Video: Chứng ợ nóng và trào ngược thực quản
Trào ngược acid là một tình trạng bệnh lý, mức độ bao gồm từ nhẹ đến nghiêm trọng. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (sau đây gọi tắt là TNDDTQ) là thể mạn tính của trào ngược acid, có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Còn ợ nóng được xem là một triệu chứng của TNDDTQ. Hãy theo dõi sự khác nhau giữa ợ nóng, trào ngược acid và trào ngược dạ dày thực quản ở bài viết sau
Ợ nóng là gì?
Ợ nóng xảy ra tại đường tiêu hóa, cụ thể là trong thực quản của bạn. Chứng ợ nóng bao gồm các cơn đau từ nhẹ đến nặng ở ngực, và đôi khi ợ nóng bị nhầm lẫn với cơn đau do nhồi máu cơ tim.
Do có lớp niêm mạc mỏng hơn so với dạ dày, nên khi acid dạ dày xuất hiện tại thực quản sẽ gây ra cảm giác nóng rát ở ngực. Người bệnh có thể cảm thấy buốt, rát hoặc cảm thấy như bị bóp nghẹt. Triệu chứng nóng rát có thể di chuyển lên cổ và họng, hoặc gây ra cảm giác khó chịu tại vùng sau xương ức.
Tình trạng ợ nóng thường xuất hiện ngay sau bữa ăn, cảm giác khó chịu có thể tăng lên khi bệnh nhân ở tư thế cúi hoặc nằm.
Ợ nóng là một triệu chứng khá thường gặp. Ước tính khoảng hơn 60 triệu người Mỹ bị ợ nóng với tần suất 1 lần/ tháng trở lên. Bạn có thể kiểm soát tình trạng ợ nóng bằng một số cách như giảm cân, bỏ thuốc lá, giảm thức ăn chứa hàm lượng chất béo cao, tránh các loại đồ ăn cay nóng hoặc có tính acid,…
Trào ngược acid là gì?
Trào ngược acid xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới không thực hiện đầy đủ chức năng của mình, việc này khiến cho dịch vị từ dạ dày di chuyển ngược lên thực quản.
Trào ngược acid có thể gây ra các triệu chứng như ợ nóng, ho, viêm họng, đắng hoặc chua miệng, nóng rát,…
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
TNDDTQ là dạng mạn tính của trào ngược acid, khi tình trạng này diễn ra với tần suất nhiều hơn 2 lần/ tuần.
Bệnh diễn biến lâu ngày có thể dẫn đến ung thư.
Bệnh nhân có thể cải thiện triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc kháng acid hoặc các thuốc không kê đơn (OTC) khác.
Triệu chứng của TNĐTQ
Những triệu chứng của TNDDTQ bao gồm: hơi thở có mùi, hỏng men răng, ợ nóng, trào ngược thức ăn, đau ngực, ho khan, hen suyễn dai dẳng lâu ngày, khó nuốt,…
Nguyên nhân gây ra TNDDTQ
Những nguyên nhân gây ra tình trạng TNDDTQ có thể kể đến như thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu hoặc đồ uống có cồn, sử dụng các thuốc làm giảm trương lực cơ vòng thực quản như thuốc kháng histamine, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc giảm đau an thần, thuốc chống trầm cảm,…
TNDDTQ ở trẻ em
TNDDTQ là khá thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tình trạng này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân là do dạ dày của trẻ khá bé và khả năng dung nạp thức ăn kém, khiến thức ăn trong dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản.
Các triệu chứng thường gặp đối với trẻ sơ sinh bao gồm:
- Khó chịu sau khi cho ăn.
- Khó thở.
- Nôn trớ, đặc biệt sau khi ăn hoặc bú.
- Quấy khóc.
- Tăng trưởng không bình thường.
- Bỏ ăn.
- Nôn mửa, khạc nhổ.
- Khò khè
- Khó thở
Để giảm nguy cơ xảy ra biến chứng, việc cho trẻ đi khám bác sĩ nếu chúng gặp phải những triệu chứng trên là hoàn toàn cần thiết.
TNĐTQ và Ợ nóng ở phụ nữ có thai
Phụ nữ có thai có khả năng bị TNDDTQ cao hơn người bình thường, điều này thường xảy ra trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ, chuyển nặng hơn ở những tháng cuối và kết thúc sau khi sinh con.
Điều này được lý giải là do nồng độ hormone progesterone tăng cao ở phụ nữ có thai, và hormone này có tác dụng làm giảm trương lực cơ vòng thực quản dưới.
Nên lưu ý rằng việc sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai cần cân nhắc kỹ yếu tố lợi ích – nguy cơ, vì thuốc có thể đi qua nhau thai người mẹ và ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, các chuyên gia cũng thường khuyến khích người mẹ thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế các loại thực phẩm có hại hoặc kê cao gối khi ngủ.
Chẩn đoán TNDDTQ
Các cách chẩn đoán TNDDTQ bao gồm:
- Đo pH thực quản: Luồn một máy đo qua mũi xuống thực quản của bệnh nhân, xác định liệu có acid trong thực quản hay không.
- Nội soi: Gắn camera vào một dụng cụ chuyên dụng, luồn ống từ miệng xuống dạ dày và ruột non. Qua đó giúp bác sĩ xác định các dấu hiệu tổn thương, viêm loét hoặc khối u. Ngoài ra, dụng cụ này đồng thời cũng có khả năng lấy mô từ cơ thể để tiến hành sinh thiết.
Biến chứng
Acid từ dạ dày có thể phá hủy lớp niêm mạc tại thực quản. Nếu không điều trị đúng cách có thể để lại những di chứng như loét, chảy máu hoặc để lại sẹo.
Điều trị
Điều trị TNDDTQ bao gồm cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Những thuốc thường dùng có thể kể đến như:
- Antacid: Là lựa chọn đầu tay cho tình trạng TNDDTQ của bệnh nhân, chúng có tác dụng làm giảm lượng acid trong dạ dày nhanh chóng, từ đó giúp cải thiện triệu chứng.
- Thuốc kháng thụ thể H2: Khi thuốc kháng acid đơn độc không hiệu quả, có thể kết hợp sử dụng thêm thuốc kháng thụ thể H2. Một số thuốc thuộc nhóm này có thể kể đến như Tagamet (cimetidine) hay Pepcid (famotidine).
- Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng lâu hơn 2 loại thuốc kể trên, đồng thời cũng làm giảm lượng acid do dạ dày tiết ra. Điều này cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh. Một số đại diện của nhóm là Nexium (esomeprazole), Prilosec (omeprazole), Prevacid (lansoprazole),…
Nếu những biện pháp trên không giúp cải thiện tình trạng bệnh, bệnh nhân có thể sẽ cần can thiệp phẫu thuật để tránh gặp phải những tổn thương nghiêm trọng.
Khi nào cần tham khảo ý kiến bác sĩ
Triệu chứng của ợ nóng dễ bị nhầm lẫn với cơn đau thắt ngực, thực tế thì 2 tình trạng này hoàn toàn không liên quan đến nhau. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng đau ngực đi kèm với khó thở, đổ mồ hôi, chóng mặt,…thì bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức.
Bệnh nhân TNDDTQ cần đến sự can thiệp y tế khi có những triệu chứng sau:
- Nôn mửa thường xuyên.
- Khó thở.
- Khó nuốt.
- Chất nôn có màu đỏ tươi hoặc giống bã cà phê.
Xem thêm:
- Trào ngược dạ dày thực quản: đối tượng nguy cơ và điều trị
- Biện pháp ngăn ngừa tình trạng trào ngược dạ dày thực quản
- 8 phương pháp điều trị tại nhà cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản
- Mối liên quan giữa trà và cà phê với trào ngược dạ dày- thực quản( GERD)
- Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản (GERD)