Video Cấp cứu kịp thời người bị xuất huyết tiêu hóa
Một số trường hợp ít gặp như chấn thương nội tạng gây chảy máu nội tạng, máu chảy thông vào đường tiêu hoá qua vết thương và gây nôn ra máu.
Máu có thể có màu nâu dạng bã cà phê, đỏ sẫm hoặc đỏ tươi. Màu sắc của máu có thể gợi ý nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Ví dụ, máu sẫm màu hơn thường chỉ ra vị trí xuất phát từ đường tiêu hóa trên, chẳng hạn như dạ dày, lượng máu chảy ít và ổn định. Mặt khác, máu đỏ tươi thường thấy trong đợt chảy máu cấp tính của từ thực quản hoặc dạ dày với diện biến nhanh hơn và lượng nhiều hơn. Do đó, người bệnh cần miêu tả rõ tính chất máu với bác sĩ điều trị để định hướng vị trí tổn thương.
Nếu một người nôn ra một lượng máu lớn, thường là 500ml hoặc thể tích tương đương một chiếc cốc nhỏ, hoặc nếu bạn nôn ra máu kèm theo chóng mặt, thở nhanh, bạn nên gọi cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa đến phòng khám cấp cứu gần nhất.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nôn ra máu. Mức độ nghiêm trọng của các nguyên nhân này từ nhẹ đến nặng bao gồm:
Các nguyên nhân nhẹ:
- Kích ứng thực quản
- Chảy máu cam
- Ăn thực phẩm chứa tiết
- Rách thực quản do ho mãn tính hoặc nôn mửa
- Nuốt phải dị vật
Các nguyên nhân phổ biến của nôn ra máu:
- Viêm loét dạ dày
- Tác dụng phụ của aspirin
- Tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid
- Viêm tụy
Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây nôn ra máu bao gồm:
- Xơ gan, gây giãn tĩnh mạch thực quản
- Ung thư thực quản
- Ung thư tụy
Triệu chứng
Một số triệu chứng có thể đi kèm với nôn ra máu:
- Buồn nôn
- Khó chịu ở bụng
- Đau bụng
- Nôn ra dịch dạ dày
Một số dấu hiệu nguy hiểm cần được đưa đến ngay trung tâm cấp cứu:
- Chóng mặt
- Mờ mắt
- Đánh trống ngực
- Thay đổi nhịp thở
- Da lạnh, nổi da gà
- Giảm ý thức
- Ngất xỉu
- Đau bụng dữ dội
- Nôn ra máu sau khi bị thương
Chẩn đoán
Có nhiều bệnh lý có thể khiến bạn bị nôn ra máu. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi về các triệu chứng của bạn và tiền sử bệnh lý trước đây. Bên cạnh đó là các nghiệm chẩn đoán hình ảnh để xem xét tổn thương bên trong cơ thể như vỡ tạng hoặc khối bất thường. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh phổ biến được sử dụng là:
- Chụp CT
- Nội soi đường tiêu hoá
- Siêu âm
- X-quang
- MRI
Nội soi dạ dày có thể thực hiện trong khi bạn được dùng thuốc an thần. Bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ, làm từ vật liệu dẻo, linh hoạt vào miệng và đi xuống dạ dày và ruột non của bạn. Một camera gắn ở đầu ống cho phép bác sĩ nhìn thấy nguồn chảy máu và tổn thương gây chảy máu. Sinh thiết dạ dày tá tràng cũng có thể được thực hiện trong lúc nội soi để chẩn đoán bệnh (viêm dạ dày, ung thư dạ dày...)
Xét nghiệm công thức máu giúp đánh giá lượng máu bị mất, ngoài ra cũng để đánh giá tiểu cầu nhằm loại trừ một số bệnh về máu. Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung dựa trên kết quả công thức máu của bạn.
Biến chứng
Sặc vào đường thở là một trong những biến chứng chính của nôn ra máu gây ứ dịch trong phế nang và giảm khả năng trao đổi khí của phổi. Đây là tình huống nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời.
Những người có nguy cơ sặc bao gồm:
- Người cao tuổi
- Những người có tiền sử lạm dụng rượu
- Người có tiền sử đột quỵ
- Những người có tiền sử rối loạn ảnh hưởng đến khả năng nuốt
Tùy thuộc vào nguyên nhân, nôn ra máu có thể gây ra các biến chứng khác.
Sốc là một biến chứng khi máu chảy nhanh và dữ dội. Các dấu hiệu của sốc bao gồm:
- Chóng mặt khi đứng
- Thở nhanh, nông
- Thiểu niệu
- Da xanh xao, lạnh
Nếu không được điều trị ngay lập tức, có thể tiến triển đến tụt huyết áp, sau đó hôn mê và tử vong. Nếu người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào của sốc, hãy đưa ngay đến phòng khám cấp cứu để được xử trí.
Mặt khác, nôn ra máu lượng ít, kéo dài có thể dẫn đến biến chứng thiếu máu trong vài tuần đến vài tháng do triệu chứng kín đáo. Trong trường hợp này, thiếu máu có thể không gây ra triệu chứng cho đến khi hemoglobin rất thấp.
Điều trị
Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm mức độ nghiêm trọng của mất máu, nguyên nhân gây nôn ra máu…
Những người bị mất nhiều máu có thể phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch hoặc truyền máu kết hợp điều trị cầm máu qua nội soi đường tiêu hoá. Các phương pháp cầm máu như:
- Tiêm thuốc trực tiếp vào chỗ chảy máu
- Sử dụng nhiệt để cầm máu qua đầu dò hoặc tia laser
- Đặt kẹp cầm máu
Phẫu thuật nếu không thể cầm máu bằng các phương pháp khác.
Đồng thời, trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ cũng điều trị nguyên nhân gây xuất huyết, có thể bao gồm:
- Dùng kháng sinh nếu nhiễm trùng H. pylori. Dùng thuốc ức chế bơm proton nhằm giảm tiết axit dạ dày giúp vết loét lành lại nếu nguyên nhân chảy máu là loét niêm mạc dạ dày, tá tràng.
- Ngừng bất kỳ loại thuốc nào gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá trên mà người bệnh đang sử dụng trước đó (ví dụ: NSAID,…).
Một số thực phẩm và đồ uống làm tăng khả năng nôn ra máu như các thực phẩm có tính axit cao, đồ uống có cồn. Nếu bạn thường xuyên ăn uống những thực phẩm hoặc đồ uống này, bác sĩ có thể giúp bạn thiết lập một chế độ ăn uống đặc biệt để giảm nguy cơ tái phát.
Các chủ đề liên quan: Nội soi đường tiêu hoá. Đi ngoài phân đen. Loét dạ dày tá tràng. Giãn tĩnh mạch thực quản. Xơ gan. NSAID. Thuốc chống trầm cảm. Nôn ra máu. Xuất huyết tiêu hóa
Xem thêm:
- Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị xuất huyết tiêu hóa cao
- Dấu hiệu xuất huyết tiêu hoá, nguyên nhân và các biến chứng có thể xảy ra
- Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị xuất huyết tiêu hóa thấp
- Tác động của thuốc chống trầm cảm Prozac đến chảy máu ruột non
- Những điều cần biết về xuất huyết đường tiêu hoá dưới: triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị