mg/ml
  • Tá dược vừa đủ

Giá thuốc:              1.200.000 VNĐ/hộp.

Chỉ định và chống chỉ định thuốc Bupivacaine 

Bupivacaine được chỉ định gây tê trong phẫu thuậtBupivacaine được chỉ định gây tê trong phẫu thuật

Chỉ định

Thuốc Bupivacaine chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Gây tê từng lớp trong phẫu thuật và giảm đau sau phẫu thuật.
  • Ngăn chặn dẫn truyền thân thần kinh và đám rối thần kinh để phẫu thuật.
  • Gây tê ngoài màng cứng để mổ hoặc kéo dài giảm đau sau mổ bằng cách tiêm thuốc tê cách quãng hay nhỏ giọt liên tục qua catheter đặt vào khoang ngoài màng cứng.
  • Gây tê ngoài màng cứng trong mổ lấy thai hoặc giảm đau trong chuyển dạ.
  • Gây tê tủy sống trong mổ tiết niệu bụng dưới, chi dưới và mổ lấy thai.

Chống chỉ định

Thuốc Bupivacaine chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn đối với các thuốc tê tại chỗ thuộc nhóm amide.
  • Gây tê vùng theo đường tĩnh mạch (phong bế Bier) hoặc gây tê quanh cổ tử cung trong sản khoa.
  • Gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống cho những người bệnh bị tụt huyết áp nặng như trong các trường hợp bị sốc do tim hay do mất máu hoặc có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Sử dụng dung dịch bupivacaine 0,75% trong sản khoa để gây tê ngoài màng cứng vì có trường hợp vô ý tiêm vào lòng mạch đã gây ngừng tim ở người mẹ. Tuy nhiên, có thể dùng các liều thấp hơn.

Liều lượng và cách sử dụng thuốc Bupivacaine 

Cách dùng

Phải có sẵn phương tiện hô hấp và tuần hoàn.

Cần hết sức thận trọng để tránh vô ý tiêm vào tĩnh mạch. Vì vậy, trước mỗi lần tiêm bắt buộc phải có động tác hút thử, nếu thấy bơm tiêm có máu phải chọn một vị trí khác để tiêm.

Để gây tê ngoài màng cứng, trước tiên nên tiêm một liều thử 3–5 mL bupivacaine loại có epinephrine, nếu không may tiêm phải mạch máu sẽ phát hiện được ngay nhờ tăng nhịp tim do epinephrine.

Trong trường hợp này nên ngừng tiêm và thử lại ở chỗ khác. Sau liều thử ít nhất 5 phút cần hỏi chuyện người bệnh và kiểm tra lại nhịp tim. Thử hút lại một lần nữa trước khi tiêm toàn bộ liều thuốc với tốc độ chậm 20–25 mg/phút.

Tiếp tục hỏi chuyện bệnh nhân và kiểm tra mạch, nếu thấy có triệu chứng nhiễm độc nhẹ, nên ngừng tiêm ngay.

Liều dùng

Người lớn

Liều dùng thông thường trong phong bế thần kinh ngoại vi: 5 mL dung dịch 0,25% (12,5 mg) hoặc 5 mL dung dịch 0,5% (25 mg). Liều tối đa 150 mg.

Liều dùng thông thường trong phong bế thần kinh giao cảm: 20–50 mL dung dịch 0,25% (50–125 mg). Tối đa 150 mg.

Liều dùng thông thường trong phẫu thuật vùng hàm trên và hàm dưới trong nha khoa: Tiêm 1,8–3,6 mL dung dịch 0,5% có epinephrine bitartrate 1/200000, nếu cần tiêm nhắc lại sau mỗi 2–10 phút, nhưng liều tổng không quá 18 mL dung dịch (90 mg).

Liều dùng thông thường trong phẫu thuật mắt, gây tê hậu nhãn cầu: Tiêm 2–4 mL dung dịch 0,75% (15–30 mg).

Liều dùng thông thường trong gây tê ngoài màng cứng vùng thắt lưng:

Trong phẫu thuật: Tiêm 10–20 mL dung dịch 0,25% (25–50 mg); hoặc 10–20 mL dung dịch 0,5% (50–100 mg) khi cần giãn cơ; hoặc 10–20 mL dung dịch 0,75% (75–150 mg) khi cần giãn cơ nhiều.

Giảm đau trong chuyển dạ: Tiêm 6–12 mL dung dịch 0,25% (15–30 mg); hoặc 6–12 mL dung dịch 0,5% (30–60 mg).

Liều dùng thông thường trong phong bế vùng đuôi (khoang cùng):

Trong phẫu thuật: Tiêm 15–30 mL dung dịch 0,25% (37,5–75 mg); hoặc khi cần giãn cơ tiêm 15–30 mL dung dịch 0,5% (75–150 mg).

Giảm đau trong chuyển dạ: Tiêm 10–20 mL dung dịch 0,25% (25–50 mg); hoặc 10–20 mL dung dịch 0,5% (50–100 mg).

Liều dùng thông thường trong gây tê tủy sống: Không được dùng loại có epinephrine. Thường dùng dung dịch 0,75% trong glucose 8,25%.

Phẫu thuật chi dưới và vùng chậu: 1 mL (7,5 mg).

Phẫu thuật bụng dưới: 1,6 mL (12 mg).

Phẫu thuật mở tử cung: 1–1,4 mL (7,5 10,5 mg).

Giảm đau khi chuyển dạ với âm đạo bình thường: 0,8 mL (6 mg)

Trẻ em

Trẻ em ≥ 12 tuổi: Nhà sản xuất không đưa ra liều lượng cụ thể. Liều dùng phụ thuộc vào từng người.

Đối tượng khác

  • Người cao tuổi: Cân nhắc giảm liều.
  • Bệnh nhân suy thận: Cân nhắc khả năng tăng nguy cơ nhiễm độc ở người suy thận và lựa chọn liều dùng thích hợp.
  • Bệnh nhân suy gan trung bình đến nặng: Cân nhắc giảm liều và theo dõi độc tính toàn thân.

Tác dụng phụ thuốc Bupivacaine 

Sử dụng Bupivacaine có thể gây đau đầuSử dụng Bupivacaine có thể gây đau đầu

Thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ, chẳng hạn như:

Tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, đau lưng, chóng mặt, hoặc các vấn đề về chức năng tình dục.

Gọi cấp cứu nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào của một phản ứng dị ứng: phát ban, nổi mẩn đỏ, ngứa; hắt hơi, khó thở; chóng mặt nặng, nôn mửa; sung mặt,môi, lưỡi, hoặc họng.

Báo cho bác sĩ biết ngay nếu bạn có bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng, bao gồm:

  • Cảm thấy lo lắng, bồn chồn, nhầm lẫn, hoặc cảm giác bạn có thể ngất đi.
  • Vấn đề về nói chuyện, và thị giác.
  • Ù tai, miệng có vị như kim loại, tê hoặc ngứa ran xung quanh miệng, hoặc
  • Co giật, động kinh.
  • Thở yếu hoặc thở nông.
  • Tim đập nhanh, thở hổn hển, cảm giác nóng nực bất thường.
  • Tim đập chậm và yếu.
  • Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không tiểu được.

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Lưu ý thuốc Bupivacaine 

Báo với bác sĩ nếu bạn đã từng bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc tê nào.

Để chắc chắn rằng bạn có thể được tiêm bupivacain một cách an toàn, báo với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ các tình trạng nào sau đây:

  • Thiếu máu (thiếu tế bào hồng cầu).
  • Bệnh thận hoặc bệnh gan.
  • Rối loạn đông máu hoặc rối loạn chảy máu.
  • Giang mai, bệnh bại liệt, u não hoặc u tủy sống.
  • Tê hoặc ngứa ran.
  • Đau lưng mãn tính, đau đầu gây ra bởi phẫu thuật.
  • Tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp.
  • Vẹo cột sống.
  • Viêm khớp.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Chưa có nghiên cứu đầy đủ để xác định những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ em nếu bạn cho con bú khi đang dùng Bupivacaine. Cân nhắc lợi ích tiềm năng với những rủi ro tiềm tàng trước khi dùng thuốc này trong giai đoạn cho con bú.

Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ.

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc Bupivacaine 

Bupivacaine có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Sử dụngthuốc này với bất kỳ các loại thuốc sau đây thường không được khuyến khích, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Nếu cả hai loại thuốc được kê cùng lúc, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc tần suất sử dụng một hoặc cả hai loại thuốc:

  • Hyaluronidase;
  • Propofol;
  • Propranolol;
  • St John’s Wort;
  • Verapamil.

Sử dụng thuốc này với bất kỳ các loại thuốc sau đây có thể gây ra các tác dụng phụ nhất định, tuy nhiên trong vài trường hợp, sử dụng cùng lúc hai loại thuốc có thể là phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.

  • Alacepril;
  • Benazepril;
  • Captopril;
  • Cilazapril;
  • Delapril;
  • Enalaprilat;
  • Enalapril maleate;
  • Fosinopril;
  • Imidapril;
  • Lisinopril;
  • Moexipril;
  • Pentopril;
  • Perindopril;
  • Quinapril;
  • Ramipril;
  • Spirapril;
  • Temocapril;
  • Trandolapril;
  • Zofenopril.

Thức ăn và rượu bia có tương tác tới bupivacaine không?

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến bupivacaine?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có những vấn đề sức khỏe, đặc biệt là:

  • Bệnh cơ xương khớp –Có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.
  • Bệnh thận.
  • Bệnh gan – Sử dụng một cách thận trọng. Các tác dụng có thể tăng lên vì quá trình đào thải thuốc diễn ra chậm hơn.

Bảo quản thuốc Bupivacaine 

Bạn nên bảo quản bupivacaine như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Làm gì khi dùng quá liều; quên liều?

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng quá liều thuốc Bupivacaine: Suy cơ tim, suy tâm thu, mất ý thức, co giật, ức chế hô hấp toàn bộ.

Cách xử lý khi quá liều

Triệu chứng quá liều như co giật toàn thân được xử trí bằng oxy và hô hấp hỗ trợ. Tăng cường thông khí có thể làm giảm mạnh độc tính. Có thể tiêm tĩnh mạch và tiêm nhắc lại những liều nhỏ barbiturate có thời gian tác dụng ngắn như thiopental 50–150 mg hoặc diazepam 5–10 mg. Cũng có thể dùng suxamethonium nhưng chỉ có các bác sĩ chuyên khoa gây mê mới được quyền chỉ định.

Đối với triệu chứng suy tuần hoàn được xử trí bằng cho thở oxy, đặt đầu thấp, cho thuốc cường giao cảm, truyền dịch. Trường hợp vô tâm thu hoặc rung thất, cần phải được hồi sức tích cực, kéo dài, phải cho thêm epinephrine và natri hydrocarbonate càng sớm càng tốt.

Quên liều và xử trí

Việc sử dụng thuốc được thực hiện bởi nhân viên y tế nên ít có khả năng quên liều.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!