Sự đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt: niềm tin hay sự thật?

Có một số người tin rằng những người phụ nữ sống cùng nhau hoặc có mối quan hệ thân thiết với nhau có thể bắt đầu hành kinh vào cùng một thời điểm của tháng.

Hiện tượng này còn được biết đến với tên gọi khác là “sự đồng bộ kinh nguyệt” hoặc “hiệu ứng McClintock”, dựa trên một lý thuyết cho rằng khi một phụ nữ tiếp xúc nhiều với một phụ nữ khác – đang trong lứa tuổi hành kinh – thì dần dần hai người sẽ có chu kỳ kinh nguyệt tương tự nhau. 

Theo các giai thoại truyền miệng, nhiều phụ nữ tin rằng hiện tượng trên là có thật trong thực tế, tuy nhiên trong các tài liệu y khoa thì chưa có một thông tin cụ thể nào xác thực sự đúng đắn của vấn đề này. 

Nào, bây giờ hãy cùng tìm hiểu thêm về hiện tượng này nhé.

Hiệu ứng McClintock

Đã từ khá lâu, ý niệm sơ khai về “sự đồng bộ kinh nguyệt” được truyền lại qua các thế hệ mẹ - con, và đồng thời nó cũng trở thành vấn đề được bàn tán thường xuyên của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ được giới khoa học tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc từ khi Martha McClintock thực hiện một khảo sát trên 135 nữ sinh đại học sống cùng nhau tại ký túc xá. 

Nghiên cứu tập trung chủ yếu vào thời điểm bắt đầu xuất hiện chảy máu, và đã nhận thấy có sự tương đồng về thời điểm hành kinh của các nữ sinh. Kể từ đó, hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng McClintock”.

Các nghiên cứu mới nhất

Sự ra đời của các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt trên nền tảng số đã cung cấp lượng dữ liệu khổng lồ, tạo điều kiện xác định xem liệu “hiệu ứng McClintock” có thật hay không. Và một nghiên cứu mới đây đã đưa ra kết quả bất ngờ.

Năm 2006, một nghiên cứu đã được tiến hành trên 186 nữ sinh tại một ký túc xá tại Trung Quốc. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng không có bất kỳ sự đồng bộ nào xảy ra cả, hoàn toàn chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Một nghiên cứu khác của Đại học Oxford với sự hỗ trợ của ứng dụng Clue đã thu thập dữ liệu từ 1500 phụ nữ, và cho kết quả tương tự: Không có bất kỳ sự ảnh hưởng nào lên chu kỳ kinh nguyệt cả!

Trái ngược với hai nghiên cứu kể trên, một khảo sát được tiến hành vào năm 2017 đã chỉ ra có sự “đồng bộ kinh nguyệt” trên 44% đối tượng của khảo sát đó. Đồng thời, kết quả của khảo sát cũng cho biết các triệu chứng của kinh nguyệt như đau nửa đầu,…cũng xảy ra khá phổ biến ở những người sống cùng nhau. 

Sự liên quan giữa chu kỳ kinh nguyệt và chu kỳ trăng

Theo tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, “kinh nguyệt” là sự kết hợp của các từ có nghĩa là “mặt trăng” và “tháng”. Điều này chứng tỏ rằng từ lâu con người đã có niềm tin rằng chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có liên quan đến chu kỳ của mặt trăng.

Trong một nghiên cứu được tiến hành vào năm 1986, hơn 28% người tham gia có kinh nguyệt trong giai đoạn trăng khuyết – đồng nghĩa với việc cứ 4 người thì có 1 người hành kinh ở giai đoạn này. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng không có mối liên quan cụ thể nào giữa kinh nguyệt và sự lên xuống của mặt trăng.

Khó khăn trong việc chứng minh và kết luận

Việc chứng minh sự ảnh hưởng giữa người – người lên chu kỳ kinh nguyệt là điều vô cùng khó khăn, do một vài lý do sau:

  • Chưa có kết quả chứng minh liệu các yếu tố tác động giữa người – người có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hay không. 
  • Kinh nguyệt của từng người khác nhau là khác nhau. Trong khi đa số phụ nữ có chu kỳ rơi vào khoảng 28 ngày và kéo dài khoảng 5 – 7 ngày, một số phụ nữ lại có chu kỳ khác với số còn lại.
  • Kinh nguyệt xuất hiện thường tuân theo quy luật của xác suất thống kê. Cho ví dụ đơn giản, nếu có 4 người sống cùng với nhau và kinh nguyệt của họ đều kéo dài trong thời gian 7 ngày thì khả năng cao là sẽ có ít nhất 2 người hành kinh cùng một thời điểm. 

Lời kết

Mặc dù vấp phải nhiều khó khăn trong nghiên cứu nhưng những vấn đề sức khỏe phụ nữ nói chung và kinh nguyệt của họ nói riêng đáng nhận được sự quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn. Từ đó, thông tin về những vấn đề như “sự đồng bộ kinh nguyệt” sẽ được tìm hiểu một cách thấu đáo hơn. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!